Vì sao người Nga ủng hộ Putin dù kinh tế lao dốc
Phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang rất khó khăn trong tình thế kinh tế suy giảm, đồng rúp rơi tự do và ngân sách bị co hẹp, nhưng với đa số người Nga, ông là giải pháp cho mọi vấn đề.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo thường niên hôm 18/12. Ảnh:Reuters
Tình hình ở Nga hiện nay được nhìn nhận theo hai chiều đối lập hoàn toàn. Một cảnh là do các báo chí phương Tây mô tả, và một cảnh do các đài truyền hình nhà nước Nga đưa ra.
Kết quả một cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu công chúng công bố chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Nga tiến hành họp báo thường niên hôm 18/12 cho thấy 81% số người được hỏi đều ủng hộ ông. Trong cuộc họp này, Putin nói rằng kinh tế Nga sẽ hồi phục trong hai năm và đoán chắc đồng rúp sẽ có giá trở lại đồng thời cam kết đa dạng hóa kinh tế Nga.
Tuy nhiên kết quả thăm dò cũng chỉ ra lòng tin vào nền kinh tế đang suy giảm. Điều này thể hiện trong thực tế, khi các hộ gia đình vốn quen dùng thực phẩm nhập khẩu và du lịch nước ngoài, nay không có đủ tiền cho những việc như thế nữa bởi chịu tác động của đồng rúp mất giá cũng như các lệnh trừng phạt của Âu, Mỹ.
Cuộc thăm dò trên thực hiện từ 22/11 đến 7/12, khi đồng rúp liên tục hạ giá so với USD. Nhưng sự trượt dốc ở tuần này còn kinh hoàng hơn nhiều và sẽ có ảnh hưởng mạnh hơn đối với mức sống của các hộ dân.
Với Putin hiện nay, vấn đề là ông sẽ làm thế nào để thuyết phục người Nga thắt lưng buộc bụng không chỉ trong vài tháng mà là vài năm.
Hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn
Tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin qua các năm. Đồ họa: Trung tâm Levada
“Người Nga hiện có suy nghĩ rằng họ đang sống giữa các lệnh trừng phạt, họ là một thành trì bị vây hãm”, AP dẫn lời Maria Lipman, một nhà phân tích độc lập, nói. “Kiểu suy nghĩ này được phát tán liên tục bởi truyền hình Nga: Còn ai khác để tin tưởng ngoài Putin? Putin chính là người cứu đất nước”. Trong cuộc họp báo dài 3,5 giờ hôm 18/12, ông Putin cũng truyền đi thông điệp rằng ông chính là người lãnh đạo, và mọi thứ sẽ ổn.
Cuộc khảo sát cho thấy suy nghĩ của người Nga đối với ông Putin có liên quan tới cách họ tiếp nhận tin tức. Những người cho rằng truyền hình quốc gia là kênh chính để cập nhật thông tin có xu hướng đồng thuận với ông Putin nhiều hơn (84%) so với bộ phận sử dụng các nguồn khác (73%). Người theo dõi tin thường xuyên cũng yêu quý lãnh đạo hơn.
Giới quan sát thường phê phán việc kìm hãm các nhà chính trị đối lập và truyền thông độc lập, nhưng ở Nga, điều này được ngầm chấp nhận rộng rãi như một sự thỏa hiệp để giữ nền kinh tế ổn định sau cuộc khủng hoảng tài chính những năm 90.
Video đang HOT
“Tôi rất ủng hộ ông Putin, còn ai khác nữa đâu để ủng hộ cơ chứ?”, Valentina Roshupkina, 79 tuổi, một người dân Gryaz, thị trấn nằm cách Moscow vài giờ đi xe, cho biết. “Tôi tin đất nước đang đi đúng hướng bởi ông ấy đã vực dậy quân đội, khiến chính quyền mạnh mẽ hơn. Các quốc gia khác bắt đầu có chút kiêng nể chúng tôi rồi”.
