Vì sao cựu chủ tịch Interpol không vượt qua được pháp lý Trung Quốc?
Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cuộc điều tra điều này không đáng ngạc nhiên vì nó chỉ mới bắt đầu. Trong thực tế Trung Quốc, các chi tiết của trường hợp cao cấp như vậy thường chỉ công khai hóa khi vụ việc được chuyển cho các cơ quan điều tra hoặc tòa án.
Cựu Chủ tịch Interpol Meng Hongwei.
Vào cuối buổi chiều tối chủ nhật, Trung Quốc chính thức công bố bắt đầu điều tra Thứ trưởng Bộ Công an Meng Hongwei (Mạnh Hoằng Vĩ ), người đã từ chức khỏi chức vụ chủ tịch Interpol vào ngày 7.10. Việc này đã trở thành một lý do để dư luận quốc tế cáo buộc Trung Quốc “bắt cóc” và đàn áp bất hợp pháp công dân làm việc trong các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, ông Andrei Karneev với tư cách là chuyên gia về Trung Quốc, Phó giám đốc Viện các nước Á Phi tại Đại học tổng hợp Moscow, trong bình luận dành cho Sputnik, cho biết tình hình hoàn toàn phù hợp với pháp luật của Trung Quốc.
Bắt đầu với việc Meng Hongwei là công dân của CHND Trung Hoa và bị giam giữ để điều tra trên lãnh thổ Trung Quốc, nơi ông bay về từ Pháp. Như vậy, Trung Quốc đã hành động hoàn toàn phù hợp với chủ quyền của mình. Để bắt đầu công việc điều tra rõ ràng là không cần thiết sự đồng ý của Interpol, nơi làm việc của công dân Trung Quốc bị bắt giữ. Hơn nữa, theo thông tin chính thức, các cáo buộc chống lại Meng Hongwei không liên quan đến công việc của ông với tư cách chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol). Thông báo của Ủy ban Giám sát Nhà nước (STC) cho biết Thứ trưởng Bộ Công an Meng Hongwei bị nghi ngờ đã vi phạm pháp luật. Chức vụ của ông tại Interpol thậm chí còn không được nêu ra.
Sau khi Meng Hongwei được bầu làm Chủ tịch Interpol vào năm 2016, ông vẫn tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc. Ông Meng Hongwei, sinh năm 1953, có bằng cấp về luật, và phần lớn tiểu sử của ông liên quan đến công việc tại các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Đỉnh cao sự nghiệp là chức thứ trưởng vào năm 2004, và trong cùng năm đó, viên chức này đã đứng đầu văn phòng Interpol Trung Quốc.
Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cuộc điều tra điều này không đáng ngạc nhiên vì nó chỉ mới bắt đầu. Trong thực tế Trung Quốc, các chi tiết của trường hợp cao cấp như vậy thường chỉ công khai hóa khi vụ việc được chuyển cho các cơ quan điều tra hoặc tòa án. Hiện giờ mới do Ủy ban Giám sát Nhà nước đảm nhiệm. Đây là một cơ quan mới, được thành lập trong năm nay, để tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng ở tất cả các cấp chính quyền. Một cuộc họp của các quan chức cấp cao đã được tổ chức tại Bộ Công an, nơi mà ông Meng Hongwei bị buộc tội tham nhũng đã được thông báo.
Thật kỳ lạ, ông Meng đã trở thành quan chức cao cấp đầu tiên kể từ khi thành lập STC, mà việc điều tra bên Đảng không được bắt đầu đồng thời. Các thông báo chính thức chưa đề cập đến hành vi vi phạm kỷ luật Đảng của đương sự, mặc dù trong quá khứ việc đưa ra các vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng là bắt buộc. Lý do trong trường hợp của cựu chủ tịch Interpol là khó nói. Nó chỉ cho thấy việc bắt giữ phù hợp với xu hướng tăng cường cuộc chiến chính thức chống lại sự lạm dụng của các quan chức Trung Quốc. Có lẽ trong công việc tại Bộ Công an, ông có quan hệ với cựu lãnh đạo lực lượng đặc biệt, thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015 vì tham nhũng, lạm dụng quyền lực và tiết lộ thông tin bí mật nhà nước. Meng Hongwei từng là trợ lý của ông Chu, và trong các giai đoạn tiếp theo của sự nghiệp, ông cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Chu Vĩnh Khang.
Video đang HOT
Gần như ngay lập tức sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo, ông đã thể hiện quyết tâm “đả hổ” đây là cách gọi các quan chức tham nhũng lớn ở Trung Quốc. Trong các bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh bất kể vị trí chức vụ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Các cuộc điều tra cũng ảnh hưởng đến khu vực nhạy cảm như thực thi pháp luật, quân đội và hệ thống an ninh quốc gia. Tôi nghĩ rằng những người nghĩ rằng việc giam giữ những người như Chu Vĩnh Khang hoặc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Guo Boxiong và Xu Caikou chỉ mang tính chất trình diễn, hay chiến dịch “đả hổ” sẽ yếu đi trong tương lai, đã bị nhầm lẫn. Tin tức về cuộc điều tra liên quan đến Meng Hongwei cho thấy dự báo này đã không thành hiện thực. Đối với những cáo buộc hiện nay chống lại Trung Quốc, người ta chỉ có thể đồng ý với ý kiến được thể hiện trên mạng xã hội của tổng biên tập tờ Thời báo Toàn cầu Hu Xijin. “Tốc độ tiết lộ thông tin các vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Đây là vấn đề cũ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các khiếu nại và tố cáo khác chủ yếu là phóng đại và không có căn cứ”.
Theo Danviet
Nguy cơ tổn hại danh tiếng của Trung Quốc khi bí mật bắt chủ tịch Interpol
Hình ảnh, thể diện và tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế có thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi Bắc Kinh âm thầm bắt Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ để điều tra về cáo buộc tham nhũng.
Ông Mạnh Hoành Vĩ (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại phiên họp toàn thể của Interpol ở Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Kyodo)
Một năm trước, tại phiên họp toàn thể của Interpol ở Bắc Kinh, Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đã ngồi dưới lắng nghe bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Phát biểu trước 1.000 đại biểu về dự phiên họp, ông Tập tự hào tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hệ thống hành pháp toàn cầu. Ông cũng khẳng định Trung Quốc là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới và luôn "tuân thủ các nguyên tắc quốc tế".
Ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Trí đã tuyên bố trong cuộc họp gồm các quan chức an ninh cấp cao tại Bắc Kinh rằng, Chủ tịch Mạnh Hoành Vĩ bị cáo buộc nhận hối lộ và một số tội danh khác. Những người chỉ trích nói rằng lẽ ra ông Mạnh phải bị "phanh phui" từ trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Interpol hồi năm 2016.
Cả Bộ trưởng Triệu và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không cung cấp thông tin chi tiết về tội trạng của ông Mạnh Hoành Vĩ. Họ cũng không nói rõ rằng liệu các hành vi phạm pháp của ông Mạnh diễn ra trước hay sau khi ông nhậm chức chủ tịch Interpol.
Vụ việc của Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ do Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc trực tiếp điều tra và đưa ra cáo buộc. Cơ quan này mới được thành lập từ tháng 3 năm nay nhằm mục đích tăng cường các chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc. Các tòa án và công tố viên Trung Quốc thường thuận theo các quyết định của đảng và hiếm khi phủ nhận kết quả từ các nhà điều tra chống tham những. Mặc dù Trung Quốc chưa công bố quá trình xét xử, song việc bắt giữ ông Mạnh gần như đồng nghĩa với việc chủ tịch Interpol đã bị kết tội.
Sau vài ngày im lặng, đặc biệt sau cuộc họp báo bất thường tại Pháp của vợ ông Mạnh Hoành Vĩ để cung cấp cho truyền thông các thông tin liên quan tới sự biến mất bí ẩn của chồng, Trung Quốc mới thừa nhận rằng nước này đang điều tra ông Mạnh và đưa đơn từ chức của ông này lên Interpol.
Bà Grace Mạnh (đứng), vợ ông Mạnh Hoành Vĩ, tổ chức họp báo tại Pháp để cung cấp thông tin về sự biến mất bí ẩn của chồng (Ảnh: AFP)
Mạnh Hoành Vĩ đã trở thành một trong những ví dụ điển hình nhất cho thấy các quan chức Trung Quốc khó có thể "thoát tội" dưới tầm kiểm soát của Chủ tịch Tập Cận Bình, ngay cả khi người đó là lãnh đạo cấp cao nhất của các tổ chức toàn cầu.
Theo New York Times, việc bổ nhiệm ông Mạnh vào vị trí chủ tịch Interpol cũng như việc bắt giữ ông gần như chắc chắn phải có sự đồng ý của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bộ Công an Trung Quốc là một trong những trụ cột chính của đảng Cộng sản Trung Quốc và việc ông Mạnh, thứ trưởng Bộ Công an, tham nhũng sẽ bị coi là hành động phản bội về chính trị.
