Vì sao huyện vội vàng “vượt rào” xây biệt thự trên đất rừng?
Dù nhiều diện tích đất rừng chưa được chuyển đổi nhưng huyện Kon Plông (Kon Tum) đã vội vàng thực hiện dự án xây khu biệt thự.
Lãnh đạo huyện cho rằng, vì muốn thực hiện nhanh nên làm song song.
Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc được triển khai tại tổ 4, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Kon Tum với quy mô rộng 21,3 ha. Vào năm 2013, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đến năm 2030. Theo đó, khu vực trên dự kiến sẽ hình thành một khu dân cư mới ở phía Bắc với loại nhà ở dạng biệt thự.
Khu vực thực hiện dự án xây khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông.
Tháng 9/2019, HĐND huyện Kon Plông ban hành nghị quyết bổ sung danh mục và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khai thác quỹ đất Khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông với quy mô 21,3 ha. Trong đó, diện tích đất dự kiến sẽ phân lô, bán đấu giá là 3,99 ha, đất xây dựng cơ sở hạ tầng và đất khác 17,31 ha.
Đầu tháng 1/2021, UBND huyện Kon Plông có quyết định (QĐ) phê duyệt đồ án chi tiết (tỉ lệ 1/500) dự án trên sẽ thực hiện tại tổ dân phố 4, thị trấn Măng Đen (thuộc khoảnh 8, 13, 14, tiểu khu 483a). Tuy nhiên, đến tháng 2/2021, UBND huyện Kon Plông có Quyết định về việc công bố hiện trạng rừng năm 2020 và quyết định vào tháng 4/2021 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020 thì hiện trạng khu vực thực hiện dự án trên có 6,01 ha rừng (trong đó rừng tự nhiên 5,75 ha, rừng trồng 0,26 ha).
Dù một số diện tích đất rừng chưa được các cấp cho phép chuyển đổi nhưng huyện Kon Plông đã “vượt rào”.
Video đang HOT
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã lập đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp khu vực thực hiện dự án. Kết quả, khu vực thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất khu biệt thự phía bắc trung tâm huyện Kon Plông chỉ còn là đất trống, có cây gỗ rải rác.
Tháng 5/2021, UBND huyện Kon Plông có tờ trình gửi UBND tỉnh Kon Tum, Sở TN-MT và Sở NN&PTNT xin chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án trên. UBND huyện này nêu rõ hiện trạng đất là đất rừng sản xuất (nhưng không có rừng), đất chưa sử dụng, đất giao thông do UBND thị trấn Măng Đen quản lý. Tổng diện tích xin chuyển mục đích sử dụng đất là hơn 6,3 ha, trong đó diện tích đất xin chuyển sang đất ở đô thị là 3,9 ha, diện tích đất làm đường giao thông là 2,3 ha.
Các cây rừng trồng bị cắt hạ trong khi thực hiện dự án.
Do có sự khác nhau giữa hiện trạng rừng qua các thời điểm nhưng chưa được làm rõ nên Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đã trả lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện Kon Plông.
Dù chưa được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng UBND huyện Kon Plông vẫn tiến hành thực hiện xây dựng dự án.
Theo ghi nhận, hàng chục diện tích nằm trong quy hoạch đã được huyện Kon Plông san ủi để làm hệ thống đường giao thông, trồng cột điện, đèn chiếu sáng… Các tuyến đường nhựa đã được xây dựng hoàn chỉnh. Các ngọn đồi lớn cũng được phân ra làm các diện tích lớn nhằm mục đích xây biệt thự và thực hiện các hạng mục khác.
Dù một số hồ sơ chưa được tỉnh thông qua nhưng huyện Kon Plông đã xây dựng đường khang trang.
Trao đổi vấn đề này, ông Đặng Thanh Nam – Chủ tịch UBND huyện Kon Plông – thông tin, từ năm 2013, Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, khi quy hoạch 3 loại rừng, đơn vị tư vấn không đi thực địa cụ thể nên mới để diện tích này là rừng, thực tế trên diện tích này cũng là đất trống.
“Việc thực hiện dự án cũng muốn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện song song vì thời tiết ở đây đa số là mưa nhiều, sợ chậm tiến độ. Hiện nay, huyện đã có tờ trình gửi cơ quan có thẩm quyền để xin chuyển mục đích sử dụng đất trong dự án trên. Đối với các cây gỗ trồng hoặc cây gỗ tự nhiên, huyện đã giao cho công ty lâm nghiệp tiến hành hoàn thành các thủ tục đấu giá theo quy định”, ông Nam cho biết.
Trước những sai phạm đó, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc xác minh, làm rõ.
Trước thông tin trên, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Kon Plông tạm dừng triển khai thi công dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía bắc trung tâm huyện.
