Vì sao phong tỏa tài khoản của con gái ông Trần Bắc Hà ?
Ngoài con gái ông Trần Bắc Hà, cơ quan điều tra còn yêu cầu BIDV phong tỏa tài khoản của 3 cá nhân khác góp vốn thành lập Công ty CP chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh.
Resort Hoàng Gia, nơi đặt trụ sở nhiều công ty của gia đình ông Trần Bắc Hà, là một trong những tài sản đã bị phong tỏa . ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Ngày 15.12, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã yêu cầu Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN (BIDV) phong tỏa tài khoản của bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) tại ngân hàng này. Bà Phương (thường trú tại Q.3, TP.HCM), là Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng ở số 1 Hàn Mạc Tử, TP.Quy Nhơn, cùng địa chỉ với Công ty CP du lịch Hoàng Anh – Đất Xanh Quy Nhơn và Công ty CP Tập đoàn An Phú đã bị phong tỏa tài sản theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an vì liên quan đến ông Trần Bắc Hà đã bị khởi tố (Thanh Niên đã thông tin).
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã yêu cầu BIDV phong tỏa tài khoản của 3 cá nhân khác là Thái Thành Vinh (33 tuổi, ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), Trần Anh Quang (36 tuổi, ở xã Ân Thạnh, H.Hoài Ân, Bình Định) và Đinh Văn Dũng (53 tuổi, P.Diên Hồng, TP.Pleiku, Gia Lai). Đây là những cổ đông góp vốn thành lập Công ty CP chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh vào tháng 4.2015.
Lý do phong tỏa liên quan đến việc ngày 29.11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, quê quán Bình Định; nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4, điều 206, bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, Bộ Công an cũng khởi tố bị can, thực hiện khám xét, bắt tạm giam về cùng tội danh trên đối với ông Trần Lục Lang, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng; ông Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, tổ phó tổ thẩm định chung BIDV. Riêng bà Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bị khởi tố cùng tội danh nói trên, nhưng được tại ngoại.
Ông Trần Bắc Hà và 3 thuộc cấp bị khởi tố để điều tra về hành vi sai phạm trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của ngân hàng, gây thiệt hại của BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Sau khi thực hiện lệnh bắt trên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt đầu xác minh kê biên, phong tỏa một số tài sản thuộc sở hữu cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến gia đình của ông Trần Bắc Hà và một số bị can để phục vụ công tác điều tra. Các khối tài sản đã được chuyển nhượng cách đây 1 năm vẫn bị phong tỏa. Và ngày 14.12, Cơ quan CSĐT tiếp tục yêu cầu phong tỏa tài khoản tại BIDV của bà Trần Lan Phương cùng 3 người như nói trên.
Ngăn ngừa tẩu tán tài sản, thu hồi tối đa thiệt hại
Việc phong tỏa tài sản người thân bị can như nói trên không phải là cá biệt. Trước đó, liên quan đến hàng loạt án kinh tế, chức vụ, tham nhũng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á)… Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng tiến hành kê biên, phong tỏa nhiều tài sản của người thân, người quen liên quan đến các bị can.
Theo các chuyên gia pháp luật, việc kê biên, phong tỏa những tài sản như trên nhằm hạn chế tối đa việc tẩu tán tài sản, đồng thời thu hồi tối đa thiệt hại xảy ra, khắc phục hậu quả cho vụ án.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản là một trong những biện pháp cưỡng chế được quy định tại điều 128 và điều 129, bộ luật Tố tụng hình sự 2015. “Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại. Nhưng phong tỏa tài khoản, ngoài áp dụng đối với người bị buộc tội, thì còn được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội”, luật sư Tuấn nêu và cho hay thẩm quyền ra các quyết định tố tụng kê biên hoặc phong tỏa tùy vào giai đoạn vụ án sẽ do Thủ trưởng/Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng/Phó viện trưởng, Chánh án/Phó chánh án hoặc thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ra quyết định.
