Vì sao Mỹ quyết nâng cấp tàu chiến ven biển LCS?
Dù đã có những nghi vấn về tính khả thi, và số lượng tàu chiến ven biển LCS đóng mới bị giảm, nhưng Lầu Năm Góc vẫn quyết nâng cấp.
Quyết tâm của Lầu Năm Góc
Ngày 11/12, Lầu Năm Góc cho biết sẽ nâng cấp chương trình tàu chiến ven biển (LCS) bất chấp những nghi ngại trước đó.
Theo cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ, LCS sẽ được nâng cấp theo hướng có kích thước nhỏ hơn, nhưng khả năng sát thương cao hơn rất nhiều.
Ngoài ra, LCS được tập trung cải tiền vào các tính năng như radar phòng không, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống phát hiện ngầm, phòng thủ ngầm. Đồng thời lớp áo giáp của LCS cũng được tập trung gia tăng sự vững chắc.
Trước đó, nhiều ủy ban liên quan đến quốc phòng trong Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã cho rằng chương trình này không có tính khả thi cao, đặc biệt về kinh phí, nó chiếm tới 34 tỉ USD trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Mỹ đang eo hẹp.
Bản thân sự eo hẹp đó thể hiện ở chỗ theo kế hoạch, LCS sẽ được đóng mới 52 chiếc, tuy nhiên, ông Chuck Hagel đã buộc phải giảm xuống còn 32 chiếc.
Tàu USS Freedom cùng máy bay trực thăng săn ngầm
Quay trở lại với chương trình nâng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, Chuck Hagel tuyên bố Mỹ sẽ vẫn đóng 52 tàu LCS và phiên bản nâng cấp sẽ xuất xưởng muộn nhất vào năm 2019. Tuyên bố này của ông Hagel cho thấy Mỹ đang thực sự quan tâm đến loại hình tàu chiến đa nhiệm tác chiến khu vực nước nông này.
Vì sao là LCS?
Video đang HOT
Tàu chiến đấu ven biển LCS (viết tắt của Littoral combat ship) là một loại tàu chiến nổi tương đối nhỏ đang được Hải quân Mỹ phát triển để thực hiện nhiệm vụ tại những vùng nước nông ven biển ngăn chặn địch tiếp cận bờ biển. Chiếc tàu chiến đấu ven biển đầu tiên được đưa vào biên chế từ ngày 8/11/2008 là USS Freedom (LCS-1).
Tàu LCS được thiết kế với quan điểm là một tàu khu trục được tích hợp tất cả các đặc điểm như sau: nhỏ, nhanh, linh hoạt; dựa trên các module có thể thay thế, giá thành thấp, có khả năng tàng hình, và đa nhiệm (chống ngầm, quét mìn, trinh sát, giao chiến, hỗ trợ).
Trong phiên bản nâng cấp, việc gia tăng bền vững về tuyến thủ giáp, cùng với sức mạnh hỏa lực cũng như nâng cao tính đa nhiệm cho thấy Mỹ đang có nhiều toan tính với loại hình tàu chiến hiện đại này. Nhưng vì sao là LCS chứ không phải một lớp tàu chiến khác? Phải chăng bờ biển Mỹ bị đe dọa? Thực chất vấn đề không phải vậy.
Còn nhớ chiếc LCS đầu tiên là USS Freedom đã có vài năm làm nhiệm vụ ở vùng biển của Đông Nam Á, trú tại căn cứ quân sự của Mỹ ở Singapore. Điều này cho thấy LCS đang được Mỹ nhắm tới những khu vực nhạy cảm ngoài nước Mỹ, nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ.
Hiện tại, Đông Nam Á đang có những vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, đặc biệt giữa Philippines – đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực này với Trung Quốc những căng thẳng đó ngày càng leo thang.
LCS là một tàu chiến ven biển hiện đại bậc nhất trong loại hình tàu chiến này của Mỹ. Việc LCS xuất hiện ở Đông Nam Á đủ để chứng minh sự quan tâm và theo dõi các hành động của Trung Quốc trong khu vực này, trong bối cảnh kế hoạch chuyển trục của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc vẫn đang được thúc đẩy.
