Vì sao Trưởng ban Nội chính Thái Bình gây tai nạn chết người chưa bị khởi tố?
Theo cơ quan công an, vụ việc Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình gây tai nạn khiến 3 người thương vong vẫn đang được điều tra theo đúng quy trình.
Chiều 25/5, ông Nguyễn Xuân Hậu – Trưởng công an TP Thái Bình cho biết, cơ quan công an đang chờ kết quả giám định liên quan vụ ông Nguyễn Văn Điều – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình gây tai nạn khiến 3 người thương vong. Sự việc xảy ra ngày 8/5 tại khu vực cây xăng Phiệt Học (phường Tiền Phong, TP Thái Bình),
Theo ông Hậu, cơ quan công an vẫn đang làm theo đúng quy trình. Ông Hậu cho biết sự vụ trên chưa được khởi tố.
Cũng liên quan tới vụ việc này PV VTC News nhiều lần liên hệ với ông Khiếu Ngọc Sáng – Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Thái Bình về kết luận kỷ luật ông Nguyễn Văn Điều nhưng không nhận được phản hồi.
Ngày 25/5, PV cũng liên hệ ông Nguyễn Tiến Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình liên tục nhưng cũng không nhận được phản hồi.
Ngày 22/5, sau khi PV nhắn tin hỏi việc xem xét kỷ luật ông Điều, ông Thành cho biết, “Anh trao đổi với em sau” nhưng sau đó hoàn toàn bật vô âm tín.
Điều khiến dư luận băn khoăn, vụ việc xảy ra hơn nửa tháng nhưng vẫn chưa được cơ quan điều tra khởi tố, mặc dù trong vụ TNGT này có 1 người chết, 2 người bị thương.
Ông Nguyễn Văn Điều bên chiếc xe gây tai nạn giao thông ngày 8/5 ở gần cây xăng Phiệt Học.
Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng vụ việc đã xảy ra nhiều hôm nhưng tới nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Điều này có thể kiến dư luận bức xúc, e ngại có sự bao che.
“Nhưng tôi nghĩ tình tiết vụ việc đã rất rõ ràng, bản thân cơ quan điều tra cũng đang vào cuộc để làm rõ vấn đề nên việc dư luận đặt vấn đề có tội hay không có tội là rất khó.
Điều cần thiết hiện nay là cơ quan chức năng cần làm việc nhanh chóng để đưa ra kết luận về việc ông này có tội hay không có tội, trả lời với công luận.
Cơ quan điều tra, cơ quan Viện kiểm sát nên phối hợp điều tra vụ việc, xem xét tình tiết, nội dung cụ thể.
Trước mắt Tỉnh ủy Thái Bình đã đình chỉ chức vụ với ông Điều, như vậy rất dễ dàng, tạo điều kiện cho công tác điều tra, truy tố, xét xử nếu ông này có tội”, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến.
“Người nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng nếu là Đảng viên, còn nếu vi phạm tới trách nhiệm hình sự thì cần phải truy tố, xét xử cho rõ ràng để cho thấy không có vùng cấm, bất cứ ai, người nào có chức vụ cao hay thấp đều phải bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật, không dung túng, bao che.
Với người thường đã phải xử nghiêm, trong trường hợp này còn là người có chức vụ cao trong Thường vụ Tỉnh ủy. Nếu vi phạm, tôi cho rằng Tỉnh ủy, Ban Bí thư Trung ương sẽ có hình thức xử lý, kỷ luật thích đáng với trường hợp này”, ông Hòa cho biết.
Khoảng 18h ngày 8/5, trên đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP Thái Bình), một chiếc ô tô va chạm với xe đạp của bà P.T.N. (63 tuổi, trú tại phường Tiền Phong). Sau đó, xe đạp tiếp tục va chạm với xe máy khác. Ngay sau vụ va chạm, bà N. được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Sau khi gây tai nạn, ô tô tiếp tục đâm vào một xe máy khác khiến tài xế bị thương. Lái xe ô tô sau đó bỏ chạy khỏi hiện trường. Khi xe chạy tới khu công nghiệp Phúc Khánh ở TP Thái Bình thì bị bảo vệ đóng cửa chặn lại. Tài xế cố thủ trong xe, sau đó, tài xế rời đi cùng công an.
Video: Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy
Ngày 13/5, tin từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, chiều 12/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức họp, nghe công an và các cơ quan liên quan báo cáo về vụ việc của ông Nguyễn Văn Điều – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình lái xe gây tai nạn giao thông khiến 3 người thương vong ngày 8/5.
Sau khi thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tạm dừng thực hiện nhiệm vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đối với ông Nguyễn Văn Điều từ 12/5.
Việc xem xét kỷ luật đối với ông Điều sẽ được thực hiện sau khi cơ quan chức năng có kết luận điều tra, xác minh vụ việc.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình quyết định giao bà Phạm Thị Liễu Lập – Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình phụ trách Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thời gian ông Điều tạm dừng thực hiện nhiệm vụ.
Luật sư nói gì vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố vòi 6,2 triệu đồng?
Theo luật sư, nếu nội dung tố cáo CSGT vòi 6,2 triệu là đúng, cần xem xét khởi tố về tội "cưỡng đoạt tài sản" và "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Mới đây, Công an TP.HCM vừa chỉ đạo Thanh Tra Công an TP.HCM vào cuộc xác minh vụ một CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất, thuộc phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM bị tố vòi tiền 6,2 triệu đồng cho lỗi 400.000 đồng.
