Vì sao doanh nghiệp không mặn mà cải tạo chung cư cũ?
Các khu chung cư cũ đa phần nằm trong nội đô, đây là khu vực bị khống chế về mật độ và chiều cao, nên rất khó để thu hồi vốn khi đầu tư xây dựng ở khu vực này.
Việc cải tạo các chung cư, nhà tập thể cũ tại Hà Nội hiện đang rất khó khăn. Thực tế đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành nhưng vẫn chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Nhiều vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong quá trình triển khai cải tạo chung cư cũ. Chẳng hạn như: Chưa có sự đồng thuận trong phương án đền bù, tái định cư; công tác giải phóng mặt bằng; hay quy định khống chế quy hoạch chiều cao xây dựng của khu vực trung tâm…
Nhiều khu tập thể cũ không tìm được nhà đầu tư để cải tạo. (Ảnh: Ngọc Vy).
Tại chương trình Cà phê Doanh nhân với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ” do báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức sáng nay (15/12), nhiều ý kiến chuyên gia cũng đã bàn luận quanh vấn đề này nhằm tìm ra các giải pháp hợp lý.
Ông Đỗ Viết Chiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, đặc thù của nội thành Hà Nội là hầu hết các nhà chung cư nằm trong các quận nội thành. Đây là khu vực nằm trong vùng hạn chế phát triển theo quy hoạch 108 của Thủ tướng và bị khống chế về mật độ và chiều cao. Đây chính là thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi không thể tìm được cách thu hồi vốn.
Đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động cải tạo chung cư cũ, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, phải có sự phân biệt khác nhau về thời kỳ xây dựng, vị trí địa lý, kỹ thuật xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân trong từng khu dân cư và đối chiếu với chính sách của nhà nước qua từng thời kỳ… Chỉ khi nhận diện rõ được những điều này, thì chúng ta mới có khung chính sách cho từng loại chung cư, còn không thì kiến nghị của chúng ta chỉ dừng trên giấy mà thôi.
Tuy nhiên, ông Nghiêm cũng đề xuất, điểm mấu chốt cụ thể ở đây, ai, đơn vị nào đứng ra làm việc phân loại và nhận diện này?
Một là, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội cần nhận diện và phân loại rõ từng loại chung cư.
Hai là, trên cơ sở đó, chúng ta có trình tự thực hiện các dự án cải tạo chung cư cụ thể khác nhau, không thể có một khung chính sách chung cho tất cả các loại chung cư. Như vậy sẽ rất chung chung.
Ba là, phải xây dựng một tiêu chí đồng bộ, như những vấn đề đã chỉ ra như trên phải nhận diện chứ đừng chỉ can thiệp vào một hạng mục nào đó. Ví dụ như chung cư hạng D nên ưu tiên cải tạo trước. Đây chỉ là yếu tố cần, tuy nhiên chưa đủ.
Video đang HOT
Một vấn đề nữa, để cải tạo chung cư, đảm bảo lợi ích giữa 3 nhà: Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, thì đề nghị giảm căn hộ chung cư đi.
Bốn là, cần xem xét lại chỉ tiêu diện tích sàn ở trên/người.
Năm là, ngoài bồi thường hỗ trợ tái định cư, cần có chính sách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên toàn địa bàn thành phố và thuận lợi cho những người tự nguyện muốn ra khỏi chung cư.
Sáu là, nên thành lập cơ quan độc lập trực thuộc của UBND thành phố, phụ trách việc cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư.
Bảy là, việc lập quy hoạch các khu chung cư phải là tổng thể cả khu vực, và phải do cơ quan Nhà nước lập kế hoạch chi tiết và phê duyệt, đồng thời có đề xuất giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 40 chung cư ở 5 quận được đánh giá cấp độ nguy hiểm. (Ảnh: L.Thủy)
Về thực trạng cũng như quá trình triển khai, ông Bùi Tiến Thành – Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định: “Hà Nội không kiến nghị suông mà chúng tôi đã làm rồi”.
Thành phố Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ một số giải pháp trên cơ sở đánh giá lại 25 dự án xây dựng chung cư cũ đã và đang triển khai.
