Vì sao Mỹ cử đặc nhiệm tới Uganda?
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa quyết định đưa 100 binh sĩ, chủ yếu thuộc lực lượng đặc nhiệm,tới Uganda để giúp truy lùng Joseph Kony,thủ lĩnh nhóm phiến quân “Đội quân Kháng chiến của Chúa” (LRA) và các chỉ huy phiến quân khác bị buộc tội chống nhân loại tại quốc gia Trung Phi này
Mặc dù vậy, nhưng mạng tin tình báo chiến lược “Stratfor” của Mỹ cho rằng mục đích chính của hành động này là vấn đề an ninh khu vực, chính trị nội bộ và quan hệ thương mại.
Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Obama nêu rõ lý do mà ông gửi cố vấn quân sự đến Uganda là LRA “tiếp tục gây ra các tội ác ở CH Trung Phi, CHDC Conggo và Nam Sudan, tác động xấu đến tình hình an ninh khu vực”, trong khi các nỗ lực quân sự trong khu vực “cho đến nay vẫn chưa thành công trong việc loại bỏ chỉ huy LRA Kony hay các thuộc hạ của y”. Ông Obama khẳng định nhiệm vụ của lực lượng Mỹ tại Uganda là “cung cấp thông tin, cố vấn và trợ giúp cho các lực lượng đối tác, và họ sẽ không trực tiếp chiến đấu với trừ trường hợp cần thiết để tự vệ”. Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Obama giới hạn nhiệm vụ của lực lượng cố vấn quân sự Mỹ một cách rõ ràng là nhằm trấn an dư luận trong nước rằng ông không có kế hoạch để lực lượng Mỹ tham chiến trực tiếp, khi mà quân đội Mỹ đã và đang thực hiện các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan, cũng như đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Libya.
Theo “Stratfor”, việc triển khai quân ở Uganda sẽ tạo cơ hội cho Mỹ nâng cao khả năng chống lại các mối đe dọa an ninh ở khu vực Đông Phi và Sừng châu Phi, đặc biệt là nhóm Hồi giáo vũ trang al Shabaab ở Somalia. Không nước nào cung cấp nhiều quân cho Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia bằng Uganda, và Uganda tuyên bố sẵn sàng đóng góp thêm binh lính cho phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia nếu cần. Do đó, việc Mỹ triển khai 100 lính đặc nhiệm tới Uganda có thể được coi như lời bảo đảm của Washington đối với Tổng thống Uganda Yoweri Museveni cho những nỗ lực của nước này ở Somalia. Việc Mỹ đóng quân ở Uganda sẽ giúp các lực lượng của Mỹ có thể giám sát việc nhóm Hồi giáo vũ trang al Shabaab mở rộng ra phía Nam và phía Tây, đồng thời có thể phản ứng trước các mối đe dọa một cách nhanh chóng hơn so với việc Mỹ đóng quân ở Somalia và Djibuti.
Thủ lĩnh phiến quân LRA Joseph Kony
Việc triển khai quân đến Uganđa cũng sẽ giúp Tổng thống Obama giành được sự ủng hộ về chính trị ở trong nước. Tổng thống Obama đang bị người dân Mỹ chỉ trích nặng nề về việc không hỗ trợ châu Phi. Việc đưa quân đến khu vực Trung Phi để giúp khu vực này chống lại lực lượng phiến quân sẽ giúp Obama thể hiện được sự ủng hộ của mình đối với sự ổn định của châu Phi. Việc bắt giữ Joseph Kony, dù chỉ mang tính biểu tượng, có thể vẫn là một chiến thắng ngoại giao ít tốn kém của ông Obama trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đang đến gần.
