Vì sao có Bộ trưởng phải đăng đàn nhiều lần?
Ngày 4/6, bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – phân tích thêm những vấn đề liên quan đến các Bộ trưởng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn. Trong danh sách dự kiến có những Bộ trưởng đăng đàn nhiều lần trong Quốc hội khóa 13.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đưa ra danh sách dự kiến 5 Bộ trưởng: Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo… sẽ trả lời chất vấn trong kỳ họp này. Xin ông cho biết, đây đã là những vấn đề nóng nhất hiện nay hay chưa và có tiêu chí cụ thể nào để lựa chọn các trưởng ngành đăng đàn không?
Thực chất đó là những vẫn đề nóng, đang được nhân dân và dư luận quan tâm. Còn hiện nay cũng chưa có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá, đưa các Bộ trưởng ra chất vấn, chủ yếu dựa trên vấn đề được nhân dân quan tâm, báo chí đưa nhiều là chính. Bây giờ hình thành thước đo thế nào bức xúc hơn, thế nào là “nóng” hơn thì rất khó.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, Bộ trưởng đăng đàn là cơ hội để giải trình giải trình chính sách và cho thấy những cố gắng trong lĩnh vực quản lý (Ảnh Việt Hưng)
Qua sát các kỳ họp Quốc hội khóa 13, rất dễ nhận thấy có những Bộ trưởng như Bộ NN&PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Bộ Nội vụ… thường xuyên được đưa ra chất vấn. Liệu có phải vấn đề họ quản lý quá nóng hay vai trò trưởng ngành của họ làm chưa được tốt, thưa ông?
Như Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm gần đây có rất nhiều đổi mới. Tôi thấy những gì đổi mới rõ ràng còn nhiều ý kiến khác nhau, người ủng hộ, người băn khoăn. Do vậy mà Bộ Giáo dục và Đạo tạo dễ bị chất vấn.
Căn cứ vào danh sách 5 Bộ trưởng Ủy ban Thường vụ đưa ra, theo ông “tư lệnh” ngành nào xứng đáng chất vấn nhất trong kỳ họp lần này?
Đưa ra quan điểm cá nhân là rất khó, nhưng vấn đề rộ lên rõ ràng là ngành nông nghiệp. Bây giờ ai cũng than, được mùa mất giá, không xuất khẩu được, không bán được… đẩy sức ép lên người nông dân. Nông dân chiếm gần 70% dân số cả nước nên cần phải làm rõ làm thế nào để bảo vệ lợi ích của họ.
Tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn có trách nhiệm của cả Bộ Công thương?
Vấn đề này ở cả Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Thị trường chỉ là một nửa, còn sản phẩm làm ra có bán được ra thị trường hay không mới là vấn đề. Rồi sản phầm làm ra nhưng dư cung thì sao. Nhiều người nói rằng nền nông nghiệp của mình là nền nông nghiệp dư cung. Vậy cái đó có đúng không? Nhưng vấn đề rất dễ nhận thấy khi không bán được thì dư cung.
Video đang HOT
Vấn đề nóng nhất hiện nay là ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng thường xuyên đăng đàn trả lời chất vấn. Liệu có phải trải qua Quốc hội khóa 13 nhưng trưởng ngành này đang còn nợ nhiều lời hứa với cử tri?
Chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng Bộ NN&PTNN giải trình chính sách và cho thấy những cố gắng của mình, chứ hơn là để Bộ trưởng phải hứa thực hiện cái này cái kia. Tất nhiên ở đó anh hứa, giải trình ra rồi thì phải làm.
Nhưng với một Bộ trưởng được Quốc hội tạo điều kiện cho giải trình, giãi bày quá nhiều nhưng vẫn tiếp tục được đưa lên đăng đàn thì rất dễ khiến cử tri băn khoăn?
Thực tế những vấn đề mới lại tiếp tục phát sinh trong ngành nông nghiệp và Bộ trưởng cũng vẫn phải giải trình tại sao vấn đề đó không giải quyết được. Ví dụ như vấn đề tiêu thụ nông sản không giải quyết được, thì đó là vấn đề tồn tại. Có rất nhiều vấn đề, thế nhưng Bộ trưởng giải trình được, thấy rõ hướng đi thì tốt hơn việc hứa nhưng chẳng làm được gì.
Với một số Bộ trưởng, có những thời điểm vấn đề họ quản lý rất nóng nhưng trải qua cả khóa Quốc hội, cử tri không thấy họ đăng đàn lần nào?
Tất nhiên là có vấn đề đặc thù ở đây như những vấn đề như quốc phòng, an ninh là cơ mật của quốc gia. Còn Quốc hội là hoạt động công khai nên mình đưa cái đó vào thì hơi khó. Thực chất ngành ngoại giao cũng vậy, thường là những vấn đề rất cơ mật, như đàm phán, sách lược và chiến lược mà nói bung bét ra, người ta biết hết chúng ta rồi thì còn bàn gì nữa.
Vấn đề biển Đông hiện nay đang được cử tri đặc biệt quan tâm, lại liên quan trực tiếp đến đối sách của Bộ Ngoại giao và chiến lược quốc phòng – an ninh. Đó chính là vấn đề Quốc hội họp riêng về vấn đề biển Đông vào chiều 5/6?
Biển Đông liên quan trực tiếp đến vấn đề quốc phòng – an ninh. Những vấn đề như vậy, ở các nước thường có thiết chế khác để giải trình, chứ không giải trình ở phiên toàn thể được. Có 2 yếu tố ở các nước không bao giờ thảo luận công khai. Một là vấn đề khó khăn – nếu thảo luận công khai ai cũng nói cho sướng miệng, nói theo dân túy thì không làm được. Trong trường hợp như vậy quốc hội các nước họp kín nhưng không phải là bí mật, họp kín là một khuôn khổ để anh nói được, làm được.
Thứ hai là vấn những vấn đề quốc phòng – an ninh thì phải họp kín vì anh lộ sách lược của đất nước ra thì còn làm gì được nữa. Có những nước chỉ họp kín trong ủy ban, nhưng vẫn phải giám sát cơ quan đó vì nếu không quyền của người dân bị vi phạm. Phân tích như vậy để thấy, đó chính là vấn đề Quốc hội họp riêng về biển Đông vào ngày 5/6 tới.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Bộ trưởng Thăng: Không "nợ", không thất hứa với cử tri
Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết đã nghiêm túc trả lời, giải quyết, thực hiện các chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo báo cáo, từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 đến nay, Bộ GTVT đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 803 kiến nghị của cử tri. Người đứng đầu Bộ cũng cho biết đã tiếp thu 90 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi đến từ khi nhận nhiệm vụ.
Với trách nhiệm trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thăng khẳng định lắng nghe với tinh thần cầu thị, khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết và chỉ đạo giải quyết, có văn bản trả lời, giải trình, cung cấp thông tin xử lý. Tất cả phiếu chất vấn của các vị đại biểu đều đã được Bộ GTVT xử lý dứt điểm và có văn bản giải trình, cung cấp thông tin về kết quả xử lý đến các vị đại biểu Quốc hội.
Về trả lời kiến nghị cử tri, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết, tất cả các kiến nghị cửi đến đều được tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu giải quyết và trả lời, cung cấp thông tin tới cử tri. "Đến nay, không có kiến nghị chưa được giải quyết hoặc ghi nhận sẽ giải quyết. Công tác giải quyết kiến nghị cử tri về cơ bản đã đáp ứng được sự mong mỏi, quan tâm của cử tri" - báo cáo của Bộ trưởng Thăng nêu rõ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 (tháng 11/ 2014).
