Vì sao ổ dịch nhóm Truyền giáo Phục hưng lây lan mạnh?
Hàng chục ca nhiễm hàng ngày liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng do có nhiều nhánh nhỏ, lan rộng, chủng virus tốc độ lây nhanh, nhiều người không khai báo trung thực.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định như trên, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố, sáng 7/6.
Nhìn tổng thể, ông Bỉnh cho rằng dịch bệnh tại thành phố đang có dấu hiệu chững lại và cơ bản khống chế được ổ dịch. Những ngày đầu mới phát hiện ổ dịch, cao điểm ghi nhận 70 ca mỗi ngày. Hiện, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca mới hàng ngày có dấu hiệu giảm dần, trung bình khoảng 30 ca. Tuy nhiên, riêng hai ngày qua, số ca nhiễm mới tăng lên khoảng 40-45 ca, chủ yếu do các F1 xét nghiệm nCoV lần hai, lần ba trong các khu cách ly tập trung và người trong khu phong tỏa.
Theo ông Bỉnh, chùm ca liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do nhiều yếu tố đặc thù. Trong đó, chủng virus gây bệnh trong đợt dịch này là chủng Ấn Độ, có đặc tính lây lan mạnh. Từ ngày 26/5 đến sáng 7/6, cụm lây nhiễm lên tới 362 ca.
Ổ dịch đã phát tán, lây lan nhanh từ sinh hoạt tôn giáo, tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân. Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài, kể từ ngày 13/5, khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh. Do đó đã có tới 40 trong số 55 thành viên của nhóm này bị lây nhiễm nCoV và dịch đã qua nhiều chu kỳ lây nhiễm. Như nhánh chuỗi quán cà phê Trung Nguyên đã lây qua năm chu kỳ.
Ngoài ra, dịch tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng vì nhiều ca nhiễm làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Cá biệt, nhánh lây nhiễm tại Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN đã ghi nhận 91 ca dương tính, chiếm khoảng một phần tư tổng số ca liên quan nhóm truyền giáo.
Bên cạnh đó, công tác điều tra dịch tễ, nhằm khoanh vùng dập dịch gặp nhiều khó khăn, phải kéo dài do số lượng thành viên nhóm truyền giáo giao lưu nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu.
Ổ dịch nhóm truyền giáo có số lượng ca bệnh nhiều và tăng nhanh mỗi ngày, trải rộng 21 trên 22 địa phương, với nhiều nhánh lây nhiễm nhỏ. Trong đó, có 6 nhánh lây lan mạnh, với 188 ca, chiếm hơn một nửa tổng số ca của toàn ổ dịch này.
Cụ thể, nhánh tại Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, quận Tân Bình hiện lớn nhất với 91 ca; nhánh khách sạn Sheraton, quận 1 có 12 ca; nhánh chuỗi Cửa hàng cà phê Trung Nguyên, quận Tân Bình 34 ca; nhánh tại trường Mầm non song ngữ Kid Town, quận 12 có 26 ca; nhánh tại khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, Gò Vấp có 22 ca; Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú có 37 ca.
Đến ngày 6/6, nhánh dịch tại khu nhà trọ hẻm đường Dương Quảng Hàm và công ty IDS vẫn phát sinh ca nhiễm mới.
Video đang HOT
Đặc biệt, giám đốc Sở Y tế cho biết, vẫn còn những ca F1 ở các nhánh, chi nhánh của ổ dịch liên quan nhóm Truyền giáo Phục hưng, như ở tòa nhà SAMCO, quận 1 (xuất phát từ nhánh lây của Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS) chưa khai báo hoặc khai báo chậm, không đầy đủ, không chính xác về lịch trình tiếp xúc, yếu tố dịch tễ. Vì thế, đến nay nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục truy vết dịch tễ. Có trường hợp vì không muốn cách ly tập trung, nên cố tình không khai báo để cách ly tại nhà. Đến khi có triệu chứng, họ mới âm thầm đến cơ sở y tế khám bệnh. Tại đây, họ cũng không khai báo trung thực.
