Vì sao tên lửa hành trình Nga khiến tướng lĩnh Mỹ “sốt vó”?
Việc các chiến hạm của Nga có thể phóng tên lửa hành trình dù có kích thước chỉ bằng 1/10 chiến hạm mang tên lửa tương ứng của Mỹ, đã nói lên quá nhiều điều về năng lực và chiến thuật của quân đội Nga.
Cho dù có thông tin từ phía Mỹ cho rằng 4 trong số 26 tên lửa được các tàu chiến Nga phóng đi hướng tới Syria đã rơi tại Iran, thì đây cũng vẫn là điều giới chức Mỹ và phương Tây không thể xem thường.
Cận cảnh Nga phóng tên lửa từ 1500km trúng IS
Nếu Mátxcơva đơn giản chỉ muốn tấn công kẻ thù của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria, họ có rất nhiều tàu chiến đậu ngay gần đó trên biển Địa Trung Hải có thể làm nhiệm vụ này. Thế nhưng Nga lại phóng 26 tên lửa từ biển Caspian, cách đó 1500km, để chứng tỏ họ có khả năng làm việc đó. Và Mỹ cùng các đồng minh nên cảnh giác bởi Tổng thống Vladimir Putin đã gặt hái một thành công nữa.
Quân đội các nước phương Tây từ lâu biết rõ việc Nga sở hữu những tên lửa hành trình uy lực, là những vũ khí tự đẩy có thể bay xa với tốc độ siêu âm và nằm dưới tầm phát hiện của radar. Phương Tây cũng biết Nga đã triển khai 4 tàu tuần tra được vũ trang tới Caspian, nơi Hải quân Nga đã hiện diện nhiều thế kỷ.
Điều quan trọng ở đây đó là, Nga đã kết hợp thành công hai yếu tố: trang bị bị cho các tàu chiến khá nhỏ, lớp Buyan-M với lượng giãn nước chỉ 950 tấn, những hỏa lực tương đương với các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và lớp Ticonderoga của Mỹ, có kích thước lớn hơn rất nhiều.
Các chiến hạm lớp Buyan-M của Nga chỉ nhỏ bằng 1/10 tàu mang tên lửa hành trình của Mỹ (Ảnh: Tass)
“Điều độc đáo ở đây đó là họ đang gắn những tên lửa đó lên các tàu nhỏ”, Eric Wertheim, nhà nghiên cứu hải quân, tác giả cuốn sách Giới thiệu các hạm đội chiến đấu trên thế giới của Viện hải quân Mỹ, khẳng định trên kênh Fox News. “Mỹ cần phải nhận ra rằng họ không còn giữ thế độc quyền các vũ khí công nghệ cao”.
Các chuyên gia tin rằng 26 tên lửa được phóng đi là phiên bản tấn công bộ của mẫu tên lửa chống hạm SS-N-27 của Nga, tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Wertheim giải thích thêm rằng chiếc tàu nhỏ nhất mang các tên lửa tương tự như vậy của Hải quân Mỹ có lượng giãn nước lên tới 9000 tấn. “Con tàu nhỏ nhất của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa Tomahawk có kích thước như một tàu khu trục – gấp khoảng 10 lần kích thước các tàu của Nga”.
Phân bổ sát thương
Với việc sử dụng các tàu tuần tiễu được trang bị hệ thống tên lửa hành trình Kalibr NK, Mátxcơva đã đánh động Mỹ theo hai cách.
Trước hết, nó phô diễn năng lực quân sự ngày một cao trong “tác chiến phân bổ sát thương”. Chiến lược này nhằm tránh việc trao cho đối phương một mục tiêu lớn, bằng cách chia nhỏ các vũ khí và công nghệ chiến tranh, bao gồm các hệ thống dẫn đường và cảm biến, thành nhiều đơn vị nhỏ hơn.
Video đang HOT
Việc này gây ra 2 loại khó khăn cho đối phương: mục tiêu nhỏ hơn sẽ khó bị phát hiện hơn, và việc chỉ đánh phá một mục tiêu nhỏ sẽ ít ảnh hưởng tới năng lực tấn công của đối phương.
