Vì sao tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước chưa đầy 5%?
Thông tin tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ chiếm chưa đầy 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp gây ngạc nhiên.
Con số tín dụng cho doanh nghiệp mà Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cung cấp tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vừa qua đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, hiện dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53% tổng dư nợ tín dụng cho toàn bộ nền kinh tế.
Trong số này, doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia tài chính-ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra ngạc nhiên trước tỷ lệ tín dụng 5% của doanh nghiệp nhà nước ( DNNN). Theo ông, con số này không tương xứng với vai trò chủ đạo của DNNN trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt thực tế là hiện nay nhiều ngân hàng lớn vẫn đang cung cấp nguồn vốn cho các dự án công, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng.
Chuyên gia tin rằng tín dụng cho DNNN chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp là do số tín dụng này tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Ảnh minh họa
Về điểm này, chuyên gia kinh tế-tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho rằng, Luật DNNN 2003 cho đến nay đã hết hiệu lực và liên quan đến khái niệm DNNN có hai loại doanh nghiệp: Thứ nhất, doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, tức đó là dạng công ty TNHH Một thành viên mà thành viên đó chính là Nhà nước;
Thứ hai, doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn chiếm trên 50% vốn điều lệ.
Hiện nay, trong nền kinh tế, số doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ không phải là nhiều, do đó, về tỷ lệ 5% tín dụng mà lãnh đạo NHNN đề cập ở trên, theo ông Linh, thuộc về nhóm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tức các công ty TNHH Một thành viên và thành viên đó chính là Nhà nước.
Video đang HOT
“Nếu tính cả các doanh nghiệp đã cổ phần nhưng Nhà nước vẫn chiếm trên 50% vốn điều lệ thì tỷ lệ tín dụng cho DNNN lớn hơn rất nhiều do hiện các tổng công ty, tập đoàn đã cổ phần hóa gần hết (dù Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối)”, chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh lý giải.
Về tỷ trọng tín dụng cho hộ kinh doanh và cá nhân chiếm tới 45,7%, theo ông Linh, phần tín dụng cho cá nhân có thể phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, đồng thời cho rằng không có gì phải ngạc nhiên khi tỷ trọng tín dụng cho cá nhân lớn như vậy.
“Phần lớn các hộ nông nghiệp, nông thôn, tham gia đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản… khi vay sản xuất, kinh doanh thường đứng danh nghĩa cá nhân.
Mặt khác, các doanh nghiệp có hình thức huy động vốn rất đa đạng, họ có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thu hút các nhà đầu tư, trong khi cá nhân thì chỉ có thể trông chờ vào mỗi tín dụng ngân hàng hoặc vay cá nhân với nhau”, ông nói.
Việc tín dụng cho cá nhân chiếm tỷ trọng cao trong dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp, theo chuyên gia Trịnh Đoàn Tuấn Linh không gây nhiều rủi ro như một số ý kiến lo ngại.
“Trái lại, khi tín dụng cho cá nhân lớn nó sẽ giúp phân tán rủi ro cho ngân hàng bởi một cá nhân thường không vay bao nhiêu. Ở đây tín dụng cho cá nhân cao là vì có rất nhiều người vay.
Thông thường rủi ro của các khoản vay nằm ở các ông lớn – những tập đoàn, doanh nghiệp với dư nợ hàng ngàn tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Còn cá nhân, doanh nghiệp nhỏ vay thường có dư nợ nhỏ, càng nhiều người vay thì rủi ro càng được phân tán”, ông Linh giải thích.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn
Nguồn tín dụng lớn đổ vào tư nhân: Điều băn khoăn
Sự phụ thuộc của doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân vào tín dụng ngân hàng có cả mặt tích cực và rủi ro.
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, đến nay quy mô tín dụng nền kinh tế đã đặt trên 8 triệu tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng, trong đó dư nợ đối với khối doanh nghiệp là trên 4 triệu tỷ đồng, chiếm trên 53%.
