Vì sao cướp tại Sài Gòn lại có thể lộng hành?
Ngay sau loạt bài phản ánh về nạn cướp giật ở Sài Gòn, PV VTC News đã ghi nhận hàng loạt ý kiến của những người trong cuộc xung quanh vấn nạn này.
Nỗi ám ảnh của người đi đường
Bức xúc trước vấn nạn cướp giật hoành hành trên đường phố Sài Gòn ngày càng tăng cao, nhất là sau khi VTC News đăng loạt bài về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Vân Anh (nhà ở đường CMT8, phường 13, Q.10) cho biết: “Bọn cướp ngày càng tăng về mặt số lượng, cũng như tính chất ngày càng tinh vi, táo tợn. Hầu như bọn chúng hành động theo một kịch bản dựng sẵn. Ngày nào đi trên đường, tôi cũng chứng kiến vài ba trường hợp kêu la thất thanh bị cướp”.
Mới đây nhất, hồi đầu tháng 3/2012 vừa qua, khi đang đi một mình trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình vào buổi tối, chị bị bọn cướp giật chiếc dây chuyền bằng vàng kỉ niệm của chồng tặng. Khi chị hô hoán “cướp, cướp….” cho mọi người cùng biết thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
Một băng nhóm chuyên tổ chức cướp giật tài sản trên đường phố bị Công an bắt giữ.
Hiện cũng giống như rất nhiều người dân khác tại TP.HCM, chị Vân Anh đã cẩn thận hơn rất nhiều khi đi ra đường. Các loại đồ đạc, tư trang cần thiết, có giá trị chị đã không còn dám mang theo, hay nếu có thì cũng cất rất kĩ càng.
Trước thực trạng hiện nay trên đường phố TP.HCM, các vụ cướp ngày càng nhiều, nhưng phần nhiều số vụ bắt được lại do các “hiệp sĩ đường phố” bắt được, chị Vân Anh tâm sự cùng chúng tôi: “Thực ra, như những người dân bình thường ở thành phố này, chúng tôi luôn hoan nghênh tinh thần nghĩa hiệp, dũng cảm bảo vệ an ninh của các anh.
Tôi cho rằng TP.HCM cần phải sớm quy hoạch, thành lập hẳn 1 CLB phòng chống tội phạm, quy tụ các “hiệp sĩ” về một mối, có sự quản lý, đào tạo nghiệp vụ thật chặt chẽ cùng với thường xuyên có các chính sách ưu tiên, phần thưởng thật xứng đáng”.
Có như thế, theo chị Vân Anh thì các “hiệp sĩ” mới toàn tâm, toàn ý thực hiện những công việc mà họ yêu thích.
Đối với ngành công an, chị Vân Anh cho biết, theo chị cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa các chiến dịch bắt cướp trên diện rộng, tổ chức quy mô và thường xuyên hơn với sự tham gia của nhiều lực lượng, có tổ chức phân công đầu việc cụ thể. Lúc đó thì “chắc chắn nạn cướp giật ở TP này sẽ giảm hẳn, người dân sẽ yên tâm hơn khi đi trên đường, mà công an chắc chắn cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn so với hiện nay”.
Cần phải quản lý tốt nhân khẩu hơn nữa
Trao đổi với VTC News cách đây chưa lâu, ông Đặng Văn Khoa – nguyên là đại biểu HĐND TP.HCM đã rất bức xúc trước nạn cướp giật hoành hành trên địa bàn. Cướp giật tài sản ngày càng gia tăng với mức độ nguy hiểm, táo tợn, không chỉ nhằm vào người Việt mà còn nhằm vào du khách người nước ngoài. Đây là vấn đề hoàn toàn không tốt cho ngành du lịch nước nhà.
Ông Khoa cũng nhấn mạnh thêm rằng: Việc gia tăng tệ nạn cướp giật, trộm cắp đã làm người dân sinh sống trên địa bàn hết sức hoang mang, lo sợ. Nắm bắt được tình hình này, ngành công an và những cơ quan có trách nhiệm cần tập trung giải quyết vấn đề này.
Video đang HOT
Trước tiên, cần phải tăng cường thêm nguồn cán bộ chiến sĩ tham gia công tác phòng chống tội phạm cướp giật. Thêm nữa, cần phải tổ chức quản lý tốt người từ các tỉnh vào thành phố làm ăn, sinh sống bằng công tác quản lý tạm trú, tạm vắng. Với hình thức này, công an có thể tổ chức sàng lọc, phát hiện các đối tượng nghi vấn của các băng nhóm, tiến tới xóa bỏ nạn cướp giật trên đường phố.
