Vì sao Hoa hậu Việt mãi đứng “mấp mé” với thế giới?
Sự thiếu chuyên nghiệp và quy trình tuyển chọn đại diện Hoa hậu quốc gia lỏng lẻo đã dẫn đến tình trạng chúng ta mãi làm kẻ “ăn ké” niềm vui của người chiến thắng.
Nhan sắc Việt chưa một lần đăng quang ngôi vị cao nhất của đấu trường sắc đẹp quốc tế trong suốt chục năm hòa nhập với thế giới. Thỉnh thoảng chúng ta có mặt “cho vui” ở các Top 15, 16 để rồi sau đó vài phút cũng bị loại khi những danh sách quan trọng hơn được gọi tên như Top 10 và vòng thi ứng xử. Tuy nhiên, có một chuyện khá vui là đại diện Việt Nam luôn có mặt bên cạnh các Tân Hoa hậu trên khắp các mặt báo hôm sau vì… nhanh chân chen lên chụp ảnh cùng. Nếu người dễ dãi, người ta gọi đây là “Hoa hậu Việt Nam siêng năng quảng bá hình ảnh đất nước”, còn nếu người khắt khe, người ta gọi “Hoa hậu Việt Nam đang đóng vai trò người “ăn ké chiến thắng” và đứng mấp mé để lên hình”.
Việt Nam mãi là người “mấp mé” với chiến thắng?
Ví dụ trên đây khá đúng với thực tế hiện nay: khán giả Việt đã quá ngán ngẩm với những lần thất bại liên tục của nhan sắc Việt. Chúng ta không đổ lỗi cho các người đẹp đi thi, vì họ đều cố gắng bằng hết khả năng của mình. Có đổ lỗi có lẽ là do chúng ta thiếu sự đào tạo chuyên nghiệp và quy trình tuyển chọn Hoa hậu cấp quốc gia quá dễ dãi.
Tuyển chọn Hoa hậu: Hên xui!
Video đang HOT
Đã từng có giai đoạn các cơ quan nhà nước đã phải lên tiếng vì số lượng cuộc thi nhan sắc tổ chức ra quá thừa thãi và đủ thể loại trên trời dưới đất. Điều đó làm cho ta cứ tưởng Việt Nam là đất nước “ngàn hoa” đua sắc nên phải tổ chức nhiều cuộc thi để “vớt” hết người đẹp. Tuy nhiên, thực chất là do ánh hào quang của danh hiệu Hoa hậu trong showbiz quá lớn nên khiến cho các cuộc thi trở nên “hot” với giới trẻ.
Những trường hợp Hoa hậu chọn rồi mới phát hiện có phông văn hóa thấp như chưa có bằng tốt nghiệp, Hoa hậu đi thi để lấy danh… bán dâm hay Hoa hậu thi xong để dễ dàng… đi hát, đi đóng phim ngày càng phổ biến. Không loạn sao được khi ngay cả những cuộc thi Hoa hậu mang tính chất quốc gia như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam cũng đầy rẫy vấn đề. Sự dễ dãi trong khâu chọn lựa đã dẫn đến chất lượng các đại diện quốc gia ngày càng “không đảm bảo chất lượng”.
Trường hợp Hoa hậu Thùy Dung đăng quang xong mới vỡ lỡ chưa tốt nghiệp là một trường hợp điển hình cho việc “lựa chọn hên xui” này của các tổ chức thẩm định nhan sắc. Việc này vừa gây bối rối cho Thùy Dung (vì không được duyệt đi thi quốc tế), vừa gây tai tiếng cho nhan sắc của một quốc gia. Những ứng cử viên thấp hơn đã phải được lựa chọn để thay các Hoa hậu chọn sai này, chúng ta buộc phải xài “phương án back-up” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự tin cử Hoa hậu đi thi nếu ngày từ đầu lựa chọn nghiêm túc.
Không phải người đẹp nào cũng được đánh giá cao về học vấn như Mai Phương Thúy
Hoa hậu Việt đa số còn rất yếu kém về vấn đề ngoại ngữ
Vấn đề ngoại ngữ cũng nên được cân nhắc là điều kiện tiên quyết đối với các cuộc thi quốc gia sau này vì đa số các ứng viên Việt Nam mất điểm do không trôi chảy trong vấn đề giao tiếp quốc tế. Những gương mặt rất đẹp của Việt Nam như Diễm Hương, Hương Thảo đều bị mất điểm đầy đáng tiếc khi… mở miệng nói tiếng Anh. Ngay cả Thu Thảo, Hoa hậu Việt Nam được nhiều người ưng ý nhất cho đến nay vẫn “không dám” đi thi quốc tế do e ngại vấn đề ngoại ngữ. Lịch sử ghi nhận những Hoa hậu có vốn tiếng Anh vững vàng như Mai Phương, Mai Phương Thúy, Hương Giang đều có mặt trong vòng bán kết của Miss World – thành tích cao nhất của chúng ta cho đến nay.
Huấn luyện Hoa hậu: Cầm chừng!
Chúng ta không chiến thắng và hơn phân nửa thế giới không đấu lại được với Venezuela, Mỹ, Pueto Rico, Philipiness là do quy trình đào tạo và huấn luyện không chuyên nghiệp bằng họ. Tuy nhiên, đây không phải là lí do để nhan sắc Việt mãi đem ra để biện minh cho sự thất bại liên tiếp. Tất cả các quốc gia khi chọn được Hoa hậu đều vận động mọi nguồn lực để “hóa phép” cho Hoa hậu họ càng hoàn hảo.
Còn tại Việt Nam, các chế độ đãi ngộ cho nhan sắc quốc gia vẫn chưa đủ đề các Hoa hậu đổ công sức ra trao dồi. Những khoa huấn luyện cấp tốc dành cho đại diện Việt Nam sau khi được Cục nghệ thuật duyệt đều chỉ có tác dụng… PR cho các nhãn hàng tài trợ cho Hoa hậu chứ không thể giúp các Hoa hậu có thể hình chuẩn quốc tế, phong thái chuyên nghiệp hay nói “tiếng Anh như gió” được.
Khán giả Việt cũng “hô hào ủng hộ” các đại diện nhan sắc khi đi thi quốc tế nhưng ngay sau đó họ cũng đủ sự lạnh lùng để quay lưng khi Hoa hậu không giành được thành tích như kỳ vọng. Hoa hậu Ngô Phương Lan – nhan sắc được kì vọng rất cao vì có tri thức thuộc hàng bậc nhất trong lịch sử nhan sắc Việt cũng đã nhanh chóng từ chối 2 lời mời liên tiếp tham dự Miss World vì không cảm thấy mặn mà và đủ dũng cảm để hi sinh việc học và công việc bản thân.
Kết
Sự kì vọng dành cho Trương Thị May và hụt hẫng rất nhanh sau đó của chúng ta khi cái tên cuối cùng Top 16 Miss Universe 2013 được công bố mà không thấy Việt Nam đã là lời cảnh báo cho vị trí của nhan sắc Việt so với thế giới. Đấu trường nhan sắc không chỉ là cuộc đua đơn giản gồm các số đo 3 vòng hay gương mặt mà nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác. Một quốc gia nghiêm túc lựa chọn một Hoa hậu hoàn hảo, nghiêm túc huấn luyện một Hoa hậu đa tài thì người dân quốc gia này mới cảm thấy “đỡ bấp bênh” khi Hoa hậu của họ ra “chiến đấu” tại đấu trường sắc đẹp.
Theo Trithuctre