“Đây chính là nguyên nhân khiến các ca nhiễm vẫn còn rải rác trong cộng đồng”, ông Bỉnh nói.
Thành phố cũng ghi nhận những ca chưa rõ nguồn gốcphát hiện trong cộng đồng. Ông Bỉnh giả thiết nguồn lây của trường hợp này đã âm thầm tiềm ẩn trong cộng đồng từ trước, người dân tiếp xúc, đi lại nhiều trong dịp nghỉ lễ làm lây lan. Tuy nhiên, vì thành phố trong giai đoạn giãn cách xã hội, tiếp xúc thấp, mầm bệnh không phát tán rộng, chỉ lây cho một hoặc hai thành viên trong gia đình.
Ông Bỉnh cũng bày tỏ, dịch bệnh vẫn đang lây lan tại một số tỉnh thành. Khả năng nhiều người dân tiếp xúc với ca nhiễm, hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động khai báo y tế trung thực, đầy đủ nếu có yếu tố nguy cơ, nhằm phát hiện và kiểm soát kịp thời, không để dịch lây lan rộng.
“9 ngày giãn cách xã hội còn lại là cơ hội khống chế dịch hoàn toàn”, giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.
Chốt kiểm soát Covid-19 trên đường Nguyễn Kiệm ở quận Gò Vấp, trong thời gian toàn quận giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Quỳnh Trần.
Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, thành phố đã giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, giãn cách quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 31/5. Thành phố đã khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca nhiễm và khu vực lân cận. Vì thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh qua tiếp xúc gần ở vòng thứ hai thứ ba trong cùng gia đình, cùng nơi làm việc. Do đó, ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ cao lây nhiễm (lấy mẫu F2 tiếp xúc gần F1, lấy mẫu F3 tiếp xúc gần F2) để xét nghiệm sớm.
Đồng thời, ngành y tế đã xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng, với khoảng 1.500 người dân theo tổ bầu cử. Các chung cư, tòa nhà văn phòng, căn hộ, công ty, khu công nghiệp… có ca nhiễm cũng được triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người cư trú, người lao động.
TP.HCM có nhiều chuỗi lây nhiễm, 2 ca F4 dương tính
Từ ổ dịch nhóm truyền giáo Phục Hưng đã phân thành nhiều chuỗi lây nhiễm ở khu công nghiệp, công ty, trường học và khu dân cư.
Sáng 7/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã họp triển khai công tác chống dịch trên địa bàn. Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết đến nay, thành phố đã có 640 ca bệnh, trong đó 433 ca nhiễm trong cộng đồng, 207 ca nhập cảnh.
Hiện, TP.HCM điều trị 371 bệnh nhân dương tính mới. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận 3 bệnh nhân Covid-19 rất nặng, 2 người phải thở bằng ECMO.
Một người dân TP.HCM được lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Ảnh: Thanh Tùng.
Liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng được phát hiện ngày 26/5 đến nay đã có 362 ca, chia thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau, phân bố ở 21/22 quận, huyện tại thành phố. Cụ thể:
Trong đó, chuỗi tại Khách sạn Sheraton đã có 12 ca. Người phát hiện đầu tiên là bệnh nhân 6282. Kế tiếp, một số đầu bếp, nhân viên phục vụ tại khách sạn có kết quả dương tính. Tất cả đã cách ly tập trung từ ngày 28/5.
Chuỗi Cửa hàng cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang có 34 ca. Các nhân viên lây sang hộ gia đình và nhà trọ (đường Điện Biên Phủ). Riêng nhánh lây nhiễm tại nhà trọ trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) có 18 ca. Nơi này đã được phát hiện và phong tỏa ngày 29/5.
