Vì sao lãi suất tiền gửi tăng nhưng lãi suất cho vay khó giảm?
Việc nhiều ‘ông lớn’ ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu lãi suất huy động tăng có kéo lãi suất cho vay đi lên?
Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất mới nhất mà Bản Việt áp dụng cho các khách hàng, lãi suất huy động VND kể từ ngày 25/12 được điều chỉnh tăng thêm 0,05% – 0,2%/năm ở một số kỳ hạn.
Vài ngày trước, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng 0,2%-0,3%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2%-5,3%/năm.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng, riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng lên 6,4%/năm (trong khi mặt bằng chung của nhiều NH chỉ 5,5%-6,2%/năm).
Điểm khác biệt trong lần điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn lần này là sự tham gia của những “ông lớn” quốc doanh. Hiện chỉ còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng kỳ hạn 1 tháng thấp nhất hệ thống là 4%/năm.
Tại BIDV, với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng này áp lãi suất huy động 4,8%/năm, trong khi nhiều thành viên khác ở khối cổ phần như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiện chỉ áp từ 4,4 – 4,6%/năm.
Tương tự, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn khác của BIDV cũng cao hơn từ 0,2 – 0,4%/năm. Nếu so với Agribank và Vietcombank, lãi suất các kỳ hạn ngắn của BIDV cũng vượt hơn tới 0,7 – 0,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 – 3 tháng tăng tương đương với BIDV.
Video đang HOT
Theo các NH, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao trong khi huy động tăng không tương ứng buộc NH thương mại phải nhích nhẹ lãi suất tiền gửi để hút vốn. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM lý giải do nhu cầu sử dụng tiền mặt cuối năm của người dân tăng để mua sắm, sửa nhà hoặc tiêu dùng… nên vài NH gặp áp lực về thanh khoản. Nhưng đây là yếu tố mang tính thời vụ nên không quá lo ngại. Một số NH khác tăng lãi suất để cân đối lại nguồn vốn, chứ không phải xu hướng chung.
Theo Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình, việc hạ lãi suất cho vay là rất khó.
Lãi suất cho vay khó giảm
Tại Phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hai ngày 28-29/12, trước câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc có lãi suất có thể hạ tiếp được không, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay vấn đề lãi suất được Hội đồng tiền tệ Quốc gia bàn kỹ.
Ông Bình cho rằng việc hạ lãi suất là rất khó. Dẫn kết quả thảo luận của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ mới đây, ông Bình cho biết lạm phát 2015 ở mức 0,63% – rất thấp so với định hướng 5%. Chủ yếu do yếu tố bên ngoài, tức là giá dầu giảm kèm theo chi phí đầu vào giảm. Điều này đã diễn ra từ mấy năm nay, theo đó nếu loại trừ các yếu tố bất thường thì lạm phát 2014 phải ở mức xấp xỉ 5% và 2015 là 3%. Chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phải dựa trên chỉ số lạm phát cơ bản này, nên thực tế dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.
Ngoài ra, diễn biến 2015 cho thấy tín dụng tăng trưởng mạnh, khoảng 18%, trong khi huy động mới tăng 13%. Năm tới, cùng với đà phục hồi kinh tế, nhu cầu vốn trong sản xuất, tiêu dùng sẽ lên cao, dự kiến tăng trưởng tín dụng phải ở mức 20% mới đáp ứng.
Chưa kể, phải dành một phần dư địa để phát hành trái phiếu chính phủ, nguồn quan trọng để đầu tư phát triển. Rồi biến động tỉ giá cũng gây sức ép không nhỏ, mà lẽ thường để chống đỡ, nhà điều hành sẽ phải nâng lãi suất huy động nội tệ…
Các yếu tố trên, theo ông Bình sẽ gây áp lực nâng lãi suất huy động, từ đó tác động tới lãi suất cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015. Nếu diễn biến thuận lợi cho phép, sẽ kéo giảm lãi suất cho vay trung – dài hạn đi 0,3%-0,5% như đã thực hiện trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, ông Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý kiểm soát lạm phát. “Năm nay thấp nhưng không có gì chắc chắn sẽ giữ được lạm phát 2016 ở mức 5% mà Quốc hội đề ra” – ông nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 diễn ra ngày hôm nay 24-12, rất nhiều câu hỏi được gửi đến lãnh đạo NHNN về chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất. Trong đó có một câu hỏi là liệu lãi suất năm 2016 còn có dư địa để giảm không khi lạm phát năm nay chỉ khoảng 1%.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, lạm phát 2015 thấp, chỉ khoảng đâu đó 1% (con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố là 0,64%-PV), nhưng lạm phát năm 2016 lại không thể chủ quan. Theo các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đánh giá xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. Do đó, các nước cần thông tin truyền thông về vấn đề này để tránh đánh giá sai lầm về kỳ vọng của lạm phát.