Trước đó, ngày 25/5, trả lời VTC News, anh Thái Đăng Phú (23 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện tạm trú ở tỉnh Bình Dương) cho biết vừa có đơn tố giác tội phạm và yêu cầu khởi tố gửi đến Thanh tra Công an TP.HCM, Viện KSND TP.HCM, về việc một cán bộ CSGT đòi anh phải nộp 6,2 triệu đồng cho lỗi vi phạm 400.000 đồng.
Trong đơn, anh Phú tố cáo một cán bộ CSGT tên M. thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM) có số điện thoại 0394.956.179, trong ca trực ngày 12/5, đã cưỡng đoạt số tiền 2 triệu đồng của anh, sau đó tiếp tục o ép để cưỡng đoạt thêm 3 triệu đồng.
Anh Phú kể lại, khoảng 9h ngày 12/5, anh Phú chạy xe máy Exciter 150 màu đỏ nhám mới mua từ cửa hàng về, có gắn biển "xe xin số", đi đến đoạn gần Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) thì bị tổ công tác của Đội CSGT Tân Sơn Nhất dừng xe kiểm tra.
Chiếc xe mới mua còn treo biển "xe xin số" nhưng bị một CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất vòi 6,2 triệu đồng.
Chiếc xe mới mua còn treo biển "xe xin số" nhưng bị một CSGT thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất vòi 6,2 triệu đồng.
Sau khi trình bằng lái và giấy biên nhận giao xe từ cửa hàng, anh Phú được một CSGT tên M. thông báo mức phạt 6,2 triệu đồng đối với lỗi không gắn biển số, yêu cầu đưa đủ tiền sẽ được trả lại bằng lái và thả cho đi.
Sau khi về trụ sở đội CSGT ở đường Trần Huy Liệu, CSGT tên M. "giảm giá" cho anh Phú xuống còn 6 triệu đồng rồi 5 triệu, nhưng anh Phú vẫn từ chối đóng tiền vì trong người không có đủ số tiền trên. CSGT tên M. yêu cầu mở ví anh Phú ra xem, sau đó lấy đi 4 tờ mệnh giá 500.000 đồng (2 triệu đồng).
Sau khi CSGT tên M. lấy được 2 triệu đồng, thì đồng ý cho anh Phú đưa xe về nhưng vẫn giữ lại giấy phép lái xe và hẹn sẽ trả lại sau khi đưa đủ 3 triệu đồng còn lại.
Trả lời VTC News, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nếu thông tin của anh Thái Đăng Phú tố cáo CSGT ở trên là có cơ sở, cần sớm xem xét khởi tố vụ án về tội "cưỡng đoạt tài sản" theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
"Trước mắt có thể tạm đình chỉ công việc của cán bộ CSGT bị tố cáo và chuyển hồ sơ vụ việc lên cơ quan cấp trên điều tra theo thẩm quyền để đảm bảo sự minh bạch", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho rằng, theo nội dung tố cáo thì hành vi của cán bộ CSGT nói trên không chỉ là đòi hỏi, ép buộc người vi phạm giao thông đưa hối lộ mà còn có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng hoàn cảnh của người vi phạm giao thông để đe dọa, uy hiếp, ép buộc họ phải đưa tiền cho người thi hành công vụ để bỏ qua lỗi vi phạm.
Do đó, trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy nội dung tố cáo của thanh niên trên là đúng sự thật, cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý nghiêm minh đối với những người vi phạm về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
"Việc xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ CSGT có hành vi vòi vĩnh, nhận tiền hối lộ của người dân sẽ đảm bảo được niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với chính quyền, do đó cần phải xem xét loại bỏ những cán bộ trên ra khỏi lực lượng CSGT", luật sư Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, nếu cán bộ CSGT trên bị khởi tố có thể đối mặt với mức án từ 1 năm đến 5 năm tù giam tùy mức độ hành vi căn cứ theo tính chất, thiệt hại, trong đó liên quan đến việc có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Còn theo luật sư Trương Thị Minh Thông (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, nếu những nội dung trong đơn của anh Thái Đăng Phú là đúng, thì hành vi CSGT buộc người vi phạm phải đưa tiền để không xử lý vi phạm có thể bị khởi tố về tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017.
Cụ thể, cán bộ CSGT này đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một phương tiện để làm một việc vượt ngoài trách nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể là uy hiếp, lừa đối... người khác để chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, giá trị tài sản chiếm đoạt là 2.000.000 đồng, đủ điều kiện để khởi tố hình sự theo khoản 1 Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.
"Khoản 1 Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 ghi rõ, người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm", luật sư Thông cho biết thêm.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Người tố giác một CSGT đòi 6,2 triệu đồng nộp đơn yêu cầu khởi tố Anh Thái Đăng Phú vừa có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu khởi tố để điều tra việc bị một CSGT (TP.HCM) đòi 6,2 triệu đồng cho lỗi vi phạm 400.000 đồng. Sáng 25/5, trao đổi với VTC News, anh Thái Đăng Phú (23 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện tạm trú ở tỉnh Bình Dương) cho biết vừa có đơn tố...