Năng lực này sẽ đe dọa Mỹ tại một loạt các địa điểm, và là chiến lược phản công hiệu quả trước sự chú trọng của Hải quân Mỹ trong việc ngăn cản các thế lực đối địch tiếp cận những khu vực trọng yếu.
Cận cảnh tên lửa Klub-K nhỏ gọn, uy lực của Nga
Trong lúc Mỹ nỗ lực đóng những tàu sân bay khổng lồ mới lớp Ford, sừng sững với trị giá 10 tỷ USD, Trung Quốc lại đang đầu tư mạnh tay cho các tên lửa đối hạm, tàu ngầm và máy bay trinh sát, cũng như tạo ra các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Còn với Nga, các tàu lớp Buyan không phải là vũ khí có vóc dáng tí hon duy nhất trên biển đang được phát triển. Có thông tin cho thấy nước này còn đang nâng cấp và bổ sung vào hạm đội các tàu ngầm mini Piranya có từ thời Chiến tranh Lạnh, với khả năng thả mìn dưới biển, phóng ngư lôi và triển khai những đội tác chiến nhỏ dưới nước.
Với lượng giãn nước vô cùng nhỏ, chỉ 390 tấn, cùng lớp vỏ bằng hợp kim titan, những tàu này có thể hoạt động hầu như im lặng tuyệt đối. Trên biển Baltic, Nga còn có những màn phô diễn cho thấy năng lực quân sự đã được nâng cao. Tuần này, họ đã triển khai cuộc diễn tập tìm – diệt, trong đó 3 tàu tuần tiễu đuổi theo một tàu ngầm tàng hình mới lớp Varshavyanka.
Một lí do khác khiến Nga triển khai các cuộc tấn công tại Syria đó là nhằm mục đích tăng cường giới thiệu vũ khí, thúc đẩy bán hàng. Với việc nền kinh tế dựa vào dầu mỏ đang trượt dốc, trong khi các hành động can dự mới tại Ukraine và Trung Đông tiếp diễn, Nga cần có thêm nguồn lực tài chính.
Không mấy ngạc nhiên khi doanh số xuất khẩu các vũ khí chính của Nga giai đoạn 2005 – 2014 tăng 37%. Các vũ khí được bán bao gồm cả hệ thống tên lửa hành trình Klub-K, một phiên bản của tên lửa Kalibr được ngụy trang bên trong một số container hàng hóa, với giá có thể lên tới 20 triệu USD.
Các tàu lớp Buyan được đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân Zelanodolsk, tại nước cộng hòa Tatarstan, trực thuộc Nga, cũng nằm trong số những mặt hàng được đặt mua nhiều nhất. Nga có kế hoạch giao thêm 2 chiếc nữa trước cuối năm nay, nâng tổng số tàu được giao lên 12 chiếc, số liệu của Viện chiếc lược quốc tế cho biết.
Tổng thống Obama có thể khăng khăng rằng quyết định can thiệp của Putin vào Syria là dấu hiệu của sự suy yếu, nhưng vụ phóng tên lửa hành trình lại cho thấy sự tăng cường sức mạnh, cho dù một vài tên lửa có chệch mục tiêu. Nó là lời nhắc nhở rằng Mỹ vẫn còn cả một chặng đường dài trên con đường tới mục tiêu sở hữu một hạm đội trong đó hầu như mỗi con tàu là một mối đe dọa cho đối phương.
Để đạt được mục tiêu đó, cũng như tất cả những thay đổi lớn trong các ưu tiên của quân đội, Nhà Trắng không chỉ phải thuyết phục các tướng lĩnh, mà còn cả những nhà lãnh đạo dân sự và Quốc hội, cùng bạn bè họ trong khu vực tư nhân. Tất cả đều phải nhận ra rằng, khi muốn đối đầu với các cường quốc chủ chốt như Nga và Trung Quốc, đôi khi vũ khí nhỏ hơn lại tốt hơn.
