Vì sao Global Home chỉ chấp nhận thanh toán nợ cho Vinafor?
Ngay sau khi Công ty TNHH Gia Hân “nổ phát súng” đầu tiên tố cáo ông Otto “trốn nợ”, nhiều doanh nghiệp khác cũng đồng loạt làm điều tương tự. Tuy nhiên, ông Otto và Công ty Global Home chỉ chấp nhận thanh toán các khoản nợ cho Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng – Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng (doanh nghiệp có 51% vốn đầu tư Nhà nước).
Phớt lờ nhiều doanh nghiệp tư nhân
Công ty TNHH Gia Hân (trụ sở đóng tại P. Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) do bà Nguyễn Thị Thu làm giám đốc là đơn vị đầu tiên gửi đơn tố cáo ông Otto De Jager (Giám đốc điều hành của Công ty Global Home) đến các cơ quan chức năng. Ngay sau khi Gia Hân “nổ phát súng” tiên phong, một số doanh nghiệp gỗ khác lên tiếng tố cáo công ty Global Home đang cố tình “trốn” nợ. Trong đó, có thể kể đến các thương vụ giữa Global Home với Công ty TNHH Sản xuất – xuất nhập khẩu gỗ Việt Mỹ (Biên Hoà, Đồng Nai) và Công ty Vinafor (Đà Nẵng)…
Về phía Gia Hân, công ty này cho biết, từ tháng 4 đến tháng 7/2015, doanh nghiệp đã cung ứng cho Global nhiều lô hàng nhưng sau đó ông Otto không chi trả công nợ. Chỉ trong một thời gian, khoản nợ đó đã lên đến hơn 493.000 USD, tương đương với hơn 11 tỷ đồng.
Những mẫu sản phẩm gỗ mà công ty của Otto ký thoả thuận với đối tác Việt
Không chỉ thế, đại diện Gia Hân còn cho biết thêm, công ty Global Home còn đặt lô hàng trị giá 280.000 USD. Kỹ thuật viên của công ty này xác nhận, đóng dấu hợp chuẩn nhưng Global lại không lấy hàng. Chính điều này khiến công ty Gia Hân phải “dở khóc dở cười” vì lô hàng tồn kho đó có giá trị rất lớn.
Trong khi đó, Global Home lại đưa ra nhiều lý do dẫn đến việc họ hủy hợp đồng và không thanh toán các khoản nợ cho Gia Hân. Công ty này cho rằng Gia Hân đã vi phạm hợp đồng trong quá trình giao dịch với họ. Theo Global Home, những hành vi vi phạm hợp đồng của Gia Hân đã khiến phía đối tác phải chịu thiệt hại tới 250.000 USD để bồi thường cho khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, Global Home còn lên tiếng cho rằng sự sai trái của Gia Hân cũng khiến cho họ bị tổn thất nghiêm trọng về mặt doanh thu, mất khá nhiều hợp đồng với khác hàng do thiệt hại uy tín đối với nhãn hàng – thương hiệu. Bằng những lý lẽ ấy, Global Home đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Gia Hân nhằm hạn chế những thiệt hại xảy ra đối với mình.
Công ty Global Home cũng đã chỉ rõ những sai phạm của phía Gia Hân. Global Home cho rằng Gia Hân đã giả mạo dấu KCS/QC (Kiểm tra chất lượng sản phẩm) của họ. Ngoài ra, nhà cung ứng này cũng sử dụng gỗ chất lượng thấp khi gia công; Sử dụng vật liệu hoàn thiện không đúng và bất hợp pháp, trong đó có Gasoline. Không chỉ thế, Gia Hân còn giao nhiều container sản phẩm kém chất lượng cho Global Home.
Được biết, sau vụ việc này, Công ty Gia Hân đã tìm mọi cách liên hệ với ông Otto nhằm mục đích làm rõ vấn đề hàng kém chất lượng. Thế nhưng ông Otto vẫn “phớt lờ” đối với những lý giải từ phía đối tác, nhiều lần né tránh việc gặp mặt đơn vị đã cố cáo mình. Đáng lưu ý, chiều 14/8, nhiều công nhân của công ty Gia Hân mang băng rôn đến tận trụ sở công ty Global để đòi nợ nhưng ông Otto vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Ngoài Gia Hân, Công ty Việt Mỹ cũng đã làm đơn tố cáo Otto gửi đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp đòi lại tiền. Đơn tố cáo cho thấy, trong năm 2012, công ty của ông Otto đã “xù” một khoản tiền mua hàng của công ty Việt Mỹ, lên đến 66.000 USD. Khi đối tác có dấu hiệu “xù nợ”, phía công ty Việt Mỹ không ngừng truy tìm ông Otto để đòi nợ nhưng bất thành.
“Xuống nước” với… Vinafor
Video đang HOT
Trong khi những “đồng nghiệp” của mình bất lực trong việc đòi nợ Công ty Global Home thì Công ty Vinafor (Đà Nẵng) mới vừa cho biết, đơn vị này đã được Global Home “xuống nước” chấp nhận thanh toán và nhận lại toàn bộ số hàng tồn kho trị giá gần 300.000 USD ngay sau khi họ gửi đơn tố cáo đến Bộ Công an.
Trước đó, từ cuối năm 2015 đến nay, Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng – Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng (tạm gọi là Xí nghiệp gỗ – XNG) đã không ngừng gửi nhiều đơn tố cáo đến cơ quan công an nhằm nêu rõ hành vi lợi dụng tín nhiệm, thiếu trách nhiệm với đối tác, có hành vi lừa đảo gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo đơn tố cáo, đầu năm 2013, Vinafor hợp tác làm ăn với Global Home. Thời gian này, việc thực hiện hợp đồng diễn ra bình thường, nhưng từ giữa năm 2013 ông Otto “giở trò”, không nhận hàng nữa. Việc đột ngột “buông bỏ” nguồn hàng đã đặt cọc này của ông Otto khiến công ty Vinafor thiệt hại lớn khi phải ôm lô hàng trị giá hơn 200.000 USD. Đó là chưa kể thiệt hại do Vinafor nhập nguyên nhiên liệu về để sản xuất, thực hiện các hợp đồng trên.
Trong khi các doanh nghiệp khác chật vật đòi nợ thì Global Home “xuống nước” với Vinafor
Cũng giống như những nạn nhân khác, Vinafor phải cực lực trong thời gian dài tìm cách liên lạc, yêu cầu ông Otto thực hiện hợp đồng ký kết hay ít ra cũng gặp mặt để giải quyết vấn đề. Thế nhưng kết quả mà họ thu được đó là lá thư điện tử từ ông Otto. Trong thư ông Otto ép đối tác phải giảm từ 30% rồi 50% mới nhận hàng hay buộc Vinafor giao hàng tại kho ngoại quan ở TPHCM. Được biết, những điều kiện được ông Otto đặt ra vốn không thuộc điều khoản quy định trong hợp đồng.
Qua tính toán, suy xét, Vinafor quyết định chỉ có thể giảm giá 15%. Nhận thấy không thể “kỳ kèo” được, ông Otto từ chối và đã đơn phương rút lại tiền đặt cọc thực hiện hợp đồng là 20.000 USD.
Tuy nhiên, ngay sau khi doanh nghiệp này gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, ông Otto đã có dấu hiệu “xuống nước”, đồng ý thương lượng với Vinafor.
Ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Vinafor Đà Nẵng – Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng biết, ngày 18/7/2015, ông Otto cũng đã gửi thư xác nhận một phần trong các lỗi từ phía Global Home là đội ngũ QC của ông kém năng lực trong kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong quá trình sản xuất, Global Home yêu cầu thay đổi kết cấu sản phẩm, màu sơn do Global Home đưa sai và yêu cầu Xí nghiệp Gỗ sửa lại tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng…
Đặc biệt, vào đầu năm 2016, ông Otto lại bất ngờ đồng ý thương lượng trở lại với công ty này. “Sau nhiều lần trao đổi thư điện tử qua lại, chứ chúng tôi chưa hề được gặp gỡ đại diện nào của phía đối tác, họ đã đồng ý nhận lại toàn bộ số hàng trị giá trên. Để đạt được thoả thuận này, chúng tôi chấp nhận giảm giá 15% theo yêu cầu của Global Home”, ông Trung nói.
Theo tìm hiểu của Dân Trí, Chi nhánh Công ty CP Vinafor Đà Nẵng – Xí nghiệp Chế biến Gỗ Vinafor Đà Nẵng trực thuộc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng (51% vốn Nhà nước) là công ty của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo Dân Trí
"Global Home phải có trách nhiệm thanh toán"
"Nếu như công ty Gia Hân đã xác định được rõ việc hoàn tất nghĩa vụ giao hàng như phương thức FOB-Giao lên tàu, thì công ty Global Home phải có trách nhiệm thanh toán, trừ phi công ty này chứng minh được cơ sở pháp lý và chứng cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng", luật sư Trần Minh Hải cho biết.
Vợ chồng Thu Minh (trái) và công nhân của Gia Hân trước tòa nhà nơi Global Home đặt văn phòng.
Đó là nhận định của luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty luật Basico khi trao đổi với BizLIVE liên quan tới "lùm xùm" Công ty Gia Hân (Đồng Nai) tố Công ty Global Home (Cộng hòa Czech) do ông Otto De Jager là chồng ca sĩ Thu Minh tham gia điều hành lừa đảo, quỵt nợ hơn 490.000 USD.
Ông có thể chia sẻ một vài ý kiến trước thông tin Công ty Gia Hân tố công ty chồng ca sĩ Thu Minh chây ỳ khoản nợ hơn 490.000 USD?
Theo thông tin báo chí phản ánh, thì sự việc tranh chấp giữa các công ty liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của Công ty Global Home với Công ty Gia Hân xuất phát từ quan hệ mua bán hàng hóa. Công ty Gia Hân cho rằng đã giao hàng và có quyền nhận tiền thanh toán theo thỏa thuận. Trong giao dịch thương mại, các trường hợp tương tự không hiếm.
Tôi cho rằng, điều khiến dư luận quan tâm về vụ việc tranh chấp do có một số nguyên nhân chính. Thứ nhất, có yếu tố liên quan đến nhân vật đang nổi tiếng của giới show biz Việt Nam và thứ hai, có nhiều điểm bất cập về kinh nghiệm đàm phán, thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế giữa các pháp nhân kinh doanh gỗ của Việt Nam với một pháp nhân nước ngoài.
Sau một thời gian im lặng, phía Global Home đã có thông tin đáp lại. Theo đó họ có cho rằng phía Gia Hân đã làm giả con dấu chứng nhận. Nhận định của ông về điều này?
Đưa ra thông tin này tương ứng với việc Global Home từ chối việc nhận hàng và qua đó từ chối nghĩa vụ thanh toán. Giả hay thật tôi cho rằng không khó để phía Gia Hân hoặc các cơ quan chức năng xác minh làm rõ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp con dấu chứng nhận giả, thì cũng cần đặt câu hỏi vì lý do gì mà Global Home dừng việc thực hiện hợp đồng.
Thông thường, trong hợp đồng mua bán, các bên sẽ thỏa thuận chốt về thời hạn giao hàng cũng như thời hạn thanh toán tiền mua hàng, vì đây là hai nghĩa vụ cơ bản của loại giao dịch này. Nếu khi bên bán hàng bảo đảm đủ điều kiện thanh toán thì ngược lại, bên mua phải thực hiện thanh toán theo đúng thời hạn. Các bên chỉ được quyền chậm thực hiện nghĩa vụ, dừng việc thực hiện hợp đồng nếu ở trong những trường hợp đã thỏa thuận trước tại hợp đồng.
Còn nếu trong trường hợp các bên không thỏa thuận trước, thì phải căn cứ theo quy định nguyên tắc của pháp luật. Ví dụ như Luật Thương mại của Việt Nam chỉ cho phép được tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng khi một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng hoặc vi phạm vào trường hợp đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng hợp đồng.
Do vậy, việc đúng sai giữa hai bên còn tùy thuộc vào hiệu lực của hợp đồng thỏa thuận còn hay hết và những gì các bên cam kết tại thỏa thuận, hợp đồng giao dịch.
