Vì sao người Mỹ ủng hộ tỷ phú ‘bạo miệng’ Donald Trump
Donald Trump gây bất ngờ khi ngày càng có khả năng trở thành đại diện tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa, dù có những phát ngôn đầy tranh cãi.
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Bất chấp mọi ý kiến chỉ trích từ giới phê bình suốt 8 tháng qua kể từ khi tuyên bố tranh cử, tỷ phú Donald Trump đang chứng tỏ tham vọng chạy đua vào Nhà Trắng của mình không hề viển vông, AFP bình luận.
Chiến dịch vận động mang màu sắc dân túy của tỷ phú này đã lớn mạnh thành một phong trào quốc gia chỉ trích giới tinh hoa Washington cũng như các chính trị gia có thân thế.
Trump đã huy động được cử tri bảo thủ cũng như trung dung của đảng Cộng hòa, những người có thể giúp ông giành quyền đại điện cho đảng này trong cuộc đua vào Nhà Trắng, cho dù điều đó còn phụ thuộc vào phong độ của các đối thủ khác trong đảng. Đối thủ chính của tỷ phú lúc này là hai Thượng nghị sỹ Ted Cruz và Marco Rubio, trong khi hai người còn lại là Thống đốc bang Ohio John Kasich và cựu nhà phẫu thuật thần kinh Ben Carson bị xem là ở “chiếu dưới”.
Hiện ông trùm địa ốc 69 tuổi đang có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ khoảng 30 – 35% cử tri đảng Cộng hòa. Ông thắng tại bang New Hampshire với 35% phiếu ủng hộ, thắng tại South Carolina với 32,5%.
Ai đang ủng hộ Donald Trump?
Đâu là sức hút của Donald Trump, và ai là người ủng hộ tỷ phú này? Kênh CNN cuối tháng trước đã phỏng vấn 150 cử tri tại 31 thành phố khắp nước Mỹ để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.
Theo CNN quan sát, đại đa số những người ủng hộ Trump là người da trắng, giận dữ với vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Họ lo sợ rằng mình sẽ phải nhường chỗ cho những người thiểu số và người di cư, đồng thời luyến tiếc về quá khứ vàng son của nước Mỹ.
Trump đã nắm lấy nỗi sợ và sự bất an này của cử tri, và sử dụng nó trong một chiến dịch vận động tranh cử lạ thường.
Video đang HOT
Những người ủng hộ Donald Trump xuất thân từ đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp. Một cử tri nói rằng “thái độ của Trump cho thấy ông ấy dường như chẳng e ngại bất kỳ điều gì”. Những phát biểu bài ngoại và quan điểm cứng rắn trước vấn đề người nhập cư của Trump là sự giải tỏa cho một bộ phận những người tin rằng người nhập cư “được nương nhẹ” khi phạm luật.
Sau vụ tấn công tại San Bernardino của các phần tử Hồi giáo cực đoan, lời hứa của ông Trump rằng sẽ “ném bom cho IS tan tành” đã thể hiện sự tự tin cao độ hiếm thấy ở những chính trị gia khác. Bên cạnh đó, thành công của Trump trong kinh doanh là một sự đảm bảo rằng ông sẽ “đưa kinh tế Mỹ trở về vị thế xưa”.
Có lẽ, điều quan trọng nhất làm nên sức hút của ông Trump là sự sẵn sàng phá vỡ mọi giới hạn thường thấy trong tranh cử. Ứng viên này có những bình luận đầy tính khiêu khích ngay từ những ngày đầu chiến dịch, và những người ủng hộ ông luôn chú ý lắng nghe.
Ngoài ra, có những yếu tố khác tiếp sức cho sự nhiệt huyết của những cử tri này: họ tin rằng người Mỹ đang không được an toàn và Trump sẽ bảo vệ họ. Những người này đánh giá cao cái nhìn đơn giản về thế giới, rạch ròi giữa người tốt và kẻ xấu mà Trump đưa ra. Họ còn ngưỡng mộ vị thế người nổi tiếng cùng thành quả kinh doanh của tỷ phú này. Và trên tất cả, đó là niềm tin rằng tỷ phú sẽ hồi sinh một nước Mỹ mà họ cảm thấy đã bị mất, cùng giấc mơ chứng kiến thời vàng son đó một lần nữa.
