Vì sao Tập đoàn Tân Tạo “mờ mịt” với dự án ngàn tỷ nhiệt điện Kiên Lương?
Đơn vị kiểm toán lưu ý về khả năng thu hồi khoản đầu tư của ITA tại dự án nhiệt điện Kiên Lương và khoản nợ tiềm tàng của công ty về tiền thuê đất KCN Tân Tạo và Tân Đức.
ITA chưa đánh giá được khả năng thu hồi hàng ngàn tỷ đồng khoản đầu tư vào nhiệt điện Kiên Lương.
Chưa đánh giá được khả năng thu hồi hàng ngàn tỷ đồng khoản đầu tư vào nhiệt điện Kiên Lương
Theo đơn vị kiểm toán, tại thời điểm cuối tháng 6/2019, CTCP Tập đoàn Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) ghi nhận khoản đầu tư vào các CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và CTCP Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2) với giá trị lần lượt là 1.753 tỷ đồng và 418 tỷ đồng và khoản phải thu từ TEDC là 1.343 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán lưu ý, ITA chưa đánh giá được chắc chắn khả năng thu hồi của các khoản đầu tư và khoản phải thu này do phụ thuộc vào khả năng tiếp tục thực hiện dự án nhiệt điện Kiên Lương.
Theo đánh giá của Ban tổng giám đốc ITA, khoản công nợ phải thu TEDC và giá trị khoản đầu tư vào TEDC và TEC 2 được đảm bảo bằng tài sản là cơ sở hạ tầng đã được đầu tư và giá trị diện tích đất tại ngày lập báo cáo.
Hiện Công ty vẫn tiếp tục bám sát làm việc với cơ quan, ban ngành để kiến nghị Chính phủ đưa dự án Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bởi theo ITA, Việt Nam hiện vẫn thiếu điện đặc biệt là khu vực phía Nam.
Ghi nhận trên báo cáo tài chính của ITA, Công ty đang có khoản phải thu trên 1.287 tỷ đồng từ việc cho TEDC thuê đất của Tân Tạo tại khu Nhiệt điện Kiên Lương, số tiền này sẽ đến hạn vào ngày 1/1/2020.
Video đang HOT
Dựa vào đánh giá của Ban tổng giám đốc Tập đoàn, TEDC có đủ khả năng thanh toán khoản phải thu nói trên và khoản tiền nhận trước từ Tập đoàn hơn 55,5 tỷ đồng.
Theo đó, Ban tổng tiám đốc Tập đoàn tin tưởng có thể thu hồi được khoản phải thu từ TEDC là 1.343 tỷ đồng cùng với khoản đầu tư của Tập đoàn vào TEDC và vào TEC 2 với số tiền lần lượt 1.753 tỷ và 418 tỷ đồng trên cơ sở đánh giá giá trị thu hồi và dòng tiền có thể tạo ra từ dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Tại ngày 30/6/2019, TEDC và TEC 2 đang nắm giữ vốn chủ sở hữu của CTCP Năng lượng Tân Tạo (TEC) với tỷ lệ lần lượt là 72% và 14%. TEC đang là chủ đầu tư phát triển dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
Về dự án Nhiệt điện Kiên Lương, năm 2007, Thủ tướng đã có chủ trương đầu tư Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương và tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận xây dựng Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 với tổng vốn đầu tư 45.792 tỷ đồng.
Tháng 12/2015, TEC đã ký biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương về việc cam kết đầu tư và phát triển dự án nhiệt điện Kiên Lương theo hình thức BOT trên đất mà TEDC đã thuê từ Tân Tạo.
Tuy nhiên theo Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/3/2016, dự án Nhiệt điện Kiên Lương không được bao gồm trong danh mục các Dự án điện Quốc gia.
Còn theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, từ cuối năm 2011 dự án đã đình trệ, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và không làm thủ tục xin gia hạn nộp theo quy định. Vì vậy tỉnh đề xuất thu hồi dự án này.
