Vì sao phụ nữ tự tử, ghét con?
Những xung đột tâm lý mà sản phụ gặp phải trong suốt kỳ mang thai đến sau khi sinh có thể là khởi nguồn của những vụ tự tử, giết con hoặc gây thương tích cho người thân.
Theo bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), trong cuộc sống có nhiều trường hợp phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ có các hành vi không kiểm soát được như bạo lực, tự tử, giết con hoặc gây thương tích cho mình và người thân. Đây là những hành vi rối nhiễu tâm lý mà phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ rất hay gặp nhưng chưa hề được chẩn đoán, điều trị hoặc tối thiểu là nhận biết để đề phòng và tự chăm sóc sức khỏe cho mình.
Rối nhiễu tâm lý ở phụ nữ sau khi sinh tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho sức khỏe cho mẹ và con. (Ảnh minh họa).
Tự tử vì trầm cảm khi mang thai
Vụ chị N.T.C, 31 tuổi (ở huyện Chương Mỹ – Hà Nội), có thai 4 tháng buộc theo đứa con trai 5 tuổi tự tử chỉ vì mâu thuẫn gia đình đã khiến nhiều người bàng hoàng. Theo người nhà, chị và chồng đã mâu thuẫn trong thời gian dài, người chồng thường đánh đập, chửi bới vợ. Trước đó, vợ chồng chị C. đã xung đột gay gắt và người chồng đã nhiều lần đánh chị. Trong khi bụng mang dạ chửa, lại nuôi con nhỏ nhưng không nhận được sự chia sẻ của người thân, chị C. cùng quẫn, nghĩ quẩn, nhảy sông tự tử cùng 2 đứa con.
Trước đó, tại TPHCM, một nữ sinh đã tự sinh con tại phòng trọ nhưng sợ bạn bè biết chuyện, nữ sinh này đã bóp mũi bé trai đến ngưng tim nhằm giấu nhẹm việc “đẻ hoang”. May mắn, các bạn cùng phòng đã phát hiện và kịp thời đưa bé trai sơ sinh đi cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, 2 cánh mũi có vết trầy xước. Tuy đã được cấp cứu qua cơn nguy kịch nhưng cháu bé có thể bị di chứng do não bị thiếu ôxy.
Bác sĩ Trần Tuấn cho biết tỉ lệ phụ nữ bị rối nhiễu tâm lý khi mang thai cao gấp đôi so với người bình thường. Kết quả nghiên cứu trên hơn 1.000 phụ nữ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh cho thấy rối nhiễu tâm lý ở phụ nữ mang thai và sau sinh chiếm tới 30%. Cùng với đó, tỉ lệ trầm cảm, lo âu ở đối tượng này là 18% trong 16 tuần đầu mang thai và 11% ở thời điểm 6 tháng sau khi sinh. Tất cả phụ nữ có rối nhiễu tâm lý, trầm cảm, lo âu… đều không được chẩn đoán hoặc điều trị.
Video đang HOT
Kết quả nghiên cứu mới nhất trên hơn 500 thai phụ tại tỉnh Hà Nam được RTCCD công bố sáng 14-3 thì có đến gần 40% thai phụ gặp các rối loạn tâm thần phổ biến ở giai đoạn đầu thai kỳ. Đến cuối thai kỳ, tỉ lệ này còn gần 29%. Các rối loạn cảm xúc mà các bà mẹ thường gặp như buồn bực, cảm thấy tội lỗi, chán nản, tự ti, giảm tập trung, khó chịu, lo lắng quá mức, cảm thấy lạc lõng, cô lập, tuyệt vọng.
Không được chăm sóc tâm lý
Theo bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc RTCCD, người mẹ bị rối nhiễu tâm lý nặng sẽ dẫn đến các hành vi nguy hiểm như ghét con, chối bỏ con, gây gổ với người thân, tự tử hoặc giết con. Còn nếu nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như giảm tình thương với con hay đánh con, mâu thuẫn vợ chồng tăng lên, gây áp lực tâm lý nặng nề lên trẻ. Đứa trẻ sẽ bị suy nhược cả thể chất lẫn tinh thần, kém cảm xúc, quan hệ xã hội trục trặc hoặc trở nên hung hăng, bướng bỉnh.
