Vì sao du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển?
Những làng quê thanh bình, bản làng thấp thoáng giữa núi non trùng điệp… đang dần trở thành điểm đến được nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế lựa chọn khi đến Việt Nam.
Đây là lợi thế để nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng – một trong những loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho người bản địa, đang được khuyến khích phát triển, không chỉ riêng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, với rất nhiều địa phương, du lịch cộng đồng vẫn đang như những “mỏ vàng” cho cả ngành Du lịch và địa phương nhưng chưa thực sự được khai thác, phát huy trong thực tế.
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi ghé thăm Khuổi Ky – bản làng nổi tiếng với những nếp nhà sàn bằng đá lâu đời, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bản thuộc khu du lịch thác Bản Giốc, nằm giữa hai điểm đến nổi tiếng là động Ngườm Ngao và thác Bản Giốc – danh thắng quốc gia được nhiều tạp chí, hãng truyền thông vinh danh là một trong 10 thác nước kỹ vĩ nhất thế giới.
Đời sống văn hóa bản địa là yếu tố hấp dẫn du khách.
Đây cũng là một trong những địa chỉ được tỉnh Cao Bằng chọn để thí điểm phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã khá lâu. Nhưng, bản làng khá vắng vẻ. Tại Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa cũng tương tự. Nhiều hộ dân tại đây cho biết, hầu hết trai gái trong bản đã đi về các tỉnh dưới xuôi làm thuê và gần như trong bản chỉ còn người già, trung niên và con trẻ.
Bà Hứa Thị Chư, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ở bản còn công bố mức giá dành cho khách lưu trú khiến nhiều người giật mình: 100.000 đồng/người gồm ngủ qua đêm, ăn uống theo sinh hoạt của gia chủ. Nhưng, cũng theo bà Chư, đoàn khảo sát của chúng tôi (khoảng hơn 40 người) là đoàn khách đông nhất đến bản kể từ khi có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở đây.
Phần lớn khách du lịch đến với Bản Giuồng, ở qua đêm đều là khách Tây và là những khách lẻ. Đoàn khách đông nhất là 11 người. Du lịch cộng đồng chưa thực sự giúp người dân Bản Giuồng có mức sống khấm khá nhiều hơn, dù rằng, như nhiều người dân nơi đây khẳng định, so với nhiều năm trước, cơ sở vật chất, đường xá đi lại đã được nhà nước quan tâm đầu tư, đi lại dễ dàng hơn rất nhiều.
Tại làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng, chúng tôi được đón chào bằng âm thanh rộn rã của tiếng quai búa, bếp lửa rực hồng và những thanh sắt nung đỏ, tiếng xèo xèo của thép nóng nhúng vào nước lạnh.
Tương truyền, đây là ngôi làng có từ thế kỷ thứ XI, từng là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của 2 người anh hùng được dân tôn thờ ở vùng đất này là Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao. Đây cũng là một trong những mô hình thí điểm phát triển du lịch cộng đồng của địa phương. Nhưng, thời điểm chúng tôi ghé thăm, làng chỉ có vài ba bóng du khách vãng lai.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Phạm Văn Khoa, Phó phòng Du lịch, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng lý giải, địa phương đã đầu tư khá nhiều cho làng, từ đường sá cho đến tập huấn, hướng dẫn các hộ dân tham gia đón khách du lịch. Nhà sàn xưa, dấu tích lịch sử, văn hóa của Pác Rằng là thế mạnh trong thu hút du khách, đặc biệt là khách thích du lịch trải nghiệm.
Đây cũng từng là địa chỉ được Cao Bằng sẽ kỳ vọng phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả. Kỳ vọng này chưa trở thành hiện thực bởi, chỉ sau đó ít lâu, người làm du lịch phát hiện ra rằng, làng rèn cổ xưa với gần 400 hộ dân làm rèn, khiến Pác Rằng trở thành “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc, khiến du khách tò mò nhưng cũng khiến họ phiền phức. Người làng thức khuya dậy sớm làm nghề.
Du khách có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn lại mệt mỏi vì tiếng ồn từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay gần Pác Rằng là làng hương Phia Thắp – bản làng nổi tiếng lâu đời với nghề làm hương, cũng thuộc điểm đến được quảng bá hấp dẫn của Cao Bằng nhưng rất ít du khách.
Có một điểm chung mà chúng tôi dễ dàng nhận thấy là dù các bản làng này đều là những điểm đến hấp dẫn cả về di sản văn hóa lẫn thiên nhiên nhưng không đón chưa nhiều du khách. Du lịch cộng đồng – loại hình kỳ vọng sẽ góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương một cách bền vững chưa thực sự giúp các hộ dân nơi đây có thu nhập khá hơn bao nhiêu.
Video đang HOT
Về vấn đề này, ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng thừa nhận, cơ sở vật chất còn yếu, giao thông khó khăn là một trong những “nút thắt” lớn của du lịch Cao Bằng. Người dân chưa quen với hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, thiếu các dịch vụ đi kèm… khiến các điểm du lịch cộng đồng ở địa phương khó thu hút du khách.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ du lịch Thanh Niên cho hay, những nhược điểm của du lịch cộng đồng tại Cao Bằng cũng là nhược điểm chung của du lịch nhiều địa phương khác trên cả nước.
Dù có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, là những miền đất có bề dày lịch sử, văn hóa nhưng điều kiện đi lại quá khó khăn, dịch vụ du lịch quá nghèo nàn, đơn điệu, điều kiện ăn ở còn thiếu vệ sinh là những “điểm trừ” rất lớn của du lịch cộng đồng hiện nay. Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, một số địa phương đã xây dựng được những mô hình du lịch cộng đồng tương đối hấp dẫn như bản Cát Cát ở Sapa, một số bản làng ở Hà Giang.
Những mô hình này cần được nhân rộng. Cảnh quan cần được địa phương đầu tư nhiều hơn, có thể quy hoạch thành những điểm để du khách chụp ảnh lưu niệm, xây dựng các sản phẩm dịch vụ kèm theo như các tour đi bộ, đạp xe quanh làng… Không ai vượt hàng trăm km đường núi đồi, đi lại cả nửa ngày chỉ đến một địa điểm để ngủ qua đêm rồi về, dù rằng, điểm đến ấy thực sự thơ mộng, hấp dẫn.
Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Hanoi Redtours cũng cho rằng, ngoài khắc phục về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan chung và dịch vụ đi kèm thì một điểm yếu khác không thể không khắc phục là nhiều điểm du lịch cộng đồng không an toàn vệ sinh, thậm chí là quá mất vệ sinh. Nếu có đoàn khách lớn, hiện tại, công ty cũng không dám đưa về những điểm du lịch như thế này.
Ngọc Nguyễn
Theo cand.com.vn
Đón đông trên phố Hà Nội cùng cúc họa mi
Mùa đông đang về khi những cơn gió lạnh bất chợt thổi qua vào sáng sớm, khi đường phố đâu đâu cũng thấy gánh cúc hoạ mi.
Khi những nhánh lộc vừng rụng đầy lối đi, dưới vệt nắng len lỏi qua từng hàng cây. Những tán lá bắt đầu ngả sang màu vàng, có lẽ là khoảnh khắc "thơ" nhất trong năm ở Hà Nội...
Thời điểm lập đông là lúc thích hợp nhất để xuống phố bởi không khí được xoa dịu bằng những cơn gió đầu mùa cùng những tia nắng nhảy nhót trên đường và cũng là khi cúc hoạ mi - sứ giả của mùa đông - xuống phố.
Những ngày này, ta có thể bắt gặp gánh cúc hoạ mi ở bất kỳ con phố nào giữa lòng Hà Nội.
Gánh cúc hoạ mi dễ dàng bắt gặp trên từng con phố
Cúc hoạ mi nở rộ lúc trời bắt đầu se lạnh. Tuy nhiên, không chỉ bởi thế mà cúc hoạ mi là loài hoa của tháng 11, mà còn bởi vẻ đẹp dịu dàng cùng ý nghĩa đằng sau của nó: tình yêu thầm lặng mà chung thuỷ.
Cúc hoạ mi là loài hoa nhỏ có những cánh trắng ngần, mang vẻ đẹp dịu dàng, được nhiều người yêu mến, còn được biết đến với cái tên tiếng Anh là Daisy
Loài cúc trắng tinh khôi chính là hình ảnh quyến rũ nhất tại Hà Nội thời khắc này, khiến chẳng ai có thể rời mắt
Những giỏ hoa trắng lướt trên phố.
Điều đặc biệt của cúc họa mi chính là đơn giản lúc cần đơn giản và rạng ngời quý phái đúng không gian. Dù được đặt ở bất cứ đâu thì cúc họa mi vẫn toát lên một vẻ quyến rũ với sức hút lạ thường mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng khó có thể chối từ việc đưa chiếc máy ảnh hay điện thoại lên để ghi lại...
Không khó để bắt gặp cảnh tượng những đám bạn trẻ rủ nhau xuống phố "check-in" cùng loài hoa quốc dân này.
Vương Yến (sinh viên năm 4 đại học Luật Hà Nội) chia sẻ: "Mùa cúc hoạ mi đã đến từ đầu tháng, nhưng cho đến tận hôm nay em mới được nghỉ học cùng các bạn xuống phố chụp ảnh cùng hoa cúc hoạ mi. Cúc hoạ mi đang là trend trên mạng xã hội, hầu hết bạn bè của em đều xuống phố hoặc ra các địa điểm chụp hình có vườn hoa cúc hoạ mi như bãi đá sông hồng để "sống ảo".
Dưới ánh nắng vàng ít ỏi đầu đông, Hà Nội như tình hơn khi xuất hiện cúc hoạ mi.
Giới trẻ Hà Thành không muốn bỏ lỡ mùa cúc hoạ mi nở rộ.
