Vì sao sốt đất nền “hạ nhiệt” mạnh nhưng giá vẫn neo đỉnh
Trong 6 tháng đầu năm, mức độ quan tâm đất nền trên cả nước đều giảm, trong đó Hà Nội giảm 23% còn TP.HCM giảm 11%.
Tuy nhiên, mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều khu vực của Hà Nội và TP.HCM đều tăng mạnh.
Ảnh minh họa.
Trải qua 2 năm dịch bệnh kéo dài, thị trường nhà đất, vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm ghi nhận nhiều diễn biến thăng trầm. Đại diện của Batdongsan.com.vn cho biết, từ 1/2020 đến tháng 6/2022, đất và nhà ở có chỉ số tăng giá cao nhất, xếp sau đó là vàng, chứng khoán và tiền gửi tiết kiệm.
Mặc dù chỉ số giá vàng và chứng khoán đã tăng mạnh vào tháng 1 năm nay, lần lượt tăng 44% và 57% so với tháng 1/2020, nhưng sang tháng 6/2022, giá vàng và chứng khoán đã giảm, nên mức tăng so với tháng 1/2020 còn 34% và 21%.
Theo nghiên cứu của đơn vị này, trong quý 2/2022 đất nền tại miền Bắc và miền Nam có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 16% và 12% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng mặt bằng giá rao bán vẫn tăng ở nhiều tỉnh so với trung bình giá 2021.
Hà Nội chứng kiến nhu cầu tìm kiếm đất nền giảm đến 23% nhưng mặt bằng giá rao bán đất ở nhiều quận, huyện vùng ven tăng mạnh. Trong đó, đất nền huyện Đông Anh, Gia Lâm, Quốc Oai tăng lần lượt tăng 31%, 27% và 20% so với trung bình giá năm 2021.
TP.HCM ghi nhận mức độ quan tâm đất giảm 11%. Tuy nhiên, giá rao bán đất nền trong quý 2/2022 ở nhiều khu vực của thành phố đều tăng so với trung bình năm 2021, như quận 9 tăng 11%, Củ Chi tăng 8%, Nhà Bè tăng 4%.
Thị trường đất nền toàn quốc trong quý 2/2022 ghi nhận mức độ quan tâm ước tính giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 5% so với quý 2/2019 – thời kỳ trước dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định: “Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không là nhu cầu của thị trường. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm bất động sản tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa từ hai đô thị này cao và đông dân cư, do đó nhu cầu về nhà ở vẫn cao”.
Video đang HOT
Theo vị này, mặc dù quan tâm đến bất động sản có dấu hiệu “giảm nhiệt” tại nhiều tỉnh thành trong quý 2/2022 so với cùng kỳ năm 2021 nhưng trong ngắn hạn sẽ khó có khả năng giá bất động sản giảm. Ngoài mục đích để ở với nhu cầu luôn hiện hữu, mục đích đầu tư sẽ hướng tới dài hạn. Vì vậy, tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi một số khu vực, đặc biệt là phân khúc đất nền tại một số khu vực dự kiến lên quận, sáp nhập hoặc có hệ thống hạ tầng giao thông chạy qua… tăng giá đột biến. Ngoài ra, giá nhà chung cư tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ có nơi tăng 30%.
Theo vị này, giá bất động sản tăng cao có nhiều nguyên nhân, một phần do nguồn cung hạn chế, tín dụng điều chỉnh chưa tốt, thông tin về thị trường chưa kịp thời, chặt chẽ, chính xác, nên có hiện tượng lợi dụng thông tin để nâng giá thổi giá.
Trước thực tế nêu trên, ông Khởi cho biết, Bộ Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc, cùng với đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thị trường bất động sản đến thời điểm hiện nay so với cùng kỳ 2021 và cuối năm 2021 đã có nhiều nơi đã hạ nhiệt mặc dù giá vẫn còn cao.
Nhận định về tình hình 6 tháng cuối năm này, ông Khởi dự báo thị trường sẽ phát triển song vẫn có những biện pháp cần thiết để tránh những hiện tượng xảy ra như 2021, trong đó có việc đẩy nhanh nguồn cung, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
"Quay cuồng" với đất ven biển, miền núi : Lấp ló những hệ lụy
Trong cơn "quay cuồng" với đất, không phải người bán nào cũng chạm đến giấc mơ đổi đời, không phải nhà đầu tư nào cũng "lướt sóng" thành công, không phải "cò" đất nào cũng dễ kiếm tiền.
