Vì sao hơn 10.000 tấn cam Hà Giang rụng nát tơi tả, có được hỗ trợ khôi phục sản xuất?
Khoảng 1 tuần nay nhiều hộ trồng cam ở Hà Giang “méo mặt” vì cam ồ ạt rụng. Có vườn cam rụng tới 70% số lượng. Dự báo, vài ngày tới cam tiếp tục rụng.
Theo Sở NN-PTNT Hà Giang, huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình là 2 địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Trong đó, huyện Bắc Quang là 7.000 tấn và huyện Quang Bình khoảng 1.200 đến 1.300 tấn. Nhiều HTX và các nhà vườn diện tích bị thiệt hại lên đến 70%.
Tỉnh Hà Giang bị thiệt hại gần 10.000 tấn cam do thiên tai. Ảnh: Đào Thanh.
Tại vùng trồng cam sành của HTX Anh Tài, huyện Bắc Quang tỷ lệ rụng bình quân ước khoảng 41%, tổng số lượng cam bị rụng ước đạt 590 tấn. Tại vùng trồng cam sành của HTX cam VietGAP Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỷ lệ rụng bình quân ước khoảng 25%, số lượng cam bị rụng khoảng 212 tấn.
Tại vùng trồng cam sành của HTX dịch vụ nông nghiệp Giàn Thượng, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang tỷ lệ rụng bình quân ước khoảng 28%, số lượng cam bị rụng khỏang 467,4 tấn…
Xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Xã có 10/10 thôn trồng cam đều bị rụng vàng cả vùng đồi. Trong đó những thôn Vĩnh Sơn, Vĩnh Thành, Vĩnh Chúa, Vĩnh Xuân, Vĩnh Tâm là địa phương bị thiệt hại nặng nhất.
Hiện toàn xã có 570 ha cam, trong đó diện tích cam sành được chứng nhận VietGAP là 445,6 ha; diện tích cam cho thu hoạch là 544,94 ha, năng suất đạt 12 tấn/ha; sản lượng đạt 6.539 tấn. Đến nay, xã đã tiêu thụ được 1.200 tấn/6.539 tấn đạt, 18,3%.
Nhiều nhà vườn mất tới 70% lượng quả. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Hoàng Hải Chư, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang cho biết, do ảnh hưởng mưa đá ngày 1 tết và mưa kéo dài, đặc biệt là ảnh hưởng 2 trận mưa rào đêm ngày 10/2 trên địa bàn xã Vĩnh Phúc đã làm rụng khoảng trên 1.919 tấn cam. Thiệt hại này đã gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ dân trên địa bàn. Chính quyền đã cử cán bộ đến thôn để thống kê thiệt hại và gửi báo cáo nên cấp trên.
Thôn Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang) có 150 ha cam, trong đó 90% đã cho thu hoạch. Người dân hầu như chưa thu hoạch vì không có thương lái thu mua. Khoảng 1 tuần nay, các vườn cam ồ ạt rụng. Nhiều vườn cam rụng đầy đường, lấp đầy các khe núi. Có vườn rụng khoảng 50 tấn cam.
Video đang HOT
Cán bộ ngành nông nghiệp Hà Giang đến kiểm tra thực tế thiệt hại tại các nhà vườn. Ảnh: Đào Thanh.
Ông Lê Văn Hải, Trưởng thôn Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Phúc cho biết, thôn có 76 hộ trồng cam, trong đó có 50 hộ bị thiệt hại, tổng sản lượng ước khoảng 500 tấn. Người dân trong thôn quanh năm chỉ dựa vào cây cam phát triển kinh tế. Nhiều hộ vay tiền ngân hàng để đầu tư trồng cam, nhưng thời tiết thế này nhiều hộ “khóc dở, mếu dở” vì cam.
Gia đình ông Vũ Văn Sỹ, thôn Vĩnh Tâm, xã Vĩnh Phúc có 3.000 gốc cam 10 năm tuổi và đã cho thu hoạch. Những vụ trước, vườn cam của gia đình ông thường cho thu hoạch khoảng hơn 20 tấn. Vụ năm nay, từ đầu vụ đến nay gia đình ông vẫn chưa thu hoạch. Với tổng số lượng cam rụng ước tính khoảng 70% diện tích, giá trung bình 8.000 đồng/kg, gia đình ông thất thu hơn 100 triệu đồng.