Tàu LCS (tàu nhỏ) hộ tống tàu vận tải đổ bộ trực thăng
Ngoài ra, LCS hiện tại và các bản nâng cấp trong tương lai có khả năng săn ngầm rất mạnh, trong khi Lầu Năm Góc liên tiếp có những cảnh báo về việc gia tăng sức mạnh ngầm của Bắc Kinh.
LCS cũng có kế hoạch triển khai ở Nhật Bản. Một lần nữa Washington cho thấy quyết tâm sát cánh với Tokyo bảo vệ những hòn đảo mà quốc gia này đã tuyên bố chủ quyền.
Ngoài ra, vùng biển của Nhật Bản còn có những nhạy cảm với Nga. Và việc gia tăng sức mạnh hải quân của Nga trong thời gian gần đây, đặc biệt là năm 2015 với những kế hoạch nhằm tăng vượt trội sức mạnh lực lượng ngầm của quốc gia này.
Có thể thấy Mỹ đang gia tăng cảnh giác với cả Trung Quốc và Nga trong vùng biển cửa ngõ Thái Bình Dương là Biển Đông và Hoa Đông.
Ngoài ra, việc Mỹ vừa đóng phiên bản LCS cơ bản và phiên bản LCS nâng cấp cho thấy họ đang có những tính toán khác. Khi USS Freedom thể hiện các tính năng của mình ở vùng biển Singapore, rất nhiều quốc gia đã để mắt tới loại tàu chiến này, đặc biệt là Indonesia, Singapore.
Mỹ hoàn toàn có thể bán những LCS thành phẩm cho một quốc gia khác và thu về những khoản lời, bù lại cho chi phí sản xuất cũng như ngân sách nghiên cứu bỏ ra.
Theo Đất Việt
Viễn cảnh tàu chiến ven bờ LCS mang theo F-35B có làm Trung Quốc run sợ?
Sàn đáp trực thăng của những tàu chiến ven bờ thuộc lớp Independence (LCS-2) được đánh giá có khả năng tiếp nhận máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng F-35B.
Vừa qua vào ngày 24/7, trang mạng Tuần san tin tức Quốc phòng Mỹ cho biết tàu chiến ven bờ USS Coronado (LCS-4) sẽ bắn thử một quả tên lửa đối hạm NSM (Naval Strike Missile) do Công ty Kongsberg - Na Uy sản xuất tại căn cứ hải quân Point Mugu, bang California. Nếu được chấp nhận trang bị tên lửa NSM thì các tàu chiến ven bờ LCS của Hải quân Mỹ sẽ sở hữu sức mạnh tấn công đủ để làm e sợ bất kỳ đối thủ nào.
Tàu chiến ven bờ USS Independence (LCS-2)
Đây có thể coi là câu trả lời đầu tiên của Hải quân Mỹ trước những chỉ trích cho rằng dự án chế tạo tàu chiến ven bờ LCS là một cái hố không đáy hút tiền ngân sách khi cho ra đời những chiến hạm với khả năng cả phòng thủ lẫn tấn công chỉ ở mức tối thiểu.
Những người chỉ trích ngay từ đầu có lẽ đã quên rằng LCS là loại tàu chiến được thiết kế với kết cấu module tiên tiến, có thể dễ dàng tùy biến để thích ứng với từng nhiệm vụ cụ thể. Khoảng không gian trống trên các tàu đã triển khai hiện vẫn chiếm tới 40% diện tích, nếu cần thiết con tàu có thể bổ sung những module vũ khí chống hạm, chống ngầm và phòng không trong thời gian rất ngắn. Khi được vũ trang đầy đủ, các tàu chiến ven bờ LCS sẽ thực sự trở thành những chiếc frigate có sức mạnh cả tấn công lẫn phòng thủ rất đáng gờm.
Một điểm đặc biệt nữa đó là các tàu chiến ven bờ đều có khả năng kiêm luôn nhiệm vụ của tàu đổ bộ tấn công với thiết kế có khoang đổ quân và sàn đáp trực thăng rất lớn, hơn cả khu trục hạm Arleigh Burke hay tuần dương hạm Ticonderoga, trong đó các tàu LCS mang số chẵn thuộc lớp Independence còn có thể kiêm luôn chức năng tàu sân bay hạng nhẹ.
