Vì sao phải ở nhà?
Người dân được yêu cầu ở trong nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài là một trong những nội dung rất quan trọng trong chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27-3.
Nên tránh tụ tập! Trong ảnh: một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, TP.HCM tập trung đông người ngồi lúc 16h45 ngày 24-3 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, thống kê trên thế giới, thời gian trung bình để số ca nhiễm COVID-19 tăng từ 100 lên 1.000 là 9 ngày (riêng Nhật là 28 ngày).
Với Việt Nam, nếu suy luận theo logic đó, tức ngày 22-3 Việt Nam ghi nhận 100 ca nhiễm mới (không tính 16 ca trong giai đoạn 1) thì hết ngày 31-3 chúng ta có khả năng có 1.000 ca nhiễm.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không có 1.000 ca nhiễm vào thời điểm đó bởi chúng ta có các giải pháp của Việt Nam và đến giờ phút này các giải pháp đó rất hiệu quả.
“Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu không có giải pháp hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ một người bệnh sau 30 ngày sẽ lây nhiễm cho thêm hơn 400 người. Còn nếu hạn chế được 50% người dân đi lại, tiếp xúc thì sau 30 ngày chỉ có thêm 15 người nhiễm. Nếu hạn chế được 75% người dân đi lại, tiếp xúc thì sau 30 ngày chỉ có thêm 3 người nhiễm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Ở nhà lợi đôi đàng
Theo một chuyên gia của ngành y, phải tính toán kịch bản kiểm soát dịch. Các nước áp dụng biện pháp cực đoan đều đang lúng túng và khi buộc phải phong tỏa hoàn toàn dẫn đến tốn kém ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Trong khi nếu mỗi người tự ý thức, tự giác ở nhà trong 2 tuần để hạn chế tiếp xúc, giảm quần thể cảm nhiễm, nhưng các hoạt động tối thiểu khác vẫn được duy trì như mua sắm những thứ cần thiết, chi phí chống dịch sẽ rẻ hơn nhiều.
Về mô hình dịch và mức độ lây lan, hiện có rất nhiều cách tính, nhưng cách tính nào cũng đi đến yêu cầu giảm được quần thể cảm nhiễm, giảm người có khả năng tiếp xúc và lây lan bệnh COVID-19.
Ở mức độ lây lan tự do, tức là đi lại tự do, chuyên gia này cho rằng đỉnh dịch COVID-19 ở mức khoảng 32% quần thể cảm nhiễm mắc bệnh và khi 2/3 dân số mắc bệnh mới có thể giảm dần số ca mắc.
Tuy nhiên số người mắc bệnh sẽ phụ thuộc vào mật độ dân số, mức độ tương tác, kịch bản không can thiệp gì sẽ có đến 2/3 dân số bị nhiễm bệnh.
Do đó, trong 2 tuần tới, người dân ở nhà sẽ là biện pháp có hiệu quả cao. Cho đến nay chưa có biện pháp gì tốt hơn là ở nhà, giãn cách xã hội.
Vì thế, trong điều kiện Việt Nam người dân vẫn còn được tự do đi lại, cần phải hiểu và ý thức rằng khi nào cần mới ra khỏi nhà, hạn chế tiếp xúc. Làm được thế, đất nước không tốn kém chi phí nếu chẳng may dịch bùng phát.
Tiết kiệm chi phí cũng chính là giảm bớt khó khăn hiện tại cho người dân và quá trình phục hồi kinh tế sau này.
Video đang HOT
Một trong những cách tính về nguy cơ lây nhiễm – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Dịch lây lan ngoài cộng đồng, không còn “ngoại nhập”
Hôm 27-3 là một ngày rất quan trọng trong công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Lần đầu tiên từ đầu giai đoạn 2 chống dịch COVID-19, trong số 10 ca bệnh mới, số ca mắc mới ghi nhận do lây lan từ cộng đồng (6 ca), nhiều hơn số ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài (4 ca), dịch đã lây lan ngoài cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định ở giai đoạn này, vai trò phối hợp của người dân rất quan trọng, nếu người dân không phối hợp, chống dịch sẽ rất khó khăn.
Điểm khác biệt của 2 nhóm bệnh nhân này là hiện toàn bộ bệnh nhân vào từ nước ngoài đã được cách ly ngay khi đến Việt Nam cùng những người liên quan đến bệnh nhân.
Còn nhóm bệnh từ những ca lây trong cộng đồng thì thời gian từ khi bị lây nhiễm đến khi phát hiện, bệnh nhân vẫn ở trong cộng đồng. Nhiều người liên quan đến bệnh nhân từ cộng đồng, có tiếp xúc tại nơi làm việc, tại gia đình, lối xóm, người quen… rất nhiều và sẽ tiếp tục làm lây lan bệnh nhân theo cấp số nhân.
Ông Phu nói: “Trước đây hoạt động phòng chống dịch chủ yếu do ngành y tế và các ngành như quân đội, giao thông, công an… phối hợp, người dân tham gia, nhưng ở giai đoạn này, vai trò người dân là rất quan trọng.
Người dân tuân thủ hướng dẫn phòng bệnh, tuân thủ yêu cầu đóng cửa hàng quán, tránh tập trung đông người, tránh ra đường, hạn chế giao tiếp xã hội… để hạn chế nguy cơ lây lan.
Nếu không tuân thủ, chống dịch sẽ khó khăn, chi phí điều trị một ca sử dụng ECMO có khi 500 triệu đồng hoặc hơn, gay go không chỉ cho ngành y tế, cho khả năng khám chữa bệnh và cả đời sống”.
Thêm 10 người nhiễm mới, Việt Nam đã có 163 ca COVID-19
Thông tin từ Bộ Y tế, tới 18h chiều 27-3, Việt Nam ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 163 ca.
Trên trang cá nhân, PGS.TS Trần Xuân Bách – Viện đào tạo y tế dự phòng, ĐH Y Hà Nội – mới đây chia sẻ điều quyết định lúc này để ngăn dịch lây lan dựa vào quyết định của mỗi người chúng ta.
Mỗi người phải có ý thức và trách nhiệm với từng việc làm hằng ngày. Trong đó, việc “ở nhà”, làm việc trực tuyến, học trực tuyến… là lựa chọn chi phí và hiệu quả nhất trên toàn thế giới. “Đừng nhìn đó là tổn thất, đó là sự đầu tư để ta sớm ổn định và tái thiết trở lại trong tương lai”, phó giáo sư Bách chia sẻ.
Các nước chế tài người vi phạm quy định giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội
Pháp: biện pháp hạn chế người dân ra đường được áp dụng từ ngày 17-3, 4.095 người đã phải nộp tiền phạt ban đầu là 38 USD, sau đó được nâng lên 146 USD nếu vi phạm.
Ý: người dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu không thực hiện cách ly có thể bị phạt từ 1 – 5 năm tù, hoặc phạt tiền 430 – 3.245 USD. Người ra đường không có lý do chính đáng đều sẽ bị phạt. Các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị đóng cửa từ 5 – 30 ngày.
Tây Ban Nha: người chống lệnh phong tỏa của chính phủ sẽ bị phạt từ 108 USD đối với các vi phạm nhỏ, khung phạt nặng nhất là 1 năm tù với các vi phạm nghiêm trọng.
Hàn Quốc: trục xuất người nước ngoài, bỏ tù công dân vi phạm quy định tự cách ly mức 1 năm và phạt 10 triệu won, tương đương 8.100 USD.
Anh: người vi phạm lệnh phong tỏa lần đầu bị phạt 73 USD, nếu tái phạm, mức phạt là 146 USD và tiếp tục được nhân đôi cho những lần vi phạm sau.
Ấn Độ: lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 25-3, người ra ngoài không có lý do chính đáng bị phạt 13 USD và ngồi tù tới 6 tháng. Cảnh sát còn áp dụng một số biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với người vi phạm như đánh roi…
Malaysia: người dân Malaysia phải chấp hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 18-3 đến 31-3. Những người không tuân thủ quy định có thể bị phạt 230 USD, ngồi tù lên đến 6 tháng hoặc chịu cả 2 hình phạt.
