Vì sao Nepal vỡ trận, đứng trước bờ vực thành “Ấn Độ thứ hai”?
Những gì đang diễn ra ở Nepal khiến nhiều người liên tưởng tới Ấn Độ khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt, bệnh viện quá tải và lãnh đạo phải kêu gọi sự giúp đỡ từ nước ngoài.
Quân đội Nepal chuyển thi thể một bệnh nhân chết vì Covid-19 tại Kathmandu (Ảnh: Reuters).
Mỗi ngày, Nepal có khoảng 20 ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân. Ấn Độ cũng từng ghi nhận tỷ lệ này hai tuần trước đây. Theo số liệu của chính phủ Nepal, vào cuối tuần trước, 44% số xét nghiệm Covid-19 tại nước này cho kết quả dương tính.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở Nepal đến mức các nhà hỏa táng bắt đầu quá tải. Quân đội Nepal bắt đầu dựng các lò hỏa thiêu tạm thời bên bờ sông để hỏa táng thi thể.
“Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ là hình ảnh kinh hoàng về tương lai của Nepal nếu chúng ta không thể ngăn chặn làn sóng Covid-19 mới nhất đang từng phút cướp đi sinh mạng của nhiều người”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Nepal Netra Prasad Timsina cảnh báo.
Sự lây lan nhanh chóng của dịch Covid-19 đã làm dấy lên lo ngại rằng, Nepal đang đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng tàn khốc không kém Ấn Độ – nếu không muốn nói là tồi tệ hơn.
Nepal có một hệ thống y tế “mỏng manh”, với số lượng bác sĩ trên đầu người ít hơn so với Ấn Độ và tỷ lệ tiêm chủng cũng thấp hơn so với nước láng giềng.
Các sự kiện cộng đồng quy mô lớn, bao gồm các lễ hội, mít tinh chính trị và đám cưới, đã tạo điều kiện để dịch bệnh lan rộng, cùng với đó là sự chủ quan của người dân và hành động chậm chạp của chính phủ.
Theo người phát ngôn của Bộ Y tế và Dân số Nepal Samir Adhikari, “tình hình đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày và có thể vượt quá tầm kiểm soát trong tương lai”.
Mặc dù Nepal đã thắt chặt biên giới và áp lệnh phong tỏa ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm cả thủ đô, song một số người vẫn lo ngại rằng những biện pháp này vẫn không đủ để ngăn chặn virus.
Biên giới lỏng lẻo
Video đang HOT
Người nhà cầu nguyện bên thi thể một nạn nhân chết vì Covid-19 tại Nepal (Ảnh: Reuters).
Chỉ một tháng trước, Nepal, quốc gia 31 triệu dân thuộc dãy Himalaya, mới chỉ ghi nhận khoảng 100 ca nhiễm mỗi ngày. Còn bây giờ, số ca nhiễm đã lên tới hơn 8.600 người/ngày.
Theo Reuters , tính đến nay, số ca tử vong vì Covid-19 tại Nepal đã lên tới hơn 3.400 người, trong khi số ca nhiễm cũng vượt mốc 350.000 người.
Một số người cho rằng số ca nhiễm tại Nepal tăng vọt do làn sóng Covid-19 thứ hai tràn từ Ấn Độ sang Nepal, quốc gia có đường biên giới dài và rộng mở với nước láng giềng.
Người Nepal không cần xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước khi nhập cảnh vào đất nước của họ. Nhiều người Nepal có doanh nghiệp ở Ấn Độ, và ngược lại nhiều người Ấn Độ có doanh nghiệp ở Nepal, đồng nghĩa với việc số lượng người qua lại biên giới rất cao.
Trong những tuần gần đây, một số người Ấn Độ đã chạy trốn khỏi làn sóng Covid-19 thứ hai đang hoành hành trong nước, với hy vọng được tiếp cận dịch vụ y tế ở Nepal hoặc trốn sang nước thứ 3.
