Vì sao sau lễ trao giải cho đội vô địch World Cup đêm nay, cúp vàng lại quay về Italia?
Đội tuyển Italia không thể giành vé dự World Cup 2022, nhưng điều lạ lùng là chiếc cúp danh giá này vẫn luôn trở về Italia sau mỗi kỳ World Cup.
FIFA từng làm ra 2 chiếc cúp cho các đội tuyển vô địch (ảnh: FIFA)
4 năm một lần, 32 đội tuyển bóng đá mạnh nhất hành tinh sẽ tranh tài tại World Cup để tìm ra nhà vô địch mới. Chạm tay vào cúp World Cup (tên đầy đủ là cúp FIFA World Cup) luôn là giấc mơ lớn nhất của các ngôi sao bóng đá.
Tuy nhiên, không nhà vô địch nào được sở hữu chiếc cúp danh giá nhất hành tinh với giá trị hàng triệu USD. Họ chỉ được nhận về bản sao chiếc cúp.
Theo USA Today, sau mỗi mùa World Cup, bản gốc của cúp vô địch sẽ được gửi về nhà máy Bertoni ở Italia để bảo dưỡng, trước khi được FIFA đem trưng bày trong viện bảo tàng.
“Đó luôn là cảm giác đặc biệt mỗi khi bản gốc chiếc cúp vô địch trở về với chúng tôi”, Valentina Losa – giám đốc của công ty Bertoni – cho biết. Bà Losa là chủ nhân đời thứ 4 của công ty đặc biệt này.
Cúp Rimet của FIFA (ảnh: Infofinance)
1. Bí ẩn chiếc cúp vô địch đầu tiên của FIFA
Ít người biết rằng, Liên đoàn bóng đá Thế giới (FIFA) từng sản xuất 2 chiếc cúp dành cho các nhà vô địch bóng đá. Năm 1930, kỳ World Cup đầu tiên được đăng cai. Chủ nhà Uruguay vô địch kỳ World Cup này và chiếc cúp Jules Rimet ở lại với họ. Cúp Rimet được chuyển giao cho các nhà vô địch World Cup sau đó, theo FIFA.
Cúp Jules Rimet cao 35cm, nặng 3,8kg được thiết kế với phần đế hình bát giác, thân cúp đúc hình thần Nike – nữ thần chiến thắng của người Hy Lạp. Cúp Rimet làm từ bạc và được mạ vàng.
Cúp World Cup ban đầu được đặt là Jules Rimet, theo tên cựu Chủ tịch FIFA (1921 – 1954). Ông Rimet là người đã khởi xướng giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Trước khi qua đời, ông Rimet tuyên bố, đội tuyển nào vô địch World Cup 3 lần sẽ có quyền được giữ cúp World Cup mãi mãi.
Tháng 3/1966 (4 tháng trước khi Anh đăng cai World Cup), tai họa xảy đến với FIFA khi cúp Ritmet bị mất trộm tại Hội trường Trung tâm Westminster (London). Một bức thư sau đó được gửi đến Chủ tịch FIFA Joe Mears, yêu cầu khoản tiền chuộc cúp Rimet lên tới 19.000 USD, theo Daily Mail.
Khi FIFA chưa kịp chuyển tiền, chiếc cúp đã được tìm thấy một cách hết sức tình cờ trong một khu vườn tại khu Upper Norwood, phía nam thành phố London. Trong một lần đi dạo cùng chủ nhân, chú chó tên Pickles đã phát hiện chiếc cúp.
Pickles sau đó được chính quyền thành phố London tặng huy chương, xuất hiện trên các chương trình nổi tiếng và được tài trợ thức ăn suốt đời. Chủ của nó cũng được thưởng 6.000 bảng Anh.
Thủ phạm thực sự gây ra vụ trộm cúp Rimet đến nay vẫn là bí ẩn.
Năm 1970, Brazil vô địch World Cup lần thứ 3 và được quyền giữ cúp Rimet mãi mãi. Cúp Rimet sau đó bị đánh cắp trong một bảo tàng ở Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 1983. Đến nay, cúp Rimet vẫn mất tích.
Ông Silvio Gazzaniga – người thiết kế cúp World Cup (ảnh: USA Today)
Video đang HOT
2. Cúp World Cup ngày nay
Sau khi trao cúp Rimet cho Brazil, FIFA quyết định sẽ kéo dài “tuổi thọ” cho chiếc cúp vô địch của họ. Tháng 4/1971, Chủ tịch FIFA Stanley Rous quyết định tổ chức một cuộc thi thiết kế cúp World Cup trên toàn thế giới.