Nguyên nhân của những rối nhiễu tâm lý khi cơ thể người mẹ trải qua nhiều biến đổi, đặc biệt về nội tiết. Trong những ngày đầu sau sinh, sản phụ thường chịu nhiều đau đớn, khó chịu, lại phải thường xuyên chăm sóc con, đêm không được ngủ yên giấc; mối quan hệ với chồng cũng thay đổi, đặc biệt là sau sinh con đầu lòng… cũng khiến sản phụ dễ bị rối nhiễu tâm lý. Do đó, nếu không nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ, gia đình, người mẹ có thể bị rối nhiễu tâm lý sau sinh.
Cũng theo bác sĩ Trần Tuấn, ở mức độ nhẹ, rối nhiễu tâm lý thể hiện dưới dạng các triệu chứng rất chung chung như nhức đầu, mệt mỏi không có nguyên nhân rõ ràng, chán ăn, làm việc rất khó tập trung, cáu giận vô cớ hoặc lo lắng quá mức. Giai đoạn này bệnh thường bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh thực thể khác hoặc bị bỏ qua.
Nếu tiếp tục không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, người bệnh có thể rơi vào trạng thái cô đơn, dần xa lánh bạn bè, người thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, có hành động hủy hoại thân thể hoặc toan tính tự tử. “Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có đến 80% bệnh nhân tâm thần không nhận được chăm sóc y tế phù hợp. Còn ở nước ta, việc chăm sóc rối nhiễu tâm lý cho bà mẹ mang thai vẫn còn bị bỏ ngỏ hoàn toàn” – bác sĩ Tuấn lo ngại.
Khó chẩn đoán sớm Bác sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội), cho rằng đa số phụ nữ đều trải qua những triệu chứng thay đổi tâm lý trong quá trình mang thai, sau khi sinh và phần lớn đều thoát khỏi nó một cách nhẹ nhàng, không cần điều trị. Để chẩn đoán rối loạn, bác sĩ phải dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng tỉ mỉ, trình tự tư duy phân tích tâm lý lâm sàng và tâm thần học, các xét nghiệm khác chủ yếu giúp loại trừ bệnh thực thể.
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần
Nếu như trước đây, bệnh nhân đến bệnh viện Tâm thần TP.HCM khám và điều trị chủ yếu là thể tâm thần phân liệt và động kinh, còn những biểu hiện của stress, trầm cảm, suy nhược thần kinh... không nhiều, thì hiện nay các bệnh này đã ngày một nhiều hơn.
Các nghiên cứu từ Hong Kong, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á cho thấy, mất mát trầm trọng về tài chính, đặc biệt là mất việc làm dễ dẫn đến gia tăng bệnh tâm thần hoặc tự tử. Bên cạnh đó, xã hội càng phát triển, càng có nhiều người già không nơi nương tựa, bị bỏ quên, trẻ em phải đương đầu sớm với những khó khăn trong học tập, khả năng hoà nhập kém... cũng là những yếu tố dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều hệ luỵ khác.
Dấu hiệu bất thường
Sau đây là một số ít gợi ý về các biểu hiện bất thường trong hoạt động tâm thần hay gặp nhất:
Đối với bệnh tâm thần phân liệt: tự nhiên không muốn tiếp xúc, tự tách mình với mọi người và người thân, sao nhãng công việc, kể cả vệ sinh bản thân. Đôi lúc nói lầm thầm một cách bí ẩn hoặc khoe khoang, cự cãi những điều phi lý không có trong thực tế...
