Vì sao ‘tiểu cường quốc năng lượng’ Texas gặp khủng hoảng mất điện?
Texas – tiểu bang được ví như cường quốc năng lượng của Mỹ đang phải cảm nhận rõ rệt cơn thịnh nộ tới từ mẹ thiên nhiên mà chưa tìm được cách khắc phục.
Đợt bão tuyết thất thường được Thống đốc Greg Abbott tuyên bố là thảm họa trên toàn tiểu bang khiến hàng chục người Texas thiệt mạng. Nó cũng kéo theo cuộc khủng hoảng năng lượng ở tiểu bang này.
Cuộc khủng hoảng ở “tiểu cường quốc năng lượng”
Khoảng 4 triệu dân Texas đang phải sống trong cảnh mất điện, không thể sưởi ấm trong cái lạnh như ở Bắc Cực. Người dân Texas vốn không quen với nhiệt độ thấp đang phải tăng cường sử dụng các hệ thống sưởi ấm. Điều này tăng thêm áp lực cho hệ thống điện lưới đang quá tải khi phải chống chọi với đợt giá rét lịch sử.
Trận bão tuyết bất thường đẩy gần bốn triệu người Texas vào cảnh mất điện. (Ảnh: AP)
Nhu cầu điện tăng vọt đẩy giá tăng điện phi mã – điều thường chỉ thấy vào những ngày hè nóng nực, khi hàng triệu máy điều hòa hoạt động hết công suất. Trong tuyên bố đưa ra mới đây, nhà cung cấp điện Griddy khuyến cáo 29.000 khách hàng chuyển sang một nhà cung cấp khác vì giá điện tăng vọt lên tới 9.000 USD/MWh. Mức giá vài ngày trước chỉ là 50 USD/MWh, thấp hơn gần 180 lần.
Khác với các tiểu bang khác, mạng lưới điện của Texas độc lập với hai mạng lưới điện còn lại của nước Mỹ là lưới điện miền Tây và lưới điện miền Đông. Điều này đồng nghĩa Texas khó có mua điện từ các bang khác để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện tại. Theo giải thích của ERCOT – cơ quan điều hành lưới điện Texas, việc bang này phát triển mạng lưới điện độc lập xuất phát từ Đạo luật Điện lực Liên bang năm 1935. Luật này cấp cho chính phủ liên bang thẩm quyền điều chỉnh các công ty điện lực tham gia vào hoạt động thương mại giữa các tiểu bang.
Với việc cục bộ hóa hệ thống lưới điện, các công ty điện lực ở Texas sẽ không bán điện ra bên ngoài tiểu bang. Điều này giúp họ tránh được các quy định liên bang.
“Nhiệt độ lạnh, mưa cóng, tuyết như hiện tại là điều chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Chúng tôi biết rằng điều này đặt ra những điều kiện đặc biệt đối với hệ thống điện”, Bill Magness, Giám đốc ERCOT cho biết.
Mặc dù Texas rất đa dạng về nguồn cung điện và là tiểu bang sản xuất điện nhiều nhất nước Mỹ, mùa đông là mùa mà phần lớn các cơ sở sản xuất điện khí, điện than, điện gió của bang này giảm sản lượng sản xuất.
Chưa kể Texas – vốn được biết tới với những đợt nắng nóng khắc nghiệt không có kinh nghiệm đối phó với thời tiết giá lạnh. Do đó các cơ sở hạ tầng cung cấp điện không được thiết kế để đối phó với điều kiện bất thường.
Video đang HOT
Texas có công suất phát hiện vào khoảng 67.000 megawatt vào mùa đông và 86.000 megawatt vào mùa hè. Mùa đông là khoảng thời gian các nhà máy điện thường tranh thủ thời điểm nhu cầu dùng điện không quá cao cũng như khan hiếm các nguồn năng lượng từ gió và mặt trời để bảo trì máy móc.
“Mọi nguồn cung cấp điện của chúng tôi đều hoạt động kém hiệu quả. Mỗi nguồn cung đều dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt theo những cách khác nhau. Không nguồn cung nào được chuẩn bị cho điều kiện thời tiết như hiện tại”, Daniel Cohan, phó giáo sư về kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Rice ở Houston cho hay.
Chuyện không phải của riêng Texas
Mất điện diện rộng nghe thì có vẻ to tát nhưng lại không phải là chuyện lạ ở Mỹ.
Theo một thống kê, Mỹ có số đợt mất điện nhiều hơn bất cứ quốc gia phát triển nào. Nghiên cứu được thực hiện bởi Massoud Amin – một kỹ sư điện và máy tính tại Đại học Minnesota cho thấy trong khi những người sống ở khu thượng Trung Tây nước Mỹ bị mất điện trung bình 92 phút/năm, con số này ở Nhật Bản hỉ là 4 phút. Nguyên nhân một phần là bởi mạng lưới điện ở nhiều nơi tại Mỹ đã lỗi thời và xuống cấp trong khi các công ty dịch vụ không muốn đầu tư tiền để giải quyết tình trạng này.
Một khu vực ở Texas chìm trong bóng tối vì mất điện trên diện rộng. (Ảnh: AP)
Với trường hợp của Texas, các nhà quản lý thường tránh trang bị các thiết bị chống lại thời tiết khắc nghiệt bởi tiểu bang này hiếm khi phải trải qua cái lạnh thất thường. Ngoài ra, thêm thiết bị đồng nghĩa tăng chi phí.
“Các biện pháp bảo vệ làm đội giá. Mức giá sẽ rẻ hơn nếu không trang bị các tính năng bổ sung “, Jesse Jenkins, phó giáo sư nghiên cứu về chính sách và hệ thống năng lượng tại Đại học Princeton phân tích.
Các nhà máy chạy bằng khí đốt và tuabin gió ở các bang phía bắc nước Mỹ thường được thiết kế để chống lại thời tiết lạnh giá mùa đông. Vấn đề này từng được đặt ra ở Texas sau đợt lạnh kỷ lục năm 2011. Một nhóm chuyên gia Mỹ đã phát triển các hướng dẫn để đối phó với các thảm họa tương tự. Nhưng chúng hoàn toàn mang tính chất tự nguyện.
Một số nhà quản lý điện ở Texas khẳng định một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại là Texas bị động trước một thảm họa tự nhiên bất ngờ ập tới.
Tuy nhiên, Ed Hirs – chuyên gia năng lượng tời từ Đại học Houston khẳng định không thể chối bỏ trách nhiệm mà nói không thể lường trước trận bão tuyết khủng khiếp này.
“Điều đó thật vô lý. Cứ 8-10 năm chúng ta lại có một mùa đông thực sự tồi tệ. Đây không phải là điều bất ngờ”, Hirs khẳng định.
Tại California, các cơ quan quản lý của bang này tuần trước yêu cầu ba công ty trong bang tăng cường cung cấp điện và cải tiến nhà máy để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung như đã xảy ra trong vụ cháy rừng ở California sáu tháng trước.
“Sự khác biệt nằm ở chỗ giới lãnh đạo ở California nhận ra rằng biến đổi khí hậu đang xảy ra. Chúng ta không thấy điều đó ở Texas” , Severin Borenstein, Giáo sư quản trị kinh doanh và chính sách công tại Đại học California, Berkeley chia sẻ.
Cũng có một số ý kiến đổ lỗi cho ngành công nghiệp điện của Texas phụ thuộc vào việc sản xuất điện gió. Theo đó, thời tiết băng giá khiến tuabin điện gió bị đông cứng làm ảnh hưởng tới hệ thống điện cung cấp cho toàn bang. Tuy nhiên trên thực tế, điện gió chỉ đóng góp 23% sản lượng điện của Texas trong năm 2020. Chưa kể với thời tiết cực đoan như hiện tại, các loại tuabin khác sẽ chịu cảnh tương tự.
Các chuyên gia cho rằng sau thảm họa lần này, Texas cần suy nghĩ lại về chiến lược “một mình một ngựa” – cục bộ hóa mạng lưới điện của mình. Ngoài ra, giới chức cần đưa ra quy định yêu cầu các nhà máy phát điện dự trữ nhiều hơn vào thời điểm nhu cầu tăng vọt.
“Hệ thống do chúng tôi xây dựng không hoạt động theo tiêu chuẩn mà chúng tôi muốn thấy. Chúng ta cần phải làm tốt hơn. Nếu điều đó liên quan tới việc trả nhiều tiền hơn để năng lượng có độ tin cậy cao hơn, đó sẽ là câu chuyện cần bàn tới”, Joshua Rhodes, một nhà nghiên cứu năng lượng tại Đại học Texas gợi ý.
Hàng triệu dân Mỹ khốn khổ vì mất điện, thiếu nước
Gần 3,4 triệu người Mỹ vẫn chưa có điện, nhiều hộ chưa được cấp nước khi lạnh giá bất thường làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.
Giới chức Texas ngày 17/2 yêu cầu 7 triệu người, chiếm khoảng 1/4 dân số của bang rộng thứ hai nước Mỹ, đun sôi nước máy trước khi uống. Khuyến cáo được đưa ra sau khi Texas, bang vốn có khí hậu ôn hòa, trải qua đợt giá lạnh bất thường, gây mất điện diện rộng và các đường ống cấp nước bị đóng băng.
Để tránh đóng băng đường ống, các hộ gia đình ở Texas phải mở vòi nước chảy nhỏ giọt liên tục trong nhà, khiến nguồn nước sạch của toàn bang giảm xuống mức thấp đáng báo động và nước tại vòi không còn đủ an toàn để uống trực tiếp.
Trận bão tuyết được dự báo sẽ làm phức tạp hơn các nỗ lực phục hồi, đặc biệt ở những bang ít chịu thời tiết lạnh giá như Texas, Arkansas và Thung lũng Hạ lưu sông Mississippi.