Chiếc cúp được chọn trong số 53 tác phẩm được gửi đến FIFA từ khắp nơi trên thế giới là thiết kế của nhà điêu khắc người Italia Silvio Gazzaniga. Ông Silvio mất năm 2016.
“Chiếc cúp có hình 2 cầu thủ giơ cao tay trong niềm vui chiến thắng. Hình ảnh này thể hiện sự năng động, sức mạnh, tinh thần thể thao và nỗ lực tìm kiếm chính mình trên đỉnh vinh quang. Những nhà quán quân nâng cả thế giới trong hạnh phúc và vỡ òa trong chiến thắng. Bất cứ ai vượt qua thử thách đều có thể trở thành người khổng lồ vào phút giây vô địch. Phần thưởng của họ thể hiện tất cả điều này”, ông Silvio nói về chiếc cúp do mình thiết kế (trong một cuộc phỏng vấn năm 2014).
Ông Silvio cho biết, nếu phải làm lại, ông cũng không muốn thay đổi bất kỳ chi tiết nào trên cúp World Cup. Ông Silvio cũng là ông nội của Valentina Losa – giám đốc của công ty Bertoni.
Đáy cúp World Cup khắc tên các đội tuyển vô địch (ảnh: The Sun)
Để tri ân ông Silvio, sau mỗi kỳ World Cup, FIFA luôn gửi cúp vô địch tới công ty Bertoni để họ bảo dưỡng. Bản sao cúp vô địch bóng đá thế giới cũng được sản xuất tại đây.
4. Những bước tạo ra bản sao cúp World Cup
Đầu tiên, người thợ thủ công của công ty Bertoni cần có một khối đồng tốt. Đồng nóng chảy được đổ vào khuôn đúc có hình dáng và thiết kế giống hệt bản gốc của cúp World Cup.
Bước tiếp theo, thợ thủ công sẽ dùng máy mài nhẵn chiếc cúp và loại bỏ tất cả chi tiết thừa. Bước quan trọng nhất là đục để điều chỉnh chi tiết trên bản sao chiếc cúp sao cho thật giống với bản gốc. Phần khó nhất là đục 2 người đàn ông và quả địa cầu. Đây không phải điều mà ai cũng có thể làm được, theo báo thể thao ESPN.
Sau khi làm sạch bột đồng và bụi bẩn, cúp World Cup được nhúng vào bồn mạ vàng. Bước cuối cùng là rửa cúp bằng nước cất và phủ lớp hóa chất bảo quản. Phần đáy cúp được gắn thêm đá cẩm thạch màu xanh lục.
Chiếc cúp thành phẩm phải trải qua kiểm tra kỹ lưỡng nhiều lần, trước khi được gửi tới FIFA và sẵn sàng trao cho đội tuyển vô địch. Toàn bộ quá trình sản xuất bản sao cúp World Cup kéo dài khoảng 3 tháng.
Bản sao của cúp World Cup được chế tác tại công ty Bertoni (ảnh: Bullionbypost)
“Chúng tôi đánh giá bằng mắt nhìn. Khi chiếc cúp đã hoàn hảo, nó sẽ được gửi đi”, Ahmed Ait Siti Abdelkader – người thợ có 10 năm kinh nghiệm sản xuất cúp World Cup – cho biết.
Công ty Bertoni không chỉ sản xuất cúp World Cup. Họ còn chế tác huy chương và bản sao nhiều chiếc cúp cho các giải đấu bóng đá danh giá khác như Champions League, Europa League hay Supercup. Tuy nhiên, sản xuất cúp World Cup luôn tốn nhiều thời gian nhất.
Bản gốc cúp World Cup được FIFA trưng bày trong bảo tàng (ảnh: USA Today)
5. Giá trị chiếc cúp vàng World Cup
Cúp World Cup thế hệ thứ 2 (bản gốc) cao 36,8cm, được làm từ 5kg vàng 18 carat (75% là vàng nguyên chất). Thêm phần đế làm từ đá malachite (đá khổng tước), cúp World Cup nặng khoảng 6,1kg. FIFA yêu cầu cúp này được làm rỗng. Nếu làm đặc, nó sẽ nặng 70 – 80kg và quá nặng để các cầu thủ nâng lên.
Tính theo giá vàng và giá đá quý, cúp World Cup có giá khoảng 270.000 USD (khoảng 1 tuần lương của các ngôi sao bóng đá thuộc giải Ngoại hạng Anh). Tuy nhiên, xét đến giá trị tinh thần, nghệ thuật và ý nghĩa lịch sử của chiếc cúp, nó có giá ít nhất 20 triệu USD nếu được đem bán đấu giá, theo USA Today.
