Vì sao giải Cánh diều bị quay lưng?
Với mặt bằng chất lượng các phim tranh giải năm nay, việc có Cánh diều vàng e hơi khó.
Trước thềm lễ trao giải tối 12/3, Cánh diều gây ồn ào với thông tin khó kiếm nhà tài trợ, rồi nhiều nghệ sĩ chưa nhận lời đến trao giải… Giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh đáng lẽ là sân chơi riêng của giới diễn viên cuối cùng lại nhận được sự thờ ơ và ghẻ lạnh đáng buồn từ chính những người làm nghề. Lễ trao giải thay vì diễn ra tại một địa điểm lớn phải rút vào một trung tâm hội nghị. Trong khi đó, chất lượng phim trao giải thì ít được bàn tới, chuyện ai có khả năng được giải cũng ít được quan tâm hơn các năm trước.
Thêm vào đó, dù lượng phim đã tăng lên nhưng các phim tranh giải chủ yếu dựa vào các phim tự túc đăng ký, không có vòng sơ loại nên tất tật cùng được xem xét trao giải vàng. Các đề cử cho Phim điện ảnh hay nhất, Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Diễn viên chỉ được công bố ngay trong đêm trao giải. Tuy nhiên cũng không khó đoán những bộ phim có chất lượng hay các vai diễn nổi trội.
Phim không “sốc, sex, sến” gây chú ý
Hình ảnh trong Những đứa con của làng.
Năm nay lượng phim đăng ký tranh giải đạt con số kỷ lục – 17 phim. Tiếc là Đập cánh giữa không trung vì đăng ký chậm nên không được nhận. Các phim Cha và con và…, Trúng số không có mặt. Do vậy cuối cùng các phim tranh giải gồm Sống cùng lịch sử, Thầu Chín ở Xiêm, Những đứa con của làng, Mộ gió, Bước khẽ đến hạnh phúc, Chàng trai năm ấy, Mất xác, Lạc giới, Hương Ga, Quả tim máu, Scandal: Hào quang trở lại, Để mai tính 2, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù, Tốc độ và đường cong, Năm sau con lại về và Bí mật lại bị mất.
Đáng chú ý trong số các phim tranh giải, khác hẳn với những năm trước, lượng phim thuộc thể loại hài nhảm hay thảm họa giảm hẳn. Hai phim trong số này là Để mai tính 2, Năm sau con lại về đều là những phim đạt kỷ lục doanh thu trong dịp cuối năm và Tết vừa qua với mục đích tham dự cho vui.
Thể loại phim tham dự cũng khá đa dạng từ hành động (Hương Ga, Tốc độ và đường cong…) đến kinh dị (Đoạt hồn, Quả tim máu…), tâm lý (Chàng trai năm ấy, Bước khẽ đến hạnh phúc… ). Các phim nhà nước đặt hàng với đề tài khá khô cứng như Sống cùng lịch sử, Thầu chín ở Xiêm… đúng tính chất phim tuyên truyền và khó làm nên chuyện tại giải năm nay.
Nổi trội nhất trong số này có lẽ là Những đứa con của làng, một trong 2 phim Việt được chọn tranh giải tại LHP quốc tế Hà Nội năm ngoái. Loại được đối thủ là Đập cánh giữa không trung, bộ phim của đạo diễn Nguyễn Đức Việt dù không dễ xem nhưng có thể coi là một bộ phim tròn trịa.
Được nhà nước rót kinh phí hơn 6 tỷ đồng, là phim mở màn cho hãng phim tư nhân Nam Phương, Những đứa con của làng có thể nói đã tự làm khó mình khi chọn đề tài hậu chiến, lấy bối cảnh Quảng Trị và lời thoại cũng hoàn toàn là giọng địa phương. Tuy không hề có “sốc, sex, sến” hay những trò giật gân câu khách nhưng Những đứa con của làng lại có dàn diễn viên diễn khá tròn vai với Trung Anh, Thúy Hằng, Huy Cường…. Phim cũng có mạch dễ hiểu, lời thoại ngắn gọn và thông điệp rõ ràng về sự hàn gắn, sự hòa giải lòng hận thù.
Video đang HOT
Tuy chưa phải là một phim xuất sắc nhưng so với các phim tranh giải năm nay, Những đứa con của làng có thể nói nhỉnh hơn về nhiều mặt. Bộ phim được dự đoán sẽ giành giải cao nhất tại Cánh diều năm nay và nhiều khả năng chiếm đa số phiếu của giám khảo báo chí.
Quý Bình “đấu” với Sơn Tùng M-TP
Quý Bình lột xác với vai Nin trong Tốc độ và đường cong.
Ở hạng mục Nam diễn viên chính, có khá nhiều cái tên đáng chú ý, trong đó phải kể đến Trung Anh với vai ông trưởng thôn Thập bảo thủ vẫn ôm mối hận thù bao năm với ngay cả con của kẻ gây ra tai họa cho ngôi làng trong Những đứa con của làng. Tuy nhiên hai cái tên khá ấn tượng khác là Sơn Tùng M-TP (Chàng trai năm ấy) và Quý Bình (Quả tim máu, Tốc độ và đường cong).
Trong vai diễn chạm ngõ điện ảnh giọng ca 20 tuổi gây bão trong giới trẻ, Sơn Tùng M-TP đã có được vai diễn ấn tượng trong Chàng trai năm ấy. Vào vai chàng ca sĩ Đình Phong luôn ấp ủ giấc mơ thực hiện live show đầu tiên trong đời nhưng bất ngờ phải đối diện với căn bệnh quái ác, Sơn Tùng có thể nói đã hóa thân xuất sắc vào nhân vật Đình Phong. Vai diễn đòi hỏi nhiều trường đoạn cần diễn xuất nội tâm nhưng Sơn Tùng đã thể hiện khá ngọt. Sơn Tùng thể hiện khá tốt tâm trạng rối bời đan xen giữa một người trẻ nhiều hoài bão phải chiến đấu với số phận khắc nghiệt.
Tuy nhiên, giọng ca Em của ngày hôm qua phải đối mặt với một đối thủ không phải dạng vừa, đó là Quý Bình. Nam diễn viên quen mặt với những vai hiền lành tốt bụng trên truyền hình trong năm qua đã thực sự lột xác trên màn ảnh rộng với hai vai diễn nặng ký trong Quả tim máu vàTốc độ và đường cong với độ ác tăng dần đều.
Cả hai vai diễn đều đòi hỏi ở Quý Bình kinh nghiệm diễn xuất và sự biến đổi thực sự trên màn ảnh. Đặc biệt vai Nin trong Tốc độ và đường cong, một nhân vật phức tạp và đa nhân cách có thể bất chấp mọi cách để tiến thân và trả thù thực sự là một vai diễn đáng chú ý của Quý Bình. Anh có thể nói là ứng viên đáng chú ý nhất ở hạng mục Nam diễn viên chính.
Ở hạng mục Nam diễn viên phụ, nổi lên có cái tên Huy Cường trongNhững đứa con của làng. Gương mặt vốn quen thuộc với những vai đểu cáng trong phim truyền hình phía Nam bỗng lột xác với vai Bè trongNhững đứa con của làng. Bè thuộc tuyến nhân vật đối lập với ông Thập do Trung Anh thủ vai, có thể coi là một biểu tượng về lòng tốt và sự chân tình. Đảm nhiệm vai một gã khờ nhưng tốt tính, Huy Cường chinh phục người xem bởi diễn xuất chân thực dù anh phải hy sinh về ngoại hình rất nhiều.
Nữ chính: Lắm mỹ nhân nhưng thiếu vai cá tính
Trong khi đó, ở phía các nữ diễn viên, khó nhặt ra những vai diễn xuất sắc trên màn ảnh trong số 17 phim tranh giải năm nay do hai bộ phim có những vai nữ ấn tượng như Đập cánh giữa không trung, Trúng số đều không tham dự.
Các vai nữ hầu hết đều có diễn xuất khô cứng hoặc nhạt nhòa. Trương Ngọc Ánh, Ngân Khánh, Trang Nhung, Diễm My 9x… chỉ dừng lại ở các vai diễn đèm đẹp trên màn ảnh mà không để lại ấn tượng nhiều về mặt diễn xuất trong các phim họ tham gia tranh giải. Nổi trội hơn cả là Thúy Hằng (Những đứa con của làng), Nhã Phương (Quả tim máu) và đặc biệt là Nguyễn Hồng Ân (Đoạt hồn), đều là những gương mặt lần đầu đảm nhiệm vai chính trong phim điện ảnh.
Hari Won và Sơn Tùng trong Chàng trai năm ấy.
Hạng mục Nữ diễn viên phụ có hai cái tên đáng chú ý là Hari Won (Chàng trai năm ấy), Thân Thúy Hà (Scandal 2) và Trang Trần (Hương Ga). Trong lần đầu tiên đóng phim, dù không phải diễn viên chuyên nghiệp nhưng cô gái mang trong mình một nửa dòng máu Hàn Quốc, Hari Won để lại ấn tượng trên màn ảnh nhờ vai Sky với sự trong sáng và đáng yêu cùng diễn xuất tự nhiên. Nữ diễn viên Thân Thúy Hà cũng có một vai diễn khá thú vị trong Scandal 2. Vai cô vợ đầy toan tính của bác sĩ Quân trong phim được Thân Thúy Hà thể hiện khá ngọt.
Trong khi đó, Trang Trần thể hiện khá tốt hình ảnh nữ giang hồ từ ngoại hình đến diễn xuất. Không chỉ có một vai phụ ấn tượng, Trang Trần có thể nói là diễn viên có diễn xuất ấn tượng nhất trong Hương Ga. Vai Mỹ chột có thể nói là “đo ni đóng giày” cho cô diễn viên nhiều ồn ào này.
Tuy nhiên, với một ban giám khảo được coi là “già” như năm nay, dư luận đang chờ đợi có sự đột phá trong cách nhìn nhận và trao giải cho những vai diễn và nhân vật xứng đáng. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong lễ trao giải Cánh diều diễn ra tại TP HCM vào tối 12/3.
Theo Linh Anh/Vietnamnet
Quyền Linh: Đã có tiền để... diều bay
Đạo diễn Cánh diều vàng hồ hởi: "Có gió để diều bay rồi!", vì nhà tài trợ đã có và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hứa góp mặt, không như thông tin bi quan được phát ra từ buổi họp trước.
- Tại buổi họp báo, anh đã ngao ngán chia sẻ: "Giải Cánh diều rất to nhưng không có tiền". Sát ngày, tình hình đó có được cải thiện hơn không?
- Cải thiện đáng kể, vì đến giờ này đã có được hai nhà trợ lớn chính cùng một số nhãn hiệu đồng hành, để lo giúp 500 phần quà gửi tới các nghệ sĩ tham dự. Diều đã có gió để bay rồi, bắt đầu bay...
- Ngay sau chia sẻ buồn của anh tại buổi họp báo, đạo diễn Quang Huy đã đưa ra gợi ý: "Chính nhà sản xuất, đạo diễn và từng người làm nghề nói chung cũng nên là nhà tài trợ, nếu có điều kiện", anh thấy lời đề nghị đó có nhạy cảm?
- Nhạy cảm quá đi chứ! Vì đây là lễ trao giải kia mà, nếu người đóng tiền, người không đóng tiền thì trao giải thế nào đây, tránh sao khỏi điều ra tiếng vào, dù vô tình hay cố ý. Đó cũng chính là lý do Hội Điện ảnh Việt Nam buộc phải từ chối dù rất cần được giúp đỡ và hiểu rằng nhiều anh em hội viên cũng thực lòng muốn chia sẻ cùng hội.
Quyền Linh vui vì chương trình đã có nhà tài trợ.
- Cũng trong buổi họp báo, anh có phàn nàn về việc Ban tổ chức đã gặp khó khi mời các nghệ sĩ nổi tiếng đến trao giải, nhưng sau đó lại đính chính là không hẳn vậy. Cụ thể tới lúc này là sao?
- "Tam sao thất bản" có vẻ đã gây hiểu nhầm anh em hội viên quay lưng với giải thưởng của hội, nhưng thực tế không phải vậy. Anh chị em nghệ sĩ nói chung theo như tôi biết rất quan tâm và chờ đợi sự kiện này.
Có điều, một số nghệ sĩ được mời lên trao giải đã từ chối hoặc chưa thể nhận lời ngay vì họ quá bận sô mà thôi. Nhưng giờ thì đã đông vui lắm rồi, không chỉ những nghệ sĩ gạo cội hay đang lên trong giới như: Ngọc Hiệp, Kim Xuân, Thái Hòa, Cát Phượng, Minh Luân... mà còn có cả các ca sĩ (có phim hoặc không có phim tham dự) như: Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Sơn Tùng M-TP, Mỹ Lệ, Giang Hồng Ngọc, Hải Yến Idol...
- Có đồn đoán: Chỉ vì hội "ít tiền" nên chức danh đạo diễn lễ trao giải mới đến tay anh theo cách "của nhà trồng được", thay vì những lựa chọn khác tốt hơn (Quyền Linh hiện là Uỷ viên BCH Hội Điện ảnh VN - PV). Anh có tự ái?
- Cái gì làm bằng trách nhiệm và tình yêu thì sự tự ái sẽ không bao giờ có đất.
- Tiền, ít hay nhiều, thì cũng đã có, nghệ sĩ cũng đã hứa góp mặt, và giờ là phần việc của anh. Lần thứ hai trở lại với vị trí này, anh có kỳ vọng sẽ có được một lễ trao giải hấp dẫn hơn?
- Mọi người cứ hay kỳ vọng lễ trao giải thì phải là một chương trình thật hay, trong khi nội việc trao giải cho khắp lượt các hạng mục cũng đã chiếm thời lượng tới 100 phút rồi, mà đâu có thể "chọn mặt gửi vàng" một vài hạng mục trong số được. Vì đây là ngôi nhà chung mà, tất cả mọi hội viên, mọi thể loại đều phải bình đẳng như nhau, không có ai là chính hay phụ ở đây cả.
Không "dàn trải" nhiều khi cũng không được vì đặc thù của điện ảnh nó thế, liên quan đến rất nhiều khâu, nhiều mắt xích..., đều cần được ghi nhận, tôn vinh. Thế nên, xin đừng quá kỳ vọng vào sự hoành tráng, chừng nào còn phải toát mồ hôi tìm tài trợ và đau đầu giải bài toán "liệu cơm gắp mắm". Chỉ cần có được một lễ trao giải ấm cúng và trang trọng là được rồi, cá nhân tôi nghĩ thế...
Theo Thiên An/Lao Động
Cánh diều vàng 2014: Đông vui nhưng vẫn bất cập Giải thưởng lớn nhất của điện ảnh Việt năm nay quy tụ 17 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Cùng với đó vẫn là những bất cập chưa có lời giải đáp. Thông tin gây sốt đầu tiên của giải thưởng Cánh diều vàng 2014 là việc hai phim Đập cánh giữa không trung và Trúng số không kịp hoàn tất...