Theo quy định tại Điều 86, Điều 87 của Luật nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư phải có trách nhiệm cải tạo, bảo dưỡng. Hiện tại, khi nhà ở của người dân hỏng hóc thì nhà nước đang xây lại nhà cho người dân này mà không lấy tiền. ông Thành cho rằng, cần xem xét lại quy định này.
Thỏa thuận hay thống nhất thì trong Luật nhà ở, đặc biệt Nghị định 101 với chung cư nguy hiểm cấp D thì với nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội không nhiều. Hà Nội rà soát các chung cư cũ, có 1579 chung cư cũ và phân loại thành 4 cấp, rồi kiểm định hàng năm.
Với nhà chung cư cấp D, Sở Xây dựng tham mưu thành phố ra quyết định di dời và ra phương án tạm cư để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian phá dỡ nhà chung cư.
Cũng theo ông Thành, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh bổ sung vào Nghị định 101 có thể điều chỉnh bổ sung thêm. Theo quy định hiện hành, việc cải tạo chung cư cũ khi người dân không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước lựa chọn hình thức hoặc dùng ngân sách, dùng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng cả hai hình thức này đối với thành phố đang đều rất khó khăn.
Do đó, tùy từng địa phương có cơ chế cụ thể. Ví như ở Hà Nội chủ yếu tập trung số chung cư chủ yếu tập trung ở 4 quận nội thành, đất đai chật hẹp, dân số đông nên chính vì thế mà việc thực hiện rất khó.
Theo Ngọc Vy
Tiền phong
Doanh nghiệp bất động sản đổ về tỉnh
Khi quỹ đất sạch ở TP HCM khan hiếm, giao dịch chuyển nhượng cũng như triển khai dự án chậm lại do thủ tục mất nhiều thời gian, doanh nghiệp bất động sản phải mở rộng ra các tỉnh, thành khác để tồn tại và phát triển.
Khi đầu tư ở các tỉnh, doanh nghiệp (DN) cần xác định dòng vốn và mục đích đầu tư để tránh rủi ro.
Tìm đất lập dự án
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (Horea), từ đầu năm đến nay, lượng dự án tung ra thị trường TP HCM giảm hơn 60% so với năm ngoái. Đặc biệt, nhiều dự án đang trì trệ bởi nhiều lý do. Chính vì vậy, các DN phải chuyển hướng ra địa phương khác để duy trì hoạt động.
Liên tục đi các tỉnh "săn" đất để triển khai dự án trong thời gian gần đây, tổng giám đốc một công ty BĐS quy mô nhỏ, đang triển khai một dự án phân lô, bán nền ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tỏ ra tiếc nuối vì đã chậm chân hơn các DN lớn. "Do tiềm lực tài chính hạn chế nên công ty chỉ có thể tìm những khu đất không được rộng và đẹp ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An... như các DN đàn anh. Tuy nhiên, dù muộn cũng phải làm bởi TP HCM đang khan hiếm quỹ đất, dự án" - tổng giám đốc này thổ lộ.
Dự án của một doanh nghiệp ở TP HCM triển khai ở Phan Thiết
Hiện các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An... đang nóng về việc sang nhượng đất triển khai dự án. Những dự án lớn đang triển khai ở khu vực này như Biên Hòa New City, Swan City, Đông Sài Gòn, Nhơn Trạch City, khu đô thị chuyên gia Victory Long Thành...
Nóng không thua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang thu hút nhiều đại gia BĐS nhờ lợi thế là tỉnh giáp biển. Hiện hàng loạt DN lớn đang đổ vốn vào đây để triển khai dự án khi được chấp thuận cho phép xây dựng sân bay Lộc An trên diện tích dự kiến 244,33 ha, kinh phí đầu tư khoảng 4.250 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cho phép xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm có kinh doanh casino với diện tích 164 ha tại huyện Xuyên Mộc.