Thanh Tùng
Theo Dantri/Bloomberg, Fox News
Tên lửa hành trình Kalibr-NK: Câu trả lời xứng đáng cho Tomahawk
4 chiến hạm 'bé hạt tiêu' của Nga đã phóng tới 26 quả tên lửa hành trình KalibrNK sang Syria. Đây có thể coi là sự đáp trả với Tomahawk của Mỹ.
4 chiến hạm "hạt tiêu" Nga phóng 26 tên lửa hành trình sang Syria
Hãng truyền hình NTV dẫn nguồn từ hãng thông tấn Nga TASS cho biết, Hải quân nước này đã chính thức tham gia chiến dịch tấn công Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" ở Syria và Nga cũng lần đầu tiên sử dụng tên lửa hành trình phóng từ trên biển để tấn công các mục tiêu mặt đất.
Ngày 7-10, 4 chiến hạm Nga thuộc các lớp tàu hộ vệ hạng trung và tàu hộ vệ cỡ nhỏ thuộc Hạm đội Caspian đã phóng tổng cộng 26 quả tên lửa hành trình Kalibr-NK, vượt quãng đường 1500km tấn công chính xác những mục tiêu đã định của lượng khủng bố IS ở Syria.
Chỉ 4 chiến hạm từ hạng trung trở xuống của Nga đã đã tổ chức đội hình biên đội phía tây nam biển Caspian và thể hiện uy lực tấn công cực kỳ mạnh mẽ khi phóng quả tên lửa hành trình Kalibr-K từ vùng biển này, qua lãnh thổ Iran và Iraq để tiêu diệt lực lượng khủng bố IS ở Syria.
Được biết, tên lửa được phóng đi từ tàu hộ vệ tên lửa mang tên Dagestan (số hiệu 693), thuộc Project 11.661, lớp Gepard 3.9 và các khinh hạm tên lửa dự án 21.631 (lớp Buyan-M) lần lượt mang tên và số hiệu là Grad Sviyazhsk (021), Uglich (022) và Veliki Ustyug (106).
Cuộc tấn công kết hợp của lực lượng không quân và hải quân, bao gồm 4 tàu chiến và 23 máy bay chiến đấu trong ngày 7-10 đã tiêu diệt 19 sở chỉ huy, điều hành tác chiến; 12 kho vũ khí quân sự; 71 xe tăng thiết giáp, các nhà máy và xưởng chế tạo chất nổ, vật liệu nổ tự tạo.
Khinh hạm thuộc dự án 21.631 (lớp Buyan-M) mang tên và số hiệu là Grad Sviyazhsk (021) phóng tên lửa Kalibr NK
Cuộc tấn công đã thành công mỹ mãn, tất cả các mục tiêu đều bị tiêu diệt, không ảnh hưởng gì tới các công trình dân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét: "Thực tế chiến trường cho thấy, các chiến hạm của Hải quân Nga trên vùng biển Caspian, đã tiến hành phóng tên lửa hành trình có độ chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu đã định của IS, từ khoảng cách lên tới 1500km".
Ông nhận xét, điều này cho thấy, các cơ sở công nghiệp quốc phòng đã hoạt động rất tốt để chế tạo ra các vũ khí tấn công tầm xa uy lực và có độ chính xác cao, còn lực lượng vũ trang Liên bang Nga cũng đã rèn luyện được chiến thuật và kỹ năng tác chiến thành thạo, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.
Điều đáng nói là các chiến hạm "hạt tiêu" của Nga có lượng giãn nước cao nhất là Dagestan chỉ trên dưới 2000 tấn (3 tàu còn lại vẻn vẹn 949 tấn) nhưng có khả năng tấn công tên lửa hành trình hạng nặng với mỗi tàu là 8 quả tên lửa thuộc hệ thống Kalibr NK là 3M-14T (SS-N-30A).
Tên lửa 3M-14 và 3M-14T: Sự đáp trả Tomahawk của Mỹ
Dòng tên lửa Kalibr do Viện OKB Novator ở Yekaterinburg nằm trong Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triển. Đây là một họ tên lửa với nhiều biến thể dành cho quân đội Nga và khách hàng nước ngoài.
