Vì sao những bộ phim khiến khán giả khóc như mưa bị thất sủng?
Sau 20 năm, phim tình cảm Hàn Quốc giờ đây đã có sự thay đổi lớn, những bộ phim lấy nước mắt đã hết thời, thay vào đó là loạt kịch bản ngọt ngào, hài hước.
Phim tình cảm Hàn Quốc được yêu mến ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi thị hiếu cùng thói quen tiếp nhận sáng tạo nghệ thuật của công chúng ngày càng trở nên hiện đại và khó tính hơn, dòng phim tâm lý tình cảm buộc phải bứt mình khỏi những mô típ xưa cũ. Thay vì để nhân vật mắc ung thư, máu trắng và những cái kết bi kịch, phim Hàn giờ đây xây dựng cốt truyện mới mẻ hơn, đa dạng hơn.
Thời hoàng kim của dòng phim bi kịch
Cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, người hâm mộ phim tình cảm Hàn Quốc có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện tình bi kịch, với mô típ nhân vật chính mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, máu trắng trên màn ảnh. Kiểu nội dung này hút khách đến mức gần như tác phẩm nào “làm mưa làm gió” vào thời điểm đó cũng áp dụng.
Trái tim mùa thu, Tạm biệt tình yêu của tôi, Nấc thang lên thiên đường, Anh em nhà bác sĩ, Giày thủy tinh… đều từng là ký ức đẹp mà buồn trong lòng thế hệ khán giả 8X, 9X đời đầu. Đôi nhân vật chính của phim thường yêu nhau khắc cốt ghi tâm, để rồi buộc phải chia lìa mãi mãi vì một trong hai người mắc phải căn bệnh quái ác. Người xem dễ dàng bị cuốn vào câu chuyện bi thương đó, thấm thía sâu sắc nỗi đau khổ, day dứt, cô đơn của nhân vật.
Phim tình cảm Hàn một thời đẫm chất bi kịch, với mô típ nhân vật chính mắc bệnh hiểm nghèo.
Có những khoảnh khắc buồn đi theo mô típ ấy đã trở thành kinh điển của trào lưu phim bi tại Hàn Quốc một thời. Đó là hình ảnh nàng Eun Suh của Trái tim mùa thu qua đời trong vòng tay người yêu vì bệnh máu trắng, hay cảnh tượng nàng Han Jung Seo của Nấc thang lên thiên đường oằn mình chống chọi với căn bệnh mù lòa, mạng sống chỉ còn đếm được từng ngày.
Đó là giây phút nữ chính Yoon Hee của Giày thủy tinh nhận ra chị gái ruột sau 15 năm thất lạc, nhưng đột nhiên rơi vào bi kịch khi phát hiện bản thân bị bệnh máu trắng. Yeon Joo ở Tạm biệt tình yêu của tôi cũng từ giã cõi đời vì chứng bệnh tương tự, ngay khi hiểu rõ tình yêu mà chàng trai Min Soo dành cho mình.
Mô típ bệnh hiểm nghèo đã góp phần làm nên thời kỳ hoàng kim cho dòng phim bi ở Hàn Quốc.
Khác với hiện tại, khi đôi nhân vật chính phải nhận cái kết đau buồn, khán giả sẽ phản đối dữ dội, thì người hâm mộ phim tình cảm thuở trước thường ngậm ngùi chấp nhận. Có lẽ vì lúc đó, người ta tin rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Và những kết thúc dở dang như thế thường để lại ấn tượng sâu đậm hơn, cảm xúc mãnh liệt và khó quên hơn.
Lột xác về tư duy làm phim
Trải qua nhiều năm, để duy trì sức hút bền lâu cho dòng phim tình cảm, các nhà làm phim Hàn Quốc phải tìm cách đổi mới, sáng tạo và thoát ly khỏi những mô típ cũ nhàm. Ung thư, máu trắng có thể lôi kéo sự đồng cảm của khán giả thuở trước, nhưng sớm lỗi thời với người hâm mộ ngày nay.