Video đang HOT
Phong tỏa tài khoản ngân hàng của con gái ông Trần Bắc HàBắt tạm giam ông Trần Bắc HàÔng Trần Bắc Hà bị bắt
Giải thích thêm, bà Nguyễn Quỳnh Lan (Phó trưởng phòng, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về kinh tế và chức vụ, Viện KSND TP.HCM) nêu đối với kê biên tài sản, quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác minh được một số tài sản dù không phải do bị can, bị cáo đứng tên nhưng có cơ sở xác định là nguồn tiền của bị can, bị cáo, liên quan đến vụ án thì vẫn tiến hành xử lý kê biên tài sản. “Kê biên là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản. Khi xét xử, việc tiếp tục kê biên hay không sẽ do HĐXX tuyên rõ trong bản án. Nếu HĐXX tuyên tiếp tục kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, tức HĐXX xác định tài sản đó là của bị cáo, hoặc giải tỏa kê biên tức tài sản không liên quan đến bị cáo hoặc liên quan đến vụ án”, bà Lan phân tích.
Công ty CP chăn nuôi Bình Hà ở Hà Tĩnh khi mới thành lập do ông Đinh Văn Dũng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Đến giữa năm 2018, ông Trần Anh Quang thay thế ông Dũng làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà.
Tháng 6.2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố đối với ông Đinh Văn Dũng và Nguyễn Xuân Lương, Giám đốc Công ty Tân Đại Việt (Hà Tĩnh) về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, hai người này liên quan đến việc nâng khống khối lượng, chiếm đoạt số tiền lên đến 110 tỉ đồng khi thực hiện xây dựng dự án trại chăn nuôi Bình Hà (ở Hà Tĩnh). Ngày 29.11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện tống đạt các quyết định khởi tố, khám xét… đối với các bị can Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Kiều Đình Hòa, Lê Thị Vân Anh, cùng về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng xảy ra tại chi nhánh BIDV Hà Tĩnh.
Theo Thanhnien
Cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và dự án nuôi bò 4.500 tỷ "chết lâm sàng" ở Hà Tĩnh
Sau 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi bò 4.500 tỷ của Công ty Bình Hà với sự hậu thuẫn của cựu chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và sự hỗ trợ từ Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đã rơi vào tình trạng thua lỗ. Theo đó, ông Đinh Văn Dũng, nguyên TGĐ công ty Bình Hà đã bị khởi tố, còn dự án nuôi bò "đầu voi đuôi chuột" này thì ngày càng chết yểu.
Dự án nuôi bò 4.500 tỷ chết yểu, chuyển sang trồng chuối
Liên quan tới dự án nuôi bò giống, bò thịt với mức đầu tư 4.500 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ năm 2015, vào ngày 13.6.2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Hà Tĩnh cho biết, ngày 12.6, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Văn Dũng - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản".
Cơ quan điều tra cũng ra lệnh khởi tố bị can Nguyễn Xuân Lương - Giám đốc Công ty Tân Đại Việt (trụ sở tại phường Thạch Quý, TP. Hà Tĩnh) với tội danh tương tự. Hiện, đối tượng Lương được cơ quan điều tra cho phép tại ngoại.
Theo cơ quan điều tra, đối tượng Dũng và Lương có hành vi cấu kết nâng khống khối lượng, chiếm đoạt 110 tỷ đồng khi thực hiện dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Bình Hà.
Còn theo ghi nhận của Dân Việt, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức liên danh với Công ty Cổ phần An Phú Bình Định, với số tiền đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, triển khai hơn 2.163 ha thuộc huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Chuồng trại nuôi bò của Công ty CP Bình Hà bỏ hoang. (Ảnh: Hữu Anh)
Để thực hiện dự án, Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch cao su, rừng sản xuất trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ. Hàng trăm diện tích đất rừng, hoa màu của người dân cũng được thu hồi để phục vụ dự án.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, cho biết: "Riêng diện tích đất của Cao su Hà Tĩnh phải nhường lại cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà hơn 800ha, thuộc 4 xã ở huyện Kỳ Anh để họ trồng cỏ nuôi bò".
Công ty Bình Hà cũng được ngân hàng cho vay trung, dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng. Quá trình đầu tư Công ty Bình Hà đã xây dựng 65 chuồng trại, 19 hệ thống kho chứa và các công trình phụ trợ trên 68ha và trồng 678ha cỏ để nuôi bò.
Thời điểm đó, dự án được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, được trông đợi sẽ giúp góp phần phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo số 157 năm 2017 của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà, dự án nuôi bò chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Quy mô tổng đàn bò của dự án chỉ đạt 6% tương tương 15.000 con bò/ năm so với cam kết tổng đàn 254.200 con bò/năm. Ngoài ra công ty chưa phát triển được mô hình liên kết chăn nuôi bò với các hộ dân như cam kết, chưa phát triển được vùng sản xuất công nghệ cao...Hệ quả là hoạt động kinh doanh năm 2016 của công ty lỗ hơn 200 tỷ đồng.
