Vì sao giá BĐS liên tục tăng, giao dịch chưa cải thiện?
Theo ghi nhận, những dự án có được sản phẩm chào thị trường thời điểm này là lợi thế trong bối cảnh khan cung. Tuy nhiên, dường như mức giá đưa ra đang cùng lúc cao hơn rõ nét so với thời điểm trước Tết, cho dù giao dịch chưa mấy khả quan sau khi dịch được kiểm soát tốt.
Khảo sát cho thấy, giá một số dự án căn hộ trên địa bàn Tp.HCM và tỉnh lân cận đang chạm mốc khá cao so với thời điểm cuối năm 2019. Có một số dự án giới thiệu ra thị trường sau thời điểm dịch được kiểm soát đã cao hơn 15-20% so với giá dự kiến vào cuối năm 2019. Lý giải lý do mặt bằng giá trên đà tăng ở thời điểm này, đa số các doanh nghiệp BĐS đều cho rằng, các chi phí đầu vào không giảm thì giá bắt buộc phải tăng lên. Thậm chí, việc tăng giá để bán ra sau dịch còn tính đến các chi phí “hao hụt” do tác động từ dịch mà doanh nghiệp phải gánh chịu.
Mặc dù các sự kiện bán hàng của thị trường BĐS đã sôi động trở lại từ cuối quý 1/2002 nhưng sức mua còn khá e dè. Giá bán trên thị trường sơ cấp thì không có dấu hiệu giảm nhiệt. Ghi nhận cho thấy, một số dự án BĐS đã “thăm dò” thị trường bằng cách là đưa ra mức giá khá cao. Dù có thể lúc mở bán chính thức mức giá này không chạm đến ngưỡng đó nhưng nếu so sánh chung trên thị trường BĐS thì giá đã tăng rõ nét so với cùng kì năm ngoái.
Không chỉ ở phân khúc căn hộ mà đất nền, nhà phố cũng đang thiết lập mặt bằng giá cao so với cùng kì năm trước. Một số dự án đất nền tại tỉnh lân cận Tp.HCM hiện mức giá thấp nhất cũng từ 20-25 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá không dễ tìm kiếm ở các khu vực giáp ranh mà phải chấp nhận đi xa hơn. Theo ghi nhận, hiện đa số các khu vực này giao dịch cũng “chững” chung với thị trường. Giá bán cũng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng không theo xu hướng giảm xuống.
Theo các đơn vị nghiên cứu, trong quý 1/2020 dù rơi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng các CĐT BĐS không hề có động thái giảm giá. Sang đến quý 2/2020 động thái này càng thể hiện rõ nét hơn khi không những không giảm giá mà mặt bằng giá chung của các phân khúc đều thiết lập giá mới, cao hơn hẳn so với quý 1. Thậm chí cao rõ nét so với cùng kì năm ngoái.
Trong báo cáo quý 2 mới đây, JLL Việt Nam cho rằng, giá BĐS vẫn có xu hướng tăng bất chấp tình hình kinh tế chưa ổn định. Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã có những ưu đãi như gia hạn lịch thanh toán cho khách. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1-3% so với quý trước. Đáng nói, có một số dự án căn hộ ở phân khúc hạng sang ra thị trường hoặc đang trong giai đoạn bàn giao đã cùng nhau nâng giá trung bình toànthị trường đạt 2.582 USD mỗi m2 trong quý, tăng 27,5% theo năm và 5,3% theo quý.
Video đang HOT
Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch. Theo JLL, đối với thị trường đầu tư, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và do dự trong việc xuống tiền trong bối cảnh xuất hiện những bất ổn về tài chính, vì nguy cơ sa thải và cắt giảm lương vẫn còn tiếp diễn.
Trong khi đó, ở phân khúc nhà liền thổ giá bán cũng liên tục tăng và xác lập kỉ lục mới. Cụ thể, theo JLL, giá sơ cấp trong quý 2 của phân khúc này đã xác lập kỷ lục mới với mức 5.277 USD/m2, tăng 35,9% theo năm và 5,2% theo quý. Nguyên nhân là các dự án mới ra mắt trong quý chào giá cao hơn mức trung bình, điều này một lần nữa khẳng định sự tự tin của chủ đầu tư trong giai đoạn nhu cầu cao và nguồn cung lại khan hiếm.
Một số dự báo cho rằng, trong các quý tiếp theo khi nguồn cung dồi dào hơn thì có thể mức giá CĐT đưa ra thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, dự báo này cũng không thể hiện cho việc xuống giá của BĐS trong thời gian tới. Thậm chí, theo một số doanh nghiệp, khi dòng tiền của người mua trở lại thị trường tốt hơn thì giá BĐS có thể sẽ còn thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn hiện tại một bước.
Như vậy để thấy, dù giao dịch trên thị trường chưa mấy sáng sủa nhưng giá BĐS vẫn bất chấp tăng lên đang thể hiện cho câu chuyện, việc điều chỉnh giá đi xuống là rất khó diễn ra trong giai đoạn tới. Theo các chuyên gia, về mặt nguyên lý, sau mỗi đợt khủng hoảng BĐS sẽ giảm giá nhưng về mặt thực tế thị trường thì hiện nay điều đó khó xảy ra. Bởi BĐS vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn đối với dòng vốn của NĐT, tính sở hữu tài sản bằng nhà đất của người Việt còn cao. Chưa kể, các doanh nghiệp địa ốc còn tính toán đến các chi phí đầu vào để đưa ra mức giá đầu ra, đảm bảo được câu chuyện kinh doanh của họ. Nhất là trong bối cảnh mà chi phí xây dựng, chi phí quỹ đất, chi phí tài chính không giảm mà còn có xu hướng tăng lên thì việc điều chỉnh mức giá bán là điều dễ hiểu.
Hiện nay, khi mà mức giá BĐS tại Tp.HCM đã ở ngưỡng cao, vượt quá khả năng chi trả của số đông người mua ở thực thì TP cũng đang tích cực đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan và chưa thể thực hiện ngay ở thời điểm này.
Doanh nghiệp địa ốc vượt khó ra hàng
Dưới tác động của dịch bệnh, hai từ "ảm đạm" bao phủ thị trường khiến lượng giao dịch sụt giảm khoảng 70%, nhiều doanh nghiệp lao đao vì không bán được hàng, không ít sàn giao dịch buộc phải đóng cửa.
Tuy nhiên, việc nhà nước kiểm soát dịch tốt đã xóa bỏ tâm lý e ngại của chủ đầu tư, trong tháng 3 này nhiều doanh nghiệp đã quyết tâm "vượt khó" ra hàng.
Doanh nghiệp vượt khó ra hàng
Sôi động nhất có thể kể đến thị trường miền Nam. Chủ đầu tư Novaland đã mạnh tay triển khai và mở bán đợt tiếp theo dự án The Grand Manhattan với gần 1.000 sản phẩm.
Không chỉ thế, doanh nghiệp này cũng đồng thời triển khai, mở bán tiếp tục dự án Aqua City tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Đây là dự án bất động sản cao cấp với các loại hình sản phẩm chính là nhà phố, biệt thự ven sông, shophouse... trên diện tích 1.000 ha.
Công ty cổ phần PropertyX (thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh Corp) cũng vừa phát đi thông báo sẽ cho "lên kệ" 2.000 sản phẩm căn hộ chung cư tại làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Đồng thời, công ty này cũng mở bán giai đoạn 2 dự án Biên Hòa New City tại TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Tương tự, Tập đoàn An Gia vừa ra mắt dự án Westgate với tổ hợp 2.000 căn hộ từ 2 - 3 phòng ngủ. Tập đoàn Vạn Phúc thông báo sẽ mở bán khoảng 100 căn nhà phố tại dự án Van Phuc City, quận Thủ Đức, TP.HCM.
Công ty cổ phần DKRA Vietnam cũng cho biết, sẽ bán dự án căn hộ chung cư mang tên City Grand cao 25 tầng, với tổng số 666 căn hộ tại quận 2, TP.HCM.
Tại Hà Nội, khu vực phía Tây cũng sẽ đón chào một số dự án mới "lên sàn" như Imperia Smart City với quy mô 5 tòa tháp căn hộ cao tầng sẽ ra mắt trong tháng này. Hay 427 căn nhà ở xã hội tại 2 lô đất HH-01 và HH-02 thuộc Khu chức năng đô thị Đại Mỗ cũng vừa tiếp nhận hồ sơ.
Tại miền Trung, dự án Khu đô thị trung tâm hành chính Điện Thắng Trung - Phân khu Diamond City (tỉnh Quảng Nam) và dự án De 1st Quantum (Huế) cũng vừa được giới thiệu ra thị trường.
Bà Nguyễn Phương Anh - Thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Meyland) tiết lộ, doanh nghiệp vừa ra mắt dự án đô thị đảo mang tên Meyhomes Capital Phú Quốc. Hiện doanh nghiệp đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An và nhiều tỉnh thành phố khác.
Trong Nguy có Cơ
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - TGĐ Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ Việt Nam (EZLand) cho rằng, đợt dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến thị trường bất động sản, hàng loạt sàn môi giới bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm, khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn đang mong chờ những dự án đáng để xuống tiền.
Theo ông Toản, việc các doanh nghiệp mở bán các sản phẩm mới là đúng đắn, bởi lẽ công việc vẫn phải vận hành, các kế hoạch vẫn phải triển khai, đặc biệt là việc bán hàng để tạo dòng tiền. Có chăng chỉ cần thay đổi về phương pháp, thay vì tổ chức sự kiện rầm rộ thì có thể thực hiện theo các cách khác, trong đó bán hàng online, bán hàng qua đại lý vẫn đảm bảo hiệu quả nếu như sản phẩm bán phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Đây là cơ hội để các chủ đầu tư tiếp cận đến những khách hàng có nhu cầu ở thật, tăng tính cạnh tranh, khẳng định tiềm lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu làm không tốt thì dự án sẽ khó khăn cho những đợt mở bán sau.
"Thời gian tới đây sẽ là giai đoạn có sự thanh lọc khá lớn trên thị trường bất động sản, một số đơn vị sử dụng vốn vay lớn, đầu tư dở dang hoặc đầu tư tại những khu vực có vị trí không thuận lợi sẽ rất khó khăn" - ông Toản nhận định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Anh - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành cho rằng thị trường bất động sản đang trong quá trình thanh lọc mạnh mẽ, việc thắt chặt tín dụng cho bất động sản khiến các doanh nghiệp không có thực lực gặp khó khăn, nhưng đây lại là thời điểm để các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực tài chính, với các dự án đầy đủ pháp lý khẳng định mình.
Các chuyên gia lo ngại, nếu dịch bệnh kéo dài tới hết quý 2/2020 thì chắc chắn suy thoái và khủng hoảng kinh tế là không tránh khỏi, khi đó nhiều ông lớn bất động sản có thể sẽ sụp đổ, các doanh nghiệp có kém tiềm lực và đã khủng hoảng từ trước sẽ chịu "cú đấm bồi" của dịch bệnh sẽ choáng váng hơn bao giờ hết.
Điều này cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có những bước đi cẩn trọng, đúng đắn để trở thành điểm sáng, lội ngược dòng trước các dự báo bi quan của thị trường.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Bất ngờ cạn nguồn, nhiều nhà máy ô tô Việt phải ngừng sản xuất Do nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp ô tô tải Việt Nam lao đao, có thể phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới. Đứng ngồi không yên vì thiếu linh kiện Một doanh nghiệp có nhà máy tại TP.HCM mỗi tháng lắp ráp 100 xe tải các loại, từ nhẹ tới nặng, nguồn...