Vì sao Nhật Bản trắng tay 40 năm ở vòng loại World Cup?
Không nhiều người biết rằng tuyển Nhật Bản lừng lẫy từng trải qua chuỗi 40 năm thất bại tại vòng loại World Cup châu Á.
Góp mặt tại vòng loại World Cup lần đầu vào năm 1954 nhưng mãi tới 1998, tuyển Nhật Bản mới được hít thở không khí Cúp thế giới. 40 năm trước đấy, qua 9 lần dự vòng loại, họ đều không thể có vé tới ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.
Những người yêu mến tuyển Nhật Bản có lẽ sẽ không tưởng tượng được cảnh đó. Vì lẽ gì nền bóng đá mạnh nhất nhì châu lục, sở hữu giải quốc nội đứng đầu châu Á, có cả tá cầu thủ chơi tại châu Âu ngày nay từng không thể lấy nổi vé dự Cúp thế giới?
Hãy hỏi người Hàn Quốc để biết điều đó.
Son Heung-min và Hàn Quốc gieo sầu cho Nhật Bản ở chung kết Asian Games 2018. Ảnh: Việt Hùng.
Nỗi đau gắn với Hàn Quốc
Muốn hiểu về sự kình địch của hai đối thủ này, phải kéo ngược thời gian về gần 70 năm trước.
Khi đó, World Cup chưa mở rộng lên 32 đội, châu Á cũng chưa có 4,5 suất tham dự như bây giờ. Trong một thời kỳ dài, Liên đoàn Bóng đá Thế giới ( FIFA) chỉ trao 2 suất đến Cúp thế giới cho các đội châu Á. Điều đó khiến cơ hội của các đội tuyển bị hạn chế đáng kể. Do nằm cùng vùng địa lý với Hàn Quốc, Nhật Bản luôn là đội phải chịu ấm ức.
Suốt từ năm 1954 tới 1994, qua 9 lần dự vòng loại World Cup, Nhật đã thua Hàn 7 trận, 5 lần xếp dưới chính đối thủ này tại vòng loại World Cup. Vòng loại Cúp thế giới 1994, họ mới thắng nổi Hàn Quốc lần đầu tiên ở đấu trường này. Nhưng chung cuộc, họ vẫn nhìn đối thủ giành vé tới nước Mỹ.
Video đang HOT
HLV Lee Young-jin của tuyển Việt Nam hẳn rất nhớ kỷ niệm ấy vì ông là thành viên tuyển Hàn Quốc ở World Cup 1994 trên đất Mỹ.
Cay đắng cho Nhật Bản. Từ Olympic 1968, đội tuyển của họ đã sớm giành HCĐ, nghĩa là có đủ thực lực cho World Cup. Nhưng vì hạn chế suất tham dự của châu Á, họ mãi chưa tới được Cúp thế giới.
Người ta đã nói rất nhiều về mối kình địch giữa bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi HLV Akira Nishino tới Thái Lan, báo chí Hàn gọi cuộc đối đầu giữa ông và HLV Park Hang-seo là tái hiện đối đầu Nhật Bản – Hàn Quốc ở Đông Nam Á.
Nhật và Hàn đã đối đầu tổng cộng 80 trận ở cả bóng đá nam và nữ. Người Hàn áp đảo với 42 chiến thắng, hòa 23 và chỉ thua 15 trận. Điểm nhấn của Hàn Quốc là những chuỗi thắng kỷ lục như 7 trận liên tiếp từ năm 1985 tới 1991. Suốt cả thời kỳ dài, bóng đá Nhật Bản bị Hàn Quốc “át vía” ở cả sân chơi thế giới và châu Á. Năm 1988, Nhật cũng bị loại ngay từ vòng bảng trong lần đầu dự Asian Cup vì thua Hàn Quốc.
Nếu Hàn Quốc đã 5 lần đăng quang Asian Games thì Nhật Bản mới có 1 lần. Hàn đã 10 lần dự World Cup, đỉnh cao là vào tới bán kết. Thống kê tương tự của Nhật Bản chỉ là 6 lần, kết quả tốt nhất là vòng 16 đội.
Tuyển Nhật Bản ngày nay đã không còn yếu bóng vía trước Hàn Quốc. Ảnh: Yahoo Japan.
J.League ra đời và sự quật khởi của tuyển Nhật Bản
Người Nhật Bản không thể chịu đựng điều đó lâu hơn nữa. Họ vẫn chờ những cơ hội để chuyển mình, để vượt qua Hàn Quốc và vươn lên tại châu Á.
Năm 1998, cơ hội đó đã tới khi World Cup mở rộng lên 32 đội còn châu Á lần đầu có 3,5 suất tham dự. Dù chưa thể vượt qua Hàn Quốc, Nhật vẫn kịp có tấm vé muộn thông qua loạt trận play-off.
Trước đó, người Nhật Bản đã sớm nhận ra vấn đề của mình. Thất bại ở Asian Cup 1988 được xem là hậu quả từ việc thiếu một giải vô địch quốc gia mạnh mẽ. Nhu cầu chuyên nghiệp hóa bóng đá nội trở thành hướng phát triển không thể tranh cãi sau sự đi lên của kinh tế Nhật Bản. Năm 1992, Nhật đăng quang và vô địch Asian Cup.
Danh hiệu châu Á đầu tiên trở thành nguồn động lực mới cho bóng đá Nhật. Một năm sau, J1 League ra đời. Hãy lưu ý, giải đấu số một Nhật Bản ra đời chỉ một năm sau Ngoại hạng Anh.
Tới năm 2002, Nhật đăng cai World Cup trong lần đầu tiên giải đấu này được tổ chức tại châu Á. Tuyển Nhật cũng lần đầu vượt qua vòng bảng. HLV tuyển Nhật khi đó Philippe Troussier từng kể với Zing thành tựu này là kết quả của chiến lược đào tạo trẻ đã được triển khai trước đó cả chục năm.
Giống hệt con đường của bóng đá Việt Nam hay Thái Lan ngày nay, người Nhật từng phải tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia nước ngoài như Troussier (Pháp), Hans Ooft (Hà Lan), Arsene Wenger (Pháp), Zico (Brazil) tại cả cấp đội tuyển và CLB trước khi tự mình có được những chiến lược gia đẳng cấp, điển hình như Hajime Moriyasu.
Những nỗ lực không mệt mỏi của người Nhật đã tạo ra thay đổi. Sau World Cup 1998, Nhật chưa từng vắng mặt ở Cúp thế giới. Dù thành tích tại sân chơi lớn nhất địa cầu chưa sánh bằng Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu đi trước đối thủ ở một vài khía cạnh. Trên BXH FIFA, Nhật đứng đầu châu Á (hạng 28 thế giới) còn Hàn Quốc đứng thứ ba (hạng 39 thế giới). Các CLB Nhật đứng thứ 3 châu Á còn Hàn chỉ xếp hạng 5 (theo AFC).
5 lần gặp nhau gần nhất, đôi bên bất phân thắng bại với 2 thắng, 1 hòa cho mỗi đội. Hàn Quốc tự hào với những Park Ji-sung hay Son Heung-min nhưng Nhật Bản cũng có Shinji Kagawa hay Takumi Minamino. Trước lễ bốc thăm vòng loại thứ ba World Cup vừa qua, Nhật Bản ở nhóm hạt giống số một còn Hàn Quốc chỉ ở nhóm hai.
Cán cân lịch sử đã thay đổi. Và bóng đá Nhật Bản không còn đứng dưới cái bóng của kỳ phùng địch thủ Hàn Quốc.
