Vì sao ngành đường sắt bị “tước” quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án?
“Tước” quyền chủ đầu tư cùng lúc 18 dự án đường sắt là việc chưa từng có tiền lệ ngành GTVT. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tiến độ các dự án chậm, việc quản lý và sử dụng vốn ODA không hiệu quả là lí do phải thay đổi chủ đầu tư.
Nhiều người cho rằng, động thái “tước” quyền làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA đối với Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tổng Công ty ĐSVN của Bộ GTVT – điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ngành này – chắc hẳn phải xuất phát từ những nguyên nhân rất lớn.
Lí do Bộ trưởng Đinh La Thăng chuyển chức năng chủ đầu tư của ngành đường sắt vì các dự án chậm tiến độ và việc quản lý, sử dụng vốn ODA không hiệu quả…
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay: Thời gian qua, Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN được giao làm chủ đầu tư các dự án đường sắt nhưng không thể hiện được vai trò, năng lực điều hành, quản lý và triển khai các dự án của ngành mình.
Nói về lí do cụ thể dẫn tới quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư 18 dự án đường sắt cùng lúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm và chất lượng không đảm bảo, ở các dự án có vốn vay ODA thì việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả”.
Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án đường sắt cũng nằm trong lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp lại Tổng Công ty ĐSVN và các BQL Dự án đường sắt của Bộ GTVT. Vì vậy, cùng với việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án, BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN cũng sẽ được khẩn trương chuyển về BQL Dự án đường sắt trực thuộc Bộ GTVT.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ Kế hoạch – Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, giải quyết các thủ tục với các nhà tài trợ vốn ODA về việc chuyển chủ đầu tư dự án. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông sẽ chủ trì, tham mưu công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế để không làm gián đoạn quá trình thực hiện đầu tư các dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Mục đích chuyển chức năng chủ đầu tư và sáp nhập các BQL về trực thuộc Bộ nhằm tổ chức lại hệ thống BQL Dự án đường sắt, khắc phục những tồn tại và yếu kém để quản lý và điều hành tốt hơn, đảm bảo chất lượng các dự án đường sắt. Quyết định này cũng nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng tại các dự án đường sắt và ngành đường sắt”.
Video đang HOT
Rõ ràng, khi yêu cầu tiến độ và chất lượng các công trình giao thông đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các dự án đường sắt có vốn vay ODA từng bị các nhà tài trợ “cân nhắc” tiếp tục hay tạm dừng, thì việc khẩn trương thay thế chủ đầu tư là hoàn toàn chính đáng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông do Cục ĐSVN làm chủ đầu tư vừa bị Bộ GTVT thay thế (ảnh: Hữu Nghị)
Cần phải nói thêm rằng, với ngành đường sắt, ngoài sự “chậm tiến” còn phải kể đến những sự vụ ồn ào xảy ra trong thời gian qua. Điển hình là dự án đầy tai tiếng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản với trị giá 4,2 tỷ Yen – các quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam bị nhà thầu JTC Nhật Bản tố giác nhận hối lộ 80 triệu Yên vào hồi tháng 3. Hiện nay 6 lãnh đạo của BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông (sử dụng vốn vay Trung Quốc) cũng “rùm beng” vì phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD. Tại dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đình chỉ công tác đối với Cục trưởng Cục ĐSVN vì có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Trong bối cảnh hiện nay, không phải là chuyện khó hiểu khi Bộ GTVT liên tiếp đưa ra những quyết định “sống còn” cho ngành đường sắt. Và đây có lẽ cũng chính là những “liều thuốc” tốt nhất trong cuộc “đại phẫu” nhằm đổi mới toàn diện ĐSVN.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng và Cục trưởng C67 tranh luận "nóng bỏng" về... xã hội đen
Trước lý lẽ của Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục C67 - cho rằng "xã hội đen yểm trợ xe quá tải " chỉ là nói mồm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: "Chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư là xã hội gì?".
Nội dung được cho là nổi cộm nhất tại cuộc họp Thường trực tháng 8 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT) sáng nay 1/8 là vấn đề tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe và tình trạng xã hội đen ở nhiều địa phương đang bảo kê, dẫn đường cho xe quá tải, quá khổ diễn ra nghiêm trọng trên một số tuyến đường bộ hiện nay.
Với tình hình này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBATGTQG - yêu cầu phải có các giải pháp mạnh tay để chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe, trong chú trọng đến vấn đề con người, cụ thể là CSGT và TTGT làm nhiệm vụ tại các trạm cân, tránh gây "xói mòn" lòng tin của nhân dân.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, xã hội đen dẫn đường cho xe quá tải, móc nối làm luật, bảo kê và môi giới dẫn xe quá tải tránh trạm cân; trong khi đó một bộ phận lực lượng CSGT và TTGT làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng có hành vi tiếp tay và móc nối tạo ra tiêu cực.
Đoàn xe quá tải "ung dung" chạy lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang thi công, sử dụng bảo kê dẫn đường, và trấn áp bảo vệ công trường
Sau chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng và những phát biểu của đại diện Cục Đăng kiểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cuộc họp thực sự "nóng" lên khi đại diện Bộ Công an bày tỏ quan điểm về những nội dung liên quan.
Đại tá Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt (C67) - Bộ Công an - cho biết, CSGT ở các địa phương còn rất nhiều việc khác phải làm chứ không chỉ có nhiệm vụ ở các trạm cân xe. Theo Đại tá Trần Sơn Hà, việc Bộ GTVT chỉ căn cứ vào những báo cáo một chiều của ngành mình để đưa ra đánh giá về trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ là chưa ổn. Ông Hà kiến nghị cần có cuộc họp liên ngành với sự chủ trì của lãnh đạo 2 Bộ Công an và GTVT để kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của mỗi bên.
Nói về tình trạng xã hội đen "yểm trợ" cho xe quá tải, Cục trưởng C67 phản biện: "Thế nào là xã hội đen? Cứ nói mồm thế. Xã hội đen là khống chế hoàn toàn chính quyền địa phương hoặc một đơn vị nào đó. Xã hội đen là tập thể và phải có tổ chức, chứ một đối tượng không thể gọi là xã hội đen được mà chỉ là cò mồi". Ông Hà cho rằng Bộ GTVT đưa vào văn bản báo cáo Chính phủ và dùng từ xã hội đen là chưa cần thiết.
Ông Trần Sơn Hà cho biết, sau buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đinh La Thăng chiều 31/7, C67 sẽ kiểm điểm toàn bộ những cá nhân làm nhiệm vụ trên các tuyến đường để xảy ra "bỏ lọt" xe quá tải, nếu phát hiện cá nhân nào có hành vi vi phạm thì sẽ thay ngay.
Trước ý kiến của Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết cuộc họp sơ kết liên Bộ Công an và GTVT để kiểm điểm đã được chuẩn bị từ lâu, nhưng do Bộ Công an không thu xếp được thời gian nên cuộc họp vẫn chưa thể diễn ra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên người đứng đầu ngành GTVT một lần nữa khẳng định tiêu cực tại các trạm cân của CSGT và TTGT là có. Vậy nên mới có chuyện để yên cho xe quá tải vô tư chạy từ Nam ra Bắc. Theo ông Thăng, xe quá tải trọng ai nhìn thấy cũng biết, người dân bức xúc, báo chí phản ánh, nhưng chỉ lực lượng làm nhiệm vụ ở các trạm cân là không biết gì.
Đoàn xe quá tải rầm rập chạy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai gần 2 tháng nay, nhưng lực lượng CSGT không hay biết?!
Riêng về lập luận thế nào là "xã hội đen" của Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn: "Tôi không nắm rõ định nghĩa về xã hội đen của các anh, nhưng chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát là xã hội gì? Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông, không phải của Bộ Công an, mà của một cá nhân dán lên xe là đi được, hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Tôi xin báo cáo với anh Hà, chỉ cần một lực lượng bảo kê, dẫn đường là cả đoàn xe ung dung đi, cả chính quyền và lực lượng công an, thanh tra tê liệt không làm được gì. Cả đoàn trăm cái xe được chụp ảnh lại, có biển số xe, có phù hiệu hẳn hoi mà các vẫn bảo là không có, không biết gì? Xã hội đen hay không xã hội đen thì xin Bộ Công an cho ý kiến!".
Thêm một lần nữa "báo cáo" Cục trưởng C67, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề cập đến việc lực lượng CSGT làm việc tại một trạm cân ở tỉnh Hậu Giang hôm qua (31/7). Sau khi đưa xe vào trạm cân, thấy xe chở đủ tải trọng thì lực lượng CSGT lại tìm bằng được lỗi để phạt nhà xe khi truy phanh, kích xe để xem có bị dơ không...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, nếu lực lượng công vụ làm không nghiêm túc, không cẩn thận thì sẽ dẫn đến việc pháp luật thực thi không đúng và chủ xe sẽ "manh động" vì không thể chịu được việc bị phạt trong khi mình không sai.
Ông Lê Thanh Hà - Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - khẳng định, tiêu cực trong việc kiểm soát tải trọng xe là rõ ràng. Bằng chứng là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thấy xe vi phạm nhưng không dừng xe để kiểm tra hoặc cố tình làm ngơ, thậm chí hiện tượng xử lý "mồi" cũng đang diễn ra phổ biến (cả đoàn xe nhưng chỉ dừng kiểm tra 2-3 xe chạy đầu tiên không vi phạm, những xe còn lại vi phạm tải trọng thì cho qua - PV). Một dẫn chứng khác được Chánh Thanh tra Bộ nêu lên thời gian kiểm soát tải trọng xe tại các trạm liên ngành. Theo quy định, thời gian các trạm kiểm soát tải trọng xe phải hoạt động là 24/7, nhưng ở nhiều địa phương thời gian hoạt động của trạm cân liên ngành CSGT và Thanh tra giao thông (TTGT) rất thấp và hoạt động kiểm soát tải trọng không hiệu quả. Đơn cử như tại tỉnh Lạng Sơn thời gian trạm cân hoạt động chỉ 2,26%, tỉnh Cao Bằng là 5,41%, tỉnh Thái Nhuyên là 6,01% và tỉnh Tây Ninh là 18,11%...
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Hoạt động hàng không bị ảnh hưởng vì giàn khoan của Trung Quốc Biển Đông là một trong những khu vực có những đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới, sự gia tăng các hoạt động ngoài đường bay do Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép khiến thị trường hàng không bị ảnh hưởng, có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm. Hoạt động hàng không bị ảnh hưởng do Trung...