Vì sao giấy vệ sinh ‘cháy hàng’ dù không ai chết vì thiếu nó?
Theo các nhà tâm lý học, có nhiều nguyên nhân như sự phản ứng thái quá, nỗi sợ hãi dây chuyền hoặc cảm giác muốn được an tâm khiến mọi người có xu hướng mua giấy vệ sinh tích trữ.
Đầu tiên là khẩu trang, sau đó là nước rửa tay. Bây giờ thì người người hoảng loạn giành giật… giấy vệ sinh?
Các nhà bán lẻ ở Mỹ và Canada phải giới hạn số lượng giấy vệ sinh mà mỗi người có thể mua. Một số siêu thị ở Anh cháy hàng. Các cửa hàng tạp hóa ở Australia còn phải thuê cả nhân viên bảo vệ để trông chừng khách đến mua. Một tờ báo của Australia thậm chí còn in thêm 8 trang trong mỗi ấn phẩm, gọi đây là “giấy vệ sinh khẩn cấp” phòng trừ trường hợp quốc gia này cháy hàng.
Kệ giấy vệ sinh cháy hàng tại một siêu thị ở Australia.
Giấy vệ sinh rõ ràng không có tác dụng ngăn chặn virus. Nó cũng không được xem là nhu yếu phẩm trong trường hợp khẩn cấp như sữa và bánh mì. Vậy tại sao mọi người lại đổ xô đi mua giấy vệ sinh? Dưới đây là 5 lý do theo CNN:
1. Mọi người phản ứng thái quá khi nghe thông tin trái chiều
Steven Taylor, giáo sư, nhà tâm lý học kiêm tác giả cuốn sách “The Psychology of Pandemics”, có một cái nhìn lịch sử chung về cách mọi người cư xử giữa đại dịch. So sánh với những đại dịch trong quá khứ, cách con người ứng phó với đại dịch thường là những cơn hoảng loạn lan rộng.
“Một mặt, phản ứng này có thể hiểu được, nhưng mặt khác nó có phần thái quá. Chúng ta có thể chuẩn bị tâm lý mà không cần phải hoảng sợ”, ông Taylor cho biết. Theo ông, Covid-19 khiến mọi người sợ hãi vì đây là loại virus mới xuất hiện, có nhiều điều mà chúng ta chưa biết về nó. Chính vì vậy, người ta thường có phản ứng cực đoan khi nghe thấy những thông tin trái chiều về rủi ro hay mức độ nghiêm trọng mà Covid-19 gây ra.
“Khi được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến mà tất cả những gì bạn cần làm chỉ là rửa tay, hành động có vẻ không tương xứng với mối đe dọa. Vì vậy, người ta sẽ nghĩ một mối nguy hiểm đặc biệt phải cần một biện pháp phòng ngừa đặc biệt”, Steven Taylor chia sẻ.
2. Thiếu cam kết rõ ràng từ chính phủ
Một số quốc gia đã áp đặt lệnh cách ly diện rộng. Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học và giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon cho biết, những người mua giấy vệ sinh và các đồ dùng gia đình khác có thể đang chuẩn bị cho lệnh phong tỏa tương tự trong thành phố của họ.
“Trừ khi người dân được nghe một lời cam kết rằng mọi người sẽ được chăm lo đầy đủ, họ vẫn sẽ đoán già đoán non việc cần thêm giấy vệ sinh, dù sớm hay muộn”, Baruch Fischhoff nói với CNN. “Thực tế là việc không có cam kết rõ ràng làm gia tăng thêm khả năng phỏng đoán này”.
3. Hiệu ứng mua sắm hoảng loạn dây chuyền
Hình ảnh kệ hàng trống rỗng, xe đẩy chất đầy đồ dùng và nhu yếu phẩm tràn lan trên mạng xã hội… dẫn tới tâm lý đám đông, khiến mọi người cho rằng mặt hàng này phải có lý do gì đó người ta mới tích trữ.
“Con người là những sinh vật xã hội, chúng ta nhìn xung quanh để nhận biết tín hiệu đâu là an toàn, đâu là nguy hiểm. Khi bạn nhìn thấy ai đó mua sắm trong hoảng loạn, điều đó có thể tạo ra hiệu ứng hoảng loạn dây chuyền”, giáo sư Steven Taylor nhấn mạnh.
Video đang HOT
Một kệ hàng trống rống ở siêu thị tại Ohio (Mỹ).
Phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc khuếch đại sự hoảng sợ giữa đại dịch, giáo sư Taylor nhấn mạnh. Những hình ảnh kệ hàng giấy vệ sinh trống rỗng khiến mọi người tin rằng họ cũng phải lao ra siêu thị mua giấy vệ sinh. Điều này dẫn tới việc khan hiếm giấy vệ sinh trong nhận thức của mỗi người trở thành sự khan hiếm thật sự ngoài đời.
4. Tâm lý tự nhiên khi muốn chuẩn bị dư ra
Có một số ý nghĩa của việc dự trữ, theo Frank Farley, giáo sư tại Đại học Temple và cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và các cơ quan y tế quốc tế khác đang khuyên người dân nên ở nhà và tránh tiếp xúc đám đông. Việc chuẩn bị quá mức là tâm lý tự nhiên của mọi người, ông Farley nói.
“Covid-19 đang gây ra một loại tâm lý sinh tồn, khi mà chúng ta phải ở trong nhà nhiều nhất có thể và do đó phải tích trữ đồ dùng, trong đó chắc chắn bao gồm giấy vệ sinh. Nếu hết giấy vệ sinh, chúng ta biết thay thế nó bằng gì bây giờ?”, Frank Farley nói với CNN.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ khuyến nghị người dân nên dự trữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế ít nhất cho hai tuần. Tuy nhiên ông Steven Taylor cho biết hầu hết mọi người không chỉ làm như vậy. Nhận được khuyến cáo, họ đẩy nó đến mức cực đoan.
5. Cảm giác kiểm soát được tình hình
Những người mua sắm hoảng loạn thường nghĩ cho bản thân và gia đình, về việc cần chuẩn bị cái gì, giáo sư Steven Taylor nhận định. Họ không nghĩ đến nhân viên y tế, bệnh nhân hay những người… đã dùng hết giấy vệ sinh ở nhà. “Tất cả vì làn sóng hoảng sợ này, mọi người trở nên lo lắng thái quá trước khi họ bị nhiễm bệnh thực sự. Họ không nghĩ đến bức tranh toàn cảnh hay hậu quả của việc tích trữ giấy vệ sinh là gì”.
Việc mua sẵn một lượng giấy vệ sinh nhất định giúp con người có được cảm giác kiểm soát đối với một tình huống bất lực, theo nhà tâm lý học Baruch Fischhoff. “Nếu nó mang lại cho mọi người cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ có thể, thì người ta có thể giải thoát khỏi nỗi sợ để nghĩ về những thứ khác thay vì mải nghĩ đến virus corona”.
Hoàng Hà (theo CNN)
Theo ione.net
Hướng dẫn cha mẹ trò chuyện đúng cách với con về đại dịch Covid-19 theo từng lứa tuổi
Trẻ có thể tò mò, lo lắng hay có những phản ứng tích cực, lạc quan hoặc sợ hãi với đại dịch, tất cả đều phụ thuộc vào cách bố mẹ trò chuyện với con.
Cách trò chuyện và ngôn ngữ bố mẹ sử dụng khi trò chuyện với con hàng ngày rất quan trọng. Chúng tạo ra sự kết nối, tin tưởng và nhu cầu chia sẻ của trẻ với cha mẹ. Cho đến thời điểm này, sau khi nghỉ học dài ngày và tiếp nhận thông tin từ các cuộc trò chuyện xung quanh, trẻ bắt đầu có những nhận thức và nhu cầu hiểu hơn về những đại dịch đang diễn ra.
Trẻ có thể tò mò, lo lắng hay có những phản ứng tích cực, lạc quan hoặc sợ hãi, đều phụ thuộc vào cách bố mẹ trò chuyện với trẻ. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Cha mẹ nên nói với con những gì về virus Corona và nói như thế nào? Tờ Thời báo New York (The New York Times) đã tổng hợp ý kiến của một bác sỹ nhi khoa, hai nhà tâm lý học, một chuyên gia nhi khoa về bệnh truyền nhiễm và một chuyên gia về an toàn y tế để tổng hợp lại những lời khuyên tốt nhất của họ.
Chúng tôi đã tổng hợp thêm thông tin hữu ích từ một số nguồn đáng tin cậy khác để chia sẻ với các bố mẹ.
Nắm rõ những thông tin mà con bạn đã biết
Nên bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách hỏi về những điều mà con bạn đã biết. Nếu trẻ nói rằng loại virus này đang làm chết rất nhiều người trên thế giới thì cuộc nói chuyện sẽ rất khác khi trẻ nói rằng nó chỉ gây sụt sịt mũi và ho mà thôi.
Nếu con bạn dưới 6 tuổi vừa chưa tiếp nhận nhiều thông tin về virus, bạn không cần phải nói với trẻ quá cụ thể và rõ ràng về sự nguy hiểm của loại virus này hay mối đe dọa mà nó gây ra cho toàn cầu, điều này có thể mang đến những lo lắng không cần thiết cho trẻ. Bạn hãy để ý hơn đến các bản tin thời sự phát trên tivi và câu chuyện mà những người lớn trong nhà nói với nhau. Nếu có thể hãy tắt tivi và trò chuyện với bạn đời vào những lúc riêng tư không có sự có mặt của trẻ.
Trước hết hãy kiểm soát nỗi lo lắng của bạn
Trẻ nắm bắt và cảm nhận rất rõ cảm xúc của cha mẹ. Hãy chắc chắn rằng bạn không tỏ ra quá lo lắng hay sợ hãi khi nói về chủ đề này với trẻ, hãy giữ cho mình sự khách quan cần thiết. Phản ứng của bạn có thể sẽ khiến nỗi lo lắng của trẻ dậy sóng, vì thế, hãy cố gắng xử lý tất cả các nỗi sợ hãi mà bạn có trước khi trò chuyện với trẻ.
Ở mỗi độ tuổi nhu cầu thông tin của trẻ sẽ khác nhau, lựa chọn các thông điệp phù hợp với độ tuổi của trẻ sẽ giúp trẻ hiểu đủ, hiểu đúng về dịch bệnh đang diễn ra. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Đừng lờ đi nỗi sợ của con bạn
Nếu con bạn sợ hãi vì có người nói với chúng rằng chúng có thể chết vì virus nếu sờ tay vào nút bấm thang máy, thì đó là một nỗi sợ thực sự cần được bạn lắng nghe một cách nghiêm túc. Nếu bạn chỉ nói qua loa rằng: "Ồ, không sao đâu con!" hay "Bạn chỉ đùa thôi mà!" thì trẻ sẽ cảm thấy mình không được bố mẹ lắng nghe. Hãy ghi nhận và quan sát cảm xúc của trẻ thật kĩ càng, nói với trẻ bằng giọng chậm rãi và bình tĩnh như: "Điều đó có vẻ đáng sợ thật, bố/mẹ nhìn thấy nỗi sợ ấy trên gương mặt con", hoặc chuyển hướng sự chú ý của trẻ bằng cách chia sẻ về những nỗi sợ hãi mà bạn đã trải qua khi còn nhỏ. Sau đó, khi trẻ đã bình tĩnh lại, hãy tiếp tục cùng trẻ làm mọi việc một cách bình thường rồi có thể quay trở lại nói chuyện với trẻ về chủ đề virus sau bữa tối chẳng hạn.
Nói chuyện phù hợp với độ tuổi của con
Nếu trẻ đang ở độ tuổi 0-6, bạn có thể trò chuyện với trẻ về chủ đề vi khuẩn, vi-rút một cách đơn giản và dễ hiểu như có rất nhiều loại vi-rút khác nhau và chúng là thể khiến con người nhiễm bệnh như đau bụng, sụt sịt mũi, sốt, ho... và vi-rút Corona là một trong số các loại vi-rút đó. Bạn có thể hướng dẫn trẻ những hành động đơn giản để bảo vệ sức khỏe như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang, ăn uống lành mạnh... Nếu trẻ có bất cứ lo lắng nào, hãy nhấn mạnh về việc trẻ sẽ được bảo vệ và an toàn trong gia đình mình.
Đối với trẻ ở độ tuổi tiểu học, bạn không cần phải cung cấp cho trẻ những thông tin tiêu cực như số người chết hay mắc bệnh. Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể nhận thức được về bệnh tật, vì thế, hãy tập trung vào việc cùng trẻ tìm hiểu các dấu hiệu của bệnh và các cách phòng bệnh mà trẻ có thể làm được một cách chi tiết, rõ ràng và dễ hiểu. Một lần nữa cần nhắc lại, hãy luôn tìm hiểu và lắng nghe nhận thức hay thông tin mà trẻ biết được tới đâu để chọn lọc những thông tin chia sẻ phù hợp. Bạn có thể khẳng định với trẻ rằng, các nhà khoa học và những người thông minh nhất trên thế giới đang cố gắng để tìm mọi cách bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của mọi người.
Gợi ý cho trẻ các cuốn sách về chủ đề vi-rút, vi khuẩn và đọc cùng trẻ cũng là một cách hiệu quả đối với các bạn ở độ tuổi khoảng từ 5-8 tuổi. Ví dụ, cuốn sách "Này, chớ táy máy liếm sách!" là một nguồn tham khảo thú vị cho cha mẹ.
"Này, chớ táy máy liếm sách" là một cuốn sách tương tác thú vị giúp trẻ từ 5-8 tuổi tìm hiểu về vi khuẩn một cách sinh động....
.... những thông tin về vi khuẩn được trình bày dễ hiểu...
... và ấn tượng qua những bức ảnh chụp phóng đại qua kính hiển vi điện tử...
... cùng với các kiến thức khoa học gần gũi, bổ ích. (Ảnh: HM)
Câu chuyện có thể thẳng thắn và đi sâu hơn đối với trẻ từ 11 tuổi trở lên. Bạn có thể cùng con tra cứu thông tin từ các nguồn tin chính thống đáng tin cậy, tìm hiểu các kiến thức khoa học và thảo luận cùng con về những ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế, chính trị mà các nước phải đối diện.
Chú ý đảm bảo giữ gìn vệ sinh
Hãy chắc chắn rằng trẻ được hướng dẫn và thực hiện đúng quy trình rửa tay ít nhất 20 giây (bằng cách đơn giản là hát 2 lần bài "Chúc mừng sinh nhật" trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi chơi bên ngoài về, sau khi trẻ ngoáy mũi hay cho tay vào miệng và trước khi chơi đồ chơi. Các trò chơi, các bộ phim ngắn về chủ đề này cũng sẽ giúp trẻ ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Cố gắng giữ gìn vệ sinh và duy trì các thói quen lành mạnh hàng ngày như ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên là một trong những lựa chọn tích cực mà bố mẹ nên tận hưởng cùng con. (Ảnh minh họa: The New York Times)
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, cho dù việc trẻ nghỉ học có thể mang đến nhiều phiền toái cho cha mẹ, nhưng hãy suy nghĩ một cách tích cực rằng, đây là lúc để cả gia đình tận hưởng thời gian bên nhau nhiều nhất có thể và trân trọng khoảnh khắc này. Hãy cố gắng duy trì đều đặn những thói quen tốt, đặc biệt là thói quen tập thể dục hàng ngày. Những trò chơi vui vẻ trong nhà như làm thủ công, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, nghe nhạc cũng sẽ giúp bạn tận hưởng thời bên trẻ vui vẻ, ý nghĩa hơn.
Hãy nhớ rằng, bên cạnh bảo vệ an toàn sức khỏe thì bảo vệ an toàn cảm xúc cho trẻ cũng rất quan trọng. Cha mẹ hoàn toàn có thể làm tốt cả hai điều trên bằng cách lắng nghe, tôn trọng những cảm xúc và nhu cầu tìm hiểu thông tin của trẻ.
Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.
Chị là tác giả của các cuốn sách như " Trái tim của mẹ", " Bàn tay của bố", " Mỗi ngày 15 phút yêu con".
Trong đó, cuốn sách " Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Theo Trí Thức Trẻ
Nhìn vào bức tranh sau, hình ảnh đầu tiên bạn thấy sẽ tiết lộ điều gì đang chờ đợi bạn trong tương lai gần Nếu bạn muốn biết điều gì đang chờ đợi mình ở tương lai, hãy nhìn vào bức ảnh sau và trả lời câu hỏi bạn đã nhìn thấy hình ảnh nào đầu tiên. Các nhà tâm lý học thường sử dụng hình ảnh thử nghiệm trong thực tế để xác định tâm trạng, cảm xúc và tính cách của một người. Nếu bạn...