Vì sao đường phố TP HCM đông đúc?
Theo Công an TP HCM, thời gian qua mỗi ngày gần một triệu lượt người ra đường; một số ngành nghề được hoạt động từ ngày 16/8 nên mật độ xe tăng khi thực hiện Chỉ thị 16.
Chiều 17/8, dòng xe đông đúc dừng tại chốt kiểm soát giao lộ Nơ Trang Long – Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, chờ kiểm tra giấy tờ. Lực lượng công an, quân sự, trật tự đô thị thay phiên nhau kiểm tra từng người. Việc kiểm tra những người có thẻ của cơ quan y tế, ngân hàng, lực lượng công vụ… diễn ra nhanh. Nhiều shipper đeo thẻ nhận diện, băng tay, người làm việc ở các doanh nghiệp thiết yếu được phép hoạt động đều có giấy xác nhận để qua chốt.
Tuy nhiên, một số người không có giấy xác nhận, trình bày lý do mua thực phẩm, thuốc men, chỉ tay vào túi đựng nhu yếu phẩm treo trên xe để chứng minh. Họ cũng đưa giấy tờ tuỳ thân chứng minh nhà gần đây nên được lực lượng chức năng nhắc nhở và thông cảm cho qua.
Cảnh sát kiểm tra giấy tờ người qua chốt đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, chiều 17/8. Ảnh: Hà An
Theo cán bộ CSGT tổ trưởng chốt kiểm soát, khi thành phố cho phép một số ngành nghề được hoạt động từ ngày 16/8, như: cơ sở bánh mì, hủ tiếu, công chứng, bảo hiểm, phòng khám… khiến lượng người ra đường tăng lên. Trước đây việc kiểm soát có thể diễn ra với từng người, nhưng hiện cao điểm buổi sáng chỉ kiểm tra xác suất. Trường hợp không có thẻ, biểu hiện nghi ngờ ra đường không lý do mới bị kiểm tra. Có lúc lượng xe tập trung đông buộc phải xả trạm để không ùn tắc.
“Chốt kiểm soát nằm gần bệnh viện nên xe cấp cứu qua lại liên tục. Khi có xe cứu thương hụ còi là anh em phải xả trạm, nhường đường cho xe qua”, cán bộ CSGT nói và cho biết lực lượng shipper hiện được giao hàng liên quận huyện nên qua chốt khá đông vào buổi trưa.
Đứng chờ người thân đang chạy thận nhân tạo trước cổng Bệnh viện nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh), ông Nguyễn Minh Hoàng, 55 tuổi, nói những ngày gần đây xe đông gấp 3-4 lần so với trước. “Tuần nào tôi cũng đưa người thân đi chạy thận 3 lần, thấy xe tăng cao hơn hẳn tháng trước. Tiếng động cơ, còi xe cũng nhiều hơn”, ông Hoàng nói và cho biết nhiều đường gần đó như Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Chu Văn An… cũng khá đông đúc, nhất là vào buổi trưa. Ở các ngã tư dừng đèn đỏ, xe máy, ôtô dồn lại dài cả chục mét.
Video đang HOT
Xe chạy trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, chiều 17/8. Ảnh: Hà An
Khu vực trung tâm thành phố, một số tuyến đường như Đinh Tiên Hoàng (quận 1), Võ Thị Sáu (quận 3), Ba Tháng Hai (quận 10)… xe cộ cũng đông đúc. Tại chốt kiểm soát trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ từng người, hầu hết cho qua sau vài giây. “Bây giờ ai ra đường cũng có giấy xác nhận, thẻ đi làm. Nhiều giấy tờ bị nhàu, thậm chí rách không đọc được nên anh em thông cảm cho qua để tránh ùn tắc, tránh lây “, cán bộ công an tại chốt cho biết.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, xe trên các tuyến đường ở thành phố những ngày gần đây tăng đột biến so với trước. Từ lúc TP HCM thực hiện Chỉ thị 16, lưu lượng xe trên các tuyến đường giảm cao nhất 86% hôm 11 và 25/7 so với trước khi giãn cách xã hội. Các ngày sau, từ 26 đến 30/7, lưu lượng xe chỉ giảm trung bình từ 74-79%.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 8 đến nay, mật độ xe các tuyến đường tăng cao hơn, khi nhiều ngày tỷ lệ giảm chỉ từ 65-69%. Cá biệt hôm 15/8, lượng xe giảm 83% – nhiều nhất tính từ đầu tháng 8, nhưng trở về tỷ lệ giảm 69% ngày hôm sau. Vào ban đêm, sau khi TP HCM siết chặt đi lại, chỉ một số người được ra đường 18h-6h khiến lượng xe giảm 91-94% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16.
Hiện, xe máy được thống kê là phương tiện chính chạy trên các tuyến đường. Từ ngày 9 đến 16/8, tỷ lệ xe máy chiếm trung bình từ 40-46% trong tổng các loại xe. Kế đến là xe tải, chiếm từ 28-35%; ôtô con từ 16-28%.
Người dân chạy trên đường Võ Thị Sáu, quận 3, chiều 17/8. Ảnh: Hà An
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá tình hình Covid-19 ở TP HCM vẫn phức tạp nên việc giãn cách cần ưu tiên hàng đầu. Bởi nếu không làm tốt, công sức chống dịch vừa qua ở thành phố có thể “đổ sông đổ biển”. “Dịch đã nhiễm sâu trong cộng đồng, trong khi nhiều người không có triệu chứng. Do đó nếu không kiểm soát giãn cách tốt sẽ không thể cắt được nguồn lây”, ông Nga nói và lo ngại trước tình trạng đường phố TP HCM đang đông xe trở lại, khó đảm bảo hạn chế tiếp xúc, giao tiếp…
Không loại trừ nguyên nhân một số người vẫn có tâm lý chủ quan, nhưng ông Nga cho rằng lý do chính khiến người dân ra đường nhiều hơn những ngày qua bởi họ quá “bí bách” sau gần 3 tháng thành phố giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn, mất việc, chưa được nhận tiền hỗ trợ Covid-19… buộc ra đường tìm cách duy trì cuộc sống.
Một nguyên nhân khác, theo ông Nga là nhiều địa điểm cách ly, phong toả, bệnh viện quá tải dẫn đến việc tiếp tế, chăm sóc khó khăn. Điều này khiến người nhà các gia đình ra đường nhiều hơn để mua bán tiếp tế thuốc men, nhu yếu phẩm; shipper vận chuyển hàng… “Do đó thành phố cần đảm bảo người dân không thiếu ăn, chỗ ở và có chính sách hỗ trợ bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để hạn chế ra đường”, ông Nga nói và cho rằng việc thiết lập “vùng xanh” không chỉ những nơi không còn dịch mà cần phải ổn định cả tinh thần cho người dân.
Tại cuộc họp chiều 16/8, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhìn nhận việc kiểm soát dịch thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào “giãn cách giữa người với người”. Vì vậy, các quận huyện phải thực hiện nghiêm tinh thần “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt các khu phong tỏa. Ông yêu cầu các sở ngành đo lường lượng xe ra đường, đồng thời chỉ đạo các địa phương lên kế hoạch thực hiện từng ngày, tranh thủ kiểm soát được dịch bệnh.
Đến tối qua, TP HCM ghi nhận 156.186 ca nhiễm. Hiện, thành phố tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 15/9, dài nhất từ trước đến nay.
Bộ Y tế kiểm tra doanh nghiệp vừa chống dịch vừa sản xuất sẽ đảm bảo ăn, ở như thế nào?
Ngày 15/7, Tổ công tác của Bộ Y tế giúp TP.Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19 cùng một số cơ quan quận Tân Phú đã kiểm tra và đưa ra những định hướng để doanh nghiệp bố trí ăn, ở cho người lao động tại cơ sở được tốt hơn.
Đặc biệt là ở công ty sản xuất mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày.
Bảo đảm sản xuất hàng thiết yếu gắn với phòng dịch
Tại Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty VIFON, Quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) làm việc với Tổ công tác, ông Nguyễn Xuân Dũng, Quản đốc công ty khẳng định: Là công ty sản xuất thực phẩm, nhất là các loại mì gói lớn của cả nước, việc đảm bảo y tế, phòng dịch và an toàn thực phẩm là cần thiết. Hiện tại công ty có 500/1200 người làm việc và ăn, ở tại chỗ. Mỗi người một chỗ ngủ, có chăn, gối, vòm chụp, bố trí quạt, cửa thông gió đầy đủ. Đặc biệt, mỗi chỗ ngủ đều được đánh mã số tương ứng với mã số nhân viên, người lao động phải ngủ đúng chỗ của mình.
Tổ công tác kiểm tra chỗ ngủ, nghỉ của người lao động Công ty VIFON
Để đảm bảo đời sống, sức khỏe cho người lao động, ông Dũng cũng cho biết, tất cả người làm việc giữa những ngày đại dịch đều được test nhanh với COVID-19, tăng 60% lương cho khối văn phòng, 70% cho khối sản xuất. Ngày ăn ba bữa tương ứng số tiền hơn 80.000 đồng/người. Ngoài ra còn bồi dưỡng thêm sữa. Tất cả thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K theo Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Công Chánh, Phó chủ tịch UBND Quận Tân Phú thông tin: UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành công văn 2337/UBND-TH chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm "3 tại chỗ": sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Đồng thời đảm bảo thực hiện được phương châm "1 cung đường - 2 địa điểm": chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Tại quận Tân Phú đã có 16 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đăng ký hoạt động theo văn bản trên với khoảng hơn 3.000 lao động. Trong Khu công nghiệp Tân Phú cũng có 21 doanh nghiệp đăng ký với khoảng gần 3.000 lao động. Các ban, ngành của thành phố cũng như quận giám sát rất chặt chẽ. Toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp được đo thân nhiệt mỗi ngày. Cùng với đó xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có xảy ra các trường hợp F0 trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời.
Tổ công tác kiểm tra khu nhà ăn dành cho người lao động Công ty VIFON
Để thực hiện tốt nhất "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy, phát triển kinh tế thì mỗi nhà, mỗi người, mỗi cơ quan, doanh nghiệp phải chấp hành tốt các quy định phòng dịch. Xem mục tiêu đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết nên từ từ 15/7, các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 phải dừng hoạt động.
Tổ công tác chỉ ra nhiều giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn
Dẫn đầu Tổ công tác của Bộ phận thường trực Bộ Y tế có mặt tại Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra thêm nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn hơn, phòng dịch tốt hơn cho doanh nghiệp và người lao động.
Kiểm ta khu nhà ăn của Công ty VIFON, ông Nguyễn Hùng Long cho biết: Các vách ngăn ở bàn ăn phải cao hơn mặt người lúc công nhân ngồi ăn cơm. Như vậy mới bảo đảm phòng dịch tốt, nếu người nọ nói người đối diện cũng không sợ giọt bắn. Nên chia ra mỗi phân xưởng ngồi ăn riêng trong một phân khu của nhà ăn. Sau đó rồi đánh số hoặc mã chỗ ngồi ăn tương ứng với mỗi người. Như vậy, nếu không may một phân xưởng có ca liên quan COVID-19 sẽ truy vết, xử lý tốt hơn vì đã biết ai ngồi ở đâu, mã số nào. Về suất ăn của người lao động, ông Long nhấn mạnh: Phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả người vận chuyển, chở các khẩu phần ăn đến cho công ty.
Để đáp ứng bước đầu xử lý các sự cố sức khỏe cho người lao động, Công ty VIFON đã bố trí phòng y tế trong công ty. Tổ công tác của Bộ Y tế nhấn mạnh: Bộ phận y tế doanh nghiệp ngoài làm tốt việc phòng dịch, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn thì phải chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm. Lấy mẫu chỗ chia phần ăn nghiêm túc, lưu cẩn thận.
Tại nơi nghỉ, ngủ và việc đeo khẩu trang phòng dịch của người lao động, ông Nguyễn Hùng Long khuyến cáo: Doanh nghiệp cần bảo đảm nhà vệ sinh tốt, nhiều nơi đã lây nhiễm bệnh từ chính nhà vệ sinh. Việc đeo khẩu trang trong công ty phải đeo cho đúng. Nếu đeo rồi thấy nóng kéo xuống hay tay mồ hôi cầm kéo khẩu trang nhiều rồi quẹt tay lên mặt là không nên. Hiệu quả phòng dịch từ việc đeo khẩu trang rất tốt.
Đối với việc hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của doanh nghiệp cần phải phân công cụ thể cho từng thành viên trong từng tổ. Khi đánh giá mức độ an toàn hay nguy cơ thì phải chia nhỏ ra đánh giá từng phân xưởng để chấm điểm chứ không đánh giá chung chung. Như vậy hiệu quả không cao. Chia nhỏ ra đánh giá để chỗ nào nguy cơ cao có biện pháp xử lý phù hợp ngay.
Tiếp nhận các đóng góp của Tổ công tác, ông Nguyễn Công Chánh cho biết: Lúc đầu ta cứ đánh giá chung toàn công ty là ngộ nhận. Thực tế đúng như anh Long phân tích, trong doanh nghiệp có rất nhiều phân xưởng thêm cả khối siêu thị nữa. Thế nên phải đánh giá riêng rồi tổng hợp lại mới có điểm số chính xác hơn.
Bộ Y tế công bố 3 ca tử vong do Covid-19 tại TPHCM Chiều 14/7, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 3 ca tử vong do Covid-19 số 133-135, đều có bệnh lý nền nặng. Ca tử vong thứ 133 là BN21842, nữ 87 tuổi, ở quận 8, TPHCM, có tiền sử tăng huyết áp, lão suy. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2...