Tình trạng sốt đất ở các tỉnh ven biển, miền núi đã kéo theo việc nhà nhà, người người dắt nhau làm "cò" đất. Thậm chí, nhiều trường hợp bỏ công việc ổn định trong công xưởng, doanh nghiệp lớn hay công sở với thu nhập ổn định để làm "cò", rồi người thì nợ nần, kẻ thất nghiệp.
"Cò gãy cánh"
Trong số những người "ôm hận" vì lao theo cơn sốt đất ở tỉnh Quảng Ngãi, éo le nhất có lẽ là trường hợp anh N.M.T (ngụ TP Quảng Ngãi).
T. kể trước kia, anh vốn là công nhân, dù thu nhập không cao nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống. "Khi môi giới thành công được vài trường hợp, thấy nhà đầu tư "lướt sóng" thu về bộn tiền, tôi liền nghĩ tại sao mình không làm theo? Bi kịch bắt đầu từ đó" - anh buồn bã.
Các điểm giao dịch bất động sản mọc lên khắp nơi ở TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ở những nơi này, đất ven biển xuất hiện dày đặc trên bảng thông tin mua bán .Ảnh: TỬ TRỰC
Kết quả, sau 8 tháng làm "cò" kiêm nhà đầu tư "lướt sóng", giấy tờ căn nhà nhỏ của anh T. ở TP Quảng Ngãi đã "chui" vào ngân hàng. "Giờ việc này quá bấp bênh vì ai cũng làm "cò" nên vợ chồng tôi lục đục suốt, nguy cơ tan vỡ vì tôi không nghe lời vợ an phận mà lao theo cơn sốt đất" - anh T. than vãn và mơ cuộc sống lại được như ngày còn làm công nhân.
Ở tỉnh Nghệ An, nhắc đến trường hợp anh Lê Văn N. (trú TP Vinh), người thân và bạn bè không khỏi tiếc cho quyết định chuyển nghề sai lầm của anh. Tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh T. được tuyển vào một công ty lớn ở TP Vinh và sau vài năm đã lên quản lý với thu nhập khá ổn định 18 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2021, thấy giá đất tăng, nghe theo một số người bạn, anh quyết định nghỉ việc, tham gia môi giới bất động sản.
"Mấy tháng đầu công việc khá suôn sẻ, môi giới thành công một số lô đất, tôi kiếm được tiền hoa hồng hơn 100 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền, cuối năm 2021, ngoài việc môi giới, tôi còn vay mượn gần 2 tỉ đồng để hùn với một số anh em khác "ôm" mấy lô đất chờ lên giá. Ai ngờ, sau đó giá đất giảm, tôi chịu lỗ rao bán nhưng không ai mua" - N. kể. Anh cho hay do thất nghiệp, mỗi tháng lại phải trả hơn 10 triệu đồng tiền lãi suất ngân hàng nên có lúc phải vay nóng.
Những con đường nhựa mở ra với chiêu trò hiến đất làm đường ở tỉnh Lâm Đồng, giờ đang im ỉm, đất hai bên đường hoang hóa, cỏ mọc um tùm .Ảnh: ĐÌNH THI
"Ôm" khu đất "khủng" bằng số tiền lãi do làm môi giới và "lướt sóng" nhà đất cộng với vay mượn, anh N.V.M - một công chức ở tỉnh Khánh Hòa - như đang ngồi trên lửa. Theo M., ban đầu anh hùn vốn với mấy người bạn mua đất ở Ninh Hòa với giá thấp, sau đó dựa vào đợt sốt mà bán. Chỉ trong 2 tháng, nhóm của M. mỗi người góp từ 100-300 triệu đồng đã có lợi nhuận từ việc bán đất từ 30-100 triệu đồng.
Sau khi môi giới và "lướt sóng" vài lô đất, M. đã cầm cố nhà cửa để lấy vốn góp mua hơn 10.000 m2 đất rừng ở huyện Khánh Vĩnh và phân lô bán nền. Tuy nhiên, hiện nay, với việc siết chặt tình trạng phân lô bán nền, chuyện "kinh doanh" đất đai của M. đình trệ nên lãi suất từ khoản vay đang khiến anh đứng ngồi không yên.
Cũng như anh T., bây giờ, cả anh N. và anh M. chỉ ước có cuộc sống như ngày xưa.