Video đang HOT
Thay vì bệnh hiểm nghèo sắp chết, nhân vật chính giờ đây thường mắc các chứng bệnh tâm lý, bệnh lạ theo hướng hài hước hơn là bi kịch. Chẳng hạn như chàng phó chủ tịch điển trai Lee Young Joon của What’s Wrong With Secretary Kim? mắc bệnh tự luyến, cho bản thân mình là hoàn hảo không tỳ vết, hay nàng nữ quái Jo Yi Seo của Itaewon Class mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Mô típ mắc những chứng bệnh dở khóc dở cười như trên dễ đem lại bầu không khí vui nhộn và sự mới mẻ, phá cách cho tác phẩm.
Thời phim bi kịch đã qua, giờ đây mô típ bệnh lạ theo hướng hài hước lên ngôi.
Ngoài ra, phim tình cảm Hàn giờ đây cũng chuộng các mô típ như anh hùng cứu mỹ nhân, oan gia ngõ hẹp, cố gắng pha trộn yếu tố hài hước song song với những khoảnh khắc ngọt ngào, lãng mạn.
Bên cạnh những màn yêu đương mang hơi hướm cổ tích, có không ít mối tình trên màn ảnh xứ kim chi được thêm thắt các chi tiết mang đậm chất đời, gần gũi với thực tế cuộc sống. Điều đó góp phần dệt nên bức tranh đa màu cho dòng phim tình cảm Hàn hiện nay.
Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, mô típ giả tưởng được các nhà làm phim ưu ái, cho ra đời nhiều bom tấn truyền hình như My Love From the Star, Goblin, W-Two Worlds, The Legend of the Blue Sea… Những tác phẩm này thường khắc họa mối tình giữa người bình thường với những nhân vật có xuất thân kỳ lạ như yêu tinh, tiên cá, người ngoài hành tinh, thần chết, nhân vật truyện tranh… Các chi tiết xuyên không, sự xuất hiện của thế giới song song, hư hư ảo ảo được tận dụng triệt để.
Phim tình cảm xen lẫn yếu tố giả tưởng ngày càng được ưa chuộng.
Những câu chuyện giả tưởng như vậy dễ dàng kích thích trí tò mò của khán giả. Với những ai muốn thưởng thức cái mới, độc, lạ và thách thức trí tưởng tượng cùng khả năng suy luận của mình, phim tình cảm xen lẫn yếu tố giả tưởng là một lựa chọn thú vị. Gần đây, The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt) của Lee Min Ho cũng đi theo mô típ nói trên và thu hút được một lượng người xem nhất định.
Theo thời gian, trào lưu phim bi với những cái kết thảm khốc dần nhường chỗ cho kiểu kết thúc có hậu. Các nhà sản xuất giờ đây chịu sự chi phối lớn và phải hết lòng chiều theo ý muốn của khán giả. Nguy cơ bị “ném đá” khi đặt dấu chấm hết cho tác phẩm bằng những phân cảnh buồn thảm là rất lớn, do vậy, đa số phim tình cảm Hàn thời nay đều khép lại bằng kết mở, hoặc kết cục hạnh phúc cho đôi nhân vật chính.
Khán giả ngày càng quyền lực
Cuộc sống ngày càng hiện đại, y học ngày càng phát triển cùng với cách thưởng thức, đánh giá phim ảnh của khán giả ngày càng khắt khe, việc phim bi kịch “thất sủng” là điều rất dễ hiểu.
Các tác phẩm có kết thúc bi thảm không còn là thứ người xem hướng đến. Khi theo dõi một bộ phim nào đó, họ luôn muốn nhân vật mình yêu mến được hưởng hạnh phúc vẹn tròn, muốn chìm đắm trong sự ngọt ngào của câu chuyện ấy để phần nào quên đi những áp lực ở đời thực. Phim là liều thuốc xoa dịu tâm hồn, và người xem thường tìm đến phim với hy vọng có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống.
Nói như biên kịch Đặng Thiếu Ngân, “Khán giả Hàn giờ đây cần những điều đẹp đẽ trên phim để cân bằng tâm lý, bởi cuộc sống, công việc của người Hàn rất khắc nghiệt, áp lực”.