Đối với bệnh trầm cảm
Có biểu hiện stress không vượt qua được, rồi lo lắng những điều nhỏ nhặt mà trước đó có thể cho qua, khó ngủ, hay giật mình, thối chí, khó tập trung hoàn thành công việc, không ham muốn, lặng lẽ thở dài như than thân trách phận... Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm. Đáng tiếc, vì công ăn việc làm, nhiều bệnh nhân trầm cảm cố gắng che giấu tình trạng bệnh của mình, chỉ đi khám khi đã quá nặng, nên phải tốn nhiều tiền và thời gian điều trị hơn.
Có biểu hiện stress không vượt qua được là dấu hiệu của bệnh tâm thần
Trẻ già đều có thể bị
Thanh thiếu niên ngày nay cũng chịu nhiều áp lực nên có thể bị stress nhiều hơn và cũng bị trầm cảm như người lớn, nhưng cách thể hiện ra ngoài có khác đôi chút. Đó có thể là sinh hoạt thất thường, tự cư xử với bản thân đôi khi quá đáng, tự buông trôi hay ghét những gì trước kia là sở thích. Tất nhiên là học hành giảm sút, thầy cô phàn nàn... Lưu ý, nhiều bất thường trong hoạt động tâm thần ở thanh thiếu niên xuất phát từ gia đình. Có thể do phụ huynh chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi con mình, do bận rộn làm việc để có nhiều tiền hơn cho cuộc sống hiện đại.
Còn ở người già, dễ thấy nhất là bắt đầu quên chỗ để đồ đạc của mình, quên lối đi, quên những điều con cháu nhắc nhở, thích nói chuyện ngày xưa, ăn cơm rồi mà nói chưa... Có người thì nét mặt ngơ ngơ, ngược lại có người hay nghi ngờ bị trộm tiền, thậm chí ghen ghét vô cớ, giận dỗi...
Điều trị: sớm dễ trễ khó
Điều trị bệnh tâm thần rất khó vì người bệnh ít tuân thủ uống thuốc, lại đòi hỏi điều trị thời gian dài nên chi phí nhiều. Cách điều trị tâm thần hiện đại là điều trị ngoại trú, phối hợp với nhiều biện pháp khác như dùng thuốc đặc trị, liệu pháp tâm lý, phục hồi chức năng, hoà nhập từ chính trong gia đình người bệnh tới khu dân cư, cộng đồng... Hiện đã có hầu như đủ các loại thuốc đặc trị đối với các loại bệnh tâm thần thường gặp, nếu được chẩn đoán và dùng đúng thuốc sớm, người bệnh có thể hồi phục. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh của mình và tuỳ tiện dùng các loại thuốc điều trị trầm cảm, stress... khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân tâm thần rất cần sự hỗ trợ, cảm thông từ cộng đồng. Do đó, nếu trong cuộc sống chúng ta gặp những biểu hiện như trên từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp... thì hãy cùng sẻ chia, tâm sự... để giúp họ giải toả cảm xúc. Xua tan muộn phiền, mệt mỏi cũng là một cách giảm bớt những triệu chứng về bệnh tâm thần trong nhịp sống hối hả của thời đại. Càng kỳ thị, càng phân biệt đối xử với người bệnh tâm thần thì chi phí chữa trị càng lớn.
Ngoài ra, gần đây nhiều người áp dụng các phương pháp phản khoa học để điều trị, cách này không những tốn công sức, tiền của mà còn tác hại rất lớn đên sức khoẻ, làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Theo BS.CK2 Phạm Văn Trụ (Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần TP.HCM).
Theo Thượng Sơn (Sài gòn tiếp thị)
Hoa mắt, chóng mặt: Triệu chứng nhiều bệnh nguy hiểm Bị hoa mắt, chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống thường khiến nhiều người nghĩ mình bị bệnh thiếu máu. Theo bác sĩ Nguyễn Cảnh Nam, chuyên khoa Nội thần kinh và Nội tổng quát, Phòng khám quốc tế Victoria Healthcare, điều nghi ngờ này là chính xác, tuy nhiên, chưa đủ. Hoa mắt, chóng mặt còn là triệu chứng của nhiều bệnh...