Ông Putin hưởng lợi lớn từ việc giá dầu cao sau khi trở thành tổng thống vào năm 2000. Đây là một trong những nguồn thu chính của kinh tế Nga. Thập kỷ trước, mức sống ở Nga tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử. Tầng lớp trung lưu Nga lần đầu tiên có thể dễ dàng sở hữu xe hơi và đi du lịch khắp thế giới.
Việc xây dựng hình ảnh một lãnh đạo cứng rắn, có khả năng đương đầu với phương Tây càng trở nên quan trọng với ông Putin khi nền kinh tế Nga gặp khủng hoảng do các trừng phạt từ Âu, Mỹ và giá dầu suy giảm. Có lẽ tổng thống cho rằng điều này sẽ giúp ông chế ngự cơn bão táp kinh tế, theo AP.
Cho đến nay, suy nghĩ này là chính xác. Theo thăm dò, chính quyền tổng thống và quân đội là hai tổ chức mà nhân dân tin tưởng hơn cả. Ba phần tư số người Nga đặt niềm tin vào tổng thống và hai phần ba tin vào quân đội.
“Chúng ta hồi sinh được quân đội, đó mới là điều cốt yếu”, Ivan Savenko, 50 tuổi, một lái xe tại thành phố Stavropol, nói. “Đối với chúng tôi, quân đội được đặt lên hàng đầu rồi mới đến những thứ khác. Quan trọng là đất nước chúng tôi rất mạnh. Nếu không mạnh thì không thể tồn tại”, ông nói thêm.
Trong số những người tham gia khảo sát, 81% cho biết họ rất đồng tình với những gì ông Putin đang làm. Tỷ lệ này tăng 20% so với cuộc thăm dò tương tự năm 2012.
Sự biến đổi đáng kể trong mức đồng thuận đối với ông Putin phản ánh rằng người Nga đang dần cảm thấy có thể thoải mái bày tỏ quan điểm về tổng thống hơn. Cuộc điều tra của Trung tâm Levada, tổ chức thăm dò dư luận độc lập uy tín nhất Nga, cùng thời điểm cũng cho kết quả tỷ lệ ủng hộ ông Putin lên đến 71%
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nghi ngờ liệu tỷ lệ cao phản ánh điều gì khi mà điện Kremlin đang kiểm soát chặt chẽ các luồng thông tin.
“Nếu vẫn tồn tại yếu tố độc quyền thông tin thì liệu bạn có thể suy ra điều gì khi nhìn vào tỷ lệ kia?” AP dẫn lời Georgy Satarov, cựu cố vấn của điện Kremlin, người đứng đầu một cơ quan chuyên nghiên cứu tham nhũng, cho hay. “Điều đáng chú ý hơn là, vẫn có khoảng 15% người dân không đặt niềm tin nơi ông ấy”.
Lượng người ủng hộ Putin tăng vọt sau khi Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3. “Người Nga luôn tự hào về chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Thế giới II, nhưng điều đó xảy ra cũng được 70 năm rồi”, Lipman nói, “Đối với Crimea, ông Putin đã cho thấy chúng ta là những người chiến thắng đầy vinh quang và đang hồi sinh ở thực tại”.
Các kênh truyền hình nhà nước bên cạnh đó cũng miêu tả phe ly khai miền đông Ukraine như những người hùng. 69% số người được hỏi tin rằng một số phần ở Ukraine thuộc về Nga một cách hợp pháp.
Vài người khác, ví như Yelena Shevilyova, một thủ thư 37 tuổi, cho hay dù ủng hộ Putin nhưng bà vẫn cho rằng trong vấn đề Ukraine, Nga có thể phải trả giá đắt. “Tôi nghĩ chúng ta mất nhiều thứ vì điều này”, bà nói trong một cuộc thăm dò khác, liên quan đến vấn đề Crimea. “Sáp nhập trở lại những khu vực nói tiếng Nga là đúng đắn nhưng ta cũng phải đảm bảo mọi việc trong nước đều tốt đẹp… Bạn không thể một lúc có tất cả mọi thứ”, Shevilyova cho biết thêm.