Chuỗi Trường Mầm non song ngữ Kid Town có 27 ca, khởi phát là bệnh nhân 6427. Sau đó các ca F1 (8), F2 (9), F3 (7) và F4 (2) chuyển dương tính. Người mắc bệnh là giáo viên của trường, sau đó lây sang các hộ gia đình, khu nhà trọ. Kết quả điều tra ghi nhận lây lan sang tỉnh Bạc Liêu (1 ca), Long An (3 ca), Đồng Tháp (1 ca) trong chuỗi lây này. Ngày ghi nhận ca bệnh gần nhất tại thành phố là 5/6.
Khu nhà trọ ở hẻm Dương Quang Hàm (quận Gò Vấp) có 22 ca mắc, gồm ca khởi phát là bệnh nhân 6289, kế tiếp 11 ca F1, 5 ca F2 và 5 ca F3 chuyển dương tính. Về ca nhiễm từ các nhân viên ở Công ty Nàng Khô, ngành y tế ghi nhận một trường hợp lây sang Trà Vinh. Đây là F3 và là bệnh nhân gần nhất, được phát hiện ngày 6/6.
Khu Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Tinh, quận 1, TP.HCM bị phong tỏa do có ca bệnh liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. Ảnh: Thanh Tùng.
Chùm lây nhiễm tại Công ty IDS có 37 ca mắc. 10/23 nhân viên tại đây mắc bệnh rồi lây lan cho hộ gia đình của các nhân viên. Từ đây phát sinh ra ổ dịch ở CEN Sài Gòn (quận 1) với 45 ca.
Ông Bỉnh cho biết ổ dịch CEN Sài Gòn có ca nhiễm là một chiến sĩ đang làm ở một trường đại học tại TP.HCM. Lúc đầu, ngành y tế không xác định được nguồn lây nhưng sau đó phát hiện người này sống chung với anh trai ở Bình Tân, làm tại tòa nhà CEN Sài Gòn. Đây là những trường hợp phát hiện khi truy vết F1.
Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN, có văn phòng lầu 4 thuộc Toà nhà Phan Khang, Số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình. Chuỗi này có 91 ca gồm ca F0 là bệnh nhân 6301, sau đó 72 ca F1, 16 ca F2, 2 ca F3 chuyển dương tính. Công ty này đã được cách ly tập trung từ ngày 28/5. Hiện đã phát hiện 71 bệnh nhân gồm 46 người phát hiện trước khi cách ly và 25 người đã được cách ly tập trung, xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày phát hiện ca bệnh gần nhất trong cộng đồng của chuỗi này là ngày 3/6.
Chuỗi lây nhiễm trong khu công nghiệp có 3 ca là các nhân viên làm việc tại đây. Tuy nhiên nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong khu vực này
Ngoài ổ dịch liên quan nhóm truyền giáo, từ ngày 18/5 thành phố còn ghi nhận ổ dịch trong công ty quận 3 với 2 bệnh nhân. Đến ngày 4/6, ổ dịch này có 1 trường hợp tiếp xúc gần có kết quả dương tính, tuy nhiên đã được cách ly tập trung nên không có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng.
Ổ dịch tại quán bánh canh O Thanh ở quận 3 ban đầu có 5 bệnh nhân phát hiện từ ngày 21/5. Đến ngày 2/6 có thêm 2 trường hợp tiếp xúc gần dương tính, đã được cách ly trước đó nên không lây nhiễm cho cộng đồng. Đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh.
Ông Bỉnh cho biết, nhờ biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của thành phố, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần.
Hiện còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Các ổ dịch trên cũng đã được khống chế.
Tuy nhiên, ông Bỉnh nhấn mạnh, người dân thành phố không nên chủ quan, mà tiếp tục thực hiện 5K và thành khẩn khai báo y tế.
TP.HCM: Có 6 chuỗi nhánh lây nhiễm Covid-19 lớn liên quan nhóm truyền giáo; F4 đã nhiễm Chuỗi nhánh lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lớn nhất xảy ra tại Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên tú FN (Q.Tân Bình, TP.HCM) với 91 ca. Lấy mẫu giám sát Covid-19 tại một công ty trên địa bàn Q.Tân Bình. . ẢNH: ĐỘC LẬP Sáng 7.6, TP.HCM họp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 với TP.Thủ Đức...