Vì sao Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận kinh tế với Myanmar?
Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar, mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Mỹ và tăng cường hỗ trợ tiến trình dân chủ của chính phủ do đảng của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp bà Aung San Suu Kyi vào năm 2014. AFP
Bộ Tài chính Mỹ ngày 17.5 thông báo dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với 7 công ty và 3 ngân hàng quốc doanh của Myanmar, theo Bloomberg ngày 18.5. Trong số này có các công ty về lĩnh vực tài nguyên như công ty gỗ Myanmar, công ty đá quý Myanmar, cùng với ngân hàng kinh tế Myanmar, một trong những ngân hàng đứng đầu nước này.
Việc dỡ bỏ cấm vận này cho phép các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với các công ty này lại có cơ hội thúc đẩy đầu tư, kích thích kinh tế. Tạp chí The Atlantic cho rằng sau cuộc bầu cử lịch sử hồi tháng 11.2015 và chính quyền chuyển từ quân sự sang dân sự vào tháng 4, Mỹ đã sẵn sàng dỡ bỏ cấm vận đối với Myanmar.
Trong thông báo dỡ bỏ lệnh cấm, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng chính phủ Myanmar đã thực hiện một tiến trình quan trọng ở nhiều lĩnh vực quan trọng từ năm 2011, bao gồm thả hơn 1.300 tù nhân chính trị, bầu cử hoà bình và cạnh tranh, ký thoả thuận ngừng bắn toàn quốc với 8 nhóm vũ trang, giải ngũ hàng trăm trẻ em khỏi quân đội. Ngoài ra, chính phủ còn có những bước nhằm cải thiện điều kiện lao động, tạo không gian cho người dân góp ý kiến đối với các vấn đề quan trọng của tương lai đất nước.
Nhìn nhận về những bước tiến tới một chính quyền dân chủ của Myanmar đã giúp chính quyền Obama dỡ bỏ cấm vận, theo The Atlantic. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về kinh tế lẫn chính trị sau 5 thập niên cầm quyền của chính quyền quân đội vẫn tồn tại.
Video đang HOT
Tổng thống Obama cũng nói rằng mặc dù có bước tiến, Myanmar vẫn đặt ra mối đe doạ vô cũng lớn đối với lợi ích của Mỹ. Các công ty có mối liên hệ chặt với chính quyền cũ vẫn còn bị trừng phạt. Lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích, đá ruby và nhiều loại đá quý khác vẫn giữ nguyên. Việc buôn bán vũ khí và các hoạt động liên quan cũng bị cấm.
Mỹ bắt đầu tăng cường trừng phạt Myanmar vào năm 1988 khi quân đội nắm quyền và gia tăng đàn áp đối với các nhà hoạt động vì dân chủ, theo Nikkei Asian Review. Quốc hội Mỹ năm 1997 cấm các công ty Mỹ đầu tư vào Myanmar và năm 2003 cấm nhập khẩu hàng hoá từ nước này.
Ghi nhận những bước tiến đến chính quyền dân chủ của Myanmar được cho là nguyên nhân khiến Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận kinh tế. REUTERS
Mọi chuyện thay đổi khi Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền vào năm 2011, dọn đường cho cuộc chuyển tiếp sang chính quyền dân sự. Năm 2012, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi được trả tự do. Tổng thống Barack Obama năm đó cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Myanmar. Mỹ cũng bãi bỏ nhiều lệnh cấm đầu tư và thương mại đối với Myanmar.
Sau khi đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11.2015, Mỹ đã cho phép các công ty tham gia làm ăn ở các sân bay, bến cảng lớn nhất Myanmar vào tháng 12.2015.
Tuy nhiên, Myanmar vẫn còn nhiều vấn đề về nhân quyền cần giải quyết gồm việc phân biệt chủng tộc với người Hồi giáo, cuộc xung đột với các cộng đồng thiểu số. Nhiều quan chức Mỹ cho rằng Myanmar cần cải thiện những điều này trước khi muốn được dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, theo Nikkei Asian Review.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Myanmar xem xét lập thêm Bộ Văn phòng cố vấn nhà nước
Quốc hội Myanmar ngày 5.5 đã đồng ý sẽ thảo luận về việc lập thêm một bộ mới là Bộ Văn phòng cố vấn nhà nước.
Bà Aung San Suu Kyi hiện giữ chức Cố vấn nhà nước MyanmarReuters
Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin quốc hội Myanmar cho biết quốc hội liên bang nước này ngày 5.5 đã nhất trí sẽ thảo luận về việc lập thêm một bộ mới vào cơ cấu chính phủ Myanmar. Cơ quan mới được đề xuất là Bộ Văn phòng cố vấn nhà nước.
Đề xuất này được chính Tổng thống Myanmar, ông Htin Kyaw đưa ra. Chủ tịch quốc hội Man Win Khaing Than cho biết phiên thảo luận về việc lập bộ mới sẽ diễn ra vào ngày 10.5 tới.
Lãnh đạo đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), bà Aung San Suu Kyi hiện giữ chức Cố vấn nhà nước Myanmar. Bên cạnh đó, bà Aung San Suu Kyi còn lãnh đạo hai bộ là Ngoại giao và Văn phòng Tổng thống. Trước đó bà còn được giao lãnh đạo Bộ Giáo dục và Bộ Điện - Năng lượng ,nhưng Tổng thống Htin Kyaw đã đề xuất người thay thế để giảm trọng trách cho thủ lĩnh NLD.
Đề xuất lập Bộ Văn phòng cố vấn nhà nước do Tổng thống Htin Kyaw đưa raReuters
Theo Tân Hoa xã, chính phủ mới của Myanmar do Tổng thống Htin Kyaw lãnh đạo bắt đầu hoạt động từ ngày 1.4. Chính phủ mới đã cắt giảm số bộ đáng kể so với trước. Cụ thể, chính phủ Myanmar hiện có 21 bộ với 18 bộ trưởng, trước đó nội các Myanmar có 32 bộ trưởng lãnh đạo 36 bộ. Chính phủ mới đã bổ sung thêm Bộ các vấn đề dân tộc.
Theo quy định của Hiến pháp, quân đội Myanmar giữ các vị trí lãnh đạo một số bộ trọng yếu như Bộ Nội vụ, Bộ Biên giới và Bộ Quốc phòng. Bà Aung San Suu Kyi không thể trở thành tổng thống vì có chồng, con mang quốc tịch nước ngoài. Mặc dù vậy, với việc giữ những chức vụ quan trọng, nhiều người vẫn cho rằng thực quyền hiện tại nằm trong tay bà.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Myanmar cấm các thành viên nội các chọn người thân làm trợ lý Chính phủ Myanmar đã cấm các thành viên nội các bổ nhiệm người thân của họ làm trợ lý riêng, theo Tân Hoa xã. Quyết định cấm thành viên nội các chọn người thân làm trợ lý do bà Aung San Suu Kyi công bố AFP Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar kiêm cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi ngày...