"Thực sự chẳng có gì khả quan những người đang chịu cảnh khốn khổ ở những khu vực đó", Bob Oravec, trưởng nhóm dự báo của Cơ quan Thời tiết Quốc gia (NWS), đề cập đến tình hình ở bang Texas.
NWS dự báo đợt không khí lạnh tiếp theo sẽ di chuyển vào khu vực đông bắc nước Mỹ ngày 18/2. Hơn 100 triệu người đã được cảnh báo ở các cấp độ khác nhau về thời tiết khắc nghiệt, NWS cho biết.
Một người đàn ông đội khăn trên đầu để giữ ấm trong cửa hàng đồ nội thất được dùng làm nơi trú ẩn cho những người bị mất điện ở Houston, Texas, ngày 17/2. Ảnh: AP .
Đợt lạnh giá bất thường được cho là nguyên nhân khiến hơn 30 người Mỹ thiệt mạng, một số chết khi tìm cách sử dụng máy sưởi gas trong nhà. Tại Houston, một gia đình ngộ độc khí CO từ khói xe trong gara. Giới chức Oregon cho biết 4 người chết tại khu vực Portland do ngộ độc khí CO.
Sự cố mất điện đặc biệt nghiêm trọng tại Oregon, nơi nhiều người sống trong cảnh bị cắt điện suốt gần một tuần. Hơn 200.000 người khác ở 4 bang phía đông nước Mỹ không có điện, gần 200.000 người khác ở khu vực giáp tây bắc Thái Bình Dương cũng trong tình trạng tương tự.
Bang Texas hứng chịu sự cố nặng nề nhất, nơi ba triệu ngôi nhà và cơ sở kinh doanh tới ngày 17/2 vẫn chưa có điện. Người đứng đầu cơ quan quản lý lưới điện Texas cho biết hy vọng một phần mạng lưới cấp điện được khôi phục vào ngày 18/2.
Toby Baker, giám đốc điều hành Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas, cho biết áp lực nước giảm trên toàn bang khi các đường ống bị đóng băng và nhiều gia đình mở vòi nhỏ giọt. Thống đốc Texas Greg Abbott kêu gọi dân chúng khóa đường ống nước dẫn vào nhà nếu có thể để ngăn đường ống bị vỡ và duy trì áp lực nước trong các hệ thống cung cấp.
Sự cố mất điện tại thành phố Portland, bang Oregon, và khu vực lân cận ảnh hưởng tới gần 150.000 người sau khi trận bão tuyết lớn làm đổ nhiều cây và gây hư hại hàng trăm km đường dây. Giám đốc điều hành Portland General Electric (PGE) cho biết lưới điện tại đây chịu thiệt hại nặng nhất trong 40 năm và hơn 350.000 người chịu cảnh mất điện khi bão tuyết dữ dội nhất.
"Đây là những điều kiện nguy hiểm nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong lịch sử của PGE", giám đốc phụ trách lưới điện Dale Goodman nói, song từ chối dự đoán khi nào toàn bộ dân địa phương có điện trở lại.
Tuyết rơi dày đặc tại thành phố Dallas, bang Texas, ngày 17/2. Ảnh: TNS .
Các công ty cấp điện ở nhiều bang từ Minnesota đến Texas phải cắt điện luân phiên để giải tỏa áp lực cho lưới điện. Southwest Power Pool, tập đoàn cung cấp điện cho 14 bang, cho biết việc cắt điện luân phiên là "biện pháp cuối cùng để duy trì toàn bộ lưới điện".
Thời tiết làm gián đoạn hệ thống cấp nước tại một số thành phố miền nam, trong đó gồm bang New Orleans và Shreveport thuộc bang Louisiana. Tại thành phố Shreveport, xe cứu hỏa của thành phố phải chở nước tới một số bệnh viện, các nhân viên y tế và bệnh nhân phải sử dụng nước đóng chai. Một cơ sở cấp nước từ sông Mississippi ở thành phố New Orleans dừng hoạt động do bị mất điện.
Nic Hunter, thị trưởng Lake Charles thuộc bang Louisiana, ngày 17/2 cho biết nước dự trữ đang ở mức thấp và các bệnh viện tại thành phố này đối mặt khả năng phải chuyển bệnh nhân tới những nơi khác.
Giới chức Mỹ khuyến cáo phần lớn dân chúng tránh di chuyển khi nhiều con đường trở nên nguy hiểm và hàng nghìn chuyến bay bị hủy. Nhiều trường học hoãn hoặc hủy các buổi học trực tuyến.
Thị trưởng từ chức sau khi chê dân 'lười nhác' vì mất điện Thị trưởng Colorado Tim Boyd từ chức do hứng chỉ trích mạnh mẽ sau khi chỉ trích người dân "lười nhác" vì mất điện giữa thời tiết lạnh giá. "Chẳng ai nợ bạn hay gia đình bạn bất cứ điều gì. Chính quyền địa phương cũng không có trách nhiệm hỗ trợ bạn trong những lúc như thế này! Chìm hay tự bơi,...