Vì sao Hàn Quốc phản ứng “lạ” chưa từng có với Triều Tiên?
Sau vụ thử hạt nhân gây ngỡ ngàng hồi tháng 9 vừa rồi của Triều Tiên, Hàn Quốc đã có phản ứng kỳ lạ chưa từng có và đằng sau phản ứng này báo hiệu một nguy cơ cực kỳ đáng sợ đối với bán đảo Triều Tiên.
Ảnh minh họa
Trước khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân hôm 9/9, đã có nhiều thông tin đồn đoán về việc này nhưng khi nó xảy ra, cộng đồng quốc tế vẫn hoàn toàn bất ngờ. Mọi người càng choáng váng hơn khi sức nổ của vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên đạt mức mạnh nhất từ trước đến nay với ước tính là 10 kiloton. Thậm chí nhiều nguồn tin khẳng định, sức nổ phải là 20 đến 30 kiloton. Chi tiết này phản ánh tốc độ phát triển chương trình hạt nhân nhanh chóng của Bình Nhưỡng và nó khiến cộng đồng quốc tế càng thêm lo ngại.
Trong những năm gần đây, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định khác nhau về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, họ đều có chung một quan điểm là Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trên con đường chinh phục vũ khí hạt nhân và mối đe dọa từ nước này đang ngày càng tăng lên.
Năm nay là năm ghi nhận Triều Tiên xác lập kỷ lục về số lượng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng, Bình Nhưỡng đã thực hiện 17 vụ phóng tên lửa đạn đạo, bắn đi 30 loại tên lửa, rocket khác nhau và tiến hành 2 vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ thử mới nhất và mạnh nhất hôm 9/9 mới đây. Điều đáng nói là khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm, người ta phát hiện Triều Tiên vẫn đang chuẩn bị cho ít nhất 3 vụ thử hạt nhân. Tin đồn cũng đang rộ lên về việc Bình Nhưỡng sẽ thực hiện thêm một vụ thử hạt nhân mới vào ngày 9/10 tới để kỷ niệm 10 năm ngày nước này lần đầu tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân.
Những con số gây ấn tượng trên không chỉ thể hiện quyết tâm phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên mà còn cho thấy những bước tiến nhanh và mạnh của Bình Nhưỡng trên con đường chinh phục công nghệ tên lửa, hạt nhân.
Giới chuyên gia quân sự tin rằng, với tốc độ phát triển tên lửa và hạt nhân như hiện nay của Triều Tiên, nước này có thể triển khai những loại vũ khí hạt nhân mạnh hơn và nguy hiểm hơn trong thời gian sớm hơn mọi dự đoán trước đó. Diễn biến này đang khiến rất nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, lo ngại. Họ tin rằng, chưa lúc nào, mối đe dọa từ tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên lại hiển hiện rõ ràng như lúc này.
Phản ứng “lạ” của Hàn Quốc và nguy cơ đáng sợ
Hàn Quốc rõ ràng là nước lo ngại nhất bởi họ bị đe dọa trực tiếp bởi chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Lâu nay, Seoul vẫn còn tỏ ra kiềm chế, điềm đạm nhưng sau vụ thử hạt nhân hôm 9/9 vừa rồi, Hàn Quốc đã khiến nhiều người choáng váng với phản ứng mạnh mẽ một cách bất thường. Seoul tuyên bố đã sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất và đe dọa sẽ biến Bình Nhưỡng thành “đống tro tàn”. Chưa dừng lại ở đó, Hàn Quốc đang lên kế hoạch mua thêm hàng chục chiến đấu cơ tàng hình tối tân thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ để đối phó với Triều Tiên đồng thời quyết định để Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD đến triển khai trên lãnh thổ của họ. Hàn Quốc tuyên bố họ đã chuẩn bị sẵn các biện pháp để có thể biến Bình Nhưỡng – thủ đô của Triều Tiên – thành “đống tro tàn”, bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới nếu chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có kế hoạch thực hiện một vụ tấn công hạt nhân.
Hàn Quốc cũng công khai việc họ lập hẳn một đội quân tinh nhuệ để chuẩn bị sẵn cho kịch bản lật đổ chính quyền ông Kim Jong Un bằng vũ lực.
Đằng sau phản ứng mạnh mẽ một cách bất thường nói trên của Seoul là một viễn cảnh thực sự đáng sợ. Seoul rất có thể nôn nóng muốn ra tay phá hủy chương trình hạt nhân của nước láng giềng và vì thế có thể hành động. Chỉ một động thái nhỏ lúc này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh bùng lên trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài nguy cơ xung đột vũ trang, nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí, đặc biệt là vũ khí hạt nhân trong khu vực cũng đang hiện lên. Một số nhà phân tích thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Seoul tự phát triển năng lực hạt nhân độc lập của riêng mình để đối phó với nước láng giềng kế bên. Cùng với đó, không ít tiếng nói đã cất lên thúc giục Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đến khu vực.
Theo Vnmedia