NGUYÊN HẠNH
Hành động như "thời chiến", Bộ trưởng phải quyết tâm vực dậy nền kinh tế!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong "thời chiến", càng khó khăn phải càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí.
Số hỗ trợ hiện tại quá ít!
Chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận việc chuẩn bị tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương bàn về 4 nội dung chính: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành đã thảo luận về các gói hỗ trợ cho cho các lĩnh vực như sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội... cũng như một số gói giải pháp khác dự kiến sẽ đưa ra hội nghị tới đây.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, Thường trực Chính phủ cơ bản đồng ý với báo cáo của các bộ, ngành đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kích thích kinh tế trên các lĩnh vực, đẩy nhanh đầu tư công, hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng lưu ý, 4 báo cáo lớn đối với 4 nội dung này cần chuẩn bị công phu, sẽ do 4 Bộ trưởng trình bày tại hội nghị dự kiến diễn ra vào 31/3 tới. Khâu chuẩn bị rất quan trọng, phải dày công nghiên cứu. Những nội dung hội nghị đề cập cũng là những vấn đề người dân, xã hội quan tâm, do đó, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm để hội nghị đạt kết quả tốt.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các biện pháp để qua cơn đại dịch, các ngành, lĩnh vực phải làm gì để vực dậy nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng, trong các báo cáo phải nêu rõ quyết tâm của Chính phủ, của các Tư lệnh ngành, Bộ trưởng để vực dậy nền kinh tế, để trả lời câu hỏi, làm sao Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các doanh nghiệp, các địa phương và người dân thấy được tình hình này để trước hết là tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên chứ không phải tinh thần ỷ lại?
Vì thế, Thủ tướng đề nghị theo từng chuyên đề, phải đi sâu vào những biện pháp thuộc trách nhiệm của Chính phủ, ngành và địa phương, phải lo với một tinh thần lớn là nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn.
Theo Thủ tướng, số hỗ trợ hiện tại vẫn quá ít.
Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ cũng đặt vấn đề, phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại doanh nghiệp và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo... Cả nước lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch. Một số mặt hàng ảnh hưởng đến CPI phải được ổn định.
"Phải đổi mới cách làm nhanh hơn, như trong "thời chiến", đẩy mạnh cải cách thủ tục. Càng khó khăn chúng ta càng quyết tâm, đoàn kết, nhất trí" - Thủ tướng khái quát.
Bên cạnh nêu các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, cần đề xuất các giải pháp phải xin ý kiến của Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo.
Thủ tướng cũng lưu ý, làm nhanh nhưng không được lợi dụng tham ô, tham nhũng.
Thêm một gói kích cầu từ trái phiếu Chính phủ
Thủ tướng mong muốn các địa phương trao đổi về giải pháp chứ không phải dự họp để... kêu khó.
Về vấn đề đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD), làm quyết liệt các dự án trọng điểm...
Về giải pháp tài khoá, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách Nhà nước.
Về tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, thống nhất định hướng các giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện và đề xuất thời gian tới, lưu ý các giải pháp hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, trong đó tiếp tục nghiên cứu việc cho vay tái cấp vốn, lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động...
Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu.
Về gói hỗ trợ lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng thống nhất 6 điểm mà Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH kiến nghị, đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Về tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng thống nhất đề nghị của Bộ Công Thương, giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể, kích cầu lên mạnh mẽ hơn bằng giải pháp nào?
Về phương án bảo đảm an ninh trật tự, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, các giải pháp, tình huống có thể xảy ra.
Tại hội nghị sắp tới, Thủ tướng cũng mong muốn các địa phương phát biểu về các giải pháp, chứ không phải kêu khó.
Thái Anh
Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án áp dụng tình trạng khẩn cấp dịch Covid-19 Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng phương án áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch để báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị nêu rõ, nước ta đã bước vào giai đoạn...