Vì sao IS liên tiếp chặt đầu con tin phương Tây?
Các quan chức ngoại giao và tình báo vẫn đang tìm cách lý giải động cơ của IS trong các vụ chặt đầu con tin liên tiếp.
Chỉ trong 3 tuần vừa qua, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã liên tiếp tung ra 3 đoạn video ghê rợn quay cảnh chặt đầu 3 con tin người Mỹ và người Anh mà chúng bắt được ở Syria. Trong cả 3 đoạn video này, điều dễ nhận thấy là cả 3 con tin xấu số đều tỏ ra bình thản một cách không ngờ trước cái chết đang chờ đợi mình.
Trong các đoạn video được IS tung lên YouTube, người xem có thể thấy rằng cả nhà báo Mỹ James Foley, Steven Sotloff và nhân viên cứu trợ người Anh David Haines đều rất bình tĩnh nói lời cuối cùng, trước khi tên sát thủ đứng đằng sau lạnh lùng cứa lưỡi dao vào cổ họ.
David Haines thể hiện sự bình thản đến dửng dưng trước khi bị chặt đầu
Có vẻ như ba nạn nhân xấu số trên đã bình thản chấp nhận số phận của mình, khiến nhiều người tin rằng hoặc là họ không biết điều gì sắp xảy ra, hoặc là sau một thời gian bị tra tấn, hành hạ trong nhà tù của IS, họ coi cái chết là một sự giải thoát nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những khổ đau mà họ phải chịu đựng trong tay bọn khủng bố.
Sau khi nhà báo Foley bị chặt đầu hồi tháng trước, những thông tin về ngày tháng khổ đau của anh và các con tin khác trong ngục tù của phiến quân IS đã được những người sống sót kể lại. Họ thường xuyên bị đối xử, đánh đập thậm tệ, và thậm chí còn bị đưa ra “hành quyết giả”.
Những người từng bị giam chung với Foley kể lại rằng anh là nạn nhân bị đối xử tồi tệ nhất, và những trận đòn tra tấn, đánh đập, bỏ đói xảy ra với anh như cơm bữa.
Các chuyên gia tình báo nghiên cứu cả 3 đoạn video trên cho rằng IS đã cố tình khắc họa một cách cẩn thận sự bình thản của các con tin như một thông điệp mà chúng gửi tới thế giới. Một chuyên giaan ninh nhận định: “Chúng muốn nói rằng chống cự là vô ích, chúng mạnh hơn chúng ta rất nhiều, và ý chí sớm hay muộn rồi cũng bị khuất phục”.
Video đang HOT
Phiến quân IS thường xuyên gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Iraq và Syria
Một số quan chức tin rằng các vụ chặt đầu trên được thực hiện theo cách mà các nạn nhân không ngờ tới. Một quan chức ngoại giao giấu tên nhận định 3 nạn nhân bị chặt đầu đều tưởng rằng đây là những vụ “hành quyết giả” như trước đây, điều đó giải thích cho thái độ bình thản đến dửng dưng của họ.
Ông Barak Barfi, người phát ngôn của gia đình nhà báo Sotloff cho hay những người từng bị IS bắt cóc và được giải cứu bằng tiền chuộc đã kể rằng bọn bắt cóc chuyên sử dụng những biện pháp đe dọa để khiến nạn nhân xuống tinh thần nhanh chóng.
Ông này nói: “Nếu đó là tôi, tôi sẽ chấp nhận số phận và muốn chấm dứt cơ ác mộng. Đó cũng chính là những gì tôi cảm thấy khi bị chiến đấu cơ ném bom ở ngoại ô Aleppo năm 2012. Tôi không sợ chết, mà chính điều bất an về số phận của mình mới làm tôi tê liệt”.
Theo ông Barfi, cả ba nạn nhân trong các vụ chặt đầu trên đều đã phải chịu đựng những nỗi thống khổ “không nói nên lời” khi chứng kiến những con tin khác cùng buồng giam được trả tiền chuộc và thả tự do. Điều đó khiến họ cảm thấy mình bị bỏ rơi, và nó được thể hiện rõ ràng trong những lời cuối cùng của họ.
Mỹ tăng cường chiến dịch không kích nhắm vào IS ở Iraq và Syria
Hiện IS được cho là đang giam giữ khoảng 10 con tin nước ngoài tại Raqqa, thành trì của Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Bọn chúng có một nhóm chuyên phụ trách sản xuất các đoạn video quay cảnh hành hình con tin, và sau đó được xử lý bằng phần mềm để che giấu tung tích trước khi tung lên mạng.
Tại sao IS lại nỗ lực đến vậy để “khoe khoang” những vụ giết người ghê rợn của mình vẫn là một vấn đề đau đầu đối với cộng đồng tình báo phương Tây.
