Vì sao tình báo Hàn Quốc nói hớ tướng Triều Tiên bị xử tử
Việc Hàn Quốc tung tin sai về Triều Tiên có thể cho thấy trục trặc trong bộ máy tình báo của nước này, nhưng cũng bị nghi ngờ là cố tình vì tính toán chính trị.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và ông Ri Yong-gil. Ảnh: KCNA
Tình báo Hàn Quốc bị báo chí và các nghị sĩ nước này chỉ trích nặng nề vì nhiều lần đưa thông tin bị hớ, bao gồm việc tung tin về cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên, tướng Ri Yong-gil.
Hồi đầu năm nay, các quan chức Cục Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) được báo chí trong nước dẫn lời nói rằng ông Ri Yong-gil đã bị xử tử về “tội tham nhũng”. Tuy nhiên, tại đại hội đảng Lao Động Triều Tiên, ông Ri Yong-gil không chỉ xuất hiện sờ sờ mà còn được bổ nhiệm vào ba chức vụ mới.
Sau khi phân tích các bức hình và video của báo chí Triều Tiên về đại hội đảng, Bộ Thống nhất của Hàn Quốc hôm 10/5 kết luận ông Ri Yong-gil đúng là vẫn còn sống, theo AP.
Bộ máy tình báo trục trặc
Trong khi công tác thu thập thông tin tình báo về một đất nước khép kín và khó nắm bắt như Triều Tiên là nhiệm vụ không hề dễ dàng, các sai sót lặp đi lặp đi đặt ra nghi vấn liệu có phải bộ máy tình báo giá trị hàng tỷ USD của Hàn Quốc đang gặp trục trặc hay không.
Nắm bắt những gì đang xảy ra ở Triều Tiên là điều quan trọng đối với Hàn Quốc, vì thủ đô Seoul nằm trong tầm bắn của hàng nghìn tên lửa Triều Tiên được bố trí dọc theo đường biên giới có mức độ vũ trang dày đặc nhất thế giới. Điều này cũng quan trọng đối với Mỹ và Nhật vì hai nước này phần nào phải dựa vào tình báo Hàn Quốc để có được thông tin chi tiết về Triều Tiên, cũng như tham vọng phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của nước này.
Không có câu trả lời chắc chắn nào để giải thích cho việc tình báo Hàn Quốc đưa ra các thông tin sai. Tuy nhiên, các sai sót tình báo này được cho là có liên quan đến bản chất khép kín của Triều Tiên, cách thông tin tình báo được xác minh và công bố.
Chuyện nội bộ chính trị Hàn Quốc và tình trạng thù địch gần như bất biến giữa hai miền Triều Tiên cũng góp phần khiến công tác tình báo Hàn Quốc không phải lúc nào cũng chuẩn xác.
Video đang HOT
Một thập kỷ cầm quyền của chính phủ theo xu hướng tự do ở Seoul đã khuyến khích các nhà ngoại giao, quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, phóng viên và các nhóm cứu trợ thường xuyên đến Triều Tiên. Tuy nhiên, đến đầu năm 2008, khi phe bảo thủ lên cầm quyền, giao lưu giữa hai nước chấm dứt.
Điều này có nghĩa các nhân viên tình báo Hàn Quốc không có được thông tin có chất lượng như trước đây nhờ giao lưu thường xuyên với Triều Tiên, theo nghị sĩ Kim Kwang Jin, thành viên Ủy ban Tình báo thuộc Quốc hội Hàn Quốc, cơ quan thường xuyên nhận được báo cáo mật từ các quan chức NIS.
Phe bảo thủ cầm quyền chỉ trích phe tự do vì cho rằng họ đã cắt giảm mạnh các hoạt động gián điệp mà giờ rất khó xây dựng lại.
Phương thức các quan chức tình báo Hàn Quốc công bố thông tin cũng có thể là một vấn đề. NIS thường tổ chức các cuộc họp kín để báo cáo thông tin tình báo cho các nghị sĩ, rồi những người này truyền đạt lại những gì họ nghe thấy cho báo chí Hàn Quốc. Báo chí nước ngoài thường dẫn lại các bản tin trong trước, nhưng đến lúc đó, thông tin đã qua nhiều tay. Vậy nên, để đo lường mức độ chắc chắn của thông tin mà NIS đưa ra, cũng như để hiểu rõ cách thông tin được thu thập hoặc xác định mức độ đáng tin cậy của các nguồn tin là điều khó khăn.