Kalibr có đầy đủ các các biến thể dành cho Lục quân (Kalibr-M) và Không quân Nga (Kalibr-A), nhưng các tên lửa này được trang bị phổ biến nhất trong Hải quân Nga. Chúng đang được sản xuất để trang bị cho tàu ngầm (Kalibr-PL) và tàu nổi (Kalibr-NK).
Trong hệ thống tên lửa Kalibr, ngoài các loại ngư lôi và tên lửa chống ngầm, phiên bản đối hạm cơ sở được định danh là 3M-54, còn phiên bản tấn công mặt đất cơ sở là 3M-14.
Từ trước đến nay, chúng ta thường biết đến phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa tấn công mặt đất này là Klub 3M-14E với tầm phóng vẻn vẹn 300km. Tuy nhiên, phiên bản tấn công mặt đất được sử dụng trong hải quân Nga đều có tầm phóng siêu xa từ 1500-2500km.
Tên lửa 3M-14, theo định danh của Bộ Quốc phòng Nga (DOD) là SS-N-30A. Đây là một biến thể tấn công mặt đất dẫn đường quán tính triển khai cho các tàu ngầm Nga, có tầm phóng và tính năng ngang ngửa với tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Nó có chiều dài cơ bản là 6,2 m (20 ft), với đầu đạn nặng 450 kg (990 lb), phạm vi tấn công là 1,500-2,500 km (930-1,550 mi), tốc độ hành trình cận âm Mach 0,8.
Tên lửa 3M-14T cũng có định danh DOD là SS-N-30A, được triển khai cho các tàu mặt nước với hệ thống phóng thẳng đứng (VLS), với lực đẩy véc-tơ tăng áp. Chiều dài cơ bản của nó là 8,9 m (29 ft), các tham số khác cũng tương tự như 3M-14.
Trong tương lai Nga sẽ xây dựng khả năng tấn công tên lửa hành trình rất mạnh để tạo đối trọng với Mỹ
Phiên bản xuất khẩu 3M-14E được Bộ Quốc phòng Nga định danh là SS-N-30B, được phóng từ tàu ngầm. Chiều dài cơ bản của nó là 6,2 m (20 ft), với 450 kg (990 lb) đầu đạn. Phạm vi tấn công là 300km (190 mi), với tốc độ tương tự như tên lửa nguyên bản.
Hiện Mỹ đang triển khai tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk trên 2 loại tàu mặt nước là tuần dương hạm lớp Ticonderoga (với số lượng tối đa là 26 quả) và các khu trục hạm Aegis lớp Arleigh Burke, với số lượng tối đa là 56 quả.
Tuy số lượng tên lửa hành trình mà chiến hạm Mỹ mang được là rất lớn, nhưng các tuần dương hạm và khu trục hạm Aegis của Mỹ đều có lượng giãn nước siêu lớn, khoảng trên dưới 10.000 tấn, trong khi các chiến hạm Nga chỉ chưa tới 1000 tấn cũng có thể mang được tới 8 quả.
Do thiếu kinh phí, Nga đang từ bỏ các thiết kế hạng nặng, chuyển sang đóng các tàu hộ vệ hạng trung và cỡ nhỏ có khả năng mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr-NK 3M-14T. Hiện Nga đã có gần 10 tàu được trang bị khả năng này.
Nga đang ồ ạt triển khai Kalibr-NK trên các tàu cỡ nhỏ, con số này sẽ có thể tăng lên tới vài chục chiếc trong thời gian chỉ khoảng 5 năm nữa. Nga sẽ xây dựng được khả năng tấn công bằng tên lửa hành trình rất mạnh, nhưng theo một đường lối khác hẳn Mỹ.
Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.
Thiên Nam
Theo_Báo Đất Việt
Tham vọng tên lửa siêu tốc của Mỹ Các nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce Liberty Works và Williams International đang tập trung phát triển động cơ tua bin dành cho thế hệ tên lửa hành trình siêu thanh của Mỹ. Dòng tên lửa hành trình mới sẽ lợi hại gấp bội tên lửa Tomahawk huyền thoại của Mỹ - Ảnh: U.S Navy Trong tương lai, tốc độ của tên lửa...