Thanh tra tỉnh Kon Tum cũng vừa có Quyết định số 19/QĐ-TTr về việc thanh tra toàn diện Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía bắc trung tâm huyện Kon Plông. Đoàn sẽ thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi thực hiện dự án. Thời gian thực hiện thanh tra là 45 ngày kể từ ngày có quyết định.
Kon Tum: Làm rõ dấu hiệu sai phạm để vợ Bí thư Thành uỷ có đất 4 mặt tiền
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND TP.Kon Tum có dấu hiệu cố ý làm trái công tác về quy hoạch, quản lý đô thị để bà Nguyễn Thị Ánh, vợ Bí thư Thành uỷ Kon Tum năm 2011, có lô đất hiện nay 4 mặt tiền với lợi thế đặc biệt.
Liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Kon Tum, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài sai phạm về giao đất không qua đấu giá, còn có nhiều sai phạm khác liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; cấp phép xây dựng; quản lý trật tự xây dựng.
Năm 2021, TP.Kon Tum dính lùm xùm xây 5 cổng chào trái phép. Ảnh ĐỨC NHẬT
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đánh giá, trên địa bàn TP.Kon Tum, việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị còn tùy tiện, vi phạm luật Quy hoạch đô thị.
Việc cấp phép xây dựng còn vi phạm luật Xây dựng 2014, còn buông lỏng quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật; công dân sử dụng đất sai mục đích, cho Công ty Cổ phần Trường Long đổ thải trái pháp luật.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho rằng, UBND TP.Kon Tum có dấu hiệu cố ý làm trái quy định, làm đường sai vị trí để thửa đất của bà Nguyễn Thị Ánh (vợ Bí thư TP.Kon Tum) có 4 mặt tiền.
Theo Thanh tra Chính phủ, bà Nguyễn Thị Ánh có chồng là Bí thư Thành uỷ TP.Kon Tum thời điểm 2011, được cấp thửa đất có diện tích 3.739,9 m 2, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển quỹ đất của dự án làm đường Quy hoạch P.Ngô Mây, TP.Kon Tum.
Theo đề nghị của UBND P.Ngô Mây tại Tờ trình số 10/TTr-UBND 12.4.2010 và Tờ trình số 45/TTr-UBND ngày 29.12.2010, UBND TP.Kon Tum đã ban hành Quyết định số 6738/QĐ-UBND ngày 9.9.2010 về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đường quy hoạch số 3 và Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 13.6.2011 về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình đường quy hoạch số 2 và các tuyến đường giao thông nội bộ số 4, 8, 9, 11, 12 P.Ngô Mây.
Với chủ trương xây dựng tuyến đường theo quy hoạch P.Ngô Mây để tạo quỹ đất đấu giá nhưng UBND TP.Kon Tum không thu hồi đất lô đất của bà Nguyễn Thị Ánh theo chủ trương đã được duyệt, mà thực tế bà Ánh được sử dụng đất và hưởng lợi từ việc đầu tư tuyến đường (số 2 và số 3) hình thành lên thửa đất có 2 mặt tiền.
UBND TP.Kon Tum ban hành Quyết định số 2661/QĐ-UBND ngày 13.6.2011 phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình đường P.Ngô Mây, trong đó vị trí đường số 11, 12 sai vị trí (tuyến đường số 11 theo quy hoạch nằm cách vị trí hiện tại 21 m về phía đông nam; tuyến đường số 12 theo quy hoạch nằm cách vị trí hiện tại 70 m về phía tây bắc) so với đồ án Quy hoạch xây dựng khu vực của UBND tỉnh Kon Tum nhưng UBND TP.Kon Tum vẫn ban hành các quyết định thu hồi diện tích 280,5 m 2 của bà Nguyễn Thị Ánh để làm đường giao thông, là thể hiện sự tùy tiện, tạo điều kiện để thửa đất của bà Ánh có 4 mặt tiền như hiện trạng hiện nay với vị trí, lợi thế đặc biệt.
Mặt khác, khi tính tiền sử dụng đất để chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở, theo quy định, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích 500 m 2 là 159 triệu đồng; thực tế, cơ quan thuế tính tiền sử dụng với số tiền 35 triệu đồng là sai, tính thiếu tiền, cần phải yêu cầu bà Ánh nộp bổ sung 124 triệu đồng về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm chính để xảy ra các vi phạm về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; thủ trưởng, các sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Cục thuế tỉnh; Thành ủy TP.Kon Tum... và kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan.
Dưới những cánh rừng già của Đồng Nai đang có một "kho báu" khổng lồ, khai thác tốt rừng vẫn xanh dân lại có tiền Với tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp lớn, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang tập trung xây dựng các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và du lịch sinh thái. Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp dưới tán rừng Báo cáo tại Hội nghị Liên kết chuỗi phát...