Sàn đáp máy bay rất lớn của USS Independence
Sàn đáp máy bay bố trí phía đuôi tàu LCS lớp Independence có diện tích lên tới 1.030 m2 được đánh giá đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc 4 trực thăng hạng nhẹ UH-1N hoặc 2 trực thăng cỡ lớn CH-53E Super Stallion. Ngoài ra một thang máy cực lớn (cỡ 6,1 x 6,1 m) vận chuyển trực tiếp các container từ khoang chứa lên boong tàu giúp LCS-2 có khả năng vận chuyển và trao đổi hàng hóa cùng máy bay khi đang hoạt động trên biển.
Sau khi đánh giá tổng quan về sức mạnh và tiềm năng của hiện đại hóa của những tàu chiến ven bờ LCS, một câu hỏi đã được đặt ra đó là sau khi vũ trang đầy đủ, lấp kín 40% diện tích còn trống thì những con tàu trên liệu còn có thể gia tăng sức mạnh thông qua con đường nào khác. Câu trả lời rất có thể sẽ là trang bị máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng thế hệ 5 F-35B cho các tàu thuộc lớp Independence.
F-35B thử nghiệm cất hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công Wasp
Hiện tại theo như công bố chính thức từ Hải quân Mỹ thì USS Independence (LCS-2) và USS Coronado (LCS-4) chỉ có khả năng mang theo 2 trực thăng SH-60 Seahawk. Tuy nhiên với thiết kế mở và được xác định có thể trở thành tàu sân bay mini, đi kèm với việc F-35B nằm trong kế hoạch trang bị rộng rãi cho các tàu chiến của Hải quân Mỹ thì chúng ta có thể dự đoán việc sửa chữa boong tàu Independence để cho phép tiếp nhận F-35B là hoàn toàn khả thi.
Theo như đoạn video thử nghiệm trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp thì F-35B đã thực hiện nhuần nhuyễn thao tác hạ cánh thẳng đứng và cất cánh đường băng cực ngắn. Quãng đường cần thiết để có thể cất cánh của F-35B hoàn toàn phù hợp với boong tàu Independence, thậm chí nếu cần thiết F-35B còn có thể giảm tải trọng vũ khí và nhiên liệu mang theo để thực hiện thao tác cất cánh thẳng đứng.
Trong trường hợp được vũ trang đầy đủ, lấp kín không gian trống và mang theo 2 chiếc F-35B mỗi tàu, 6 chiếc LCS lớp Independence có thể tạo ra sức mạnh tấn công lẫn phòng thủ tương đương biên đội tàu sân bay hạng nhẹ DDH-183 Izumo của Nhật Bản mà lại có sức cơ động cao hơn hẳn.
Kịch bản tàu chiến ven bờ LCS vũ trang đầy đủ và còn được trang bị F-35B có thể sẽ khiến Trung Quốc phải giật mình khi mà Hải quân Mỹ đang tích cực xúc tiến việc triển khai số lượng lớn các tàu loại này tại các quốc gia đồng minh nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với thiết kế tối ưu hóa cho khả năng tàng hình, trang bị động cơ phản lực nước tiên tiến cho phép di chuyển với tốc độ cực cao ở những vùng nước nông, có thể bí mật áp sát bờ biển đối phương và tung ra những đòn tấn công chết chóc một cách bất ngờ, rất có thể những tàu chiến ven bờ LCS này mới là vũ khí thay đổi cuộc chơi của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương chứ không phải là những biên đội tàu sân bay cồng kềnh có sức cơ động kém.
Có lẽ chính Trung Quốc cũng đã nhận ra viễn cảnh này nên họ mới ra sức chê bai chương trình LCS nhằm gây sức ép lên Chính phủ và Quốc hội Mỹ với hy vọng dự án sẽ bị hủy bỏ. Tuy nhiên trước những diễn biến mới, có thể nói âm mưu của Trung Quốc đang đứng bên bờ vực phá sản.
Theo Tri Thức