Vì sao Dòng họ Nguyễn Phước Tộc không đồng ý di dời mộ vợ Vua Tự Đức?
Một năm, kể từ khi xẩy ra sự cố Công ty TNHH -TMDV Chuỗi Giá Trị, chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh, trong quá trình thực hiện dự án đã san phẳng phần lăng mộ của bà Tài Nhân – vợ vua Tự Đức, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong 1 năm qua, đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chức năng Thành phố Huế để tìm phương án giải quyết, song sự việc không có gì khả quan.
Nơi ngôi mộ vợ vua Tự Đức bị xâm phạm. Ảnh Internet
Dòng họ Nguyễn Phước Tộc không đồng ý phương án di dời
Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế đã làm việc với đại diện của Hội đồng để tìm giải pháp trong việc di dời mộ bà Tài Nhân – vợ vua Tự Đức, song toàn thể con cháu trong dòng họ Nguyễn Phước tộc đều không đồng ý việc di dời lăng mộ bà Tài Nhân – vợ vua Tự Đức đi nơi khác, mà muốn giữ nguyên ngôi mộ ở vị trí hiện tại.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Tôn Thất Giáp, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc cho rằng: “Khi thực hiện dự án, doanh nghiệp lẫn các cơ quan chức năng Thành phố Huế phát hiện bia mộ bà Tài nhân nhưng đã cố tình không cắm thẻ di dời, không thông báo cho Hội đồng Nguyễn Phước tộc. Hiện việc di dời lăng mộ bà Tài Nhân, Hội đồng không thể tự quyết định được và ý kiến của toàn thể con cháu trong dòng họ đều không đồng ý việc di dời này mà muốn giữ nguyên ngôi mộ ở vị trí cũ”.
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đưa bia đến vị trí bảo quản – tháng 6.2017. Ảnh: B.N.L
Liên quan đến việc di dời ngôi mộ, ông Bảo Kỳ khẳng khái nêu ý kiến: “Bà con bức xúc không phải là chuyện di dời hay không mà nằm ở chỗ chính quyền tỉnh không làm rõ 2 vấn đề. Một là: Các cấp chính quyền không làm rõ Công ty TNHH-TMDV Chuỗi Giá Trị có vi phạm việc xâm hại lăng mộ bà Tài Nhân hay không?; Hai là: Dự án bãi đỗ xe có vi phạm cảnh quan môi trường thuộc khu vực di sản được bảo vệ hay không? Ngày 13 tháng 7 năm 2018, tân chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã có cuộc gặp với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc Huế để có lời xin lỗi. Tôi rất trân trọng lời xin lỗi đó, nhưng nếu ông chủ tịch mạnh dạn quyết tâm xử lý vi phạm và đồng ý để bà con xây dựng lại lăng Bà Tài Nhân tại vị trí cũ thì tuyệt vời biết bao nhiêu”.
Ngược dòng thời gian, vào giữa tháng 6 năm 2017, Công ty TNHH TMDV Chuỗi Giá Trị, chủ đầu tư dự án bãi đỗ xe khách tham quan lăng Tự Đức – Đồng Khánh, trong quá trình thực hiện dự án đã sản ủi phần lăng mộ của bà Tài Nhân, vợ vua Tự Đức.
Video đang HOT
Mộ bà Tài Nhân – vợ vua Tự Đức được dựng tạm sau khi bị san phẳng cách đây 1 năm. Ảnh Bảo Kỳ
Theo Bộ VHTT&DL, trong trường hợp cần thiết, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên- Huế có thể hướng dẫn chủ đầu tư nghiên cứu lập phương án điều chỉnh dự án bãi đỗ xe lăng vua Tự Đức-Đồng Khánh trên cơ sở đảm bảo hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di tích và sự đồng thuận giữa các bên, báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và Bộ VHTT&DL xem xét điều chỉnh.
Hội đồng trị sự dòng họ Nguyễn Phước có văn vản gửi UBND tỉnh xin được xây dựng lại lăng vợ vua Tự Đức tại vị trí cũ. Và chủ đầu tư là Công ty TNHH TMDV Chuỗi Giá Trị buộc phải chịu hoàn toàn mọi chi phí.
Trên cơ sở đó, ngày 19.7.2017, Bộ VHTT&DL đề nghị Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc để có phương án thích hợp trình UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét, quyết định.
Trước những thông tin trên, ông Bảo Kỳ chia sẻ thêm: “Huế là một địa danh không nơi nào có được và cách bảo tồn di tích cũng như thế. Từ 2006 tôi đã tham gia Festival Huế nên có một vài kiến nghị gửi lên tỉnh: như cách đặt tên đường, bán vé và ưu tiên cho người dân Huế, kể cả hơi chuyên sâu về phong thủy và các di tích nhà Nguyễn để lại, nhưng rất tiếc nhận được sự im lặng đáng sợ. Trước đây, tôi đã từng nghe nói bảo tồn di tích sẽ giao cho một Công ty nào đó. Thoạt nghe thì… quá tốt, nhưng khi đi vào tìm hiểu thì là như các dự án BOT mà Bộ GTVT đã làm. Nếu như vậy, di tích Huế sẽ trở thành BOT về lĩnh vực di tích mà thôi”.
Có hay không việc xâm hại mồ mả
Việc di dời ngôi mộ bà Tài nhân họ Lê (vợ vua Tự Đức), hay giữ nguyên hiện trạng tại địa điểm phát hiện, đang có nhiều ý kiến trái chiều và cần được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau để tìm hướng giải quyết tốt nhất.
PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt Nam chỉ rõ: Mặc dù dự án cho khai thác làm bãi đỗ xe đã được cấp phép, nhưng khi phát hiện dấu hiệu khảo cổ, đơn vị khai thác phải báo cho cơ quan quản lý nhà nước và phải giữ nguyên trạng để tiến hành xử lý. Về nguyên tắc, cần xác định rõ, khu lăng mộ này đã nằm trong danh mục được kiểm kê phát hiện hay chưa, đã được khoanh vùng bảo vệ chưa? Nếu chưa biết, thì bây giờ khi phát hiện ra, cần có phương án xử lý. Việc xây dựng bãi đỗ xe vào khu di tích không thể không làm vì đó là việc làm cần thiết để phục vụ du khách và phát triển du lịch. Tuy nhiên phải cần nhắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Cũng cần phải nhìn trong tổng thế các ngôi mộ của những bà vợ vua được đặt trong quần thể di tích ấy, chứ không phải cứ gặp trường hợp nào giải quyết trường hợp ấy. Cũng nên xem xét cụ thể trong trường hợp nào thì kinh tế phải hy sinh cho văn hóa và phải giữ bằng mọi giá. Trường hợp nào thì văn hóa phải nhân nhượng để phát triển kinh tế. Khi di dời ngôi mộ đi nơi khác thì có đặt vào vị trí trang trọng hay không?”.
Nên đặt lăng mộ bà Tài Nhân ở tầm nhìn hệ thống các bà phi (vợ vua), cũng như cống hiến của bà Tài nhân trong lịch sử đến đâu để giải quyết, chứ không thể xử lý mọi trường hợp đều giống nhau được.
Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ và anh Bùi Quang Thiện (con trai) dâng hương tại Lăng mộ Bà Tài Nhân.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia khẳng định: “Về nguyên tắc không thể di dời ngôi mộ của vợ Vua đi nơi khác vì trước tiên, đó là một quần thể, trong đó có mối quan hệ chặt chẽ giữa Vua và hoàng hậu. Nên việc di dời là không thể làm được. Quan điểm chung của những nhà làm bảo tồn, bảo tàng thì phải giữ nguyên hiện trạng và vẫn phải đảm bảo được tính thống nhất của di tích. Không nên có một sự xâm hại mà đặc biệt đó là sự xâm hại nằm trong quy hoạch. Vì thế, cần tính toán cẩn trọng trong quy hoạch để trách sự xâm hại đến di tích, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến di tích”.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Duy Khương – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Đây là một vụ việc phức tạp và cần phải suy xét thấu đáo ở tất cả các khía cạnh bao gồm việc bảo tồn di sản văn hóa, phong tục, tín ngưỡng thờ cúng người đã khuất của dân tộc Việt Nam nói chung và gia tộc, hậu duệ của dòng họ Nguyễn nói riêng cũng như nhu cầu phát triển của từng địa phương. Quần thể di tích Lăng Tự Đức là một cụm di tích có ý nghĩa lịch sử – văn hóa – tâm linh – cảnh quan đặc biệt, là nơi yên nghỉ của nhiều vị vua triều Nguyễn. Do đó, nhu cầu của du khách được tham quan khu vực này là có. Việc xây bãi đỗ xe theo tôi là cần thiết để phục vụ và đáp ứng nhu cầu của du khách hiện tại và trong tương lai. Về vấn đề xây dựng bãi đỗ xe có thể bị coi là hành vi gây xâm hại nghiêm trọng đến khu vực quần thể Lăng Tự Đức hay không, muốn có được câu trả lời chính xác nhất, thì cần phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu pháp lý và phải được các chuyên gia đầu ngành về pháp lý, văn hóa, đất đai xem xét một cách thấu đáo”.
