Vì sao Trung Quốc bất ngờ thân thiện tại Đối thoại Shangri-La?
Rút kinh nghiệm năm ngoái, đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La năm nay bỗng nhiên nhũn nhặn và thân thiện bất thường.
Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Quan Hữu Phi trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài. Ảnh: SCMP
Đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay có vẻ được chuẩn bị tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn năm ngoái, khi trưởng đoàn Đô đốc Tôn Kiến Quốc và các đồng nghiệp đều tỏ ra “nhũn nhặn” một cách bất thường với giới truyền thông, theo SCMP.
Chỉ hai giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đăng đàn cáo buộc Trung Quốc “khiêu khích, gây bất ổn và tự cô lập”, đoàn Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp báo riêng rẽ với báo chí trong nước và quốc tế.
Các phóng viên rất ngạc nhiên khi cả hai cuộc họp báo đều do Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi, vụ trưởng Vụ Đối ngoại Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ trì và đứng ra trả lời các câu hỏi thay cho người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân.
Không giống như Dương Vũ Quân, người thường đọc nguyên văn một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn cho các buổi họp báo, ông Quan Hữu Phi trả lời các câu hỏi của phóng viên mà không cần văn bản chuẩn bị trước, với những lời lẽ trôi chảy và được đánh giá là sắc bén nhằm “phản pháo” những lời chỉ trích của Mỹ.
Năm ngoái, đoàn Trung Quốc tổ chức họp báo vào ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, sau khi Đô đốc Tôn phát biểu. Còn năm nay, tùy viên báo chí của đoàn Trung Quốc đã chủ động liên hệ với các phóng viên quốc tế và mời họ tham dự hai cuộc họp báo bất ngờ.
Video đang HOT
Trong hơn 10 cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực suốt hai ngày vừa qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc luôn mỉm cười và tỏ ra nhũn nhặn hơn với những người đồng cấp so với năm ngoái.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc bắt tay với một đại biểu dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters
Khi gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee hôm thứ sáu, ông Tôn bất ngờ nói: “Tôi có thể ôm ông một cái không, ông bạn cũ?”. “Xin mời nói trước, vì cấp bậc của ông cao hơn của tôi”, Tôn tỏ ra nhún nhường với ông Brownlee.
Đô đốc Tôn năm nay cũng thường xuyên mời các đối tác nói trước trong các cuộc tiếp xúc song phương, như một cử chỉ bày tỏ sự tôn trọng. Ông này thậm chí còn tự trào về tuổi tác của mình trước người đối diện: “Ông vẫn trẻ như hồi chúng ta gặp năm ngoái, còn tôi thì đang già đi”, Tôn nói với Tư lệnh quân đội Australia Mark Binskin.
Khi gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, ông Tôn bình luận rằng “đôi mắt sáng” của vị tướng 61 tuổi này đã gây ấn tượng mạnh với ông ngay từ lần gặp đầu tiên hồi năm ngoái.
Trong Đối thoại Shangri-La năm 2015, sau khi hứng chịu chỉ trích từ Mỹ và Nhật Bản vì những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, Đô đốc Tôn đã tỏ ra căng thẳng và cứng nhắc trong bài phát biểu của mình. Ông cũng bị báo chí nước ngoài chỉ trích vì không trả lời đúng trọng tâm các câu hỏi của họ trong dịp này.
Trung Quốc ngày 5.6 đã chỉ trích cách hành động của Mỹ, tuyên bố Bắc Kinh không sợ “rắc rối” liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: “Các nước bên ngoài cần đóng vai trò xây dựng liên quan đến vấn đề này. Vấn đề Biển Đông đã trở nên quá nóng do những hành động gây hấn của một số quốc gia nhằm vụ lợi cho riêng mình”.
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên một hòn đảo ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền sẽ dẫn đến “những hành động” của Mỹ và các nước khác. Bộ trưởng Carter cho rằng Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác cho nên Trung Quốc đã trở thành trọng tâm chú ý. (Duy Anh)
Theo Việt Dũng (Vnexpress)
Khai mạc Đối thoại Shangri La: Nóng vấn đề Biển Đông
Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu có một lịch trình dày đặc các cuộc tiếp xúc song phương
Đối thoại Shangri La vừa khai mạc cách đây vài tiếng đồng hồ tại Singapore với sự tham dự của khoảng 30 đoàn Bộ Quốc phòng các nước, trong đó đoàn Trung Quốc lần đầu tiên có một Đô đốc Hải quân, Phó Tổng Tham mưu trưởng Tôn Kiên Quốc đến dự và đoàn Mỹ cũng hùng hậu không kém khi có mặt cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter lẫn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện John McCai. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Thủ tướng nước chủ nhà Singapore khai mạc Đối thoại Shangri La
Đối thoại Shangri La là một diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương thường niên do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, Anh tổ chức từ nhiều năm qua trở thành sự kiện quốc phòng quan trọng của khu vực. Tuy nhiên, Đối thoại Shangri La lần thứ 14 này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế bởi bầu không khí trước thềm cuộc đối thoại lần này đã vô cùng nóng sau khi Trung Quốc hôm 26/5 công bố Sách Trắng Quốc phòng với những lời lẽ chỉ trích nặng nề "một số quốc gia bên ngoài đang cấp tập lợi dụng quấy rối chuyện Biển Đông" và "một số nhỏ khác duy trì hành động do thám chống lại Trung Quốc". Trung Quốc cũng vừa khởi công xây dựng 2 ngọn hải đăng tại Đá Gạc Ma và Đá Châu Viên chiếm của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa.
Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Tiến sỹ John Chipman đã chỉ ra rằng, nửa đầu năm 2015 này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến những căng thẳng mới ở Biển Đông khi một số nước tiến hành cải tạo và xây dựng quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa nhằm tăng cường sự hiện diện và trong một số trường hợp là các hoạt động quân sự tại đây. Mỹ đã phản ứng quyết liệt đối với những gì mà Washington cho rằng là "mối đe dọa đối với tự do hàng hải và hàng không" trong khu vực này.
Tiến sỹ John Chipman cho rằng: "Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất đối với các nhà hoạch định chính sách an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là trật tự khu vực nào sẽ đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Hơn bao giờ hết, các nước châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác bên ngoài khu vực này cần phải suy nghĩ một cách chiến lược về lợi ích dài hạn của họ hơn là những cái lợi trước mắt."
Tiến sỹ John Chipman cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những tranh chấp về lãnh thổ và một số bất đồng khác, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ những mối quan ngại chung như mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, cụ thể là nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như những thách thức về an ninh con người đòi hỏi các nước phải hợp tác để giải quyết như cuộc khủng hoảng người nhập cư ở Đông Nam Á những tuần qua.
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri La của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc và các nước ASEAN sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông cho rằng, điều này sẽ phá vỡ vòng tranh cãi luẩn quẩn giữa các nước và không để những tranh cái đó ảnh hưởng đến những mối quan hệ rộng lớn hơn.
Thủ tướng Singapore nhấn mạnh: "Nếu tất cả các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) thì đó là kết quả tốt đẹp nhất. Mặt khác, nếu căng thẳng leo thang thành xung đột do cố ý hay vô tình thì đó là một viễn cảnh rất tồi tệ. Ngay cả khi chúng ta tránh được cuộc xung đột đó nhưng kết quả được quyết định bằng sức mạnh thì nó cũng sẽ tạo một tiền lệ xấu. Kịch bản này có thể không dẫn đến một cuộc xung đột ngay lập tức nhưng nó tạo ra bối cảnh kém ổn định hơn. Bởi vì về lâu dài, một khu vực muốn ổn định không thể được duy trì bằng sức mạnh của một cường quốc mà đòi hỏi sự đồng thuận và hợp pháp trong cộng đồng quốc tế kết hợp cùng với sự cân bằng về quyền lực".
Trước phiên khai mạc tối nay đã diễn ra những cuộc tiếp xúc song phương của quan chức quốc phòng các nước. Mặc dù không tham gia phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần này, nhưng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu sẽ có một lịch trình dày đặc với các cuộc tiếp xúc song phương. Chiều nay, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã gặp các đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Israel, Philippines, Singapore và đại diện tập đoàn công nghệ quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ.
Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cùng đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng với các nước. Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn cũng đã trao đổi với đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng từng nước về những vấn đề cùng quan tâm, đồng thời đề cập các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương trong thời gian tới thông qua việc tập trung tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy hợp tác đào tạo, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; tìm kiếm cứu hộ cứu nạn; tăng cường đối thoại về chính sách quốc phòng, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri La lần này, hôm nay, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế cũng đã công bố Đánh giá an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2015. Đây là lần thứ 2 Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế công bố hồ sơ chiến lược này. Đánh giá an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay tập trung vào 5 nhóm vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới, trong đó có vai trò chiến lược của 2 cường quốc có ảnh hưởng lớn nhất đến khu vực là Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc tiếp tục tìm kiếm một trật tự hòa bình và ổn định cho khu vực, bao gồm vai trò an ninh của ASEAN./.
Diệu Hương
Theo_VOV
Shangri-La 2016: Vừa hợp tác vừa đấu tranh để giải quyết xung đột Chiều 5/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 tại Singapore khép lại sau ba ngày làm việc và thảo luận sôi nổi về tình hình an ninh khu vực. Xuyên suốt Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc nhiều lần bị chỉ trích vì bất nhất trong hành động và lời nói cũng như việc tăng cường bồi đắp, cải tạo trái phép đảo nhân...