Vì sao tôi không dừng xe đưa nạn nhân TNGT đi cấp cứu?
Tôi thừa nhận, bản thân mình là một trong đám đông vô cảm đáng sợ trên đường mà anh nhắc đến trong bài viết. Nhưng tôi sợ phiền phức, sợ oan ức… và rất nhiều thứ khác nên không thể bước tới chạm tay vào nạn nhân hay đưa họ đi cấp cứu.
Sau bài viết “Tâm sự của một lái xe về sự vô cảm đáng sợ trên đường” của một lái xe về sự vô cảm của con người trên đường, bạn đọc Lê Hữu Bình đã có bài viết gửi đến toà soạn phản hồi về vấn đề này. Báo xin trích đăng bài viết.
Gửi anh
Vô tình đọc được bài viết “Tâm sự của một lái xe về sự vô cảm đáng sợ trên đường” của anh tôi thực sự trân trọng tấm lòng và sự trăn trở của anh trước những gì đã mắt thấy tai nghe trên đường. Và tôi ước ao nếu ai cũng có tấm lòng như anh thì xã hội này tốt quá.
Nhưng anh ạ, đôi khi những gì chúng ta mơ ước lại không hề giống với sự thật, nếu không muốn nói rằng trái ngược hoàn toàn. Dù vô cùng xấu hổ khi phải nói lên điều này, nhưng tôi thừa nhận, bản thân mình là một trong những đám đông vô cảm đáng sợ trên đường, không đưa người bị nạn đến bệnh viện mà anh nhắc đến trong bài viết.
Video đang HOT
Tôi đã rất băn khoăn khi viết những dòng này, tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm gửi đến anh và độc giả Báo giải thích lý do vì sao tôi lại trở nên vô cảm.
Tất cả chỉ vì một chữ sợ!
Rất đông người dân tụ tập xem TNGT nhưng rất ít người đưa nạn nhân đi cấp cứu (Ảnh: Internet)
Có quá nhiều nỗi sợ hãi đến với tôi khi phải chứng kiến một vụ TNGT. Đầu tiên là sợ hãi vì thiếu hiểu biết. Ở VN phần đông mọi người chưa từng học qua lớp sơ cấp cứu. Khi bạn là người ở hiện trường tai nạn, người bị nạn có thể được cứu sống, cũng có thể… tàn phế cả đời. Tôi chỉ là một người đi qua đường, chứng kiến vụ tai nạn như bao người khác. Tôi sợ sự thiếu hiểu biết của tôi sẽ gây ra hậu quả nặng nề nên tôi quyết định để trách nhiệm ấy cho người khác. Trong bao nhiêu người chứng kiến, nếu tôi không làm, sẽ có người khác làm chứ.
Nỗi sợ hãi thứ 2, là sợ liên luỵ anh ạ. Đã có rất nhiều trường hợp người tốt, ra tay cứu người trên đường lại trở thành nạn nhân của gia đình người bị nạn. Nhẹ thì bị chửi bới oan, nặng hơn thì bị đánh đập, thậm chí đã có những chuyện mà chúng ta không thể ngờ tới như chết oan vì cứu người.
Thực sự tôi đã rất sốc khi đọc một bản tin cách đây không lâu về việc ba thanh niên đi trên một xe máy không may tông phải một cháu nhỏ chạy bộ qua đường tại quận Bình Tân, TP. HCM. Sau khi xảy ra tai nạn, ba thanh niên này đã xuống xe để đưa cháu bé vào bệnh viện. Trong lúc ngồi chờ bác sĩ khám cho cháu bé thì người nhà xộc tới không thèm hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện đã đuổi đánh cả ba người, kết quả một người tử vong. Sau đó bác sĩ cho biết là cháu bé chỉ bị xây xát ngoài da, nhưng một mạng người thì đã chết oan.
Là một trụ cột gia đình, tôi có rất nhiều trách nhiệm và cả những nỗi lo lắng đè nặng lên vai. Vì vậy tôi buộc phải chọn giải pháp an toàn cho mình.
Nỗi sợ kế tiếp có vẻ hơi vô lý nhưng lại hoàn toàn có thật, đó chính là sợ sự phiền phức. Có những người muốn cứu giúp người bị TNGT nhưng chính những người ấy sẽ trở thành nạn nhân của bệnh viện hay thậm chí của cả cơ quan điều tra. Anh bạn thân của tôi đã có lần đưa một người bị tai nạn đi cấp cứu và phải chịu kẹt ở bệnh viện cả ngày vì bảo vệ sợ không ai đóng tiền viện phí nên sống chết không cho đi đâu. Hết bệnh viện rồi lại phải về cơ quan công an làm bản tường trình. Thậm chí ngày hôm sau anh lại được mời lên tiếp tục cho lời khai làm rõ một số tình tiết. Lần được gọi sau cùng này, anh cáo bận không đến vì không thể nghỉ việc cơ quan nhưng trong lòng rất lo sợ, áy náy vì mình đã làm sai.
Sau câu chuyện ấy, vợ tôi luôn nhắc đi nhắc lại với tôi rằng nên rút kinh nghiệm để tránh xa những phiền phức, rắc rối. Vợ tôi không phải là người xấu, bạn bè luôn nói cô ấy rất tốt và biết điều. Thế nhưng, những điều cô ấy nói không hẳn không có lý. Vì những phiền phức nguy hiểm có thể ập đến với mình và vợ con, tôi tránh xa những vụ tai nạn, không nhìn thấy, không đứng xem thì sẽ không áy náy khi không xắn tay vào giúp những người bị nạn.
Nỗi sợ cuối cùng tôi phải thú nhận là nỗi sợ… vận đen. Với gia đình tôi, xe cộ ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn, đến miếng cơm, manh áo của các con tôi. Trong thời buổi người khôn của khó thế này, chỉ làm ăn thôi đã vô cùng mệt rồi, nếu có vận đen dây vào nữa thì… Vì vậy nếu buộc phải đối mặt với người dân chặn xe nhờ chở nạn nhân đi cấp cứu, tôi sẽ gọi 115 thay vì chở bằng xe của mình.
Anh Hạ ạ, tôi rất khâm phục vì anh đã vượt qua nỗi sợ hãi để cứu người và lòng được thanh thản. Nhưng có rất nhiều người không thể dũng cảm được như anh.
Tôi viết câu chuyện này không phải để nguỵ biện cho bản thân. Đơn giản chỉ là sự thật tôi muốn nêu ra để mọi người thấy, đặc biệt là với những anh hùng bàn phím đọc bài viết của anh rồi hăng hái phê phán cả xã hội này vô cảm. Tôi mong họ đọc và suy nghĩ liệu rằng khi rơi vào hoàn cảnh đó họ có làm được gì có ích, hay chỉ nói vài ba câu cho vui trên mạng rồi cũng sợ hãi đủ các lý do rồi nhắm mắt làm ngơ như tôi?
Tôi còn mong hơn, xã hội này sớm có những thiết chế đủ mạnh, có đủ điều kiện để có đội ngũ sơ cấp cứu, 115 kịp thời có mặt tại những nơi xảy ra tai nạn, để những mạng người không phải ra đi oan uổng. Để những người dân như tôi bớt đi những phút giây áy náy mặc cảm khi nhìn thấy người bị nạn mà không dám ra tay cứu giúp.
Theo Giao thông Vận tải