Vợ chồng ông Thanh Tùng hết mình tạo dáng trước ống kính máy ảnh của cô con gái.
"Cô chú tuy già rồi nhưng mà yêu đời lắm, cũng muốn bắt kịp xu hướng giới trẻ bây giờ, sống cho trẻ lại", vợ ông Thanh Tùng bộc bạch. "Đầu tuần đến giờ cô đăng không biết bao nhiêu ảnh chụp với cúc hoạ mi lên face rồi. Tuần trước cô chụp ở vườn hoa hồ Tây, tuần này nhân dịp con gái chụp ảnh kỉ yếu nên lại ra đây chụp tiếp".
Vợ chồng ông Tùng lần thứ 2 xuống phố chụp hình với cúc hoạ mi .
Quả thật, hoa cúc hoạ mi đẹp dịu dàng và "ăn hình" là thế, thử hỏi ai không yêu không thích!
Trong khung hình những người trung niên, vẻ đẹp cổ điển của cúc hoạ mi khiến người trẻ cảm nhận nếp sống thời của "ông bà anh".
Dưới ống kính của các "nam thanh nữ tú", nó lại trở nên thời thượng mà vẫn nhẹ nhàng, thanh lịch như nụ cười e thẹn của người thiếu nữ Tràng An.
Chỉ nở một mùa duy nhất trong năm nên vào tháng 11, người dân thủ đô thường dành ra chút thời gian để đến với những vườn hoa cúc họa mi chụp ảnh, thưởng thức hương thơm thoang thoảng, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi.
Cúc hoạ mi có "tuổi thọ" rất ngắn ngủi, chỉ khoảng 3 tuần và nở rộ nhất là vào khoảng cuối tháng 11.
Dọc đường Phan Đình Phùng và xung quanh đường Hoàng Diệu, khó đếm hết số xe cúc hoạ mi. Chị Nga, chủ xe hoa họa mi cuối đường Hoàng Diệu hân hoan cho biết: "Chị bán suốt từ đầu tháng 11 đến nay, hầu như ngày nào cũng hết hoa. Chưa đến giờ cơm trưa mà chị đã bán hết nửa số hoa hôm nay rồi".
Thế mới biết loài hoa này được người dân thủ đô ưu ái đến nhường nào.
Nụ cười tươi của những người bán hoa đắt hàng
Không chỉ cư dân Hà Nội, du khách đến Thủ đô cũng rất hứng thú với cúc hoạ mi. "Khách Tây đông lắm, cả người miền Nam nữa. Lượt mua, lượt chụp ảnh cũng không kém gì dân ở đây đâu. Thấy cảnh người dân Việt Nam mặc áo dài chụp ảnh với hoa, khách nước ngoài thích lắm, còn xin chụp cùng nữa", chị Nga nói.
"Mỗi dịp đầu đông là nhà cô không bao giờ thiếu cúc hoạ mi", người phụ nữ chuyên nội trợ ở một phố cổ chia sẻ. "Cô là người yêu hoa, yêu cái đẹp, nhà cô lúc nào cũng vậy, mỗi mùa một loại hoa, mùa này cô ưu tiên nhất vẫn là cúc hoạ mi. Bởi cúc hoạ mi vừa đẹp lại vừa dễ mua, giá thành không cao như hoa lan mà còn phù hợp với thiết kế mọi không gian". Đẹp và tình là thế nên cúc hoạ mi không thể thiếu trong nhà nhiều người Hà Nội. Những căn phòng như bừng sáng bởi sắc trắng tinh khôi và lan toả mùi hương dịu nhẹ của cúc họa mi.
Ở Anh, cúc hoạ mi còn được gọi là Baby's pet có nghĩa là hoa của trẻ em. Mang vẻ đẹp ngây dại, tinh khôi, cúc hoạ mi cũng chiếm chọn tình cảm của những em nhỏ dù là bé trai hay gái.
Nếu bắt gặp những chiếc xe cúc hoạ mi chầm chậm trên đường phố Hà Nội những ngày trời đông của tháng 11, chắc chắn rằng bạn sẽ chẳng bao giờ quên được hình ảnh lãng mạn và bình yên ấy. Cúc hoạ mi gọi gió đông về Hà Nội thật nên thơ!
Nhâm nhi tách cà phê trứng trong buổi sớm se lạnh đã trở thành thói quen của nhiều người dân Thủ đô.
Hương Giang
Theo baophapluat.vn
Tài xế taxi "chặt chém" khách Tây 3 triệu đồng với quãng đường 17km đã bị đuổi việc Đại diện hãng taxi Minh Sáng mới đây cho biết, sau khi xảy ra sự việc tài xế taxi "chặt chém" khách Tây 3 triệu đồng với quãng đường 17km, đơn vị đã ngay lập tức đuổi việc tài xế. Trước đó, người tài xế đã trao trả lại số tiền cho khách. Liên quan đến vụ việc tài xế taxi "chặt chém"...