Vì sao người cao tuổi và người bệnh mạn tính cần tiêm phòng cúm mỗi năm?
Các nghiên cứu cho thấy việc tiêm vắc xin cúm mùa giúp giảm từ 30% đến 57% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và viêm phổi ở những người lớn tuổi (1) , giảm 79% nguy cơ nhập viện ở người mắc bệnh tiểu đường (2) và giảm các biến chứng tim mạch ở người bị tim mạch (3) .
Phân biệt cúm mùa và cảm lạnh
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C gây ra. Đây là bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc nhổ.
Cúm mùa nguy hiểm ở chỗ, nó khiến mọi người chủ quan. Chỉ với vài triệu chứng phổ biến như ho, hắt hơi, cúm mùa dễ làm chúng ta lầm tưởng như cảm lạnh thông thường.
Khi nhiễm virus cúm, sau 2-4 ngày sẽ xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ rồi tăng cao, có khi lên đến 39-40 độ C, kèm theo ớn lạnh, rét run, nhức đầu, choáng váng, đau mỏi toàn thân, đau họng, nhức ở hốc mắt. Trong khi đó, các triệu chứng của cảm lạnh thường nhẹ hơn như hắt hơi, đau họng và có thể chảy nước mũi.
Dấu hiệu tương tự, nhưng cúm mùa nguy hiểm hơn cảm lạnh, có thể gây biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. (Ảnh minh họa)
Thực tế, nếu mắc cúm nhẹ, các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần nhưng trong một số trường hợp cúm có diễn tiến thành ác tính. Lúc này, người bệnh thường sốt rất cao, tức ngực, khó thở, chụp phim phổi có thể thấy hình ảnh tổn thương phổi tiến triển nhanh, xuất hiện tình trạng viêm cơ tim, suy hô hấp, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Hơn nữa, virus cúm thường thay đổi hàng năm. Đôi khi, việc thay đổi kháng nguyên bề mặt của virus cúm có thể dẫn tới những ảnh hưởng nặng hơn về mặt lâm sàng cho người bệnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến số lượng người nhiễm bệnh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Những đối tượng nào phải tiêm vắc xin cúm mùa mỗi năm?
Trong các bệnh đường hô hấp thì cúm mùa được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi. Những thống kê gần đây cho thấy, trong tổng số những trường hợp tử vong liên quan tới cúm có tới 70-85% là người trên 65 tuổi, 50-70% trong tổng số trường hợp phải nhập viện cũng rơi vào nhóm người này (4) .
Điều này có thể lý giải, khi càng lớn tuổi hệ miễn dịch càng suy giảm, hàng rào bảo vệ mỏng manh khiến cơ thể dễ bị virus cúm tấn công, đến lúc không đủ sức “chiến đấu” thì cúm mùa có cơ hội gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài vấn đề tuổi tác, người lớn tuổi thường mắc kèm nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường, hô hấp (hen suyễn, COPD), … Đây đều là những tác nhân khiến họ phải nhập viện nhiều hơn khi nhiễm cúm.
Đừng nghĩ rằng cúm mùa là căn bệnh “xoàng xĩnh”, chóng lành như cảm lạnh, hãy trả nó về đúng vị trí và nên dè chừng hơn để tìm hiểu về các biện pháp dự phòng tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Cúm mùa có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn tiến rất nhanh và dễ nhầm lẫn với bệnh lý lành tính khác là cảm lạnh khiến nhiều người chủ quan. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, hô hấp) là những đối tượng cần phải được tiêm vắc xin cúm mùa hằng năm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.
Lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cúm mùa cho các đối tượng nguy cơ cao
Để phòng tránh nhiễm cúm mùa và các biến chứng do cúm, có một cách đơn giản và hiệu quả, đó là tiêm vắc xin. Các nghiên cứu cho thấy ở những người lớn tuổi sống tại nhà, việc tiêm vắc xin cúm mùa giúp giảm từ 30% đến 57% nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm và viêm phổi. Những người cao tuổi sống trong nhà dưỡng lão, việc tiêm vắc xin cúm ngăn ngừa 68% tử vong do biến chứng nặng của bệnh cúm (5) .