Sau trận thi đấu chung kết World Cup, cúp World Cup bản gốc chỉ xuất hiện một lần trong lễ trao giải. Đội tuyển vô địch chỉ được giữ cúp World Cup trong thời gian ngắn, trước khi FIFA thu hồi nó ở phòng thay đồ.
Bù lại, đội tuyển vô địch World Cup 2022 sẽ được FIFA thưởng 42 triệu USD. Mức tiền thưởng cho 3 nhà vô địch gần nhất là 38 triệu USD cho đội tuyển Pháp (2018), 35 triệu USD cho đội tuyển Đức (2014) và 30 triệu USD cho đội tuyển Tây Ban Nha (2010).
Cúp World Cup bản gốc chỉ xuất hiện trong lễ trao giải (ảnh: CNN)
Bản gốc và bản sao cúp World Cup được cho là đã có mặt ở Qatar và sẵn sàng cho trận thi đấu chung kết vào ngày 18/12.
Ở công ty Bertoni, các nhân viên đã bắt tay vào sản xuất bản sao cúp World Cup 2026.
“Chúng tôi sẽ giới thiệu nó ngay sau khi World Cup Qatar kết thúc”, bà Losa nói.
Giải mã 'thần dược' giúp đội bóng Châu Phi duy nhất lần đầu tiên lọt vào bán kết World Cup 2022
GĐXH - Tình yêu của người mẹ và đất nước chính là liều dopping giúp các cầu thủ Morocco làm nên kỳ tích tại World Cup 2022.
Tối 17/12, ĐT Morocco đã có trận tranh hạng Ba với ĐT Croatia trong khuôn khổ World Cup 2022. Dù không chiến thắng trong trận đấu này, song các cầu thủ Morocco cũng đã làm nên những điều thật kỳ diệu tại giải đấu lớn nhất hành tinh. Họ không chỉ tạo nên lịch sử cho bóng đá nước nhà mà còn làm rạng rỡ cả nền bóng đá châu Phi.
Điều gì đã làm nên 1 Morocco kỳ tích khiến cả thế giới kinh ngạc đến vậy!
Sức mạnh từ những người mẹ và tình yêu gia đình
Đó là màn ăn mừng của họ với mẹ sau mỗi trận đấu. Những người mẹ không chỉ là khán giả đặc biệt mà còn tiếp thêm rất nhiều năng lượng và cổ vũ tinh thần cho con trai mình.
Những hình ảnh của mẹ con Boufal được FIFA đăng tải
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cơn "chấn động" mà Morocco đã tạo ra tối 10/12 khi thắng Bồ Đào Nha với tỷ số 1 - 0, giành vé đi thẳng vào bán kết. Trong những màn ăn mừng tưng bừng của các cầu thủ hôm đó, ấn tượng nhất chính là khoảnh khắc tiền đạo Sofiane Boufal nhảy múa cùng với mẹ mình.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đã đăng tải khoảnh khắc này lên Twitter và viết: "Một vị khách đặc biệt đã không thể ở lại trên khán đài mà xuống thẳng SVĐ Al Thumama để chúc mừng. Mẹ của Sofiane Boufal chính là nhân vật chính trong màn ăn mừng của Morocco hôm nay".
Sau khi Morocco đánh bại Bỉ ở vòng bảng World Cup 2022, hậu vệ Achraf Hakimi đã tiến đến chỗ mẹ anh trên khán đài. Cái ôm và cái véo má của hai mẹ con đã lan truyền khắp các nền tảng mạng xã hội. Chân sút 24 tuổi cũng đăng lên Instagram một bức ảnh anh đặt nụ hôn lên trán mẹ mình với chú thích "Con yêu mẹ".
Cử chỉ ấm áp của mẹ và Achraf Hakimi. Ảnh: Twitter
Mẹ của Hakimi cũng không phải là phụ huynh duy nhất của tuyển Morocco tới Qatar để cổ vũ cho con trai tại World Cup 2022.
Theo lời đề nghị của huấn luyện viên Walid Regragui và chủ tịch Liên đoàn bóng đá Morocco - Fouzi Lekjaa, gia đình của các thành viên đội tuyển Morocco được hưởng một chuyến đi trọn gói tới Qatar.
Đối với một số người, như mẹ của Regragui, chuyến đi này là cơ hội ngàn năm có một.