Là một trong những “hiệp sĩ đường phố” tham gia bắt hàng trăm vụ cướp trên địa bàn TP.HCM từ trước tới nay, “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến được xem là 1 trong những chàng Lục Vân Tiên thời hiện đại hiếm có.
Nói về thủ đoạn của bọn cướp giật tài sản trên đường phố, anh Tiến đã rất nhiều lần chia sẻ với VTC News: “Hiện bọn cướp giật tài sản đã không còn đơn giản như trước. Bọn chúng tìm hiểu “con mồi” rất kĩ, nếu thấy an toàn mới hành động, có động tĩnh gì khác biệt là bọn chúng rút ngay.
Thủ đoạn, chiêu thức của bọn chúng cũng liên tục thay đổi, làm mới nên người đi đường chúng ta dễ mất cảnh giác. Việc tổ chức vây bắt bọn chúng nhiều khi cũng rất khó vì phải liên tục tổ chức theo dõi, phục kích. Cách tốt nhất là chúng ta nên tự biết giữ tài sản cho riêng mình, đề cao cảnh giác để tránh bị mắc lừa.”
Tang vật của một vụ cướp tài sản trên đường phố bị Công an bắt giữ.
Trước băn khoăn, các “hiệp sĩ” bắt cướp nhiều hơn công an, đại diện Đội CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an quận Bình Thạnh khẳng định: “Số vụ cướp giật mà công an bắt được thật ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Do “hiệp sĩ” là những người dân bình thường, vì “máu” nghề nên họ đi bắt cướp. Từ đó, họ có thể nắm được các diễn biến tâm lý, hành động, và cũng có khi bọn tội phạm ít khi phát hiện được. Còn đối với công an khi đi tuần tra, dù rằng mặc thường phục, họ có thể có những ngôn ngữ, cử chỉ, sắc thái mà đối với bọn cướp chuyên nghiệp là có thể nhận ra ngay và không dám hành động”.
Một luật sư khác thuộc Đoàn luật sư Bình Phước (xin được giấu tên) không đồng tình với việc cho rằng ngành công an chưa làm hết trách nhiệm khi tổ chức bắt cướp trên đường phố.
“Chúng ta không thể trách công an được vì hằng đêm họ vẫn phải liên tục tuần tra, canh gác. Thế nhưng, vấn đề là làm sao có thể quản lý hết được ở một thành phố rộng lớn như thế này. Vả lại, hành vi cướp giật là có thể có tổ chức hoặc bộc phát bất ngờ, nên công an cũng khó mà kiểm soát nổi. Vấn đề chính là ý thức tham gia phòng chống tội phạm của mỗi người dân”.
Khi chúng tôi đề cập đến việc, liệu luật của chúng ta đã đủ chặt chẽ, đủ răn đe những người tham gia cướp giật, trộm cắp tài sản hay chưa, vị luật sư nói trên đáp rằng: “Về khía cạnh luật, tôi nghĩ là đã đủ sức chế tài. Nếu cướp giật tài sản trên đường quy ra bất kì giá trị bao nhiêu, cơ quan công an cũng có thể làm hồ sơ để xử lý hình sự đối tượng được.
Còn nếu là trộm cắp, theo luật quy định thì phải từ giá trị 2 triệu đồng trở lên mới đủ căn cứ lập hồ sơ xử lý. Các trường hợp còn lại chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính”.
Công an TP.HCM cho biết, trong năm 2011, số vụ cướp giật tài sản trên đường phố dù đả giảm được 7% so với năm 2010, nhưng vẫn còn ở mức rất cao, trên 1.000 vụ đã xảy ra trên toàn địa bàn. Trong tổng số các quận huyện, nổi bật nhất là quận Tân Bình chiếm 10% số vụ trên toàn TP. Ngoài ra, các tuyến đường thuộc quận Bình Tân, Thủ Đức, Tân Phú, Q.10… cũng thường xảy ra nạn cướp giật tài sản. Bọn cướp giật sử dụng phương tiện là xe gắn máy phân khối lớn, hoặc xe đã thay đổi kết cấu chế lên tốc độ cao để đi gây án. Dù đã sử dụng rất nhiều các biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này, cũng như kiên quyết xử lý hình sự hầu hết các băng nhóm cướp giật tài sản có tổ chức trên đường phố khi bị bắt, nhưng đây vẫn luôn là một vấn nạn chưa có lời giải thích hợp của thành phố lớn nhất Việt Nam.