Video đang HOT
Một mũi tiêm vắc xin cúm hàng năm giúp người lớn tuổi tránh các biến chứng do cúm mùa. (Ảnh minh họa)
Cơ thể mất khoảng 2 tuần để tạo ra các kháng thể bảo vệ sau khi tiêm phòng cúm. Do đó, không nên đợi khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi mới bắt đầu tiêm ngừa cúm. Lý tưởng nhất vắc xin phòng cúm nên được tiêm càng sớm càng tốt, trước khi mùa cúm bắt đầu. Các nước nhiệt đới như nước ta, cúm thường bùng phát và tăng mạnh vào tháng 3, 4, 5 và tháng 7, 8. Nên tiêm ngừa trước thời gian này để cơ thể hình thành kháng thể chống lại virus cúm tốt nhất.
Nhiều người hiện có tâm lý sợ các phản ứng sau tiêm vắc xin. Nhất là người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, việc chọn lựa đúng loại vắc xin là vô cùng cần thiết để tránh các phản ứng không mong muốn. Hiện nay tại các cơ sở y tế đã có loại vắc xin cúm tiểu đơn vị, an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh mạn tính, kể cả phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú mà không ảnh hưởng đến thai nhi, trẻ sơ sinh.
Đồng thời, với loại vắc xin này, các thành phần kháng nguyên sẽ được điều chỉnh dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để phù hợp với các chủng virus cúm biến đổi mỗi năm và có thể tiêm đồng thời với các loại vắc xin khác mà không gây tương tác.
Mỗi năm một mũi tiêm vắc xin cúm không chỉ bảo vệ chúng ta ngừa bệnh cúm mà còn phòng tránh các biến chứng do cúm mang lại.
Giới thiệu talkshow
Chia sẻ từ chuyên gia về “Ảnh hưởng của cúm mùa lên người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính – vai trò của vắc xin cúm mùa”
Với mục đích cung cấp kiến thức, thông tin bổ ích và thiết thực về bệnh cúm và cách phòng bệnh trên các đối tượng nguy cơ cao, buổi talkshow với sự góp mặt của các bác sĩ chuyên gia đầu ngành với đề tài “Ảnh hưởng của cúm mùa lên người cao tuổi và bệnh nhân mãn tính – vai trò của vắc xin cúm mùa”.
(Chương trình dự kiến phát sóng vào tháng 6 trên fanpage VTV24H và fanpage Alobacsi)
Nguồn:
(1); (5): Theo acpjournals.org
(2); (3): Theo ncbi.nlm.nih.gov
(4): Theo cdc.gov
Cao huyết áp do thời tiết: Tìm hiểu nguy cơ và biện pháp phòng tránh
Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có thời tiết lạnh mới làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Nhưng thực tế thì, trời nóng cũng rất nguy hiểm với căn bệnh này. Vậy cao huyết áp do thời tiết gây ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ của người bệnh?
Thời tiết nắng nóng của mùa hè hoặc không khí lạnh của mùa đông đều gây nguy hiểm cho người bị cao huyết áp. Đặc biệt tình trạng cao huyết áp do thời tiết cũng thường xảy ra với những đối tượng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
Các chuyên gia cho biết nhiệt độ cao vào mùa hè có thể làm giảm huyết áp vào ban ngày nhưng tăng huyết áp về đêm dễ gây ra đột quỵ. Trong khi đó vào mùa đông, nhiệt độ thấp khiến cho các mao mạch bị co lại dẫn đến cao huyết áp đột ngột gây ra các biến chứng về tim mạch hoặc đột quỵ.
Kiểm soát tốt huyết áp trong mọi điều kiện thời tiết là vô cùng cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Cao huyết áp do thời tiết là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ - Ảnh: Internet
1. Cao huyết áp do thời tiết nóng mùa hè
Cao huyết áp do thời tiết nắng nóng hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt là với những đối tượng bước sang tuổi trung niên, người có bệnh nền và người cao tuổi. Nguyên nhân xảy ra tình trạng cao huyết áp do thời tiết là vì nhiệt độ nóng bức vào mùa hè khiến tim đập nhanh hơn kéo theo tăng huyết áp đột ngột. Đây là trở ngại lớn đối với người cao tuổi. Bởi nó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
Người bị cao huyết áp do thời tiết nắng nóng vào mùa hè thường cảm thấy khó chịu, bứt rứt, chóng mặt, nhức đầu... Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng về tim mạch.