"Trong suốt sự nghiệp cầu thủ và huấn luyện viên của con, tôi chưa bao giờ đến xem con thi đấu. Tôi đã sống ở Pháp hơn 50 năm nay và đây là giải đấu đầu tiên mà tôi rời Paris để tham gia cổ vũ" - bà Fatima chia sẻ.
Khi đặt chân đến Qatar, các bậc phụ huynh luôn tìm cách thể hiện sự tự hào của mình đối với các cầu thủ Morocco. Họ coi tất cả thành viên trong đội như những đứa con của mình.
Ngoài các bài đăng ấm áp trên mạng xã hội, việc tạo ra năng lượng tích cực là một phần trong chiến lược của huấn luyện viên Regragui nhằm cổ vũ tinh thần cho các học trò. Ông tuyên bố: "Thành công của chúng tôi không thể đạt được nếu không có hạnh phúc của cha mẹ chúng tôi".
Không chỉ các cầu thủ mà HLV Morocco - ông Walid Regragui cũng có sự cổ vũ của mẹ trên khán đài. Sau chiến thắng lịch sử của Morocco trước Tây Ban Nha trên chấm phạt đền, trong khi các cầu thủ đang bận ăn mừng với nhau thì HLV Regragui đã trèo lên khán đài để tìm mẹ và hôn lên má bà. Hành động này cũng được lặp lại sau khi các học trò của ông đánh bại Bồ Đào Nha trong trận tứ kết.
Sau đó, một nguồn tin đã tiết lộ rằng mẹ của Regragui từng làm công việc dọn dẹp tại sân bay Orly ở Paris để con mình có thể thực hiện ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng mẹ của Regragui chưa bao giờ xem con trai thi đấu hay làm huấn luyện viên dù đã sống ở Paris trong hơn 50 năm. Tuy nhiên tại kỳ World Cup này, vị HLV trưởng đã thuyết phục mẹ mình sang Qatar bằng được.
Người phụ nữ duy nhất xuất hiện trên Instagram của chàng cầu thủ là mẹ
Trong đội hình của Morocco năm nay, không thể không nhắc đến Hakim Ziyech. Sự tỏa sáng của chàng cầu thủ đã góp phần không nhỏ cho những chiến thắng của đội tuyển đến từ Bắc Phi.
Dù không có những hình ảnh của mẹ chàng cầu thủ ở Qatar nhưng bà luôn là nguồn động viên, động lực rất lớn cho Ziyech trong sự nghiệp và cuộc sống. Trên tài khoản Instagram 8,5 triệu người theo dõi, người phụ nữ duy nhất xuất hiện chính là mẹ của Ziyech.
Khán giả là liều dopping sạch và mạnh nhất
Các cổ động viên cuồng nhiệt của tuyển Morocco. Ảnh: AFP
Bên cạnh gia đình, Morocco cũng có một lợi thế khác ủng hộ tinh thần cho đội. Đó là những đoàn người cổ động viên đã có mặt ở các sân vận động tại Qatar và biến không khí nơi đó thành sân nhà của đội Morocco.
Ít nhất 15.000 người Morocco sống ở Qatar và vài nghìn người khác từ khắp nơi trên thế giới đã đến quốc gia Trung Đông để xem World Cup 2022. Điều này tạo ra một nguồn động lực to lớn cho đội nhà và tạo ra không ít áp lực cho các đối thủ của Morocco.
Trong trận đấu gặp Bỉ và Tây Ban Nha, "những chú sư tử Atlas" được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ phía khán đài. Mỗi khi đội nhà phá được bóng hay có tình huống tấn công nguy hiểm, cổ động viên Maroc ăn mừng cuồng nhiệt và liên tục huýt sáo.
"Tôi thề, nếu không có cổ động viên ở đây, chúng tôi đã không thể tiến vào vòng tiếp theo", huấn luyện viên Regragui thốt lên sau trận đấu cuối cùng ở vòng bảng.
Messi và sự bùng nổ ở World Cup 2022
Chủ tịch PSG ủng hộ Mbappe vô địch World Cup Chủ tịch Nasser Al-Khelaifi của PSG muốn Pháp bảo vệ chức vô địch World Cup khi 'Les Bleus' đối đầu Argentina ở trận chung kết vào ngày 18/12 (giờ Hà Nội). Chủ tịch PSG muốn nhìn Mbappe bảo vệ chức vô địch cùng tuyển Pháp. Ảnh: Reuters. "Tôi hy vọng Pháp sẽ vô địch nhưng Argentina cũng có một kỳ World Cup thành...