Khi các quan chức tình báo trực tiếp truyền đạt thông tin cho báo chí, họ thường yêu cầu các phóng viên ám chỉ đến họ là “một nguồn tin nắm rõ chuyện nội bộ Triều Tiên”. Điều này cho phép NIS và các cơ quan tình báo khác của Hàn Quốc chối bỏ họ là nguồn tin nếu thông tin sai, như trường hợp xảy ra với thông tin về tướng Ri Yong-gil.
Hình ảnh của tướng Ri Yong-gil được truyền thông Triều Tiên công bố ngày 11/5. Ảnh: KCNA
Phục vụ mục đích chính trị?
Có những ý kiến chỉ trích cho rằng những câu chuyện về Triều Tiên, dù xuất phát từ các nhân viên tình báo hay các nguồn tin khác, đều phục vụ cho mục đích chính trị.
Cheong Seong-Chang, một nhà phân tích ở Viện Sejong, Hàn Quốc, nói rằng các cơ quan tình báo dưới thời chính phủ bảo thủ có xu hướng tiết lộ các thông tin không đầy đủ, không xác minh về Triều Tiên. Họ làm vậy nếu họ nghĩ rằng thông tin đó sẽ phù hợp với chính sách cứng rắn của Hàn Quốc, bằng cách tô vẽ Triều Tiên như một quốc gia nguy hiểm và bất ổn. Điều này giải thích cho những vụ việc bẽ mặt như thông tin về ông Ri Yong-gil, nhà phân tích Cheong Seong-Chang đánh giá. Ông nhấn mạnh rằng cần phải tiếp nhận nhiều nguồn để xác nhận thông tin, dù nguồn tin đó là từ Bình Nhưỡng.
Các nhân viên tình báo Hàn Quốc được cho là giám sát chặt chẽ truyền thông Bình Nhưỡng, thường xuyên nói chuyện với những người Triều Tiên đào tẩu ở Seoul, đặc biệt là những người có nguồn tin ở Triều Tiên. Họ cũng được cho là cố gắng thiết lập các đầu mối thông tin ở Triều Tiên. Vấn đề là không rõ mức độ chính xác của các nguồn tin này ra sao.
Park Kwang-on, người phát ngôn đảng đối lập Minjoo cho rằng việc tình báo Hàn Quốc tung tin sai về ông Ri Yong-gil là ngớ ngẩn và đáng xấu hổ. “Thế nhưng, vấn đề lớn hơn là năng lực thu thập tình báo yếu kém của họ”, vì điều này có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, ông nói.
Các chỉ trích gần đây nhằm vào NIS chủ yếu là những thất bại trong thông tin tình báo về Triều Tiên. Chẳng hạn, tháng 12/2011, sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un qua đời hai ngày, các nhân viên tình báo Hàn Quốc mới biết tin khi đài truyền hình quốc gia Triều Tiên thông báo.
Một số ý kiến cáo buộc tình báo Hàn Quốc có tính toán chính trị. Khi các quan chức tình báo Hàn Quốc tung tin ông Ri Yong-gil bị xử tử, Seoul đang bị chỉ trích nặng nề vì không dự báo được Triều Tiên chuẩn bị thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 4 vào tháng một. Tin này cũng được đưa ra một ngày sau khi Seoul thông báo đóng cửa khu công nghiệp liên Triều ở thành phố Kaesong, Triều Tiên.
“Nếu chính phủ tung tin ông Ri Yong-gil bị hành quyết để tạo ra dư luận thuận lợi cho việc rút khỏi khu công nghiệp Kaesong, chúng tôi không thể không cho rằng họ ngu ngốc”, tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất Hàn Quốc Chosun Ilbo nhận định trong một bài xã luận vào ngày 11/5. “Sử dụng các chiêu trò nông cạn như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến tai họa”, bài xã luận viết.
Bài xã luận cũng nói rằng nếu tình báo Hàn Quốc coi các thông tin không chắc chắn như là sự thật 100% thì đó là vấn đề rất nghiêm trọng, vì họ có thể bị Triều Tiên tung thông tin sai lệch để đánh lừa.