Đến cuối năm 2018, tỉnh Kiên Giang lại có văn bản gửi TEC, nêu rõ: “Dự án trong các năm qua rất chậm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Xét thấy công ty không có khả năng thực hiện dự án, liên tục không thực hiện được các cam kết tiến độ, cùng với việc dự án bị đưa ra Quy hoạch 7, UBND tỉnh Kiên Giang giữ nguyên đề nghị thu hồi dự án”.
Tiền thuê đất hai khu công nghiệp: Khoản nợ tiềm tàng
Cũng theo đơn vị kiểm toán, cho đến ngày 30/06/2019, ITA đã ghi nhận doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê đất tại khu công nghiệp Tân Tạo mở rộng trên tổng diện tích 904.047 m2 và khu công nghiệp Tân Đức diện tích là 1.876.498 m2.
Giá vốn tương ứng của diện tích đã được cho thuê lại bao gồm tiền thuê đất phải trả dựa trên đơn giá ước tính theo hợp đồng trả tiền hàng năm và các phụ lục hợp đồng liên quan đã được ký với các cơ quan Nhà nước tại thời điểm ghi nhận doanh thu.
Trong khi đó theo Luật Đất đai, ITA có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước một lần theo đơn giá mà số tiền này có thể chênh lệch với số tiền đã được ITA ứng trước.
Về vấn đề này, ITA cho biết đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước để xác định tiền thuê đất phải trả cho diện tích đã được thuê và đang chờ phản hồi từ các cơ quan này. Kết quả sau cùng hiện chưa xác định được.
Do đó, Ban tổng giám đốc ITA đã quyết định trình bày khoản phải trả Nhà nước liên quan đến chi phí thuê đất này là một khoản nợ tiềm tàng.
Chặng đường hoàn thành kế hoạch 2019 còn xa
Mặc dù không còn xuất hiện tại các kỳ đại hội đồng cổ đông những năm qua của ITA, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Đặng Thị Hoàng Yến vẫn để lại vết tích trong các báo cáo tài chính của ITA dưới dạng chữ ký.
Theo đó, 6 tháng 2019, lợi nhuận trước thuế của ITA đạt mức 157 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế 129 tỷ đồng, tăng 190% so với cùng kỳ 2018. Sở dĩ lợi nhuận kỳ này tăng vọt do doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp và bán đất nền dự án Ecity tăng. Ngoài ra công ty cũng đã hoàn nhập dự phòng khi thanh lý các khoản đầu tư trong kỳ này.
Trong khi đó, theo kế hoạch kinh doanh 2019 được cổ đông thông qua, doanh thu kỳ vọng đạt 1,885 tỷ đồng và lợi nhuận 455 tỷ đồng, gấp 3 lần và gấp 5 lần so với kết quả thực hiện được ở năm 2018.
Như vậy, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ITA chưa đạt phân nửa kế hoạch đặt ra. Xem chừng chặng đường hoàn thành kế hoạch của doanh nghiệp này còn khá xa.
Kết quả kinh doanh trồi sụt thất thường khiến giá cổ phiếu ITA cũng chỉ bằng ly trà đá khi đóng cửa phiên ngày 6/9 tại mức 3.250 đồng/cổ phiếu.
Minh An
Theo vietnamdaily
CPI cả năm thấp hơn mục tiêu?
Với những diễn biến của thị trường trong 8 tháng qua, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã và đang được kiểm soát. Đồng thời dự báo khả năng trong 4 tháng còn lại của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng cả năm sẽ thấp hơn mục tiêu.
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt
CPI tăng thấp
Trong 8 tháng qua, có 2 tháng CPI giảm và 6 tháng tăng. Cụ thể, tháng 3 giảm theo thông lệ do số gốc so sánh là mức giá trong tháng 2, tháng có Tết Nguyên đán nên nhu cầu và mức giá cao hơn các tháng khác trong năm. Trong tháng 6 CPI giảm nhẹ, do đây là tháng giữa năm, đồng thời lại nắng nóng dữ dội, nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm không cao, trong khi cung lại dồi dào. Các tháng khác tăng, nhưng nhìn chung ở mức nhẹ.