"Ôm hận" sau nhận cọc
Không chỉ hàng loạt "cò gãy cánh", trong cơn sốt đất ở những địa phương miền biển, miền núi, nhiều chủ đất không những không đạt được giấc mộng đổi đời mà còn đối diện nợ nần chồng chất vì bị lừa hoặc lấy tiền cọc để xây nhà trong khi người mua thì bóng chim, tăm cá.
Tại thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong thời gian diễn ra sốt đất, nhiều hộ dân được những người môi giới cọc từ 100-200 triệu đồng để mua đất nhưng rồi lại "thả nổi".
"Một số hộ ở thôn Hà Tây sau khi nhận tiền đặt cọc đã mua vật liệu xây dựng, thuê thợ làm nhà ở. Tuy nhiên, đến nay đã vài tháng trôi qua, người mua vẫn chưa chồng đủ tiền nên bà con đang lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan. Móng nhà đã xây rồi nhưng đất vẫn chưa bán được nên họ đành phải vay mượn thêm để hoàn thành công trình" - ông Phan Bội Châu, Phó Ban Công tác mặt trận thôn Hà Tây, cho biết. Ông dự đoán sẽ có nhiều người phải bán nhà để trả nợ.
Hậu quả nặng nề do sốt đất gây ra đối với các chủ đất còn xảy ra ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những khu vực sốt đất bậc nhất tỉnh Đắk Lắk thời gian qua do có thông tin xã này sẽ sáp nhập về TP Buôn Ma Thuột. Trong đó, một số đối tượng sau khi đặt cọc, tự nhận tách thửa đất, sang tên rồi tách toàn bộ đất thổ cư vào sổ của mình hoặc cầm giấy tờ đất đai và trốn mất.
Ông Y Hoa Niê - trưởng buôn Sút M'đưng, xã Cư Suê - cho biết trong buôn có hơn 120 hộ đã bán đất, trong đó có 4 hộ bị lừa lấy hết đất thổ cư. Nguyên nhân là do thiếu hiểu biết, người dân không kiểm tra kỹ hợp đồng khi công chứng nên bị người mua lừa. Đa số các hộ bán đất đều có hoàn cảnh khó khăn. "Giờ họ chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc "giải cứu" mà thôi" - ông Y Hoa Niê bày tỏ.
Lãng phí nghiêm trọng
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà, huyện Lạc Dương..., sau cơn sốt đất, nhiều người đã mua bán, chuyển nhượng qua nhiều đời chủ, đẩy giá đất tăng chóng mặt dù vị trí nằm sâu trong rừng, đồi núi cao... Thế nhưng, sau khi vi phạm bị phát hiện, những khu đất này trở thành những bãi đất hoang tàn. Hệ lụy phân lô bán nền hiện rõ trên từng bãi đất, căn nhà hoang hóa.
Đi dọc Quốc lộ 20, đoạn qua xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, người ta không khó chứng kiến những khu đất bạt ngàn nhưng lại gần như bị bỏ hoang. Những khu đất này trước đây được thu gom để "hô biến" thành các dự án phân lô bán nền được quảng cáo vô cùng hấp dẫn.
"Ở đây, nhiều người không có đất canh tác, phải bỏ xứ đi làm thuê, làm mướn. Trong khi đó, hàng chục, hàng trăm hecta đất bị bỏ hoang thế này thì thật quá lãng phí" - ông Nguyễn Văn Trung - ngụ xã Lộc An, huyện Bảo Lâm - băn khoăn. Ông mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp nhằm khai phóng nguồn lực đất đai để địa phương có thêm điều kiện phát triển.
Còn ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc nhiều chủ đất bị lừa thì hệ lụy để lại sau cơn sốt đất chính là đất đai bị bỏ hoang bởi người mua chỉ quây lại rồi để đó. Hay ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện cho hay tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp diễn ra ồ ạt và bị "thổi" lên quá cao dẫn đến nhiều hệ lụy. Đất nông nghiệp ngày càng ít, trong khi địa phương là huyện đảo nên cần sự tự lực trong canh tác rất lớn.
Dòng tiền cho vay bất động sản tập trung vào phân khúc cá nhân Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) tăng trưởng mạnh trong các năm qua nhưng phần lớn chảy vào cá nhân mua nhà, trong khi các khoản rót vốn cho chủ đầu tư dự án lại bị thu hẹp. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động...