Vì sao Đảng viên kê khai tài sản không trung thực sẽ bị cách chức?
Theo quy định mới (Quy định 102-QĐ/TW) về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm vừa được ban hành, nếu Đảng viên kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực thì bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. (Ảnh: I.T)
Mới đây ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định này thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30.3.2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và có hiệu lực từ ngày ký, được phổ biến đến chi bộ.
Đánh giá về quy định mới này, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, quy định 102 là cơ sở pháp lý quan trọng trên cơ sở kế thừa quy định cũ, được bổ sung, cụ thể hóa hơn nhiều để phù hợp với tình hình mới.
“Cùng với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm là cơ sở để các tổ chức Đảng, các cấp ủy Đảng, các cơ quan Kiểm tra của Đảng dựa vào để siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Quy định này cũng là căn cứ để cán bộ, đảng viên soi chiếu, tự điều chỉnh bản thân, tránh mắc vào những vi phạm, khuyết điểm”, PGS Phúc nói.
Video đang HOT
“Quy định mới của Đảng về vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập rất nghiêm khắc. Theo PGS.TS Phúc, rất cần phải như vậy. Bởi hiện nay có rất nhiều cán bộ, đảng viên khi kê khai tài sản, thu nhập rồi giải trình biến động tài sản làm rất hình thức, qua loa. đây là vấn đề dư luận xã hội đặt hoài nghi. Với quy định trên, nếu anh vi phạm nghĩa vụ kê khai, giải trình là thể hiện sự thiếu trung thực của người đảng viên.Một trong những quy định đáng chú ý là đảng viên kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực sẽ bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ. Theo quy định cũ, việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định bị thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
“Đã là người Cộng sản thì phải trung thực, như Bác Hồ đã nói trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” là không có gì phải giấu Đảng cả. Chỉ có trường hợp anh khuất tất, có điều gì không đúng mới phải che giấu. Người đảng viên đã không trung thực trong trường hợp này thì khi bị tổ chức phát hiện, họ phải nhận hình thức kỷ luật Đảng tới mức cách chức (nếu chức vụ) là xác đáng”, PGS Phúc nói.
Liên quan đến vấn đề trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Quy định cũng nêu rõ hình thức thi hành kỷ luật khai trừ Đảng với các vi phạm như: Mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia các hoạt động rửa tiền; Tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tài sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập;
Bên cạnh đó, các hành vi cũng phải chịu mức thi hành kỷ luật khai trừ Đảng như chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành các chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm trục lợi; Tham ô tài sản, lợi dụng chính sách an sinh xã hội và quỹ cứu trợ, cứu nạn để tham nhũng; lợi dụng việc lập các loại quỹ để trục lợi…
Theo Danviet
Vì sao xử lý tiêu cực, tham nhũng, kê khai tài sản phải để dân biết?
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, trước đây một số vấn đề liên quan đến cán bộ không công khai nên người dân không biết để giám sát. Nếu chỉ kêu gọi chung chung nhưng không cung cấp thông tin thì người dân không có cơ sở để giám sát. Quyết định mới của Ban Bí thư đã lấp khoảng trống này.
Thay mặt Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Quyết định 99. (Ảnh: Đàm Duy)
Mới đây, ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thành viên Thường trực Ban Bí thư - đã ký Quyết định số 99-QĐ/TW (viết tắt Quyết định 99) ban hành Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức Đảng trực thuộc T.Ư tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Đáng chú ý, trong hướng dẫn khung có quy định nhiều nội dung phải công khai để nhân dân biết giám sát.
Theo đó, công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm.
Công khai kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).
Công khai bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.
Đánh giá về một số nội dung của Quyết định 99, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: Đó là từng bước để công khai, minh bạch những công việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý để người dân giám sát.
"Đây là vấn đề rất cần thiết, bởi vì có công khai, minh bạch thì người dân có cơ sở để giám sát, còn như chỉ kêu gọi nhân dân giám sát nhưng họ không biết gì về cán bộ lãnh đạo, quản lý thì khó giám sát. Người cán bộ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý ở mức độ nào cũng phải công khai cho người dân biết. Đối với tài sản của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng phải kê khai theo quy định của Nhà nước thì cũng phải được công khai cho người dân biết để theo dõi tính trung thực, tính chính xác của việc kê khai...", PGS Phúc nói.
Vẫn theo PGS Phúc, Quyết định 99 của Ban Bí thư cũng để phát huy dân chủ trong Đảng gắn dân chủ ngoài xã hội. "Việc người dân tham gia giám sát đó cũng là quá trình tham gia vào xây dựng Đảng, giúp cho quá trình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ", PGS Phúc phân tích.
Theo PGS Phúc, trước đây vấn đề phát huy vai trò của nhân dân được nêu khá chung chung, giờ đã được cụ thể hóa. Ông so sánh, việc này cũng giống như quy định mới đây của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đều được cụ thể hóa, công khai để người dân giám sát.
"Làm sao phải mở rộng dân chủ trong Đảng, dân chủ ngoài xã hội, làm thế nào để người dân quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị. Làm sao để người dân coi việc của Đảng cũng như việc của dân, làm tốt vấn đó thì sẽ củng cố niềm tin của người dân với Đảng. Quyết định 99 của Ban Bí thư cũng là bước đi hướng tới mục tiêu trên", PGS Phúc nhìn nhận.
Những nội dung, hình thức công khai để nhân dân biết và trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức ĐảngNội dung công khai- Công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; 19 điều quy định đảng viên không được làm; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI, khoá XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; các chủ trương, chính sách, quy chế, quy định để thể chế hoá, cụ thể hoá nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII.- Kết luận kiểm toán, kiểm tra, thanh tra; kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân; kết quả xử lý các vụ, việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được kết luận; hoạt động và kết quả điều tra, truy tố, xét xử (trừ những vụ, việc phải giữ bí mật theo quy định của pháp luật).- Nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết công việc; danh tính, chức vụ, quyền hạn, thông tin liên hệ, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc của tổ chức, công dân.- Bản cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" của cán bộ, đảng viên; bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định.Hình thức công khaiCông khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác. Trích Hướng dẫn khung ban hành cùng Quyết định 99 ngày 3.10 của Ban Bí thư
Theo Danviet
"Tín dụng đen" bóc lột nông dân nghèo: Nhiều cán bộ, đảng viên cũng khốn đốn Không chỉ người dân nghèo thiếu hiểu biết mà ngay cả cán bộ, đảng viên vẫn dính bẫy "tín dụng đen". Nhiều người không chịu nổi áp lực nợ nần đã phải trốn đi biệt tích. Không chỉ với những tổ chức "tín dụng đen" mà ngay cả khi vay ngân hàng, nhiều hộ dân cũng đứng trước nguy cơ mất đất, mất...