Trong số này, doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng xấp xỉ 5% trong tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm 43% tổng dư nợ tín dụng, còn lại là hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng 45,7% tổng dư nợ tín dụng.
Thống đốc NHNN khẳng định, nguồn lợi tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và cá nhân.
Bóc tách những con số trên, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, vay cá nhân thường là vay tiêu dùng. Những năm trước hệ thống ngân hàng thường hạch toán vay mua nhà và sửa chữa nhà ở vào cho vay tiêu dùng, còn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản là một mục riêng. Tuy nhiên, từ năm vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu tổng hợp hai chỉ số này vào để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng bất động thấp. Bởi sự thay đổi này nên hiện tín dụng bất động sản chiếm gần 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tín dụng rất lớn đã tập trung vào cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và cá nhân
"Nếu tính như trên thì dư nợ đối với khối doanh nghiệp chiếm trên 53% tổng dư nợ tín dụng là điều phù hợp.
Xét riêng dư nợ đối với cá nhân, hộ kinh doanh, tỷ trọng 45,7% liệu có quá lớn hay không? Nếu cho vay hộ kinh doanh thực sự phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh và trong cho vay cá nhân có cả phần cho vay mua nhà và sửa nhà thì dư nợ trên không phải là lớn. Còn nếu mục đích chủ yếu của nó là cho vay tiêu dùng mà thôi thì đấy lại là tỷ trọng quá lớn", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Điều khiến vị chuyên gia tài chính-ngân hàng thực sự ngạc nhiên chính là dư nợ của khối doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp.
"Đây là tỷ trọng quá nhỏ, trong khi doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào ngân sách. Nếu chỉ chiếm 5% tổng dư nợ thì nó không tương xứng với vai trò của các doanh nghiệp có vốn nhà nước khi các doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Việt Nam", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Thừa nhận không lý giải được vì sao, vị chuyên gia cũng đề nghị xem xét lại con số thống kê thật chính xác vì thực tế rất nhiều dự án công, đặc biệt là các dự án về cơ sở hạ tầng được các ngân hàng lớn cho vay vốn rất nhiều.
Trong trường hợp các con số trên là chính xác, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chúng có cả mặt tích cực và tiêu cực.
Tích cực là khả năng tiếp cận tín dụng của khối tư nhân, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân, đã cải thiện rất nhiều, khi chiếm tới gần 90% tổng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp. Đang có một nguồn vốn lớn từ hệ thống ngân hàng đổ vào khối tư nhân.
Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy các doanh nghiệp, kể cả các hộ kinh doanh đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng.
"Sự lệ thuộc của khối tư nhân (gồm doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân) vào nguồn vốn ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Một khi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có biến động về tình hình tài chính thì nó có thể gây ra hậu quả rất lớn cho nền kinh tế", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, sức ép với hệ thống ngân hàng là khá lớn. Lý do là, vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD chủ yếu là ngắn hạn, chiếm xấp xỉ 80% vốn huy động của nền kinh tế nhưng các TCTD bên cạnh việc quản trị rủi ro vẫn tiếp tục cung ứng xấp xỉ 50% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đầu tư cho trung dài hạn.
Dù vậy, Thống đốc cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, NHNN đã chỉ đạo triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính không chỉ trong NHNN mà cả trong các TCTD nhằm đổi mới, đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp.
Ngân hàng tại các địa phương cũng đã tăng cường đối thoại qua chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp với 6 hội nghị lớn tại 3 thành phố lớn ở 3 khu vực kinh tế trọng điểm và hơn 300 cuộc đối thoại doanh nghiệp ở các chi nhánh tỉnh, thành phố để tăng cường khả năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn
Hàng loạt 'ông lớn' cổ phần hóa nhưng chưa chịu lên sàn Theo Bộ Tài chính, còn 755 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong số này góp mặt nhiều tên tuổi lớn như: Cty CP Khách sạn Thắng Lợi, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Cty CP Điện cơ Thống Nhất, Cty CP Vàng bạc đá...