Vì sao Mỹ bỏ lại kho vũ khí lớn khi rút khỏi Afghanistan?
Trước khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đã phá hủy một phần vũ khí tại đây do lo ngại chúng rơi vào tay Taliban.
Tuy vậy, số vũ khí còn lại vẫn đáng kể và một lượng lớn đã bị Taliban chiếm giữ.
Các tay súng Taliban lái một xe quân sự Humvee do Mỹ sản xuất trên đường phố Kabul ngày 16/8 (Ảnh: AP).
Taliban chiếm kho vũ khí lớn của Mỹ ở Afghanistan
Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy các tay súng Taliban ôm súng trường do Mỹ sản xuất, lái những xe quân sự Humvees trên đường phố Afghanistan. Điều này làm dấy lên lo ngại lực lượng này còn kiểm soát nhiều vũ khí khác của Mỹ tại đây.
Trong tuần này, Nhà Trắng xác nhận, một lượng vũ khí của nước này cung cấp cho quân đội Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. Một quan chức khác cho biết, hiện chưa biết chính xác số vũ khí rơi vào tay Taliban, nhưng theo các đánh giá tình báo hiện tại, Taliban được cho là đang kiểm soát hơn 2.000 xe bọc thép, trong đó có xe Humvee, khoảng 40 máy bay, trực thăng như UH-60 Black Hawk, 20 máy bay tấn công A-29 Tucano, máy bay không người lái ScanEagle.
Theo số liệu của Văn phòng Minh bạch Chính phủ Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2016, Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan hơn 600.000 vũ khí hạng nhẹ như súng M16 và M4, cùng với gần 80.000 xe quân sự, kính nhìn xuyên đêm, thiết bị liên lạc. Gần đây hơn, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan khoảng 7.000 súng máy, 4.700 xe Humvee và hơn 20.000 lựu đạn.
Chỉ riêng 2 năm qua, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan hơn 18 triệu viên đạn loại 7,62mm và một số loại khác. Một phần trong số đó chắc chắn đã rơi vào tay Taliban khi lực lượng này giành quyền kiểm soát hàng loạt căn cứ quân sự tại Afghanistan.
Hiện chưa thể xác định chính xác lượng vũ khí bị Taliban chiếm giữ, nhưng các nhà quan sát ước tính, giá trị số vũ khí đó có thể lên tới hàng tỷ USD.
Vì sao Mỹ bỏ lại lượng lớn vũ khí ở Afghanistan?
Binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan (Ảnh: US Army).
Cân bằng giữa việc để lại đủ nguồn lực cho quân đội Afghanistan tiếp tục chiến đấu với việc giảm thiểu rủi ro vũ khí rơi vào tay những thế lực nguy hiểm luôn là một thách thức lớn với quân đội Mỹ.
Trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định rút hết binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan hồi đầu năm nay, giới chức Mỹ cho rằng, sớm hay muộn họ cũng cần phải phá hủy vũ khí hoặc bàn giao lại cho quân đội Afghanistan. Họ thừa nhận, phương án bàn giao lại cho Afghanistan tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu số vũ khí đó bị Taliban chiếm giữ.
Hai quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, trong những tuần rút quân cuối cùng, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Afghanistan nhằm phá hủy trang thiết bị, vũ khí có nguy cơ rơi vào tay Taliban, nhưng chỉ phá hủy một phần. Washington tin rằng, với số vũ khí được Mỹ cung cấp, quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan cuối cùng có thể tự chiến đấu chống lại Taliban.
Tuy nhiên, điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden không ngờ tới là đà tiến công quá nhanh chóng của Taliban. Chỉ trong vòng 11 ngày, Taliban đã khiến chính quyền, quân đội Afghanistan sụp đổ, một khoảng thời gian quá ngắn so với dự đoán của giới chức Mỹ là vài tháng hoặc thậm chí một năm.
Tuy chưa thể xác định cụ thể số vũ khí, trang thiết bị của Mỹ ở Afghanistan bị Taliban chiếm giữ, nhưng giới chức Lầu Năm Góc không giấu những lo ngại rằng, Taliban có thể sử dụng chúng cho các hoạt động bạo lực hoặc chuyển cho các nhóm vũ trang cực đoan, các thế lực đối đầu với Mỹ và phương Tây.
“Chúng tôi không muốn thấy vũ khí, trang thiết bị của chúng tôi trong tay những thế lực chống lại lợi ích của chúng tôi và của người dân Afghanistan hay làm gia tăng bạo lực, bất ổn ở Afghanistan”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói hôm 19/8. Ông nhấn mạnh, hiện Washington đang xem xét một số phương án để xử lý vấn đề này, trong đó không loại trừ phương án không kích.
Mặc dù vậy, một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: “Hiện tại, Mỹ chưa có kế hoạch phá hủy vũ khí ở Afghanistan bằng không kích hoặc các biện pháp khác, trừ khi nó đe dọa trực tiếp đến binh sĩ Mỹ ở sân bay Kabul”. Khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ sơ tán công dân và người Afghanistan từ sân bay Kabul trong bối cảnh Taliban bao vây sân bay, chặn người Afghanistan sơ tán.
Một số quan chức và chuyên gia thì cho rằng, mặc dù Taliban có thể sử dụng ngay các vũ khí Mỹ cỡ nhỏ hay xe thiết giáp, nhưng để sử dụng các vũ khí hạng nặng hay trực thăng, máy bay tấn công, Taliban sẽ cần một thời gian nữa. “Các binh sĩ, thủy thủ, phi công của chúng ta phải mất vài tháng để được đào tạo lái máy bay. Để sử dụng những vũ khí phức tạp hơn kiểu này sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều với Taliban”, một quan chức giấu tên của Mỹ bình luận.
Ngoài ra, cây viết Bill Roggio của trang Long War Journal cũng nhận định thêm, việc bảo dưỡng định kỳ các máy bay, trực thăng cũng không hề đơn giản, nên nếu Taliban cuối cùng có thể vận hành, thì tuổi thọ của chúng cũng rất ngắn. “Chiến lợi ph ẩm thực sự giúp Taliban tăng khả năng chiến đấu chỉ là các xe thiết giáp và các xe quân sự hạng nhẹ, một số xe tăng và tổ hợp pháo”, ông Roggio nói.
Taliban chiếm hàng loạt vũ khí do Mỹ sản xuất
Lực lượng biệt kích có thể đảo ngược tình thế ở Afghanistan
Một phong trào kháng chiến với sự tham gia của lực lượng tinh nhuệ còn lại của Afghanistan và các nhóm dân quân địa phương đang hình thành và bước đầu giành lại kiểm soát một số khu vực từ Taliban.
Lực lượng kháng chiến tập hợp tại Thung lũng Panjshir cùng với nhiều vũ khí (Ảnh: AFP).
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong tuần này cho biết, một lực lượng kháng chiến chống lại Taliban ở Afghanistan đang được hình thành ở Thung lũng Panjshir, nơi duy nhất ở Afghanistan không rơi vào tay Taliban trong đợt tiến công gần đây.
Lực lượng này được dẫn dắt bởi Phó Tổng thống Amrullah Saleh và Ahmad Massoud, con trai một chỉ huy phong trào chống Taliban. Các nguồn tin cho biết, trong số các chiến binh đổ về Thung lũng Panjshir bao gồm binh sĩ của lực lượng đặc nhiệm Afghanistan và cả các thành viên của lực lượng biệt kích Afghanistan do đặc nhiệm SAS của Anh huấn luyện.
"Taliban không kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan. Có những thông tin về tình hình ở Thung lũng Panjshir, nơi tập trung phong trào kháng chiến của Phó Tổng thống Afghanistan Saleh và Ahmad Massoud", Ngoại trưởng Lavrov nói.
Massoud là con trai của lãnh đạo Liên minh phương Bắc Ahmed Shah Massoud, người từng dẫn dắt phong trào chống lại Taliban giai đoạn 1996 - 2001 cho đến khi bị al-Qaeda sát hại chỉ hai ngày trước vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ. Trong thông điệp trên Twitter không lâu sau khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, ông Saleh viết: "Hãy tham gia kháng chiến. Cho dù thế nào tôi sẽ không bao giờ khuất phục Taliban".
Đội biệt kích Afghanistan do lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh huấn luyện tham gia phong trào kháng chiến (Ảnh: AFP).
Những người thân cận với Massoud cho biết, khoảng hơn 6.000 tay súng từ lực lực đặc nhiệm Afghanistan cũng như các nhóm dân quân địa phương đã tập hợp ở Thung lũng Panjshir.
Được đào tạo bởi lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh, các binh sĩ tham gia phong trào kháng chiến ở Panjshir được cho là lực lượng tốt nhất còn lại hiện nay của Afghanistan để phản kháng lại sự kiểm soát của Taliban. "Hàng nghìn người nữa đang tiếp tục đổ về đây (Panjshir). Chúng tôi cũng có được sự hỗ trợ của người dân địa phương", một nguồn tin từ phong trào kháng chiến nói với trang tin The Sun.
Một người dân địa phương nói: "Đây không phải một phong trào phản kháng đơn sơ. Đó là phong trào kháng chiến của hàng nghìn binh sĩ được huấn luyện, những người nắm rõ địa thế, dày dặn kinh nghiệm chiến đấu chống khủng bố Taliban suốt 20 năm qua. Tôi sẽ không chết trước khi phá hủy Taliban. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng".
Lực lượng kháng chiến Afghanistan sở hữu các vũ khí từ quân đội của chính phủ (Ảnh: AFP).
Lực lượng kháng chiến ở Panjshir cho biết, họ đang sở hữu một số trực thăng, xe quân sự của quân đội, đồng thời đang tìm cách sửa chữa các xe bọc thép mà Hồng quân Liên Xô để lại từ thế kỷ 20. Người của phong trào kháng chiến Panjshir đã kịp thời sơ tán một số vũ khí, như xe quân sự Humvees, từ các khu vực lân cận trước khi Taliban giành quyền kiểm soát. Những binh sĩ Afghanistan không chịu đầu hàng Taliban khi đến Panjshir cũng mang theo vũ khí. Ngoài những nguồn lực trên, phong trào kháng chiến cũng kêu gọi các nước phương Tây hỗ trợ và cung cấp vũ khí để đối phó lại Taliban.
Trong lúc còn nhiều hoài nghi về năng lực của phong trào kháng chiến Panjshir, việc phong trào có thể tập hợp được sự ủng hộ lớn như hiện nay có thể phần nào tạo ra thách thức cho Taliban. Trong tuần này, lực lượng kháng chiến đã giành lại quyền kiểm soát 3 huyện ở tỉnh Baghlan, phía bắc Panjshir.
Thung lũng Panjshir trở thành nơi tập hợp lực lượng kháng chiến - lực lượng đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực từ Taliban (Ảnh: The Sun).
Nhiều tay súng Taliban bị tiêu diệt trong cuộc phản công của Afghanistan Lực lượng kháng chiến Afghanistan đã tiêu diệt hàng chục tay súng Taliban sau khi phản công và chiếm một số khu vực tại nước này. Các tay súng Taliban tại Afghanistan (Ảnh: Reuters). Theo nhiều báo cáo, các dân quân thuộc lực lượng kháng chiến chống Taliban ở Afghanistan ngày 21/8 đã đẩy Taliban ra khỏi các khu vực ở tỉnh Baghlan,...