Theo VTC
Cướp giật Sài Gòn: Vấn nạn thành 'đại nạn'
Cướp giật ở Sài Gòn không chỉ còn tụ tập thành băng nhóm mà thậm chí đi một mình thấy "mồi ngon" chúng cũng ra tay hành động. Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những tên cướp giật táo tợn.
Trong loạt bài này, ngoài những vụ cướp táo tợn, điển hình thời gian gần đây trên đường phố, chúng tôi còn chuyển đến độc giả video clip cận cảnh các cuộc rượt đuổi, vây bắt của "hiệp sỹ bắt cướp" trên đường phố Sài Gòn, mổ xẻ nguyên nhân vì sao cướp giật ngày càng lộng hành, lấy ý kiến của cơ quan chức năng, của người dân và những nạn nhân của các vụ cướp về vấn nạn này.
Bài 1: Cướp đi "ăn lẻ"
Tối 18/3/2012, một tổng biên tập thuộc một cơ quan báo chí lớn tại Hà Nội vào TP.HCM công tác đã bị giật chiếc điện thoại trên con phố được coi là rất an toàn tại Sài Gòn.
"Tôi nghe điện thoại ở sau xe máy nhân viên của mình trên đường Út Tịch, quận Tân Bình. Lúc đó, chiếc xe chạy chậm đã áp sát vỉa hè để chúng tôi định hướng đường về khách sạn. Từ phía sau, một chiếc xe máy áp sát bên tay phải (vỉa hè). Tên cầm lái giật mạnh chiếc điện thoại của tôi. Quá bất ngờ, tôi chỉ kịp nhìn thấy đó là một thanh niên đi chiếc wave alpha, nẹt pô rất lớn. Chúng tôi liền đuổi theo nhưng không kịp." - Vị tổng biên tập cho biết.
"Một người bạn là công an nói với tôi, bọn cướp đã không chỉ tụ tập thành băng nhóm đi cướp nữa mà chúng giờ còn "ăn lẻ", nghĩa là đi đường thấy tiện cũng ra tay cướp luôn." - Nhà báo trên cho biết thêm.
Vào ngày 13/12/2011, anh Yan Kit Kay và bạn gái của mình là Ka Kel Doris đang đi tản bộ trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) vào giữa trưa, bất ngờ có 1 thanh niên đi xe gắn máy ép sát, cướp đi toàn bộ tiền, giấy tờ cần thiết, các vật dụng có giá trị của 3 vị khách nước ngoài này ngay trước số nhà 160 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Vì đã bị mất hết toàn bộ tài sản, sau đó 2 bạn trẻ đến từ Hồng Kông này đã phải đi bán danh thiếp tại khu vực phố Tây Q.1 để kiếm tiền, trả tiền cho các chi phí phát sinh như phòng trọ, ăn uống và chi tiêu hàng ngày.
"Bọn chúng đã cắt dây túi xách rất nhanh chóng, gọn lẹ, chỉ trong tích tắc là đã xong. Khi tôi và bạn chưa kịp định thần là chúng có bao nhiêu người thì hành động đã xong, không kịp biết bọn chúng là ai, có bao nhiêu người. Bọn cướp đã ra tay quá nhanh..." - Kit Kay kể lại với VTC News khi sự việc mới xảy ra.
Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến trong 1 lần bắt đối tượng cướp điện thoại di động của người đi đường.
Khi VTC News đề nghị Kay và Doris phát biểu cảm nhận về nạn cướp giật ở TP lớn nhất Việt Nam này, Doris khi ấy đã nói rằng: Không cẩn thận thì bạn có thể bị cướp giật bất cứ lúc nào.
"Vấn đề là mỗi người trong chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác, đề phòng cao nhất trước nạn cướp giật trên đường phố, dù rằng bạn đang ở bất cứ nơi nào" - Doris nói tiếp.
Vào đầu năm 2012, khi đang mua sắm ở 1 Trung tâm thương mại cao cấp bậc nhất ở TP.HCM vào 1 buổi chiều, anh Nguyễn Ngọc Loan (nhân viên 1 Công ty truyền thông ở Q.1) khi vừa lấy chiếc điện thoại Iphone 4S mình vừa mua được 2 tháng ra nghe, bất ngờ có 1 thanh niên trẻ tuổi đi ngang giật phăng chiếc điện thoại này từ tay anh Loan rồi nhanh chóng trốn thoát.