Dự án nuôi bò chuyển sang trồng chuối của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà chưa được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận. (Ảnh: Hữu Anh)
Còn ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: "Từ tháng 5.2015 đến tháng 6.2017, Công ty CP Bình Hà đã nhập về 43.387 con bò thịt để nuôi béo. Qua kiểm tra hiện tổng số bò còn lại tại là 782 con được nuôi ở dự án này. Sau 3 năm triển khai, dự án chăn nuôi Bình Hà chưa đạt so với quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện toàn bộ diện tích trồng cỏ đã bị phá dỡ, cày xới đất, chuyển qua trồng chuối".
Hậu thuẫn của Trần Bắc Hà và khoản vay 3.000 tỷ từ BIDV của Bình Hà
Để dự án này được triển khai không thể không nhắc đến sự ủng hộ của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT thời điểm đó. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Tĩnh, ngày 14.7.2015, BIDV Hà Tĩnh đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ dự án chăn nuôi giống và bò thịt tại tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư, thực hiện tại các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh với sản phẩm đầu ra là thịt bò hơi và các sản phẩm liên quan cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2015 và đi vào kinh doanh từ năm 2017 với quy mô 150.000 con bò thịt, 70.000 con bò nái, 2.250 con bò đực.
Tổng mức đầu tư của dự án trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cố định là 2.849 tỷ đồng để thực hiện các chi phí liên quan đến đất, xây dựng, máy móc thiết bị, nhập bò.
Số vốn doanh nghiệp vay BIDV là 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay. Trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng, các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại. Dự án đầu tư tín dụng này có thời hạn vay 10 năm, trong đó 2 năm đầu ân hạn. Lãi suất cho vay được áp dụng theo cho vay thương mại trên thị trường, 3 tháng điều chỉnh một lần.
Tại buổi lễ, ông Kiều Đình Hoà, Giám đốc BIDV Hà Tĩnh khi đó, cho biết, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung dài hạn vừa được ký kết, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo BIDV Hà Tĩnh và Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà ký kết hợp đồng tín dụng
Tới ngày 15.1.2016, BIDV kết hợp với Công ty Bình Hà đã khánh thành giai đoạn 1 Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh. Trong đó, BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng. Quy mô vốn tín dụng dài hạn BIDV dự kiến dành cho dự án là 2.190 tỷ đồng, vay ngắn hạn để nhập khẩu bò giai đoạn 1 và 2 là 970 tỷ đồng.
Đến thời điểm đầu năm 2016, BIDV đã giải ngân 810 tỷ đồng, trong đó vốn dài hạn đạt 492 tỷ đồng để thực hiện xây dựng dự án, cho vay ngắn hạn 318 tỷ đồng để thực hiện nhập khẩu bò, thuốc thú y, thức ăn...
Cũng trong sự kiện này, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà được nhiều đơn vị đưa tin, giới thiệu là công ty chuyên hoạt động lĩnh vực nông nghiệp với ngành nghề chính là chăn nuôi trâu, bò ứng dụng công nghệ cao. Công ty này có hai cổ đông sáng lập là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và Tập đoàn An Phú.
Song như đã chia sẻ phía trên, sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, nguy cơ thất bại của dự án nuôi bò giống, bò thịt với mức đầu tư 4.500 tỷ đồng ở Hà Tĩnh đã xuất hiện khá rõ ràng.
Còn về phía Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức, trong một công văn gửi tới các cơ quan truyền thông vào ngày 15.4.2016, Tổng Giám đốc Võ Trường Sơn lại cho biết: "Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không phải là cổ đông góp vốn và không có liên quan gì đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà. Hoàng Anh Gia Lai chỉ tham gia hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn ban đầu cho doanh nghiệp này".
Ngoài ra, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2015 và 2016 của Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng không hề nhắc tới Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà với tư cách là công ty con hay công ty liên kết.
Theo Danviet
Cận cảnh dự án "khủng" của con ông Trần Bắc Hà bị thu hồi UBND tỉnh Bình Định đã chính thức thu hồi một dự án "khủng" với số vốn đăng ký đầu tư hơn 2.900 tỉ đồng của doanh nghiệp con ông Trần Bắc Hà. UBND tỉnh Bình Định vừa chính thức có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên...