Vì sao Hà Nội trồng lát hoa thay gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh?
Tại các cuộc hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia cân nhắc 5 loại cây (sấu, dầu rái, sao đen, hương vươn, lát hoa) để trồng thay thế gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trong số đó, lát hoa sẽ là cây trồng chủ đạo.
Ngày 30/7, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về việc thay thế, trồng mới cây xanh lấy bóng mát trên đường Nguyễn Chí Thanh. Chi phí trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh do Công đoàn Công an Thành phố Hà Nội đóng góp.
“Chọn cây khác, đến mùa xuân mới trồng được”
Chia sẻ với báo chí GS.TS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội cho biết, các chuyên gia đã tranh luận rất kỹ phương án lựa chọn loại cây nào trồng thay thế cây gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh phù hợp nhất. Từ các loại cây xanh đô thị được đưa ra, các nhà khoa học lựa ra 5 cây chính như sấu, dầu rái, sao đen, hương vườn, lát hoa.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, cây lát hoa đang được trồng ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội
Vấn đề đặt ra, trong 5 loại cây đó, cây nào đẹp nhất, sinh trưởng tốt nhất khi trồng vào thời điểm hiện nay. Từ đặc tính dễ trồng, sinh trưởng tốt, lại có tán rộng, thân thẳng, ít bị mối mọt và chống chịu được mưa bão, các nhà khoa học, chuyên gia đã chọn lát hoa làm cây trồng chủ đạo trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo GS.TS Vũ Hoan, nếu lựa chọn các cây khác thì phải đến mùa xuân mới trồng được. Ông Hoan cũng hy vọng từ nay đến cuối năm cây, hàng cây lát hoa trên đường Nguyễn Chí Thanh sẽ tươi tốt.
“Chúng tôi phải bàn bạc, cân nhắc rất kỹ, sau đó mới lựa chọn cây lát hoa. Tôi đảm bảo, thời điểm này, trồng lát hoa là phù hợp nhất để đến mùa xuân chúng ta sẽ có hàng cây đẹp trên đường Nguyễn Chí Thanh. Hiện nay, bên công an cũng chuẩn bị đầy đủ cây giống để trồng lại”, GS. TS Vũ Hoan nói.
Video đang HOT
TS. Đặng Văn Hà – Viện phó Viện Kiến trúc và Cảnh quan nội thất (Đại học Lâm nghiệp) cũng cho biết, trồng cây lát hoa trên đường Nguyễn Chí Thanh thời điểm này là đảm bảo yêu cầu, phù hợp với môi trường sinh thái của Hà Nội. Ngay từ năm 2009, cây lát hoa đã được trồng chủ đạo hai bên Đại lộ Thăng Long. Đến nay, hàng cây được trồng dọc Đại lộ này mọc rất đẹp.
Theo TS. Hà các loại cây nhiệt đới được trồng vào mùa xuân có tỷ lệ sống cao hơn các mùa khác, ngay kể cả cây lát hoa. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng, cây lát hoa cũng có thể trồng được vào thời điểm hiện nay. Để đảm bảo cây lát hoa sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao, TS. Hà cho biết, đơn vị này đã đưa ra những giải pháp kỹ thuật cụ thể, đặc biệt là nguồn cây giống được lựa chọn rất kỹ càng.
“Trừ trường hợp mưa bão cả tháng, còn nếu điều kiện bình thường, tôi nghĩ trồng cây lát hoa vào tháng 8 cũng đảm bảo yêu cầu để cây sinh trưởng tốt”, TS. Hà khẳng định.
Thay thế toàn bộ gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh
TS. Đặng Văn Hà – Viện phó Viện Kiến trúc và Cảnh quan nội thất cũng cho biết, khi nhận được yêu cầu từ Hà Nội, đơn vị này đã đi khảo sát toàn bộ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh. Đại diện Viện này xác nhận hiện còn 9 loại cây sinh trưởng trên đường Nguyễn Chí Thanh, trong đó có những cây sinh trưởng tốt, cây sinh trưởng kém và cây cần phải thay thế.
Hà Nội sẽ thay thế toàn bộ cây gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh
Với những cây hoa sữa còn lại trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, TS. Hà đánh giá, những cây này đang sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, hoa sữa có nhược điểm vào mùa thu ra hoa nhiều, mùi rất đậm, hắc, gây khó chịu cho người dân sống trong khu vực.
“Quan điểm của chúng tôi khi thay thế cây trên đường Nguyễn Chí Thanh là tập trung vào các loại cây sinh trưởng kém, bị sâu mục. Còn với cây hoa sữa thì nếu có thay thế, đề nghị phải có lộ trình cụ thể”, TS. Hà nói rõ.
Đối với cây gỗ mỡ, TS. Hà cho biết, trong quá trình trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh, do những tác động khác nhau nên có một số cây bị chết hẳn, một số cây đã ra chồi nhưng sinh trưởng kém. Do vậy, toàn bộ cây gỗ mỡ trên tuyến đường này sẽ được trồng thay thế bằng 247 cây lát hoa.
Ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sẽ trồng thay thế để đồng bộ cây trên đường Nguyễn Chí Thanh nhưng sẽ phải thực hiện theo lộ trình. Trước mắt chỉ thay thế các cây mỡ trên đường này bằng cây lát hoa. Những cây gỗ mỡ còn sống sẽ được đánh về vườn ươm.
Theo ông Phong cây được trồng mới phải thực hiện theo đúng quy trình. Mặt khác, việc trồng cây trong thời điểm này cũng phải thực hiện chống chằng, thoát nước tốt hơn. Hiện cây, lát hoa vừa qua được triển khai trồng ở 1 số đường Trần Phú, Kim Mã, Nguyễn Thái Học… sinh trưởng tốt, tạo cảnh quan đẹp cho Thủ đô.
Cây lát hoa là cây gỗ lớn, cao tới 30m, có đường kính khoảng 80cm. Loài cây này, có thân thẳng, tán rộng hình cầu, lá non có màu đỏ. Ngoài ra, cây lát hoa còn mọc rất nhanh, gỗ tốt, ít bị mối mọt vào chống chịu được mưa bão.
Quang Phong
Theo dantri
Từ 1/8 Hà Nội sẽ trồng lại cây trên đường Nguyễn Chí Thanh
Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết, từ ngày 1/8, sẽ trồng thay thế cây gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo kế hoạch có 5 loại cây gồm sấu, dầu rái, sao đen, hương vườn, lát hoa được trồng mới trên tuyến đường này.
Tại cuộc họp báo sáng nay, 30/7, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để xác định chủng loại cây xanh thay thế, trồng mới phù hợp với tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, đơn vị này đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia. Sau khi kiểm tra thực tế một số loại cây được trồng trên địa bàn Hà Nội, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng, các nhà khoa học đã lựa chọn ra 5 loại cây phù hợp để trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Hàng cây gỗ mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh
Cụ thể, Sở Xây dựng và các nhà khoa học thống nhất lựa chọn trồng sấu, dầu rái, sao đen, hương vườn, lát hoa. Trong các loại cây trên, cây được trồng chủ đạo là lát hoa, với tiêu chuẩn đường kính thân 15-18cm, chiều cao 6-8m. Cây trồng mới phải đảm bảo là các cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt.
Sở Xây dựng dự kiến từ ngày 1/8, sẽ bất đầu trồng lại cây trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trên tuyến đường này Hà Nội sẽ trồng mới 247 cây và phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, theo nguyên tắc làm đâu gọn đấy, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông và đời sống của người dân trong khu vực.
Chi phí trồng cây trên đường Nguyễn Chí Thanh do Công đoàn Công an Thành phố Hà Nội đóng góp.
Trước đó, sau nhiều ý kiến khác nhau về việc cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ hay cây vàng tâm, ngày 16/6, thanh tra Hà Nội cho biết, kết quả giám định của Viện Khoa học lâm nghiệp, xác minh từ nguồn gốc nơi cung cấp, xác định cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ.
Trên cơ sở kết luận của Thanh tra thành phố, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân, Sở Xây dựng chỉ đạo trồng cây trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh theo quy hoạch, đảm bảo cây trồng xanh tốt, góp phần cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị. Chi phí phát sinh do đơn vị tài trợ đảm nhiệm.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội: Cây trồng lại trên đường Nguyễn Chí Thanh phải xanh tốt Trao đổi với phóng viên Dân trí, chiều ngày 6/7, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng phải có trách nhiệm trồng lại cây trên đường Nguyễn Chí Thanh đúng theo quy hoạch. Cây trồng thay thế phải đảm bảo xanh tốt, chọn loại cây phù hợp. Sau nhiều ý kiến khác nhau về...