Đại diện Công ty Hưng Thịnh cho biết vừa mua lại 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP Vũng Tàu, dự kiến sẽ triển khai dự án trong thời gian tới. Hay như Công ty BĐS Danh Khôi cũng đã nhanh chân "thâu tóm" thành công dự án gần 10 ha ngay trung tâm TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tên gọi Barya Citi. Tập đoàn Novaland cũng tham gia đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu với dự án Palm Beach Vũng Tàu...
Tại Long An, DN cũng đang rầm rộ sang nhượng, đầu tư nhiều dự án lớn. Trong đó phải kể đến các đại gia như Vạn Thịnh Phát, Him Lam, T&T Group, Nam Long (dự án Waterpoit), Công ty SeaHoldings (dự án Lago Centro)...
Kỳ vọng giá trị gia tăng
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG, nhận định năm 2019-2020, LDG sẽ hạn chế tối đa đầu tư BĐS ở TP HCM để giữ an toàn cho sự phát triển của đơn vị. Theo đó, công ty sẽ dịch chuyển ra các tỉnh lân cận. Theo ông Khang, do nhà đầu tư đồng loạt dịch chuyển ra các địa phương khác nên có hiện tượng DN giẫm chân lên nhau khi tìm quỹ đất. Vì vậy, thị trường BĐS các tỉnh cũng sẽ "hot", nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết, Long An, TP Cần Thơ... do DN kỳ vọng thị trường này sẽ mang lại giá trị gia tăng cao.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, cho rằng TP HCM hiện rất hiếm quỹ đất sạch, an toàn, vì DN dịch chuyển về các địa phương lân cận. Sự chuyển dịch này đã bắt đầu từ năm ngoái, khi cơn sốt BĐS lan ra các tỉnh và nhiều DN thu được nhiều lợi nhuận.
Ông Quang ước tính có đến 50%-60% DN BĐS ở TP HCM đã và sẽ dịch chuyển ra các tỉnh để làm dự án khu dân cư, nhà liên kế...
Tuy nhiên, thực tế không phải địa phương nào cũng có thể tạo ra được giá trị BĐS như kỳ vọng. Cho nên sẽ lãng phí nếu dự án đó không thu hút được người mua. Bởi ở các tỉnh mật độ cư dân thấp, người dân không dễ dàng chi tiền mua đất ở dự án với giá cao hơn nhiều so với nền nhà riêng lẻ bên ngoài. Do đó, DN cũng như nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc, nếu đầu ra tiêu thụ chậm sẽ bị chôn vốn.
Chớ quên bài học cũ
Ông Khánh Quang nhắc lại thực tế hơn 10 năm trước, DN cũng đổ về các tỉnh khi thấy giá còn thấp. Dự án cũng có khu đô thị, KCN... nhưng quy mô quá nhỏ, không thu hút được cư dân về sinh sống, mà chủ yếu là công nhân nghèo, nhập cư. "Việc đầu tư BĐS ngoài TP HCM là xu hướng tất yếu để DN thoát thân khi TP khó triển khai dự án mới. Tuy nhiên, đây là bài toán lớn, không ít rủi ro cho cả DN và cho nhà đầu tư cá nhân. Để thành công, tôi cho rằng phải là những DN làm dự án đến cùng, tạo ra giá trị cộng thêm và bền vững cho cộng đồng, cư dân mới thu hút người dân vào ở. Muốn vậy, dự án phải có cơ sở hạ tầng, tiện ích đầy đủ như trường học, khu vui chơi giải trí, bệnh viện... chứ không chỉ phân lô bán nền trên giấy. Bài học về BĐS ở Bình Dương, Nhơn Trạch (Đồng Nai) trước đây là dẫn chứng" - ông Quang phân tích.
Theo Sơn Nhung
Người lao động
Quản hay tranh cãi tiếp về căn hộ 25m2? Mặc cơ quan chức năng tranh luận về việc cho tồn tại các căn hộ mini 25m2 có tạo ra khu "ổ chuột" hay không, các chủ đầu tư vẫn rầm rộ đưa ra thị trường các loại căn hộ nhỏ chỉ bằng một chỗ đỗ xe hơi. Phải "quản" căn hộ siêu nhỏ này hay cứ tranh cãi? Diện tích căn hộ...