Video đang HOT
Cuối cùng, dù hiện diện ít ỏi ở khu vực, song Washington cũng có thể dùng việc triển khai quân sự này như đòn bẩy để tạo lập ảnh hưởng đối với thương mại của khu vực. Uganda có nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đáng kể, và nước này cũng là trung tâm của hành lang xuất khẩu Bắc Nam giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại đến các cảng ở Mombasa (Kenya), Dar es Salaam và Tanga (Tandania). Từ đó, Mỹ có thể đối trọng với Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đã thiết lập và hưởng lợi từ việc buôn bán với Cộng đồng Đông Phi (EAC), một tổ chức mà Uganda có vai trò quan trọng. LRA tự xưng là một tổ chức tôn giáo, bắt đầu nổi lên ở miền Bắc Uganda từ những năm 1990 của thế kỷ trước và bị cáo buộc đã giết hại, bắt cóc hàng chục nghìn người. Kony đã bị Tòa án Hình sự quốc tế La Hay cáo buộc các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Washington) từng lên án LRA là “sự lăng nhục đối với nhân phẩm” vì những hành động bạo lực như cắt bộ phận cơ thể của nạn nhân, bắt nam thiếu niên cầm súng, sử dụng trẻ em gái làm nô lệ tình dục.
Theo PLXH
Obama triển khai binh sĩ Mỹ tới Trung Phi
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo kế hoạch triển khai 100 binh sĩ tác chiến tới Trung Phi nhằm trợ giúp các lực lượng nước này tiêu diệt nhóm phiến quân khét tiếng LRA ở Uganada.
Tổng thống Mỹ Obama.
Trong một lá thư gửi quốc hội Mỹ, ông Obama nói rằng các binh sẽ được triển khai tại Uganda, Nam Sudan, Cộng hoà Trung Phi và Cộng hoà dân chủ Congo. Họ sẽ hành động như các cố vấn nhằm cung cấp thông tin, trợ giúp và đưa ra lời khuyên cho các lực lượng quốc gia ở từng nước.
Mục tiêu của sứ mệnh là giúp các lực lượng trong vùng tiêu diệt Joseph Kony - thủ lĩnh một nhóm phiến quân khét tiếng tên gọi Đội quân Kháng chiến của Chúa (LRA) - và các phần tử cấp cao khác của nhóm này.
Ông Obama cũng nhấn mạnh rằng mặc dù có vũ trang nhưng các binh sĩ Mỹ không hành động độc lập và chỉ bắn vào các lực lượng LRA trong trường hợp phải tự vệ.
Một nhóm nhỏ binh sĩ Mỹ đã có mặt tại Uganda và các binh sĩ khác sẽ được triển khai tại vài quốc gia Trung Phi trong thời gian tới.
LRA bị cáo buộc tiến hành các vụ giết người hàng loạt, hãm hiếp và bắt cóc trong khu vực.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng nói rằng Trung Phi sẽ ổn định hơn nếu mối đe doạ từ LRA dưới sự lãnh đạo tàn ác của Joseph Kony bị loại bỏ.
Joseph Kony - thủ lĩnh nhóm phiến quân khét tiếng LRA.
Ít nhất 30.000 người đã thiệt mạng khi LRA gieo rắc nỗi khiếp sợ ở bắc Uganda trong suốt 20 năm qua, khiến khoảng 2 triệu người bị phải đi lánh nạn.
LRA khét tiếng với các vụ bắt cóc trẻ em, buộc các bé trai trở thành các tay súng và sử dụng các bé gái làm nô lệ tình dục.
Mỹ coi LRA là một tổ chức khủng bố. Nhóm này hiện hoạt động chủ yếu tại Cộng hoà dân chủ Congo, Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.
Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) đã phát lệnh truy nã Joseph Kony và các cố vấn thân cận từ năm 2005.
Theo Dân Trí
Uganda: Những đứa trẻ bị chôn sống dưới công trình Những người dân làng sống quanh thủ đô Kampala của Uganda đang phải sống trong nỗi sợ hãi rằng con cái của mình có thể bị giết bất cứ lúc nào. Những đứa trẻ được giám sát chặt chẽ mỗi khi ra đường Bọn trẻ con được người lớn và giáo viên giám sát chặt chẽ mỗi khi đi từ nhà tới trường...