Về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn, những vấn đề cam kết giải quyết với Quốc hội, Bộ trưởng Thăng cho biết, đến nay một số việc đã hoàn thành theo đúng tiến độ như hoàn thành 2 hầm dân sinh tại Km 2 780 và Km 4 900 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào trước 30/3/2015; tái khởi động lại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 2/2015; tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án mở rộng QL1A vào cuối năm 2015, trong đó có một số đoạn đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ như đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Bình Thuận; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước 30/6/2015.
Báo cáo cụ thể về công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh kết quả đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình. Năm 2014, có 76 công trình, dự án được hoàn thành đưa vào khai thác, vượt 31% so với kế hoạch; 61 công trình, dự án đã được khởi công, triển khai thi công mới, vượt 74% so với kế hoạch.
Các ví dụ được dẫn dảy đặc như dự án cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường hành lang ven biển phía Nam... đã cán đích trước hạn. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Bến Lức - Long Thành, Pháp Vân - Cầu Giẽ... là những dự án khởi công trước hạn...
Thông tin cập nhật nhất, đến hết tháng 4 năm nay, 29 công trình, dự án hoàn thành đúng và vượt tiến độ đưa vào khai thác, trong đó có nhiều dự án quan trọng đã kịp thời hoàn thành phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Xuân Ất Mùi 2015. 23 công trình dự án khác cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức khởi công như dự án cầu Bạch Đằng, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận), mở rộng khu hàng không dân dụng của sân bay Phù Cát (Bình Định)...
Nói riêng về dự án đầu tư sân bay Long Thành, Bộ trưởng Thăng cho biết, sau kỳ họp cuối năm 2014, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến theo hướng huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng GTVT đã báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến về việc quyết định đầu tư giai đoạn 1 dự án. Hồ sơ dự án đã được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc trong tuần tới.
Về việc huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cầu, đường... Bộ trưởng cho biết, đến nay, đã huy động được khoảng 198.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư 71 dự án theo hình thức BOT. Trong đó, riêng năm 2014, huy động được 39.000 tỷ đồng/19 dự án còn 4 tháng đầu năm 2015 huy động được gần 20.000 tỷ đồng/6 dự án.
Báo cáo của Bộ trưởng GTVT cũng tập trung vào một nội dung thời sự mà vị tư lệnh ngành đã nhận nhiều chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội trong lần đăng đàn của ông Thăng tại kỳ họp gần đây nhất là vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thông tin từ báo cáo thể hiện, năm 2014, tỷ lệ xe quá tải đã giảm đáng kể, từ gần 50% trong những tháng đầu năm xuống còn khoảng 10% trong những tháng cuối năm.
Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 21/4/2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra gần 130.000 xe, xử lý 15.600 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 11,43%). Nhiều địa phương đã thực hiện rất quyết liệt và đạt kết quả rất tốt.
Dù vậy, tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn còn xảy ra; vẫn còn dư luận về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Mục tiêu được Bộ GTVT đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn phương tiện chở quá tải.
Về bài toán đầy thách thức - kiềm chế tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khái quát, liên tục từ năm 2011 (năm đầu nhiệm kỳ) đến nay, tai nạn đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Tuy nhiên, tình hình TNGT nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT tại địa bàn nông thôn có xu hướng tăng. 2014 là năm đầu tiên sau nhiều năm số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người.
Năm nay, chỉ tiêu tiếp tục kéo giảm 5-10% tai nạn mà Quốc hội đã giao trong nghị quyết về chất vấn sau kỳ họp thứ 8 sẽ là một thách thức lớn đối với Bộ Giao thông nói chung cũng như cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng.
P.Thảo
Theo Dantri
Rất may vì Chính phủ "sợ" Quốc hội (!?) Khẳng định vai trò giám sát của Quốc hội đối với hoạt động điều hành của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nhận xét: "Chính phủ rất "sợ" Quốc hội và điều đó là... rất may". Ngày 7/5, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tại Việt Nam...