“Rất khó để ngăn chặn mọi hoạt động di chuyển giữa hai nước”, người phát ngôn Bộ Y tế và Dân số Nepal Samir Adhikari cho biết.
Trong những ngày gần đây, Nepal đã thắt chặt các quy định đi lại ở biên giới. Theo Ngoại trưởng Nepal Pradeep Kumar Gyawali, công dân Nepal hiện chỉ có thể đi qua Ấn Độ tại 13 trong số 35 điểm ở biên giới.
Những người Nepal từ Ấn Độ trở về sẽ được kiểm tra tại biên giới. Bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm âm tính đều có thể về nhà, trong khi các trường hợp dương tính phải vào cơ sở cách ly hoặc bệnh viện.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Sameer Mani Dixit, nhà khoa học nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Nepal, nói rằng các biện pháp này được triển khai quá muộn, khi virus đã lây lan trong nước.
Tập trung đông người
Đám đông tham dự lễ hội ở Bhaktapur, Nepal ngày 15/4 (Ảnh: Reuters).
Cuộc khủng hoảng dịch bệnh ở Nepal bắt đầu gia tăng vào đầu tháng 4, khi Thủ tướng K. P. Sharma Oli giới thiệu một phương pháp điều trị Covid-19 chưa được chứng minh hiệu quả.
Thủ tướng Oli cho biết căn bệnh này có thể được điều trị bằng cách súc miệng bằng lá ổi. Trước đó, ông Oli còn bình luận rằng người Nepal có hệ thống miễn dịch mạnh hơn do họ ăn gia vị hàng ngày.
Trong tháng 4, người Nepal đã tụ tập để tham gia các lễ hội tôn giáo tại nhà và ở khu vực biên giới với Ấn Độ, nơi những người Nepal sùng đạo tham gia cùng những người theo đạo Hindu khi họ tắm trên sông Hằng trong lễ hội Kumbh Mela, một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới.
Cũng trong khoảng thời gian này, hàng nghìn người Nepal đã tập trung tại thủ đô để tham gia lễ hội tôn giáo lớn Pahan Charhe. Những người khác đã cùng nhau đến Bhaktapur, một thành phố gần đó để tham gia lễ hội Bisket Jatra, mặc dù chính quyền yêu cầu tránh tụ tập.
Ngày 29/4, khi số ca nhiễm trong ngày tăng gấp đôi, lên hơn 4.800 người/ngày, chính phủ đã áp lệnh phong tỏa hai tuần ở thủ đô. Ngày hôm sau, Bộ Y tế và Dân số thừa nhận hệ thống y tế của Nepal bị quá tải.
Thủ tướng Oli ngày 3/5 tuyên bố, virus đã bùng phát ở Nepal bất chấp “nỗ lực tối đa” của chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh.
“Vì chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết với nhau, nên những đại dịch như thế này không loại trừ một ai và không ai được an toàn”, ông Oli cảnh báo.
Hệ thống y tế kiệt quệ
Các nhân viên mặc đồ bảo hộ làm việc tại một lò hỏa táng ở Bhaktapur, Nepal (Ảnh: Reuters).
Theo CNN , Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới – và điều đó được phản ánh thông qua hệ thống y tế của nước này.
Cả nước chỉ có 1.595 giường điều trị tích cực và 480 máy thở cho khoảng 30 triệu dân. Nepal cũng thiếu bác sĩ, chỉ có 0,7 bác sĩ trên 100.000 dân, thấp hơn Ấn Độ. Các nhân viên y tế đang nghỉ phép dài hạn được gọi trở lại để giúp xử lý cuộc khủng hoảng dịch bệnh, trong khi quân đội Nepal chỉ đạo các nhân viên y tế đã nghỉ hưu chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống triệu tập.
Paras Shrestha, bác sĩ tại khoa điều trị tích cực Covid-19 ở thành phố biên giới Nepalgunj, cho biết bệnh viện của ông đang bị quá tải, do vậy ông đã khuyên các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nên tự cách ly tại nhà.