Các nhà làm phim thường chọn cái kết có hậu thay vì bi kịch như thuở trước để chiều lòng khán giả hiện đại.
Phim tình cảm Hàn ngày nay thường quay cuốn chiếu. Do đó, trong quá trình phát sóng, nhà sản xuất luôn phải chú ý tới phản ứng của khán giả để điều chỉnh nội dung của các tập mới, và quyết định kết thúc của tác phẩm. Nếu kết cục đó đi ngược lại mong mỏi của số đông, bộ phim chắc chắn sẽ phải đối mặt với vô vàn ý kiến tiêu cực.
Người xem giờ đây có rất nhiều sự lựa chọn. Khi một tác phẩm đi theo lối mòn, không phá cách, không lôi cuốn, họ sẵn sàng bỏ dở để ủng hộ một tác phẩm khác chất lượng hơn. Phim tình cảm, hay bất kỳ dòng phim nào khác luôn phải tìm cách sáng tạo, nếu không muốn bị đào thải khỏi màn ảnh.
Khán giả đã trở thành một phần, thậm chí là một “nhân vật” quyền lực với các dự án phim.
Nguyên Hạnh
Lee Min Ho và loạt mỹ nam Hàn bị chê diễn đơ cứng
Lee Min Ho, Nam Joo Hyuk, Seo Kang Joon... đều là những nam diễn viên được đánh giá cao về ngoại hình, còn thực lực diễn xuất lại gây tranh cãi.
Lee Min Ho: Tài tử sinh năm 1987 nổi tiếng toàn châu Á sau loạt phim Boys Over Flowers (Vườn sao băng) lên sóng vào năm 2009. Trải qua 11 năm, Lee Min Ho giữ vững sức hút của mình đối với khán giả yêu phim truyền hình Hàn. Song, yếu tố giúp nam diễn viên tỏa sáng có lẽ là ngoại hình chứ không phải thực lực. Không ít khán giả đánh giá tài tử có lối diễn một màu, thường đóng khung bản thân vào một kiểu vai.
Tháng 4/2020, Lee Min Ho trở lại hoạt động nghệ thuật hậu xuất ngũ thông qua bộ phim The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt). Mọi thứ ở ngôi sao 33 tuổi vẫn như cũ, vẻ ngoài vẫn xuất chúng và kỹ năng diễn xuất thì vẫn dậm chân tại chỗ. Những người hâm mộ khó tính nhận xét cách diễn của Lee Min Ho còn mang màu sắc phim thần tượng 10 năm trước, nhàm chán và thiếu chiều sâu. Nam diễn viên chưa mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn, dứt khỏi công thức chọn vai thường thấy là giàu, đẹp và cô đơn.
Seo Kang Joon: "Mỹ nam mắt nâu quyến rũ nhất Hàn Quốc" vừa cho thấy tín hiệu cải thiện diễn xuất ở bộ phim Trời đẹp em sẽ đến (I'll Go to You When the Weather is Nice) phát sóng đầu 2020. Trước đó, Seo Kang Joon gây ấn tượng về ngoại hình nhiều hơn là thực lực. Sự nghiệp diễn xuất của nam diễn viên thiếu vắng tác phẩm và vai diễn nổi bật, dù anh bắt đầu theo đuổi nghiệp diễn từ năm 2012.
Đa số các bộ phim có sự góp mặt của Seo Kang Joon đều trở thành "bom xịt", rating lẹt đẹt. Vấn đề của mỹ nam 27 tuổi nằm ở mắt nhìn kịch bản kém tinh tường cùng lối diễn bị nhận xét là "đơ cứng như robot".