Nhiều cây cam trước đây trũi quả nay chỉ còn lác đác vài quả. Ảnh: Đào Thanh.
Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Vũ Văn Sỹ, gia đình ông Mai Thanh Nhạn cùng thôn có 10 ha cam, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Vụ này dự kiến được thu khoảng 40 tấn cam. Thế nhưng chỉ trong vài ngày, vườn cam bị rụng, dập nát chỉ còn khoảng 1/4 số lượng cam còn lại trên cây.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang, cho biết, trên địa bàn tỉnh có thực trạng này. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do năm nay thời tiết mưa liên tục kéo dài. Hơn nữa cam giai đoạn này đều đến vụ chín cuối vụ nên cam rụng đồng loạt. Sở đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại và tìm hiểu bản chất sự việc.
Đường lên các vườn cam phủ vàng bởi cam rụng. Ảnh: Đào Thanh.
Qua kiểm tra thực tế của ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang cho thấy, dù dự báo trong ngày 13-14/2 thời tiết không mưa nhưng dự báo tỷ lệ cam rụng vẫn tiếp diễn.
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cũng đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo các chủ vườn khẩn trương dọn sạch toàn bộ số quả cam bị rụng ra khỏi khu vực vườn và đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm sau đó vùi lấp kín để tránh ảnh hưởng đến môi trường; thu hoạch theo hình thức tỉa quả theo cây để tránh gây áp lực về dinh dưỡng; thống kê cụ thể các hộ bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.
Theo Đào Thanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Yên Bái: Nước Ngập cây trái trĩu cành sau "cơn sốt" đá đỏ
Từ vùng đất chỉ thấy tệ nạn, rừng núi bị chặt phá, đất đai bị đào sới nham nhở sau "cơn sốt" đá đỏ những năm đầu thập niên 90, giờ đây, Nước Ngập (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã được hồi sinh với những vườn cam trĩu quả.
Nậm Ngập - dịch nghĩa sang tiếng Việt có nghĩa là Nước Ngập. Vùng đất Nước Ngập là một dải núi thuộc địa bàn thị trấn Yên Thế và một số xã vùng lân cận.
Những năm đầu thập niên 90, trên các bãi đá quý như bãi Chuối, bãi Dây, bãi Thái, bãi Giữa, bãi Mường Lai... hằng ngày luôn có hàng nghìn người lên đào đá đỏ, tìm kiếm ruby...Từng đoàn người kéo đến và đi để lại những "vết thương" cho núi rừng.
Nhưng cũng chính những con người đã từng một thời đi tìm kiếm sự đổi đời ấy đã trở lại vùng đất năm xưa, hồi sinh mảnh đất Nước Ngập chằng chịt "vết thương" sau "cơn sốt" đá đỏ.
Những vườn cây ăn quả đã giúp hồi sinh vùng đất hoang ngày nào.
Đi theo con đường bê tông vắt ngang triền núi, PV Dân Việt đến với vùng đất Nước Ngập. Không còn là vùng đất hoang sơ ngày nào, Nước Ngập giờ đây hiện ra với những vùng cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những người đầu tiên quay lại Nước Ngập sau "cơn sốt" đá đỏ, đến giờ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn nhớ như in chuỗi ngày gian khổ ấy. Đó là năm 1999, vợ chồng ông bà khăn gói quả mướp, mang theo vài cái xoong, cái bát, một số ít vật dụng sinh hoạt rời trung tâm thị trấn lên Nước Ngập. Chẳng còn suy nghĩ tìm kiếm đá đỏ, vợ ông cùng nhiều người khác lên đây với mong muốn phát triển kinh tế, khôi phục lại Nước Ngập.