Dây chuyền và điện thoại di động là 2 vật dụng thường hay bị bọn trộm cướp đi nhiều nhất của người đi đường (Ảnh: Minh Tiến)
Dù sự việc đã trôi qua được 2 tháng, nhưng khi kể lại với chúng tôi, nét mặt của anh Loan vẫn chưa hết hốt hoảng cũng như buồn rầu. Anh Loan tâm sự: "Thật sự mình cũng không thể ngờ rằng, nạn cướp giật ở Sài Gòn lại có thể xảy ra ở tại chính 1 trung tâm thương mại vào loại cao cấp nhất được..."
Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Loan cũng có lên trình báo với lực lượng bảo vệ tòa nhà và Công an phường quản lý địa bàn. Thế nhưng, theo anh Loan thì đây là giải pháp rất may rủi, chứ 1 ngày ở TP này xảy ra không biết bao nhiều là vụ trộm cướp. Thật khó mà có thể tìm lại tài sản cho người bị mất.
Không chỉ nội thành, mà ngay cả ngoại thành ở TP.HCM như quận Thủ Đức cũng là nơi mà bọn trộm cướp tài sản thường xuyên "ra tay". Nguyễn Như Đức (SN 1992), Trần Ngọc Long (SN 1980), Nguyễn Thanh Liêm (SN 1996) là 3 đối tượng trong 1 băng nhóm thường xuyên cướp tài sản ở trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức).
Như Đức - Ngọc Long, 2 trong 3 tên cướp tài sản trên đường phố đã bị Công an quận Thủ Đức bắt giữ.
Thủ đoạn của bọn chúng là khi phát hiện thấy "con mồi", Long sẽ là người dùng xe máy ép sát đối tượng, Đức sẽ "ra tay" hành động cướp tài sản, và khi nhìn thấy đồng bọn của mình có nguy cơ bị phát hiện thì Liêm sẽ là người "cản địa" cho bất cứ ai muốn giúp nạn nhân.
Khi đã có "sản phẩm", bọn chúng thường sử dụng các quán café xung quanh khu vực quận Thủ Đức để bán, chia nhau "chiến lợi phẩm". Đây là những đối tượng sống bụi đời, nghiện ma túy, và thậm chí là có người đã nhiễm HIV, đã từng gây ra rất nhiều các vụ cướp tài sản có giá trị của người đi đường trên địa bàn quận Thủ Đức.
Sau vài ngày theo dõi khi nhận được sự trình báo của nạn nhân, cơ quan CSĐT - Công an quận Thủ Đức đã bắt gọn toàn bộ các thành viên của băng nhóm nói trên để lập hồ sơ, xử lý tội "cướp tài sản".
"Ngày càng táo tợn, tinh vi"
Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trung bình 1 tháng, trên địa bàn TP.HCM ghi nhận có đến hàng trăm vụ trộm cướp tài sản với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, hầu hết các tài sản vẫn là những vật dụng thiết thực nhất đối với đời sống hàng ngày của người dân như laptop, điện thoại di động, đồng hồ, vòng vàng lắc, dây chuyền...Đó là những tài sản dễ cướp và dễ bán cho những đường dây chuyên đi tiêu thụ hàng "đen".
Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự XH, Công an TP.HCM (PC 45) khuyến cáo người dân sinh sống tại TP.HCM: "Hiện nạn trộm cướp vẫn diễn ra rất thường xuyên ở TP.HCM. Thủ đoạn của bọn chúng ngày càng táo tợn, tinh vi. Đã có không ít trường hợp người dân vừa bị mất tài sản, vừa mang thêm thương tật vào người do chống trả.
PC 45 cùng với các cơ quan có trách nhiệm vẫn luôn tích cực tổ chức tuần tra, giữ vững địa bàn, nhưng người dân cũng vẫn phải tự biết bảo vệ tài sản của mình, luôn cảnh giác trước những hành động, cử chỉ "lạ" của người đi đường, nhất là các thanh thiếu niên tuổi mới lớn.
Theo VTC
Tội ác từ bài bạc Bắt đầu bằng những ván bài để giải trí, dần dần thú ăn thua ăn sâu vào máu thịt, nợ nần chồng chất khiến nhiều "bác thằng Bần" gây nên tội ác Đã có không ít vụ trọng án xuất phát từ bài bạc nhưng đáng báo động là càng ngày mức độ gây án càng manh động, táo tợn và dã man....