Yếu tố trực tiếp dẫn đến CPI tăng thấp là chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ có sự cải thiện. Ngân sách 7 tháng đầu năm đã bội thu, ngược chiều với bội chi theo dự toán. 7 tháng bội thu khoảng 116.000 tỷ đồng, trong khi dự toán cả năm là bội chi 222.000 tỷ đồng; tính từ đầu năm đến 15/8 đã bội thu 97,2 nghìn tỷ đồng. Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã thu hút tiền về; tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định (tháng 8/2019 so với tháng 12/2018 giảm 0,48%, bình quân 8 tháng tăng 1,80% so với cùng kỳ - thấp hơn định hướng.
Sau 8 tháng CPI tăng 1,87%, bình quân một tháng tăng 0,23%. Đây là tốc độ tăng thuộc loại thấp so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,59%, bình quân một tháng tăng 0,32%). Bình quân 8 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 2,57%. Đây cũng là tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ 2018 (3,52%) và của cùng kỳ 2017 (3,84%).
Như vậy, dù xem xét dưới góc độ nào thì CPI trong 8 tháng năm 2019 cũng thấp hơn của cùng kỳ các năm trước. Trong khi CPI của năm 2018, sau 12 tháng tăng 2,98%, bình quân năm tăng 3,54%, thấp hơn mục tiêu tăng 4%. Có nhiều yếu tố tác động giúp CPI tăng thấp trong 8 tháng qua. Đầu tiên là cơ cấu cung - cầu, cơ bản cung cao hơn, thể hiện ở xuất siêu có xu hướng cao lên (tính đến giữa tháng 8 đã xuất siêu 2,935 tỷ USD, cao hơn mức 2,369 tỷ USD của cùng kỳ năm trước); Ước 9 tháng xuất siêu 3,403 tỷ USD.
Không thể chủ quan
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu bình quân một tháng trong 4 tháng cuối năm tăng bằng với tốc độ tăng bình quân một tháng trong 8 tháng đầu năm thì 4 tháng sẽ tăng 0,93% và tính chung cả năm sẽ tăng 2,82%, thấp hơn tốc độ tăng 2,98% của năm 2018.
Theo tính toán, xu hướng CPI bình quân năm 2019 cũng sẽ thấp hơn tốc độ tăng tương ứng 3,56% của cả năm 2018. Nếu dự báo đó là đúng, thì năm 2019 cũng sẽ thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, năm 2019 lạm phát sẽ được kiểm soát theo mục tiêu và đây là năm thứ tư liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Tư duy kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đạt được thành công.
Dự đoán thì như vậy, nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo chúng ta chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi còn có những yếu tố tác động đến việc tăng lên cao hơn dự đoán của lạm phát trong 4 tháng cuối năm cũng như cả năm 2019. Cùng với đó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang khiến kinh tế thế giới bất định cả về thời gian, về quy mô, về mức thuế suất; cả về những hiệu ứng tiếp theo như sự nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất, như sự tiếp tục phá giá mạnh hơn nhiều đồng nội tệ của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 1500 USD/ounce; có thể còn tăng cao hơn, thậm chí có thể vượt qua đỉnh 1.900 USD/ounce đã đạt trước đây. Chứng khoán giảm sâu. Tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại so với năm trước và so với dự đoán trước đây.
Diễn biến trên thế giới sẽ tác động đến Việt Nam cả về tiền tệ - tỷ giá, cả về giá vàng và quan trọng hơn là yếu tố tâm lý. Ngoài các yếu tố quốc tế, còn có các yếu tố ở trong nước. Đàn lợn bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi sẽ làm cho giá thịt lợn tăng cao. Giá dịch vụ y tế tăng ở mức khá cao và với phạm vi khá rộng. Giá dịch vụ giáo dục, nhất là cao đẳng, đại học khi thực hiện tự chủ đại học...
Theo Kinhtedothi
Dự luật PPP sẽ có cơ chế bảo lãnh thu hút nhà đầu tư Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Đức Trung, Dự luật Đầu tư theo đối tác công tư (Luật PPP) sẽ đưa ra các cơ chế bảo lãnh như cơ chế chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro... Đây là các cơ chế đột phá, cần thiết để thu hút nhà đầu tư (NĐT) tham gia...