Tại cuộc họp hôm 8/10, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Triệu Khắc Trí đã ngụ ý rằng các hành vi sai trái của ông Mạnh Hoành Vĩ là một phần "tàn dư" còn sót lại của thời kỳ Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc. Dù đã về hưu nhưng vào năm 2015, ông Chu vẫn bị đưa ra tòa và chịu án chung thân vì tội lạm quyền, nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia.
Bộ trưởng Triệu khẳng định vụ việc của ông Mạnh hoàn toàn ông cố tình đi sai đường và "chỉ nên đổ lỗi cho chính mình". "Điều đó cho thấy không có bất kỳ sự ưu ái đặc biệt hay trường hợp ngoại lệ nào trước pháp luật", ông Triệu nhấn mạnh.
Chỉ vài tuần trước khi bị bắt, khi đang ở định cao của sự nghiệp, ông Mạnh Hoành Vĩ vẫn nỗ lực nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc cũng như cam kết của Bắc Kinh đối với hệ thống hành pháp. Là chủ tịch của Interpol, ông Mạnh thường xuyên có những bài phát biểu với nội dụng thúc đẩy các ưu tiên của Interpol và sự đóng góp của Trung Quốc đối với các ưu tiên này.
Nguy cơ đối với Trung Quốc
Ông Mạnh từng là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc (Ảnh: China News)
Dù xảy ra trường hợp nào đi chăng nữa, sự biến mất bí ẩn và đột ngột của ông Mạnh Hoành Vĩ trong thời gian qua đã gieo rắc tâm lý lo ngại, bất ổn đối với các quan chức Trung Quốc cũng như những tổ chức quốc tế đang ngày càng trao quyền lãnh đạo nhiều hơn cho người Trung Quốc. Đây cũng là một đòn nặng nề mà Trung Quốc tự giáng vào những nỗ lực của mình trong việc mở rộng vai trò lãnh đạo của Bắc Kinh đối với các vấn đề toàn cầu.
"Thử tưởng tượng nếu Trung Quốc bằng cách nào đó, vào một ngày nào đó, giữ vị trí tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Rồi sau đó ông tổng thư ký này đột nhiên biến mất. Việc Trung Quốc ngang nhiên hành động vượt ra ngoài khuôn khổ của các chuẩn mực quốc tế thực sự đáng quan ngại", Michael Caster, nhà nghiên cứu ở Bangkok chuyên theo dõi hệ thống pháp lý Trung Quốc, nhận định.
Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, sự biến mất đột ngột của ông Mạnh đã tạo ra làn sóng chấn động trong cộng đồng quốc tế, khiến những người chỉ trích tin rằng Trung Quốc không phải là nước phù hợp với các vai trò lãnh đạo quan trọng trên thế giới.
"Rất khó tưởng tượng rằng có bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác sẵn sàng trao quyền lãnh đạo cho một công dân Trung Quốc. Sao họ có thể tin được chuyện này sẽ không lặp lại", ông Paul nói.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng dành nhiều sự quan tâm tới việc tham gia vào các tổ chức đa phương. Nhiều người Trung Quốc đang nắm giữ các vị trí cấp cao tại các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc và Ngân hàng thế giới. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Abigail Grace tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, vụ việc của ông Mạnh cho thấy các quan chức Trung Quốc không thể tự hành động độc lập trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế. Thay vào đó, họ luôn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh."Vụ việc này chưa từng có tiền lệ. Nó cho thấy những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề tham nhũng nghiêm trọng liên quan tới những con hổ, hay còn gọi là các quan chức ở cấp rất cao. Đây cũng là mối lo ngại đối với các quan chức khác của Trung Quốc cũng như các tổ chức quốc tế khác vì họ có thể cũng nằm trong tầm ngắm", Marc Lanteigne, chuyên gia về chính trị Trung Quốc và các tổ chức quốc tế tại Đại học Massey ở New Zealand nhận định.
Theo bà Grace, vụ việc của ông Mạnh cũng cho thấy Trung Quốc coi những ưu tiên về chống tham nhũng quan trọng hơn sức ép từ cộng đồng quốc tế. "Rõ ràng, họ cố ý muốn giữ cho vụ việc này kín đáo nhất có thể. Họ xem đây là vấn đề nội bộ", bà Grace nói về sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh khi bắt giữ chủ tịch Interpol.
Thành Đạt
Theo Dantri/ NYT, SCMP
Cựu Chủ tịch Interpol bị Trung Quốc bắt giữ: Cú "ngã ngựa" từ đỉnh cao quyền lực Từ một nhân vật có tiếng tăm, là một trong những gương mặt lãnh đạo đại diện Trung Quốc tại tổ chức quốc tế, cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ trở thành một trong những mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" của Bắc Kinh. Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Ảnh: AFP) Ở thời kỳ...