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng dẫn đến sự tăng bài tiết mồ hôi ở cơ thể. Kéo theo đó là quá trình trao đổi chất được đẩy mạnh. Khi cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn dẫn đến nồng độ máu giảm. Độ kết dính trong máu tăng cao dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch và não bộ. Trong đó cao huyết áp cũng là bệnh lý có nguy cơ cao bộc phát vào mùa hè gây ra đột quỵ.
Không chỉ vậy, thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến người cao tuổi lười vận động và thường xuyên mở điều hòa ở nhiệt độ thấp. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi sự chênh lệch nhiệt độ từ nóng đến lạnh khiến các mạch máu đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời co lại. Từ đó khiến tình trạng huyết áp tăng cao gây tổn thương cho các cơ quan nội tạng như tim, thận, não bộ,...
2. Cao huyết áp do thời tiết lạnh mùa đông
Cao huyết áp vào mùa đông cũng là yếu tố cần lưu ý đặc biệt với người cao tuổi và người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch.
Khi nhiệt độ giảm thấp, cơ thể con người sẽ có phản ứng lại để giữ ấm. Một trong những phản ứng thường gặp chính là các mạch máu nhỏ trên da bị co lại. Nó đảm bảo cho lượng máu cần thiết dồn về các cơ quan nội tạng quan trọng như não, phổi, tim, thận... Điều này khiến huyết áp tăng cao. Trung bình tăng từ 5 - 10mmHg ở người bình thường.
Đối với người được chẩn đoán nguy cơ bị cao huyết áp sự thay đổi này còn nghiêm trọng hơn. Đặc biệt với những người bị cao huyết áp sẽ rất khó kiểm soát và ổn định dẫn đến các biến chứng tim mạch, não, mắt, thận... vô cùng nguy hiểm.
Một số dấu hiệu cảnh báo cao huyết áp do thời tiết lạnh thường gặp như: Cảm thấy nóng, đỏ mặt, đau gáy, ù tai, mắt mờ và đau tức ngực... Đa số trường hợp, người bệnh không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi xảy ra đột quỵ.
Khi nhiệt độ ngoài trời giảm thấp quá nhanh hoặc người bệnh tiếp xúc với gió lạnh, nước lạnh đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến đột quỵ, liệt nửa người, nhồi máu cơ tim, hôn mê gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguy cơ biến chứng do cao huyết áp vào mùa lạnh thường nghiêm trọng hơn ở những người bị tim mạch. Người cao tuổi bị xơ vữa động mạch là đối tượng có tỷ lệ đột quỵ vào mùa lạnh cao nhất.
Mùa đông không chỉ dễ khiến bạn bị cao huyết áp mà còn gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Để tránh mất nhiệt mùa đông, đừng quên nguyên tắc "3 lớp" khi mặc đồ này!
Cao huyết áp do thời tiết mùa đông rất nguy hiểm cho người bệnh - Ảnh: Internet
3. Cách phòng tránh và ổn định cao huyết áp do thời tiết
Cao huyết áp do thời tiết nóng hoặc lạnh đều gây ra những tổn thương nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, chúng ta cần có biện pháp phòng tránh hiệu quả để tránh biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số phương pháp phòng tránh cao huyết áp vào mùa đông và mùa hè.
3.1. Phòng tránh cao huyết áp vào mùa hè
Khi thời tiết nắng nóng, người có nguy cơ cao bị tăng huyết áp cần thực hiện một số điều dưới đây.
- Không để điều hòa nhiệt độ thấp. Bởi sự thay đổi thời tiết đột ngột khiến các mạch máu đang giãn nở bình thường bị co lại dẫn đến cao huyết áp. Bên cạnh đó ngồi lâu trong phòng điều hoà, khi ra ngoài gặp thời tiết nóng bức khiến huyết áp không ổn định dễ dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra phòng điều hòa kín còn khiến không khí kém lưu thông gây ra tình trạng chóng mặt, tim đập nhanh, cơ thể mệt mỏi.
- Uống nước thường xuyên, bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát, tránh tình trạng thiếu nước do cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Điều này sẽ làm giảm độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Xây dựng thói quen uống 1 ly nước lọc vào buổi sáng, 1 ly trước khi đi ngủ giúp đảm bảo huyết áp ổn định.
Muốn biết cơ thể có đang thiếu nước hay không, đọc thêm bài viết: Điểm mặt 6 dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu nước.
- Hạn chế ăn muối, bột ngọt, thức ăn mặn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ. Bổ sung thêm rau xanh và hoa quả tươi để cung cấp chất xơ cho cơ thể. Đồng thời loại bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu, bia, chất kích thích,...
- Chăm tập thể dục thể thao giúp các mạch máu co giãn, đàn hồi tốt. Điều này sẽ làm tăng tính bền của thành mạch máu hỗ trợ huyết áp ổn định. Với người cao tuổi nên có cường độ, thời gian tập hợp lý. Thực hiện các động tác toàn thân với nhịp độ chậm vừa phải, nhẹ nhàng theo hướng dẫn của chuyên gia.
Uống nhiều nước là cách phòng tránh cao huyết áp vào mùa hè hiệu quả - Ảnh: Internet
3.2. Phòng tránh cao huyết áp vào mùa đông
Để phòng tránh cao huyết áp do thời tiết vào mùa đông chúng ta cần đảm bảo cơ thể luôn đủ ấm. Cùng với đó là chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh, tập luyện hợp lý và luôn giữ tâm lý vui vẻ.
- Để đảm bảo cơ thể đủ ấm biện pháp đơn giản nhất là mặc nhiều áo, giữ ấm phần đầu, cổ, bàn chân, tay khi trời lạnh. Bên cạnh đó bạn nên mang khẩu trang để che mũi miệng, tránh tiếp xúc với gió lạnh.
- Hạn chế đi ra ngoài vào ban đêm và sáng sớm. Bởi đây là thời điểm nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày có thể gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Để cơ thể quen với nhiệt độ, khi thức dậy bạn cần thực hiện một số động tác nhẹ làm ấm cơ thể sau khi rời phòng. Tuyệt đối không tắm nước lạnh vào ban đêm để đảm bảo huyết áp ổn định.
- Khi ở nhà cần đảm bảo nhiệt độ cơ thể ấm áp không bị thay đổi quá nhiều. Sử dụng lò sưởi, máy điều hoà, đảm bảo phòng thông thoáng, ấm áp, tránh gió lùa.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm lượng muối tiêu thụ trong ngày. Bổ sung thêm chất xơ từ rau, củ, quả tươi và các chất béo tốt có nguồn gốc thực vật, cá biển. Giảm lượng chất béo xấu trong mỡ, thịt, nội tạng động vật... Hạn chế ăn đồ hộp, đồ chế biến sẵn.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích. Tập luyện hợp lý theo tình trạng cơ thể. Đi bộ 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khoẻ.
- Giữ trạng thái tâm lý luôn vui vẻ, thoải mái, lạc quan. Tránh tình trạng căng thẳng, lo âu để giữ huyết áp ổn định.
Với người được chẩn đoán bị cao huyết áp cần thực hiện các phương pháp điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Dùng thuốc theo toa, tái khám đúng hẹn để đảm bảo huyết áp luôn ổn định.
Trên đây là một số thông tin cần thiết về cao huyết áp do thời tiết không thể bỏ qua. Hy vọng với những thông tin này bạn sẽ có biện pháp phòng tránh cao huyết áp do thời tiết gây ra phù hợp nhất.
Tiêm phòng cúm nhất định phải biết điều này Trước khi làm tiêm phòng cúm, bạn nên tìm hiểu một vài vấn đề dưới đây để hiểu hơn về biện pháp ngừa bệnh này. Mùa cúm mỗi năm đến, sẽ có từ 5 đến 20% dân số Hoa Kỳ nằm liệt giường, và ở Việt Nam cũng vậy, hễ ào mùa cúm cao điểm, việc tiêm phòng vắc xin cúm lại được...