Những mối bất bình âm ỉ
Lo ngại ngày càng tăng về tình trạng tồi tệ của nền kinh tế và ảnh hưởng của lệnh trừng phạt thể hiện rõ ràng hơn ở các thành phố lớn. Tại Moscow, 6 trong 10 người được hỏi nói họ có bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt và hầu hết cho rằng kinh tế gia đình đi xuống so với ba năm trước.
“Tôi e rằng nước Nga rồi sẽ chẳng đi đến đâu”, Dmitry Uryupin, 48 tuổi, giám đốc âm thanh tại một hãng thu âm nhỏ ở Moscow nói. “Có lẽ lương sẽ không tăng, mà ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ gây tác động xấu tới những người có thu nhập không ổn định”.
Đồng rúp rớt giá kỷ lục khiến nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh:Elcomercio
Bước vào nhiệm kỳ thứ ba điều hành đất nước vào năm 2012, sau hàng loạt cuộc biểu tình trên đường phố của tầng lớp trung lưu, ông Putin mạnh tay hơn đối với các phe đối lập, và tập trung quan tâm đến nhóm các cử tri cốt lõi của mình: dân cư các tỉnh nông thôn và những người có cuộc sống phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
Nhóm cử tri ủng hộ Putin hết mực này có thể cười nhạo vào những nỗi lời than phiền bất mãn của nhóm thành thị. “Hãy nhìn những người Moscow đáng thương kìa, Chúa ơi, họ than phiền vì không thể đến Italy du lịch và không thể mua pho mát Parmesan”, Lipman nói. Parmesan là loại pho mát nổi tiếng của Italy.
Liệu nỗi bất mãn đó chỉ xoay quanh vấn đề kinh tế, hay sẽ trở thành bất mãn với sự lãnh đạo của ông Putin? Theo Lipman, điều đó phụ thuộc vào việc khó khăn hiện nay “sẽ tác động xấu đến mức nào và trong bao lâu”.
Vũ Hoàng
Theo AP
Người Trung Quốc vơ vét hàng hóa Nga khi rúp lao dốc
Tại một thành phố Nga gần biên giới Trung Quốc, cô Mou Jiani đang biến nhà mình thành kho hàng, tích trữ đủ thứ từ iPhone đến túi xách và sữa bột.
Công nhân và du học sinh Trung Quốc ở Nga hối hả mua thật nhiều thứ hàng hóa bỗng dưng rẻ đi do đồng rúp Nga hạ giá. Nhiều loại hàng hiệu giờ đang xuống đến mức người lao động bình thường có thể mua được.
Họ mua vơ vét thật nhiều, để rồi bán lại với giá hời cho các khách hàng ở quê nhà. "Mấy tuần nay, khách hàng nhắn tin cho tôi qua Weibo và WeChat nhiều đến mức tôi chẳng có thời gian trả lời", Mou nói. Cô là một nhân viên công ty thương mại, tranh thủ thời gian rảnh đi làm "cò mua hàng".
Loại hàng được đặt mua nhiều nhất là điện thoại thông minh, giày và đồng hồ, Mou cho biết. Những người muốn mua hàng ở Nga trả tiền qua hệ thống quả Alibaba đến tài khoản cá nhân của Mou, sau đó Mou chuyển hàng về Trung Quốc. Trang web mua thuê của cô nhận đến 3.000 lượt visit chỉ trong hôm qua, tăng rất mạnh so với thời gian trước đó.