Tuyển Nhật Bản là một trong 5 đối thủ của Việt Nam tại bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Các đội còn lại là Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Nhật là ứng viên đi tiếp hàng đầu ở bảng này. Trong lần chạm trán gần nhất tại Asian Cup 2019, tuyển Nhật Bản thắng Việt Nam 1-0.
Hàn Quốc bất bại ở vòng loại World Cup 2022
Bóng đá châu Á từ lâu đã tồn tại nghịch lý mang tên tuyển Hàn Quốc, đội tuyển không có nhiều chức vô địch châu lục, nhưng lại thi đấu rất tốt ở vòng loại World Cup.
Asian Cup và vòng loại World Cup khu vực châu Á là hai sân chơi gần như tương đồng về thành phần tham dự nhưng ở đó, tuyển Hàn Quốc thể hiện phong độ hoàn toàn trái ngược.
Từ năm 1956, tuyển Hàn Quốc có 2 lần vô địch Asian Cup (năm 1956 và 1960). Những đội tuyển vô địch châu Á nhiều nhất là Nhật Bản (4 lần), Saudi Arabia và Iran (3 lần). Ngược lại, Hàn Quốc có tới 4 lần về nhì và 4 lần giành hạng 3 châu Á nên có thể nói đây là đội tuyển khá vô duyên với chức vô địch châu lục.
Tuyển Hàn Quốc là đội có thành tích tốt nhất ở vòng loại World Cup khu vực châu Á trong lịch sử. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ở đấu trường cao hơn là vòng loại World Cup, tuyển Hàn Quốc là thế lực thực sự. Tính chất đặc thù của giải đấu buộc nhiều đội bóng lớn trên thế giới phải nhả người về phục vụ các đội tuyển quốc gia. Đây mới là lúc tuyển Hàn Quốc trình làng đội hình tốt nhất.
Nhật Bản, Iran, Saudi Arabia hay thậm chí Australia cũng có đội hình mạnh cho vòng loại World Cup, nhưng chỉ Hàn Quốc mới tạo sự khác biệt. Họ là đại diện châu Á góp mặt nhiều nhất và tiến sâu nhất ở các vòng loại World Cup và có 10 lần tham dự các vòng chung kết (VCK), nhiều nhất lịch sử bóng đá châu Á.
Trong khi đó, những đội còn lại, ngay cả với đội thường xuyên dẫn đầu bảng xếp hạng FIFA khu vực nhưng lại chỉ có 6 lần dự sân chơi thế giới.
Trong lịch sử tham dự các kỳ World Cup, tuyển Hàn Quốc cũng là đội bóng có thành tích tốt nhất châu Á với vị trí thứ 4 tại giải đấu năm 2002 khi họ cùng Nhật Bản làm đồng chủ nhà. Tuy nhiên, "Samurai xanh" chỉ vượt qua vòng bảng rồi dừng bước ở vòng 16 đội.
Tại vòng chung kết World Cup 2018, tuy dừng bước ở vòng bảng, Hàn Quốc vẫn được nhắc đến nhiều nhờ chiến thắng chấn động 2-0 trước tuyển Đức của Joachim Low khi đó đang là đương kim vô địch.
Hàn Quốc tiếp tục khẳng định đẳng cấp khi giành vé vào vòng loại thứ ba World Cup 2022. Thầy trò HLV Paulo Bento giành ngôi nhất bảng H với 5 chiến thắng, một trận hòa, ghi 22 bàn và để thủng lưới một bàn.
Tại vòng loại thứ ba, Son Heung-min và các đồng đội được xếp vào nhóm hạt giống số hai cùng Australia.
Tuyển Nhật Bản ghi 46 bàn tại vòng loại World Cup Tuyển Nhật Bản kết thúc vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á bằng chiến thắng 5-1 trước Kyrgyzstan chiều 15/6. Ở trận đấu cuối cùng vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Nhật Bản không tung đội hình mạnh nhất khi thiếu vắng Takumi Minamino. Tuy vậy, hàng công của "Samurai xanh" vẫn cho...