Một số quan chức tình báo cho rằng những đoạn video này là một cách để cảnh báo kẻ thù của IS, đặc biệt là quân đội Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường chiến dịch không kích ở miền bắc Iraq và sẽ mở rộng chiến dịch sang Syria.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác tin rằng những vụ xử tử man rợ này được thực hiện để lôi kéo Mỹ vào một “cuộc chiến cuối cùng” với kẻ thù “truyền kiếp”, và việc Mỹ hay IS đang “tính toán sai lầm” trong nước cờ này là câu hỏi sẽ sớm có câu trả lời.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng những đoạn video chặt đầu trên đã làm dấy lên làn sóng dư luận ủng hộ chiến dịch quân sự mới của Mỹ ở Trung Đông, điều mà ông đã cố gắng né tránh trong suốt 6 năm qua.
Ông Obama cho rằng việc IS tung những đoạn video chặt đầu đầy ghê rợn trên là một “tính toán sai lầm”, và nhóm phiến quân này đã không lường trước được cách thức phản ứng tới đây của Mỹ.
Theo Khampha
Obama ra lệnh "đuổi cùng giết tận" khủng bố IS
Chiến lược do ông Obama công bố thể hiện quyết tâm tiêu diệt đến cùng phiến quân IS của nước Mỹ.
Ngày 11/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh mở rộng chiến dịch quân sự chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và cho phép tiến hành các cuộc không kích ở Syria để "đuổi cùng giết tận" nhóm khủng bố trong bối cảnh nước Mỹ đang kỷ niệm 13 năm ngày xảy ra vụ tấn công 11/9/2001.
Trong một bài phát biểu rất được mong đợi được phát vào "giờ vàng" trên truyền hình, ông Obama tuyên bố: "Mục tiêu của chúng ta rất rõ ràng: Chúng ta sẽ làm suy yếu và cuối cùng là tiêu diệt IS bằng một chiến lược chống khủng bố toàn diện và lâu dài".
Ông Obama trình bày chiến lược chống IS trước người dân nước Mỹ
Bài phát biểu dài 15 phút này đánh dấu sự thay đổi đột ngột trong quan điểm của Mỹ đối với IS, khi chỉ vài tháng trước đây, ông Obama không mấy coi trọng mối đe dọa của nhóm phiến quân này và thú nhận rằng Mỹ chưa có chiến lược chống lại IS.
Ông Obama nhấn mạnh rằng ông đang mở rộng chiến dịch quân sự chống IS từ Iraq sang Syria, và Mỹ sẽ dẫn đầu một "liên minh lớn" để tiêu diệt IS. Cho đến nay, các cuộc không kích của Mỹ vẫn chỉ giới hạn trong biên giới Iraq.
Obama khẳng định: "Tôi xin nói rõ rằng chúng tôi sẽ săn lùng những kẻ khủng bố đe dọa đến nước Mỹ, cho dù chúng đang ở đâu. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ không ngần ngại có hành động chống lại IS ở Syria cũng như ở Iraq".
Trước đó, các quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ rằng ông Obama đã cho phép quân đội Mỹ tiến hành các đợt không kích vào lãnh thổ Syria, tuy nhiên không nói rõ các cuộc không kích này sẽ được bắt đầu từ lúc nào.
Cũng trong bài phát biểu trên, ông Obama thông báo sẽ triển khai thêm 475 binh sĩ Mỹ tới Iraq, tuy nhiên lực lượng này sẽ không trực tiếp tham chiến trên chiến trường và cũng sẽ không đóng quân lâu dài ở Iraq.
Mỹ sẽ mở rộng các cuộc không kích vào phiến quân IS tại Syria
Mặc dù ra lệnh tấn công phiến quân IS trên lãnh thổ Syria, ông Obama cũng nhấn mạnh rằng Mỹ "không thể dựa vào chế độ của ông Bashar Assad" để chống lại những kẻ khủng bố, thay vào đó, Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh cho phe đối lập ở Syria để cân bằng sức mạnh với các phần tử cực đoan IS.
Bài phát biểu này được coi là nỗ lực đáng kể nhất của Tổng thống Obama trong việc giải thích chiến lược chống IS với người dân và kêu gọi sự ủng hộ của Quốc hội và cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch tấn công tiêu diệt IS.
Hiện vẫn chưa rõ các nghị sĩ Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước chiến lược chống IS mà ông Obama vừa trình bày trên truyền hình. Một số nghị sĩ đã yêu cầu phải đưa vấn đề không kích ở Syria ra bỏ phiếu trước Quốc hội, mặc dù Nhà Trắng tuyên bố rằng ông Obama hoàn toàn có quyền ra lệnh mở rộng không kích.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh người Mỹ ngày càng lo sợ về mối đe dọa khủng bố đến từ phiến quân IS, bài phát biểu này của ông Obama đã đánh dấu một quyết tâm mới của Mỹ trong việc đối phó với một trong những tổ chức Hồi giáo cực đoan bạo lực nhất thế giới.
Theo Khampha
Obama đã sẵn sàng tấn công tiêu diệt IS ở Syria Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Obama đã có đủ thẩm quyền để ra lệnh tấn công tiêu diệt IS ở Syria. Ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng ông đã có "đủ thẩm quyền cần thiết" để ra lệnh tấn công tiêu diệt các phần tử phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở...