Vì sao Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông “đội” vốn, “lụt” tiến độ?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) bị “lụt” tiến độ vận hành và vừa phải vay thêm vốn của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án bị chậm vì Việt Nam đang tiến hành thẩm định giá gói thầu thiết bị, dự án bị “đội” vốn là do trượt giá.
Tại cuộc họp báo quý III/2016 diễn ra chiều 29/9, trả lời PV Dân trí về các vấn đề của Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Dự án Cát Linh – Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.
Với hình thức đầu tư này, Trung Quốc và Việt Nam có những điểm khác nhau. Cụ thể, theo quy định của Trung Quốc thì Việt Nam là nước hưởng ưu đãi và có trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án, tuy nhiên theo quy định của Việt Nam thì Việt Nam kiểm soát cả về vấn đề thiết kế, dự toán trước khi Trung Quốc triển khai thực hiện. Vì có những khác biệt nên các vấn đề phải thực hiện theo Hiệp định vay vốn.
Theo Thứ trưởng Trường, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.
“Số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm, mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc nên hai bên thực hiện ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới” – Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2017 mới có thể đưa vào khai thác thương mại (ảnh: Hà Trang)
Đối với tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, trước đó Bộ GTVT khẳng định hoàn thành dự án và đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2016, nhưng mới đây Bộ GTVT lại cho biết phải “giãn” sang năm 2017 và nếu “thuận buồn xuôi gió” thì mới hoàn thành được.
Video đang HOT
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ dự án hoàn toàn dựa trên công nghệ và phương thức thi công của Trung Quốc, Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường sắt (đơn vị có nhiều kinh nghiệm) làm đại diện chủ đầu tư. Từ năm 2013 đến nay dự án có nhiều tiến triển tốt về tiến độ.
“Trong quá trình làm việc với Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2016, tiến độ này có thể đáp ứng được” – Thứ trưởng Trường cho hay.
Lí do phải “giãn” tiến độ sang năm 2017 theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT là vì đang trong quá trình thẩm định gói thầu về thiết bị cho dự án, gồm: Thiết bị đoàn tàu, đường ray, nhà điều hành, nhà xưởng…
“Gói thầu thiết bị chúng tôi đang đàm phán khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho Dự án, đáp ứng được tự động hóa và giá thành. Bộ GTVT đã mời đơn vị của Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá. Chậm là do Việt Nam đang tiến hành thẩm định, phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thành công tác thẩm định để họ thực hiện ký kết” – Thứ trưởng Trường khẳng định.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2016 dự án sẽ hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 mới có thể thực hiện xong các thiết bị, hạ tầng và sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, hiện nay sự hợp tác của Trung Quốc là rất tích cực, đây là dự án đầu tiên hoạt động tại Thủ đô, mang tính biểu tượng nên sẽ cố gắng hoàn thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng giải trình việc đường sắt Cát Linh-Hà Đông đội vốn "khủng"
Cuối buổi thảo luận chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã giải trình rõ hơn về những lý do khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 315 triệu USD chỉ sau 7 năm phê duyệt tổng mức đầu tư.
Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) về tổng mức đầu tư hiện nay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này là 8.769 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay sau khi tính toán điều chỉnh lại, cũng như trượt giá và rất nhiều nguyên nhân khác, dự án đã tăng thêm 315 triệu USD so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng có rất nguyên nhân dẫn tới việc "đội vốn khủng" tại dự án này. Đó là việc thay đổi nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng vì không giải phóng được mặt bằng nên phải bớt chiều rộng, tăng chiều cao; phải bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu đề-pô; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6.
Hàng loạt nguyên nhân được Bộ trưởng Đinh La Thăng dẫn ra khiến dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông "đội vốn khủng" (Ảnh: Hữu Nghị)
"Phải điều chỉnh vật liệu vỏ tàu thành vỏ thép inox bởi nếu không điều chỉnh thì lại phải làm một nhà máy chỉ để chuyên sơn vỏ tàu. Bổ sung chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ, thay đổi vị trí bãi đúc dầm, công tác nghiệm thu thiết bị vận hành đoàn tàu, chi phí giải phóng mặt bằng, trượt giá vật liệu...."- ông Thăng liệt kê hàng loạt nguyên nhân.
Ông Đinh La Thăng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2016 dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông phải hoàn thành, đưa vào khai thác.
Như Dân trí đã phản ánh, đầu kỳ họp này, gửi tới Quốc hội báo cáo mới nhất về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh- Hà Đông, thay mặt Chính phủ, nhận uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết trong tổng mức đầu tư thì vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là 1,2 tỷ nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) với lãi suất 3%/năm và vốn vay ưu đãi bên mua cũng của nước này là 250 triệu USD (lãi suất 4%/năm). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là gần 134 triệu USD.
Đến thời điểm này, dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn với tính toán của tư vấn TEDI (Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải), được Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD , tức tăng gần 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm 250 triệu USD. Đáng chú ý, trong khoản này, riêng các chi phí thuộc Hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đã đội lên hơn 248 triệu USD. Chỉ gần 2,2 triệu USD là thuộc chi phí dự phòng tăng thêm.
Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cũng phải điều chỉnh tăng thêm gần 65 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng cũng khiến tổng mức đầu tư đội thêm 63 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng).
Như vậy, phần lớn trong tổng số tiền vốn bị "vống" lên của dự án (248/315 triệu USD) nằm ở các chi phí thuộc hợp đồng với tổng thầu EPC (Trung Quốc).
Thế Kha
Theo Dantri
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại lùi tiến độ Đến tháng 6/2016 dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông sẽ hoàn thành phần xây lắp thô sau đó cần thêm 3 tháng để hoàn thiện và chạy thử. Thông báo về tiến độ của Dự án Đường sắt Đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, tại buổi họp báo Quý III/2015 của Bộ GTVT chiều 13/10, Thứ trưởng Bộ GTVT...