Donald Trump chào các cử tri ủng hộ mình tại Richmond, Virginia. Ảnh: AP
Nghệ thuật hút truyền thông
Bất kỳ khi nào số người ủng hộ hay thời lượng xuất hiện trên TV có vẻ giảm sút, Trump lại có phát ngôn khiến dư luận lên cơn sốt. Đầu tiên, ông tuyên bố xây một bức tường để ngăn chặn những người nhập cư Mexico bất hợp pháp mà ông nói là “nguy hiểm chết người”; sau đó là đưa người Hồi giáo vào danh sách đối tượng theo dõi để chống khủng bố, hay xây một bức tường bao quanh Mỹ để đóng cửa với người Hồi giáo.
Telegraph nhận xét rằng những quan điểm này thực chất không hề điên rồ như thoạt nghe. Hầu hết những người đảng Cộng hòa đều muốn xây một bức tường dọc biên giới phía nam, và chính quyền Obama đã trục xuất nhiều người nhập cư hơn bất kỳ tổng thống nào khác trong lịch sử nước Mỹ, theo The Nation.
Còn về đề xuất do thám những người Mỹ theo đạo Hồi, bê bối tại Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã cho thấy mọi người Mỹ đều bị bí mật theo dõi, và bất kỳ ai nghĩ rằng CIA và FBI không giám sát các nhà thờ Hồi giáo đều là kẻ ngốc.
Telegraph bình luật đề xuất cấm cửa người Hồi giáo của Donald Trump là ý tưởng tồi tệ, nhưng thực tế, quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu hạn chế người nhập cư đến từ các quốc gia ảnh hưởng bởi cuộc xung đột với nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Do đó, thực chất, Trump không hoàn toàn lạc lối khỏi những tư tưởng chính thống như thoạt nghe.
Thất vọng về nền chính trị Mỹ
Bước tiến nhanh chóng của Donald Trump không chỉ khiến mùa bầu cử tổng thống Mỹ thêm nóng bỏng và khó lường, mà nó còn cho thấy thông điệp của cử tri đối với tình hình chính trị hiện nay.
Cử tri thích Donald Trump bởi hình ảnh đấu khẩu và la hét trên các bản tin thời sự, thay vì những quảng cáo được dàn dựng, tập trung vào sự mềm mỏng thường thấy ở những ứng viên khác. Trump luôn nói thẳng thừng chứ không đưa ra những câu nói sáo rỗng.
Nếu “công thức chuẩn” về mặt chính trị cho một tuyên bố sau mỗi vụ tấn công khủng bố là: “việc này không liên quan gì đến người Hồi giáo”, thì Trump lại tuyên bố “tất cả chuyện này đều liên quan đến người Hồi giáo!”.Telegraph cho rằng quan điểm này có thể ngớ ngẩn, sai lầm, nhưng nó hoàn toàn mới và khác biệt. Và ông Trump cũng đưa ra những giải pháp rất rõ ràng và cụ thể, như ngăn chặn những kẻ tấn công đó bằng cách xây một bức tường lớn, ngăn họ vào nước Mỹ.
Hàng triệu người Mỹ đã quá chán ngán với những lời tuyên bố thiếu cụ thể, thậm chí bị cho là dối trá. Những người cánh tả coi khả năng bà Hillary Clinton đắc cử như “điều tận thế”. Bởi theo những người này, cựu ngoại trưởng đã nói dối về vụ lãnh sự Mỹ tại Benghazi, Libya bị tấn công năm 2012.