Tuần trước, Nepal đã đặt hàng 20.000 bình ôxy từ nước ngoài, khi nhu cầu về ôxy y tế tăng gấp ba lần. Quân đội Nepal ngày 4/5 bắt đầu mở rộng các cơ sở y tế ở khu vực biên giới với Ấn Độ nhằm phục vụ số lượng lớn người lao động Nepal về nước.
Nepal có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tính đến cuối tháng trước, 7,2% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin – thấp hơn so với Ấn Độ – nơi khoảng 10% dân số đã được tiêm vắc xin ít nhất một lần.
Vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian rất quan trọng trong việc kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh ở Nepal. Các nhà chức trách Nepal vẫn đang thực hiện các biện pháp khác nhau để hạn chế sự lây lan của virus.
Tuy vậy, thách thức với Nepal vẫn rất lớn.
Trung Quốc, Nepal công bố độ cao mới của 'nóc nhà thế giới' Everest
Ngày 8/12, Trung Quốc và Nepal đã cùng công bố độ cao chính thức mới của đỉnh Everest là 8.848,86 mét. Sự kiện này đã đặt dấu mốc kết thúc cho cuộc tranh luận kéo dài nhiều thập kỷ về độ cao chính xác của "nóc nhà thế giới".
Ngọn núi cao nhất thế giới có độ cao chính thức mới là 8.848,86 mét. Ảnh: Shutterstock
Độ cao chính xác của núi Everest đã trở thành chủ đề tranh cãi kể từ khi một nhóm nhà khảo sát người Anh tại Ấn Độ tuyên bố độ cao của Đỉnh XV - tên gọi ban đầu của đỉnh Everest - là 8.778 mét vào năm 1847.
Theo tờ Kathmandu Post và hãng thông tấn Tân Hoa, buổi lễ công bố độ cao mới được tổ chức đồng thời tại Kathmandu và Bắc Kinh với sự tham dự của Ngoại trưởng Nepal Pradeep Gyawali cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
"Hôm nay là một ngày lịch sử. Độ cao mới của núi Everest là 8,848.86 mét", ông Gyawali tuyên bố tại sự kiện đã được trông đợi từ lâu.
Tân Hoa Xã đưa tin, theo thỏa thuận chung giữa Nepal và Trung Quốc hồi tháng 10/2019, cả hai nước sẽ cùng công bố độ cao và tiến hành nghiên cứu khoa học trên đỉnh Everest hay còn gọi là Sagarmatha tại Nepal và Qomolangma tại Trung Quốc.
Các nhà khảo sát Nepal đã leo đỉnh tại Nepal vào tháng 5/2019 để đo lường. Đây là lần đầu tiên quốc gia Nam Á này tự tiến hành đo. Trước đó, Nepal công nhận độ cao của Everest là 8.848m theo kết quả của Cục khảo sát Ấn Độ đo năm 1954.
Năm 1975, các chuyên gia Trung Quốc đo độ cao đỉnh núi này là 8.848,13m so với mực nước biển. Năm 2005, Trung Quốc tiến hành đo lại độ cao bằng cách kết hợp các biện pháp trắc địa truyền thống với công nghệ vệ tinh. Sau khi xác định độ sâu của lớp tuyết phủ trên đỉnh núi, họ cho biết độ cao của nó là 8.844,43m còn lớp băng tuyết sâu 3,5m.
Năm 1999, Hội Địa chất Quốc gia Mỹ và Bảo tàng Khoa học Boston kết luận "nóc nhà thế giới" cao 8.850m.
Hai nước Nam Á kình địch bất ngờ "nắm tay nhau" để đối phó TQ? Sau nhiều tháng gay gắt về tranh chấp lãnh thổ, 2 quốc gia Nam Á này đang bắt đầu xích lại gần nhau trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, SCMP đưa tin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay người đồng cấp Nepal KP Sharma Oli trong một cuộc gặp (ảnh: SCMP) Đối với cả Ấn...