Mọi người ở Nga đều đổ đi mua hàng, tranh thủ biến tiền thành hàng hóa khi đồng rúp lao dốc quá nhanh và mạnh. Ảnh: Ap
Nhiều hãng ở Nga đang tăng giá niêm yết, thậm chí ngừng bán hàng, nhưng những người mua tinh ranh vẫn có thể kiếm được hàng hóa với mức giá rẻ. Cho đến hôm qua, giá một chiếc túi LV ở Nga chỉ còn bằng một nửa so với ở Trung Quốc, một người đi mua thuê cho biết.
Chuyện mua hàng xách tay rất phổ biến trong cộng đồng Trung Quốc. Với cách này, họ trốn được thuế khi mua các đồ công nghệ cao hoặc xa xỉ ở nước ngoài. Trên các trang như Weibo trong một tháng qua, từ khóa "mua thuê ở Nga" tăng vọt, lên đến mức 10.000 lượt xuất hiện.
"Tôi nghe nói mua đồ xa xỉ (ở Nga) bây giờ rẻ như mua bắp cải", một người dùng Weibo viết.
Những người đi mua thuê cho biết số lượng khách hàng Trung Quốc tăng vọt sau khi đồng rúp mất giá mạnh, giảm 11% so với USD riêng trong hôm qua. Tổng cộng, rúp giảm 45-50% so với USD tính từ đầu năm nay.
Lượn lờ quanh trung tâm thương mại GUM ở gần Quảng trường Đỏ ở Moscow, một sinh viên Trung Quốc có tên Chzhen Khuey, 24 tuổi, cho biết mua hàng ở Nga về bán giờ là công việc kiếm bộn tiền.
"Các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc giờ bơm tiền vào thẻ thanh toán, để tôi dùng thẻ đó mua hàng ở đây. Chà, quần áo, túi xách, bất cứ cái gì. Hàng hiệu hạng sang giờ rẻ quá".
Một nhân viên bán hàng ở cửa hàng Bulgari gần đó cho biết hầu hết khách của cô là người Nga. Dân tình đang đổ đi mua xe hơi, đồ điện tử và quần áo của các nhà thiết kế.
Cơ hội kiếm tiền và mua hàng rẻ cũng lan sang Kazakhstan, nước láng giềng của Nga ở phía nam. "Tổng lượng hàng bán ra tăng vọt. Người Kazakhstan cũng đang biến nhà của họ thành kho hàng", Ivan Gorbachev, quản lý công ty thượng mại và dịch vụ Sibir ImpEx ở thành phố Novosibirsk cho biết.
Tuy nhiên các khách hàng Trung Quốc vẫn được cho là nhanh tay hơn cả, dù một số người cũng sợ vớ phải hàng giả trong cơn say mua sắm giá rẻ này.
"Tôi cũng sợ, bởi tôi thường chỉ mua hàng từ Mỹ hoặc Nhật. Tôi lo hàng giả, bởi giá thì rẻ hơn mức thông thường", một sinh viên ở Thượng Hải tên là Liu Kiko nói.
Những người như Liu có thể sẽ phải nhanh nhẹn hơn, bởi các công ty sẽ nhanh chóng tăng giá hoặc ngừng bán. Apple tuần này đã dừng hoạt động của các cửa hàng trực tuyến tại Nga do tình hình đồng rúp chao đảo.
Tuy thế, những người mua hàng xách tay thuê vẫn còn đầy cơ hội kiếm tiền dễ. Một người như thế, tên là Pan và đang học ở Moscow, kể rằng anh bắt đầu bán hàng xa xỉ như đồng hồ và đồ trang sức chỉ mới mấy ngày nay.
"Đúng là như mơ. Tôi kiếm hàng nghìn đô chỉ trong một đêm", Pan nói.
Ánh Dương
Theo Reuters
Vì sao Barack Obama và Raul Castro tiến lại gần nhau? Cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đều có lý do để tiến lại gần nhau vào thời điểm này, đưa mối quan hệ Washington-Havana tới một thời kỳ mới, bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại...