Vì sao GDP quý III tăng mạnh, lạm phát Việt Nam thấp hơn thế giới?
Tổng cục Thống kê lý giải nguyên nhân GDP 9 tháng năm 2022 của Việt Nam tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, trong khi lạm phát thuộc nhóm thấp trên thế giới.
GDP quý III ước tính tăng khá mạnh, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 29/9, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – nhận định trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực trong hầu hết lĩnh vực.
GDP quý III ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên nhân là cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng âm. Tổng cục Thống kê chỉ ra đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
GDP 9 tháng năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
” Triển vọng thế giới trở nên khó khăn hơn do xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là tại châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường tại một số châu lục…“, bà Nguyễn Thị Hương nhận định.
Trong bối cảnh đó, theo cơ quan này, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III của nước ta vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là so với cùng kỳ năm ngoái.
” Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra như công nghiệp chế biến, chế tạo; bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…“, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.
Video đang HOT
Theo bà, đằng sau sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đã được triển khai quyết liệt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả.
” Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp“, bà Hương nhận xét.
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69% trong 9 tháng năm 2022, đóng góp 2,74 điểm phần trăm.
Ngành công nghiệp nói chung đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Lĩnh vực dịch vụ cũng phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đạt 10,57%, cao nhất trong vòng 11 năm. Những ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào mức tăng chung là bán buôn, bán lẻ (1 điểm phần trăm), vận tải kho bãi (0,83 điểm phần trăm), dịch vụ lưu trú (0,81 điểm phần trăm).
Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng lần lượt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% vào năm 2023.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Trong khi đó, mức dự báo được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra là 6,5%.
Lạm phát của Việt Nam thuộc nhóm thấp
Theo Tổng cục Thống kê, mặt bằng giá trong nước nhìn chung được kiểm soát dù lạm phát trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, CPI bình quân quý III và 9 tháng tăng lần lượt 3,32% và 2,73%. Lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Tổng cục Thống kê chỉ ra những thách thức đối với công tác điều hành chính sách như dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá năng lượng, hàng hóa thế giới tăng cao.
Trong tháng 8, lạm phát của khu vực đồng euro tăng lên mức cao kỷ lục 9,1%, lạm phát tại Mỹ đạt 8,5%, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5.
Tại châu Á, CPI tháng 8 của Thái Lan tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%.
Tổng cục Thống kê nhận định Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh – Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá – cho rằng Chính phủ đã chủ động ứng phó với lạm phát thông qua các chính sách, giải pháp giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Một số chính sách hiệu quả bao gồm giảm thuế GTGT với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà…
Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng tới vẫn còn hiện hữu. “Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga – Ukraine chưa chấm dứt”, Tổng cục Thống kê cảnh báo.
Ngoài ra, theo cơ quan này, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
Dự kiến Việt Nam sẽ xuất siêu 1 tỷ USD trong năm 2022
Tại báo cáo số 961/BCT-KH mới đây Bộ Công Thương gửi các đơn vị về kịch bản điều hành và các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022 đã nhấn mạnh tới nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bởi vậy, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc và là năm thứ 7 liên tiếp, Việt Nam xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Sài Gòn khu vực 1. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN
Theo Bộ Công Thương, dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao (khoảng 8%); nhập khẩu đạt khoảng 367 tỷ USD. Do đó, nhiều khả năng cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Những kết quả đạt được cũng là cơ sở để ngành công thương tự tin đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 8% so với năm 2022, cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.178 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.
Tuy nhiên, trong những tháng còn lại của năm 2022 dự báo kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thậm chí, một số nền kinh tế lớn có thể suy thoái. Lạm phát tiếp tục tăng cao ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng tới tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu, làm giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước; trong đó, có Việt Nam.
Vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, nhất là Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước cần tập trung các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các FTA.
Xuất khẩu thủy sản đạt nhiều tín hiệu tích cực trong quý I/2022. Ảnh: TTXVN
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị này xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong FTA để mở rộng cũng như tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa bền vững.
Mặt khác, các đơn vị thuộc Bộ phải nắm bắt thông tin, nhu cầu và quy định mới của thị trường sở tại để kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương. Đặc biệt, phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội từ thị trường nước ngoài.
Cũng tại báo cáo này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý các đơn vị hoàn thành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu quý III năm 2022.
Doanh nghiệp nhóm VPE500 có quy mô tài sản cao gấp hơn 132 lần Sáng 10/8, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Báo cáo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500). Hội thảo lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Báo cáo đánh giá...