Ngoài ra phía Global Home cũng cho rằng họ có đàm phán với Gia Hân để cùng chia sẻ khó khăn nhưng Gia Hân cho biết họ không được gặp để đàm phán nên mới lên tiếng tố cáo. Phía Gia Hân cũng cho biết bên Global Home gửi mail báo sản phẩm của Gia Hân không đạt chất lượng hồi tháng 4/2016 nhưng không dừng nhận hàng mà vẫn lấy hàng trong tháng 5,6/2016. Hơn nữa bán theo diện FOB thì hàng lên tàu là họ đã hoàn thành trách nhiệm. Ý kiến của ông về điều này?
Trong giao dịch mua bán hàng hóa, pháp luật cho phép các bên có thỏa thuận về việc bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng không phù hợp, không bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, hàng hóa thế nào bị coi là không phù hợp với hợp đồng, không đạt chất lượng lại phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận cụ thể giữa các bên.
Trong vụ việc này, Global Home cho rằng hàng hóa không đạt chất lượng, thì đương nhiên phía ngược lại Gia Hân cũng có quyền cho rằng hàng hóa đã đạt chất lượng. Tòa án hoặc cơ quan trọng tại sẽ xem xét sự thỏa thuận, xem xét các tình tiết chứng minh cho yêu cầu của mỗi bên để quyết định vấn đề này. Nếu không có thỏa thuận cụ thể tại hợp đồng, thì phải dựa trên những nguyên tắc xác định chung của pháp luật. Ví dụ như nếu giải quyết theo pháp luật Việt Nam, thì Luật thương mại có quy định chỉ coi là hàng hóa không phù hợp với hợp đồng nếu rơi vào các trường hợp như không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại, không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua, không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thích hợp...
Do vậy, nếu như công ty Gia Hân đã xác định được rõ việc hoàn tất nghĩa vụ giao hàng như phương thức FOB-Giao lên tàu, thì công ty Global Home phải có trách nhiệm thanh toán, trừ phi công ty này chứng minh được cơ sở pháp lý và chứng cứ xác định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
Qua vụ việc này ông có chia sẻ gì về vấn đề hợp tác làm ăn trong những trường hợp tương tự giữa Doanh nghiệp Việt và đối tác nước ngoài. Họ cần lưu ý gì để hạn chế những rủi ro?
Đây là một tranh chấp không phức tạp, nhưng cái khó đối với doanh nghiệp Việt Nam nằm ở chỗ đã chót thỏa thuận những nội dung bất lợi cho mình về phương thức thanh toán và cơ chế giải quyết tranh chấp.
Theo thông tin tôi được biết, thì các bên đã thỏa thuận lựa chọn trọng tài và cả pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Điều đó có nghĩa là những cơ sở pháp lý chứng minh từ phía công ty Gia Hân sẽ phải dựa trên pháp luật nước ngoài và nằm trong một trình tự tố tụng của cơ quan tài phán nước ngoài. Đây là vấn đề vừa gây khó khăn về mặt triển khai vừa tốn kém chi phí gấp bội cho doanh nghiệp.
Trong những giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, thì phương thức thanh toán qua L/C vẫn là một cơ chế đảm bảo cho quyền lợi mỗi bên do có sự tham gia của các ngân hàng. Ngân hàng người bán, ngân hàng người mua dựa trên cơ chế xác nhận, bảo đảm tài chính rõ ràng nên chỉ cần hoàn tất việc giao hàng theo thời hạn thỏa thuận, người bán sẽ được đảm bảo về khả năng thanh toán từ ngân hàng người mua. Ngoài cam kết giữa các bên, các cam kết nghiệp vụ giữa các ngân hàng là sự bảo đảm thứ hai cho việc thanh toán tiền hàng giữa các doanh nghiệp.
Thực tế, khi giao kết hợp đồng, không hẳn các doanh nghiệp không nhận thức được các vấn đề nêu trên. Vì mục tiêu doanh số và khả năng thanh khoản hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam thường chấp nhận dễ dàng các vấn đề điều kiện thỏa thuận với đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, những trục trặc pháp lý xảy ra sau đó sẽ khiến các thành quả về doanh số không còn nhiều ý nghĩa, thậm chí doanh nghiệp còn gánh thêm những hậu quả nặng nề trong kinh doanh. Đã đến lúc, rủi ro pháp lý trong giao dịch trở thành điều doanh nghiệp nên chú trọng để quản trị!
Xin cảm ơn ông!
Theo Bizlive