Ông Dũng nhớ lại: "Lúc đi ai cũng can ngăn, kể cả anh em họ hàng. Họ nói đá đỏ còn chưa làm đổi đời được, lên bãi đất hoang đó thì có mà chết rũ xương". Thế nhưng, vợ chồng ông vẫn quyết tâm lên đây. Dựng được căn lều nhỏ, ông bà bắt tay dọn từng bụi lau, san lấp các hố đá đỏ, tra cây ngô, cây sắn, nuôi thêm con gà, con lợn.
Dưới bàn tay tần tảo chăm sóc của ông bà, ngô, sắn tươi tốt và cho năng suất cao. Có đủ cái ăn, ông bà lại tiếp tục tìm tòi trồng các giống cây ăn quả mở hướng làm giàu. Năm 2014, ông chuyển đổi trên 5ha sang trồng các giống cam quýt và cây ăn quả có múi cho hiệu quả, năng suất cao.
Từ các loại cây ăn quả này, mỗi năm gia đình ông Đỗ Đình Tú thu về được hơn 400 triệu đồng.
Cách đây 4 năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Nước Ngập thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả có múi, gia đình ông Đỗ Đình Tú (khu Nước Ngập, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây không mang lại hiệu quả kinh tế sang cây ăn quả. Đến nay gia đình có hơn 1,5ha cam Vinh, cam đường canh, phật thủ. Từ các loại cây ăn quả này, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng.
Ông Tú chia sẻ: "Nhờ trồng cam mà gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Trước đây, toàn bộ diện tích vườn của gia đình cũng chỉ trồng ngô, sắn, chuối hiệu quả kinh tế thấp. Hiện gia đình tôi không chỉ tập trung chăm sóc cam, mà còn phát triển thêm diện tích để trồng cây phật thủ, nhiều loại cây sẽ hạn chế rủi ro hơn."
Cũng đã từng có khoảng thời gian tìm vận may từ ruby ở vùng đất này, đến khi cả thung lũng bị "xới đi xới lại", ruby chẳng còn, vận may chẳng có, gia đình ông Đỗ Văn Chiến đã chuyển đổi ngay sang trồng cây ăn quả ở bãi Nước Ngập. Hiện gia đình ông Chiến có 100 gốc cam đường canh, năm nay giá cam bán tại vườn được 20.000 đồng/kg, dự kiến thu về được khoảng gần 200 triệu đồng.
Ông Chiến cho biết: "Đối với bà con ở Bãi Nước ngập, trước đây khi nói đến vài chục triệu đồng cũng chẳng ai dám nghĩ tới, nhưng nay những hộ trồng cam, mỗi năm thu về ít nhất cũng phải được từ 100 triệu đồng trở lên."
Những vườn cam ngọt trên Nước Ngập
Hiện nay, khu Nước Ngập (thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) có 34 hộ dân. Hầu hết các hộ dân đều là những người từng đến khai thác đá đỏ tại đây. Sau khi ruby hết, những hộ dân này đã làm nương tại chỗ, trồng cây sắn, cây ngô. Tuy nhiên qua thời gian, những loại cây trồng này ít có hiệu quả kinh tế, đặc biệt do đường giao thông đi lại khó khăn nên để phát huy lợi thế đất đai gặp nhiều khó khăn.
Thấu hiểu nỗi khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện bê tông hóa 1,5km con đường độc đạo lên Nước Ngâp, điện lưới Quốc gia cũng kéo về đến trung tâm khu dân cư. Có điều kiện thuận lợi hơn, các hộ dân đã yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển các loại cây không đem lại hiệu quả kinh tế sang trồng cây ăn quả.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Viết Đại, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết, hiện nay thị trấn Yên Thế đang tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó vùng Nước Ngập là khu vực trọng tâm phát triển. Toàn thị trấn Yên Thế có 44ha cây ăn quả có múi, trong đó riêng ở Bãi Nước ngập đã có 35ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Theo Danviet
Chăm lo nhiều hơn đến đời sống bà con vùng sâu, vùng xa Sáng 11/1, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cùng đoàn đại biểu đã đến thăm và tặng quà Tết cho hộ nghèo, cộng đồng nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tại thôn Chu Thượng, xã Tân Lập, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Cùng đi với đoàn có ông Vàng Seo Cón, Chủ tịch Ủy ban...