Thực tế, lạm phát năm 2015 thấp có tác động bởi giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu. Cuối 2015, giá dầu đã gần đạt mức đáy. Do đó, lạm phát năm 2016 sẽ không thuận lợi như năm 2015 vì nếu giá dầu tăng trở lại, thậm chí tăng nhanh sẽ tác động lớn tới lạm phát. Hơn nữa, năm 2016 sẽ là năm thực hiện lộ trình điều chỉnh nhiều mặt hằng thiết yếu như y tế, giáo dục, giá điện,…sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát.
Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ rất lớn. Năm 2016, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cũng cao, điều này gây áp lực tới lãi suất. “Do đó năm 2016, lạm phát không thể duy trì thấp như năm 2015. Vì vậy, điều hành lãi suất năm 2016 sẽ là khó khăn và thách thức”, bà Hồng cho biết.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cuối năm, ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động
Để hút vốn trong những ngày cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã tiếp tục vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi, với mức từ 0,05% 0,8%/năm.
Như đã thành thông lệ, mỗi khi bước vào dịp cuối năm, nhu cầu vốn tại các ngân hàng lại tăng cao. Chính vì vậy, để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ nhân dân, nhiều ngân hàng thương mại đã mạnh tay tăng lãi suất huy động cho những kỳ hạn ngắn.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt vừa công bố bảng lãi suất huy động tiền gửi mới, với mức tăng 0,05%/năm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi thông thường, lãnh lãi cuối kỳ, loại tiền VNĐ được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,45%, tăng 0,05% so với mức cũ.
Trước Bản Việt, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chính thức tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2 0,3%/năm cho một số kỳ hạn ngắn kể từ ngày 23/12. Trong khi đó, mức lãi suất huy động kỳ hạn và các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được giữ nguyên.
Nhiều ngân hàng thương mại đã mạnh tay tăng lãi suất huy động cho những kỳ hạn ngắn
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đã tăng 0,2%/năm, từ mức 4,6%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 2 tháng được tăng từ 4,6%/năm lên 4,8%/năm và kỳ hạn 3 tháng được tăng từ 4,9%/năm lên 5,2%/năm (tăng 0,3%/năm).
Riêng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 7,55%/năm mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay của Sacombank. Tuy nhiên, mức này chỉ áp dụng cho các món huy động mới với mức gửi tối thiểu 500 tỷ đồng.
Hòa chung vào xu hướng tăng lãi suất huy động, vừa qua, Ngân hàng BIDV cũng đã cho tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, với mức từ 0,3 - 0,8%. Riêng mức lãi suất huy động không kỳ hạn và các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên tiếp tục giữ nguyên.
Theo biểu lãi suất huy động đang áp dụng tại BIDV, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đã được tăng từ 4,0%/năm lên 4,8%/năm; kỳ hạn 2 tháng được tăng từ 4,3%/năm lên 5,0%/năm; kỳ hạn 3 tháng được tăng từ 4,7%/năm lên 5,0%/năm.
Liên quan đến câu chuyện điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì ổn định lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động bằng VND, kết hợp với điều chỉnh giảm trần lãi suất USD, đảm bảo duy trì chênh lệch hợp lý giữa lãi suất VND và lãi suất USD.
Để tạo điều kiện giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND, các tổ chức tín dụng trên cơ sở nhu cầu vốn của thị trường cân đối điều chỉnh giảm lãi suất cho vay so với trần quy định, điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng hợp lý để tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất.
Bước sang năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%).
Theo_VnMedia
Ngân hàng 'giành giật' khách hàng cuối năm Tuy mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) đã giảm so với trước đây, song trước áp lực chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhất là khi nhu cầu vốn của khách hàng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm tăng cao, các nhà băng vẫn ra sức cạnh tranh hạ lãi suất để giành thị phần tín dụng...