Nhưng họ cũng chán ngán không kém với đảng Cộng hòa, những người hết lần này đến lần khác hứa hẹn giảm thuế, giảm thâm hụt ngân sách, cải cách hệ thống chăm sóc y tế và kiểm soát người nhập cư. Vậy nhưng, họ lại không làm được bất kỳ điều gì, ngoài việc đổ lỗi cho chính quyền Obama. Những người bảo thủ ủng hộ Donald Trump chán nản trước việc bị xem nhẹ, phớt lờ.
Trái lại, họ tin rằng ông Trump không nói dối, một phần bởi những công kích rất thẳng thừng của ông cho thấy ông không hề quan tâm đến việc lựa lời mà nói để không làm mất lòng người khác. Đó là lý do vì sao ông không ngừng tung ra những “quả bom ngôn từ” – điều này cho thấy sự chân thật và đáng tin cậy.
Ngoài ra, sự giàu có của Donald Trump được tin là khiến tỷ phú không chịu ảnh hưởng bởi những nhà vận động hành lang và “không thể bị mua chuộc”. Nếu tiền là vấn đề chính trong chính trị Mỹ, và thực tế đúng là như vậy, thì phải cần tới một người với hầu bao lớn như Trump để giải quyết.
Telegraph cũng đánh giá rằng sự nổi lên của Trump cho thấy thất bại của tất cả những ứng viên khác. Chính trị gia này được cử tri ủng hộ bởi các ứng viên còn lại trong đảng Cộng hòa không đủ sức hút.
Cuối cùng, tờ báo cho rằng Donald Trump rốt cuộc cũng có thể bị đánh bại. Cuộc đua của đảng Cộng hòa có thể sẽ trở thành cuộc đấu giữa ứng viên tư tưởng cánh hữu chính thống (có thể là Ted Cruz, người dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa) và một ứng viên trung hữu (có thể là Marco Rubio, người về nhì trong cuộc bầu cử sơ bộ tại South Carolina, sau Donald Trump).
Dù vậy, trong những ngày tới, thế giới vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến hiện tượng Donald Trump. Tài năng không thể chối cãi của Trump là “khiến mọi người tập trung chú ý vào ông ấy”, Timothy Hagle, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Iowa, bình luận.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Người Mỹ xem quốc gia nào là 'mối đe dọa chính'?
Theo 1 thăm dò do Viện Gallup tiến hành, năm 2016, CHDCND Triều Tiên đứng đầu danh sách các quốc gia và tổ chức được xem là "mối đe dọa chính đối với nước Mỹ".
Theo cuộc khảo sát được Viện Gallup công bố hôm 22/2, trong bốn năm qua, Triều Tiên, Nga, Iran và Trung Quốc vẫn là những "mối đe dọa chính đối với Mỹ". Danh sách này chỉ thay đổi trật tự và mức độ nguy hiểm.
Năm 2016, người Mỹ không còn xem Nga là "mối đe dọa lớn nhất" như năm 2015, thay vào đó là Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP.
Theo khảo sát, 16% số người được hỏi cho biết mối đe dọa chính của Mỹ là Triều Tiên. Năm 2015, con số này là 15%.
Trong khi đó, Nga đứng ở vị trí thứ hai với 15%. Năm 2015, Nga đứng đầu danh sách "đe dọa an ninh Mỹ" với 18%.
Ở vị trí thứ ba là Iran, với 14%. Trung Quốc đứng thứ tư với 12% số phiếu thăm dò.
Đứng thứ năm trong danh sách kể trên là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với 5% số phiếu thăm dò, tương đương với Iraq. Afghanistan và Syria đứng các vị trí tiếp theo với 4%./.
Theo_VOV
Bốn người Mỹ bị bắt tại Bahrain Cảnh sát tại Bahrain cho biết, 4 người Mỹ đã bị bắt giữ sau khi nhập cảnh vào nước này và cung cấp các thông tin giả cũng như có hành vi tấn công nhà chức trách. Thông báo được đưa ra vào hôm thứ hai, ngày 15-2. Các quan chức Bahrain cho biết, trong số 4 người Mỹ bị bắt giữ này...