Vì sao nhiều y bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 3 – “Vấn đề đau đầu của bệnh viện”
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, tình trạng y, bác sĩ nghỉ việc đang là vấn đề “đau đầu” của bệnh viện.
Tình trạng y, bác sĩ nghỉ việc đang là vấn đề đau đầu của các bệnh viện.
Sau khi ra trường, bác sĩ (BS) Đ.D.V được nhận vào làm việc tại khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thống Nhất (Đồng Nai) hơn 3 năm. Mới đây BS V. nộp đơn xin nghỉ việc tại BV.
Điều dưỡng, bác sĩ mới ra trường dựa vào lương là chính
Đề cập đến nguyên nhân nghỉ việc, anh V. cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có thu nhập. BS V. thẳng thắn nói: “Với một BS học hành đến 7 năm mới ra trường, đến khi được nhận vào làm việc ở bệnh viện thì nhận được mức lương rất là thấp với tổng thu nhập khoảng 6-7 triệu. Với mức lương này, nếu sống độc thân còn xoay xở được, chứ đã lập gia đình rồi thì khó mà sống, lo được cho gia đình”.
Nhân viên y tế BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai) đang điều trị cho F0. Ảnh BỆNH VIỆN CUNG CẤP
BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất, Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua tình trạng BS nghỉ việc là vấn đề “đau đầu” của BV. “Có nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính vẫn là chính sách đãi ngộ còn thấp quá. BS cũng như điều dưỡng mới ra trường lương chỉ 3-4 triệu đồng/ tháng thôi, trong khi đó làm công nhân đã 6-7 triệu đồng rồi. Thực tế thì ngoài làm việc ở BV, BS còn làm phòng mạch để kiếm thêm nhưng chỉ số ít thôi; còn BS mới ra trường với điều dưỡng thì đâu làm được, chỉ dựa vào đồng lương là chính”, ông Dũng phân tích.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng các BS thôi việc tại BV công lập trước hết vì mức thu nhập thấp. Cụ thể, hiện nay lương trung bình của một BS mới ra trường với các khoản lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm khoảng 4-5 triệu đồng; BS làm việc trên 5 năm khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng; BS 10 năm khoảng 7-9 triệu; BS trên 15 năm hơn 10 triệu đồng/ tháng.
Số liệu từ Sở Y tế Đồng Nai cho thấy số lượng BS nghỉ việc mỗi năm luôn ở mức cao. Năm 2019: 104 BS; 2020: 80 BS; tính đến thời điểm tháng 11.2021 đến nay có 79 BS nghỉ việc. Đối với điều dưỡng con số lần lượt tương ứng là 156, 131, 151.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nói: “Trong khi đó, tại Đồng Nai hệ thống BV, phòng khám đa khoa tư nhân phát triển rất nhiều, kéo theo nhu cầu tuyển nhân sự, nhất là BS có chuyên môn sâu, chuyên khoa; BS có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên BV tư sẵn sàng đưa ra mức lương cao, gấp 3 – 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 – 6 lần so với BV công”.
Về giải pháp để giữ chân BS cũng như cán bộ y tế tại BV công lập, BS Vũ nói “Nếu như các BS có nguồn thu nhập tốt, lo được cho gia đình, vợ con thì họ sẽ gắn bó với BV công, còn không có thì họ xin thôi việc để ra các BV, phòng khám tư”.
Bản tin Covid-19 ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca | Dịch bệnh ở TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau đang rất nóng
“Bác sĩ cũng như điều dưỡng mới ra trường lương chỉ 3-4 triệu đồng/ tháng thôi, trong khi đó làm công nhân đã 6-7 triệu đồng rồi. Thực tế thì ngoài làm việc ở bệnh viên, bác sĩ còn làm phòng mạch để kiếm thêm nhưng chỉ số ít thôi; còn bác sĩ mới ra trường với điều dưỡng thì đâu làm được, chỉ dựa vào đồng lương là chính”
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất (Đồng Nai)
Không chịu nổi áp lực
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai, một lý do khác là áp lực công việc, đặc biệt trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, một số nhân viên y tế đã không chịu nổi áp lực và xin nghỉ việc. Số còn lại là lý do gia đình.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một nữ BS đang công tác ở BV Phổi Đồng Nai chia sẻ, cả hai vợ chồng bà đều làm ngành y, thời gian qua luôn ở tuyến đầu chống dịch nên thời gian dành cho gia đình, con gần như không có, trong khi đó con gái của chị năm nay vừa vào lớp 1 nên chị quyết định nghỉ để lo cho con được chu đáo. “Bây giờ bé học online nữa, mình đi làm suốt không kèm cặp, dạy dỗ bé được nên tôi xin nghỉ. Mình sinh con ra thì phải nuôi dạy cho đàng hoàng, việc thì có thể bỏ chứ con sao bỏ được”, BS này tâm sự.
Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm Covid tại P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) Ảnh LÊ LÂM
Tương tự, một nữ điều dưỡng có 13 năm công tác tại BVĐK Thống Nhất vừa mới nghỉ việc, chia sẻ: “Tôi cũng không muốn nghỉ nhưng hoàn cảnh bắt buộc”. Chị nói rằng bây giờ dịch bệnh không biết khi nào hết, công việc thì nhiều rủi ro, bản thân nhiễm Covid-19 thì không sao nhưng nếu lây cho 2 đứa nhỏ (đứa 4 tuổi, đứa 10 tháng) thì tội nghiệp tụi nó. Hằng ngày vợ chồng chị phải gửi 2 đứa con cho hàng xóm, bởi cả nội lẫn ngoại đều ở quê xa không vào trông cháu giúp được.
BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc BVĐK Thống Nhất nhìn nhận có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc trong thời điểm dịch Covid-19 do làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, căng thẳng. “Hiện tại số lượng bệnh nhân ở BV ngày một đông, trung bình 100 ca cấp cứu/ngày. Ngoài ra, 60-70% là F0 có bệnh nền nên một số BS và điều dưỡng nghỉ việc cũng kẹt cho BV”, BS Dũng chia sẻ.
Ngày 17.12: Cả nước 15.236 ca Covid-19, 31.057 ca khỏi | TP.HCM 1.040 ca | Bến Tre 1.246 ca
Quyết liệt tìm giải pháp
Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã thực hiện phát phiếu khảo sát, nhằm tìm giải pháp ngăn BS BV công thôi việc với tên gọi “Đánh giá thực trạng bác sĩ đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Đồng Nai”.
Theo BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, việc làm này nhằm mục đích tìm ra các giải pháp để thu hút và giữ chân BS yên tâm công tác tại các đơn vị trực thuộc, hạn chế tình trạng thôi việc.
“Câu chuyện BS công thôi việc, sang làm ở BV tư không phải mới và không riêng gì ở Đồng Nai. Tuy nhiên, lần này Sở Y tế phát phiếu khảo sát đánh giá thực trạng đã cho thấy sự quyết liệt hơn trong việc tìm giải pháp cho vấn đề này”, BS Vũ tâm sự.
Gần hai năm nay xảy ra đại dịch, nhân viên y tế, y, bác sĩ luôn trong tình trạng làm việc quá sức (Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho người dân P.Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Ảnh LÊ LÂM
Bảng khảo sát gồm 8 trang, tổng cộng 43 câu hỏi, bao quát các vấn đề như thu nhập; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; môi trường, điều kiện làm việc; chế độ, chính sách đối với việc thu hút nhân tài và cuối cùng là về quản lý, sử dụng nhân lực trong ngành y tế.
(Còn tiếp)
Thiếu bác sĩ, Bình Phước “trải thảm” chính sách hỗ trợ cao đến 400 lần
Theo thống kê của ngành y tế Bình Phước, đến nay nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh này vẫn còn thiếu hụt rất nhiều. Dự báo năm 2025, tỉnh thiếu đến 282 BS. Trong khi đó, từ năm 2017 đến nay đã có trên 50 BS tại các BV, cơ sở y tế công lập chuyển sang BV tư nhân làm việc khiến nguồn nhân lực càng thiếu, tạo áp lực công việc cho số BS ở lại.
Trong năm 2021, Bình Phước đã có chính sách “trải thảm” đặc biệt nhằm thu hút 83 vị trí BS đa khoa, BS chuyên khoa cấp I và II, thạc sĩ y học, tiến sĩ y học, giáo sư y học và cả các sinh viên đang theo học BS đa khoa hệ chính quy tại các trường đại học y… Theo đó, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn, tỉnh có chính sách hỗ trợ 1 lần từ 100 lần đến 400 lần mức lương cơ sở (từ 149 triệu đồng đến 596 triệu đồng/ người).
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước, việc ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ sẽ góp phần giải bài toán thiếu nhân lực hiện tại, thu hút thêm nguồn nhân lực mới có chuyên môn tay nghề cao, giữ chân những y, BS trong hệ thống công lập hiện tại cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh.
Hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Người trong cuộc lên tiếng
Nhiều cá nhân, bác sĩ chia sẻ họ quyết định nghỉ việc không phải do thu nhập giảm mà do mô hình quản lý có nhiều thay đổi không hợp lý. Một số mong muốn trở lại nếu như Bệnh viện Bạch Mai thay đổi.
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ 1-2-2020 đến cuối tháng 3-2021, số cán bộ, người lao động tại đây thôi việc và chuyển công tác là 221 người. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng có 4 lý do chính khiến nhân viên thôi việc đó là việc tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lãnh đạo bệnh viện lâm vào vòng lao lý và áp lực đổi mới bệnh viện.
Trao đổi với phóng viên ngày 14-4, một bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai nay đã chuyển công tác cho rằng việc bệnh viện lấy lý do là dịch Covid-19, bệnh viện khó khăn về tài chính nên đã tinh giản hàng trăm lao động. Vậy tại sao trong thời gian này, bệnh viện vẫn tuyển dụng hơn 500 lao động, gấp nhiều lần số lao động bị buộc thôi việc và chuyển công tác tại bệnh viện. Bệnh viện cũng xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như khu vực sân phía sau, khu vực mặt tiền... Rõ ràng giải thích của lãnh đạo bệnh viện về vấn đề này là không thoả đáng và chưa thật hợp lý.
"Với nhân lực chất lượng cao có lẽ họ đi đâu cũng được nhưng điều quan trọng nhất là môi trường làm việc phù hợp. Các bác sĩ mong muốn có môi trường làm việc chuyên nghiệp, phát triển các chuyên khoa học thuật, không phải môi trường chỉ thích đánh bóng, phô trương, làm hình ảnh..." - vị bác sĩ chuyển từ Bệnh viện Bạch Mai đi nơi khác chia sẻ.
Khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai được cải tạo với khu vực ngồi chờ cho người nhà bệnh nhân
Theo một số bác sĩ, với mô hình quản lý mới, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu từng khoa phòng phải báo cáo kiểm điểm, đánh giá nhận xét, chấm điểm thi đua từng cá nhân. Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân là tốt, là đổi mới nhưng việc đãi ngộ với anh em lại không hợp lý. "Thời gian qua, nguồn thu, mà cụ thể là lương, giảm kinh khủng, tới 50-60%. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi" - một bác sĩ cho biết.
Một số bác sĩ cho rằng với cách quản trị như hiện nay, sẽ còn nhiều nhân lực chất lượng cao rời bỏ Bệnh viện Bạch Mai và rời bỏ môi trường làm việc mà họ vốn muốn cống hiến trọn đời. "Với cá nhân tôi, nếu thay đổi cách thức quản trị, tôi vẫn mong muốn được trở về Bệnh viện Bạch Mai để làm việc và cống hiến chứ không phải vì thu nhập giảm"- bác sĩ này nói.
Hàng chục năm làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai ở cương vị lãnh đạo nhưng một bác sĩ đã nộp đơn xin nghỉ việc từ cuối năm 2020. Ông cho biết bản thân nghỉ việc do môi trường không còn phù hợp. "Với tôi, thu nhập giảm, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không phải lý do khiến tôi thôi việc nhưng tôi được yêu cầu chuyển sang bộ phận khác không phù hợp chuyên môn. Nếu tôi chuyển, người trong ngành, học trò sẽ nghĩ gì khi mà công việc tôi gắn bó hàng chục năm qua nay lại phải đi làm một lĩnh vực mới tinh khi mà chỉ vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Bệnh viện Bạch Mai là thương hiệu lớn, ai cũng muốn gắn bó nhưng khi bệnh viện thay đổi mô hình, việc sử dụng người không hợp lý, còn bản thân mình thấy không được làm nghề đúng nghĩa, thấy không phù hợp nên tôi và nhiều y bác sĩ khác chọn cách ra đi" - ông chia sẻ.
Theo một bác sĩ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, dù tự chủ nhưng không thể biến thành doanh nghiệp tư nhân, quản lý theo mô hình tư nhân. "Nhiều người thấy tiếc cho thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai khi để xảy ra những lùm xùm về chuyện nhân sự, quản lý bệnh viện thời gian qua, cá nhân tôi cũng vậy. Việc thay đổi là tốt nhưng phải phù hợp, phải lấy con người làm trung tâm"- vị bác sĩ nói.
Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Thế Anh
Là một trong số hơn 100 nhân viên buộc phải thôi việc do tinh gọn, giải thể Đơn vị dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai, gần 1 năm nay, anh V. trở thành shipper (người giao hàng tự do) cho vợ bởi anh chưa tìm được công việc phù hợp. Từ chỗ thu nhập trung bình 8-9 triệu đồng/tháng khi làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, nhưng từ 1-5-2020, khi bị bệnh viện cho thôi việc, nguồn thu cả nhà trông chờ vào mối bán hoa quả và thực phẩm cho khách quen của vợ.
"Cả hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến việc anh V. bị cho thôi việc bởi chúng tôi đã có thời gian dài làm việc tại đây và cống hiến cho bệnh viện. Do sức khoẻ của tôi yếu nên 2 năm qua tôi đã xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, còn chồng tôi làm việc ở Đơn vị dịch vụ từ năm 2004 đến thời điểm đó là 16 năm. Anh làm việc tại bệnh viện từ những ngày đầu có đơn vị dịch vụ, hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, ký lại hàng năm, từng được nhận bằng khen lao động xuất sắc của giám đốc bệnh viện. Khi đơn vị mới thành lập, lúc ấy khó khăn lắm vì tình trạng xe dù, xe cứu thương bên ngoài bệnh viện hoạt động công khai, thậm chí vào tận bệnh viện để giành việc vận chuyển bệnh nhân. Để bảo vệ người bệnh, tránh tình trạng xe "cứu thương dù", xe cấp cứu vận chuyển không phép chèo kéo, giành giật bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai đã thành lập Đơn vị dịch vụ để quản lý, ổn định tình trạng này. Chúng tôi từng mất tới 4 năm đầu mới ổn định được tình trạng xe dù bên ngoài vào tranh cướp bệnh nhân, thậm chí cũng có lúc đã phải đổ máu"- vợ anh V. chia sẻ.
Vợ anh V. cho biết cuối tháng 4-2020, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thông báo cho chồng chị và nhiều nhân viên khác về việc ai được ở lại làm việc còn ai sẽ phải nghỉ. "Lúc đi, anh ấy vẫn tràn đầy hy vọng. Đến nơi mới biết, gần như tất cả đều bị nghỉ. Những nhân viên thuộc đơn vị dịch vụ như chồng tôi bị buộc chấm dứt hợp đồng từ ngày 1-5-2020, cách thời điểm thông báo khoảng hơn 10 ngày. Sau đó, bệnh viện hỗ trợ 1 tháng lương với số tiền là 3 triệu đồng. Đáng nói là, trong khi rất nhiều người làm việc lâu năm lại cho nghỉ thì nhiều trường hợp mới làm việc 1-2 năm lại được giữ lại. Khi thông báo nghỉ là nghỉ luôn, bệnh viện cũng chưa từng hỏi nguyện vọng của anh em thế nào. Tôi thấy việc cho thôi việc là không thoả đáng, không có tình người, không nhân văn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang khó khăn, rất khó kiếm việc mới"- vợ anh V. nghẹn ngào.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng những nhận xét về việc bệnh viện có nhiều điểm bất hợp lý trong mô hình quản trị là không có cơ sở. Theo ông Thành, việc thay đổi nếp nghĩ, nếp làm hàng chục năm không dễ dàng, thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn rất khó khăn, nhất là khi tâm lý mọi người luôn muốn hướng tới những điều dễ dàng, thuận lợi.
Ông Thành cũng cho biết Giám đốc Bệnh viện có đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn về giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc. Có những quy định trước đây không đưa thành chế tài nhưng giờ nếu nhân viên có lỗi giao tiếp, ứng xử khiến bệnh nhân, người nhà bức xúc, có đơn thư sẽ bị đưa ra hội đồng bệnh viện kỷ luật.
Vì sao nhiều y, bác sĩ nghỉ việc?: Kỳ 1 - "Mệt mỏi quá, tôi ra ngoài buôn bán" Gần đây nhiều y bác sĩ nghỉ việc, nhất là khi xảy ra đại dịch, áp lực công việc, thu nhập giảm sút, khiến nhân viên y tế nghỉ việc nhiều hơn. Dịch Covid-19 bùng phát tại Đồng Tháp từ ngày 24.6.2021. Khi đó, chùm ca nhiễm xuất hiện ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sa Đéc, sau đó lây lan nhanh ra...