Nam Joo Hyuk: Mỹ nam phim Tiên nữ cử tạ (Weightlifting Fairy Kim Bok Joo) cũng thuộc nhóm diễn viên có phong độ diễn xuất phập phù. Có những tác phẩm anh nhập vai tự nhiên, mượt mà, nhưng cũng không thiếu lần Nam Joo Hyuk cho thấy kỹ năng diễn xuất bất ổn định. Ở Tiên nữ cử tạ hay Đôi mắt rực rỡ (The Light in Your Eyes), ngôi sao sinh năm 1994 diễn sinh động, có hồn. Tuy nhiên, sang đến Cô dâu thủy thần (Bride of the Water God), cách biểu cảm của nam diễn viên lại đơ cứng và gượng gạo.
Mặc cho những tranh cãi xoay quanh chuyện diễn dở hay tốt, Nam Joo Hyuk vẫn gặt hái giải thưởng danh giá. Tại lễ trao giải Rồng xanh 2018, tài tử được xướng tên ở hạng mục Nam diễn viên mới xuất sắc cho màn trình diễn trong The Great Battle. Một số khán giả la ó, cho rằng giải thưởng trao nhầm người. Song, điều đó chẳng thay đổi được gì. Nam Joo Hyuk vẫn nổi tiếng, có lượng người hâm mộ đông đảo vì ngoại hình đẹp, và được săn đón ở nhiều dự án phim.
Ahn Jae Hyun: Là người mẫu đá chéo sân diễn xuất, Ahn Jae Hyun tỏ rõ sự yếu kém của dân "tay ngang". Nam diễn viên từng được chú ý qua vai phụ trong siêu phẩm truyền hình Vì sao đưa anh tới (My Love From the Star). Tuy nhiên, đến khi giành được suất diễn chính ở Blood, Ahn Jae Hyun lại gây thất vọng. Khán giả chê bai thậm tệ biểu cảm nhạt nhòa, vô hồn cùng cách nhả thoại khó nghe của anh.
Sau thất bại thảm hại của Blood, Ahn Jae Hyun vẫn đều đều đóng chính trong nhiều dự án khác như Cinderella and Four Knights, Reunited Worlds, nhưng tài năng của mỹ nam 32 tuổi chưa bao giờ được người xem công nhận. Khi nam diễn viên nhận giải thưởng về diễn xuất ở các lễ trao giải truyền hình thường niên, công chúng mỉa mai rằng anh không xứng đáng. Thế mạnh duy nhất của Ahn Jae Hyun có lẽ chỉ là ngoại hình.
Song Seung Hun: So với đàn em nêu trên, tài tử 44 tuổi nổi trội hơn nhờ kinh nghiệm đóng phim hơn 20 năm. Nhưng anh vẫn có điểm chung với họ là kỹ năng diễn xuất dễ gây tranh cãi. Song Seung Hun sở hữu nhiều tác phẩm "làm mưa làm gió" một thời như Trái tim mùa thu, Phía đông vườn địa đàng... là "hoàng tử tình ca" nổi tiếng thập niên 2000. Tuy nhiên, điều này chẳng thể che lấp những khuyết điểm trong cách chọn vai, nhập vai và khả năng nâng cấp thực lực của nam diễn viên.
Song Seung Hun có lối diễn một màu, đôi khi gồng mình không cần thiết. Hướng chọn vai của anh cũng khá an toàn, quanh quẩn trong kiểu nhân vật đứng đắn, hiền lành, ga lăng, lịch lãm... Trong vài năm gần đây, tài tử cố gắng đổi mới hình ảnh, nhưng không có sự bứt phá. Người hâm mộ hy vọng trong dự án phim Shall We Eat Dinner Together? sắp tới, Song Seung Hun sẽ có màn trình diễn thuyết phục hơn.
Nguyên Hạnh
Quân vương bất diệt tập 3: Hoàng đế Lee Min Ho mải mê 'yêu đương', nữ thủ tướng Jung Eun Chae nhăm nhe tước quyền cai trị Bộ phim The King: Eternal Monarch (Quân Vương bất diệt) đã phát sóng được hai tập, sức nóng của bộ phim thu hút tới mức, Hình ảnh của Lee Min Ho và Kim Go Eun ngập tràn "NewFeed" của cộng đồng yêu phim. Khán giả thể hiện mong mỏi cho tập tiếp theo bằng cách update liên tục những hình ảnh Hoàng đế....