“Mộ vợ Vua Tự Đức có thể không phải là nhân vật lịch sử nên không được công nhận là di tích lịch sử, di sản văn hóa theo các quy định của Luật di sản. Tuy nhiên, dù không phải là di tích lịch sử thì đây vẫn là mồ, mả được pháp luật bảo vệ. Do đó, nếu có bằng chứng rõ ràng về việc cố ý san lấp khu lăng mộ, xâm phạm mồ, mả, hài cốt của Chủ đầu tư và/hoặc của đơn vị thi công, thì có thể có dấu hiệu của hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 246 của Bộ luật Hình sự 1999 (bộ luật này đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hiện vẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn phải căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hồ sơ đầy đủ về vụ việc”- Luật sư Phạm Duy Khương khẳng định.
Theo Danviet
Sẽ kiến nghị UNESCO nếu mộ vợ vua Tự Đức bị di dời
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc không đồng ý dời mộ vợ vua Tự Đức và sẽ kiến nghị lên Thủ tướng, UNESCO nếu bị ép.
Chiều 12/7, UBND thành phố Huế cùng với các ngành chức năng đã thảo luận với đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc về phương án liên quan lăng mộ bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận - vợ vua Tự Đức.
Cơ quan chức năng xác định lăng mộ bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận đã bị san ủi. Ảnh: Võ Thạnh.
Ông Tôn Thất Giáp, Tài chính Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc cho biết, tại cuộc họp UBND thành phố muốn di dời lăng mộ bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận xuống gần lăng bà Học Phi. Tuy nhiên, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc không đồng ý mà muốn xây dựng lại lăng mộ ngay nơi phát hiện.
Theo ông Giáp, sau hơn hai tiếng họp bàn, hai bên không thống nhất được phương án. UBND thành phố Huế cho Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc ra quyết định trước ngày 18/7 để thành phố có căn cứ trả lời UBND tỉnh.
Ông Giáp cho hay nếu lăng mộ vợ vua Tự Đức bị ép di dời, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc sẽ gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng và tổ chức UNESCO. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu cơ quan pháp luật làm rõ hành vi xâm phạm mồ mả của những người liên quan.
Ông Giáp thông tin với báo chí về lăng mộ bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận. Ảnh: Võ Thạnh.
Thời gian qua, để làm bãi đỗ xe ở khu vực Lăng vua Tự Đức - Đồng Khánh, chủ đầu tư đã cho đào xới khu vực rộng khoảng 17.000 m2. Theo phản ánh của người dân địa phương, việc thi công đã vùi lấp một lăng mộ cổ có diện tích khoảng 40 m2.
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và cơ quan chức năng vào cuộc, xác định lăng mộ bà Tài nhân Lê Thị thụy Thục Thuận - vợ của vua Tự Đức đã bị san ủi.
Ngày 7/7, làm việc với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và chủ đầu tư là Công ty Chuỗi Giá Trị, ông Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân) đưa ra phương án di dời lăng mộ của bà Lê thị thụy Thục Thuận xuống khu vực lăng bà Học Phi ở gần đó để "dễ chăm sóc quản lý"; tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án xây bãi đỗ xe ở khu vực Lăng Tự Đức - Đồng Khánh.
Tuy nhiên, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc không đồng ý và làm đơn kiến nghị gửi lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị UBND tỉnh buộc Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Chuỗi Giá Trị "phải bồi hoàn để làm lại lăng mộ của bà theo bản vẽ thiết kế của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế" ngay tại nơi phát hiện.
Sáng 11/7, UBND tỉnh giao cho UBND thành phố Huế làm việc với các bên liên quan, báo cáo kết quả.
Trong quá trình chờ ý kiến UBND tỉnh, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã làm nấm mồ tạm thời để lo nhang khói.
Võ Thạnh
Theo VNE
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc không đồng ý di dời mộ vợ vua Tự Đức Chủ đầu tư bãi đỗ xe ở thành phố Huế được yêu cầu bồi hoàn để làm lại lăng mộ vợ vua Tự Đức. Ngày 11/7, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc đã gửi đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư khôi phục lại lăng mộ của bà Tài nhân...