Hồng Vân
Theo VNE
Vị tướng 'chết đi sống lại' của Triều Tiên
Giới truyền thông hết sức bất ngờ khi tên của một vị đại tướng "đã bị xử tử" xuất hiện trong danh sách ủy viên trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Tướng Ri Yong-gil trong một cuộc họp ở Bình Nhưỡng năm 2014. Reuters
Ngày 10.5, CHDCND Triều Tiên tổ chức diễu hành quy mô lớn tại thủ đô Bình Nhưỡng để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) thành công tốt đẹp.
Nhân dịp này, truyền thông Triều Tiên công bố danh sách 129 ủy viên trung ương mới được bầu trong kỳ đại hội vừa kết thúc ngày 9.5. Trong đó, bất ngờ nhất là có tên đại tướng Ri Yong-gil, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên, theo AFP. Hồi tháng 2, giới tình báo Hàn Quốc loan tin ông đã bị hành quyết "vì bị kết tội tham nhũng và lập bè cánh chính trị".
Lần cuối cùng ông Ri xuất hiện công khai là khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công vũ khí nhiệt hạch hồi tháng 1. Sau đó, ông vắng mặt trong hàng loạt sự kiện quan trọng khác như phóng tên lửa mang vệ tinh và bắn thử nhiều tên lửa tầm ngắn. Trong thời gian chuẩn bị đại hội, truyền thông Triều Tiên cũng không nhắc đến vị đại tướng này. Bản thân chính quyền Triều Tiên tuy không xác nhận thông tin xử tử nhưng hồi tháng 2 đã thông báo bổ nhiệm tướng Ri Myong-su làm tổng tham mưu trưởng mới.
Tướng Ri Yong-gil (trái) trong một lần xuất hiện cạnh lãnh đạo Kim AFP
Đến hôm qua 10.5, ông Ri Yong-gil được thông báo đứng vào hàng ngũ ủy viên trung ương đảng, thậm chí còn là thành viên Quân ủy trung ương và ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Tuy nhiên, Hãng tin UPI dẫn lời các chuyên gia nhận định việc "mất tích" của tướng Ri thời gian qua chứng tỏ "đã có chuyện gì đó" và có thể ông đã "trải qua một đợt chỉnh huấn" trước khi được phục hồi.
Bên cạnh đó, trong danh sách ủy viên trung ương mới còn có tên bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, theo Hãng thông tấn KCNA. Giới quan sát nhận định diễn biến này cho thấy ông Kim đã tiến thêm một bước trong việc củng cố quyền lãnh đạo của mình.
Phát biểu trước cuộc diễu hành hôm qua 10.5, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam chúc mừng lãnh đạo Kim đảm nhận cương vị mới là Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên. Đây là chức danh mới được khôi phục kể từ năm 1966. Trước đó, ông nội lãnh đạo Kim là Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) từng giữ chức Chủ tịch WPK trong giai đoạn 1949 - 1966, trước khi trở thành Tổng bí thư cho đến khi qua đời năm 1994. Cha của ông Kim là lãnh đạo Kim Jong-il sau này cũng chỉ giữ chức Tổng bí thư WPK.
Sau bài phát biểu của ông Kim Yong-nam, lãnh đạo Kim Jong-un và nhiều quan chức cấp cao đã chứng kiến khoảng 1 triệu người diễu hành rầm rộ tại quảng trường Kim Il-sung. Một số đoàn xe được trang hoàng theo chủ đề quân sự, bao gồm mô hình tên lửa và bệ phóng. "Một đất nước hùng mạnh cần sở hữu vũ khí hạt nhân và quân đội mạnh mẽ", theo khẩu hiệu trên một đoàn xe.
Cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng thành công của đại hội WPK và vai trò mới của ông Kim Jong-un. Nội dung thư nhấn mạnh Trung Quốc luôn xem trọng quan hệ song phương và sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên "để đóng góp tích cực vào bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực". Tuy nhiên, bức thư không đề cập chương trình hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề được cho là đang khiến quan hệ Trung - Triều gặp trắc trở.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Tướng Triều Tiên vẫn còn sống giữa tin đồn bị xử tử Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Ri Yong-gil thực chất vẫn còn sống, trái với tin đồn từ Hàn Quốc trước đó nói ông này đã bị xử tử, theo hãng thông tấn KCNA ngày 10.5. Ông Ri Yong-gil (trái) cùng Chủ tịch Kim Jong-un. Giữa tin đồn bị xử tử, ông Ri được cho vẫn còn sống và giữ 3...