Vì sao chồng vô sinh mà tôi lại có thai?
Nhìn ánh mắt nghi ngờ, lời nói cạnh khóe của chồng và sự dè bỉu của nhà chồng khi tôi có thai, tôi chỉ biết bất lực chịu đựng. Nhưng thực sự tôi không sao hiểu được, tôi không ngoại tình, chồng lại vô sinh, tại sao tôi lại có thai?
ảnh minh họa
Hỏi: Chào bác sĩ, tôi sinh năm 1979, chồng sinh năm 1963. Cả hai đều quá bận với công việc, anh ấy thì hầu như ngày nào cũng phải uống rượu tiếp khách. Tôi từ sớm đã rất mong có một đứa con vì mình cũng lớn tuổi rồi. Và tôi thật sự vui mừng khi phát hiện mình có thai được gần 4 tuần, nhưng khi cho chồng biết thì tin vui thì anh ấy sốc và đưa cho tôi xem kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ là không thể có con (số lượng tinh trùng tiến tới nhanh là 0%, tỷ lệ sống cũng chỉ có 58%). Tôi không biết chuyện này là như thế nào nữa và đang hết sức lo lắng vì chồng một mực không tin cái thai là của anh ấy. Liệu việc tôi có thai khi chồng vô sinh là có thể hay không và chất lượng thai có bị ảnh hưởng gì không?
Video đang HOT
Đáp: Chào chị,
Cách đây 5-6 năm, tôi có mổ cho một bệnh nhân. Sau mổ 4 tháng, anh đến khám bệnh, thông báo vợ có thai, nhưng anh không vui vì kết quả tinh dịch đồ của anh chỉ có 4% tinh trùng di động. Anh này không hiểu được vợ anh có con với ai vì tinh trùng của anh đâu có bình thường (trên phiếu tinh dịch ghi rõ trị số bình thường là độ di động nhanh phải trên 25%).
Vài năm trước, tôi gặp một trường hợp chồng đã triệt sản mà vợ lại mang bầu 4 tháng. Cô vợ rầu rĩ đến muốn tự tử. Khi thử tinh dịch thì phát hiện ra rằng, dù đã triệt sản nhưng anh chồng vẫn có vài con tinh trùng trong tinh dịch.
Nói như vậy để chị và hy vọng là người bạn đời của chị hiểu rằng: tinh trùng yếu không có nghĩa là không thể có thai. Chỉ khi nào trong tinh dịch không có tinh trùng thì mới không có con tự nhiên được thôi (tuy nhiên, nếu đi chữa trị để tinh dịch có tinh trùng trở lại thì vẫn có khả năng có con tự nhiên được).
Tinh trùng vẫn còn là một “ẩn số” đối với y học. Hiện nay, y học có thể đưa ra con số bình thường của chiều cao cơ thể, của lượng đường trong máu… nhưng vẫn chưa có một con số bình thường thuyết phục của tinh dịch. 30 năm trước, các bác sĩ cho rằng cần phải có trên 40 triệu tinh trùng/ml tinh dịch thì mới gọi là bình thường. Hơn 10 năm trước, con số “bình thường” này rút lại là 20 triệu con tinh trùng/ml tinh dịch. Và năm 2009 thì y học lại đưa ra con số “bình thường” thấp hơn, chỉ còn 15 triệu tinh trùng/ml tinh dịch thôi. Và biết đâu 10-20 năm nữa, con số “bình thường” sẽ còn thấp hơn nữa.
Một điều quan trọng là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi đưa ra các con số của tinh dịch đồ chỉ gọi đó là “chuẩn tham khảo” (reference values) chứ không hề gọi là trị số bình thường (normal values). Chữ “bình thường” được tránh dùng vì người ta e rằng nhiều người sẽ vin vào đó để tin là mình không thể có con, các bác sĩ ham lợi sẽ dựa vào đó để hù bệnh nhân: “Tinh dịch đồ của ông đâu có bình thường, không có con được đâu. Muốn có con thì cần phải điều trị: phải uống thuốc, hay phải mổ, hay phải thụ tinh…”. Dĩ nhiên, khi bệnh nhân đi điều trị thì bác sĩ sẽ là người hưởng lợi. Chuẩn tham khảo mà WHO đưa ra chỉ có ý nghĩa khuyến cáo: nếu tinh dịch đồ của bệnh nhân nằm dưới các con số tham khảo này thì khả năng sinh sản của bệnh nhân giảm, giảm chứ không có nghĩa là không thể; nếu không điều trị thì cơ hội có con của bệnh nhân thấp hoặc không xảy đến nếu có kèm theo các yếu tố khác như: “gần gũi” thưa, vợ lớn tuổi, vợ cũng có bệnh về sinh sản…. Chữ “trị số bình thường” in to chình ình trên các tờ xét nghiệm tinh dịch đã làm bao người lo lắng, kể cả những thanh niên trẻ chưa lập gia đình và cũng khiến một số ông chồng mất ngủ vì không tin vợ mình.
Gần đây có một dạng biến thái khác của tinh dịch đồ là con số hình dạng bình thường. Nghiên cứu năm 2009 cho thấy những ai có tỉ lệ hình dạng tinh trùng bình thường dưới 3% thì rất khó có thai tự nhiên. Và thế là nở rộ tình trạng các tinh dịch đồ, ngoài dòng chữ “trị số bình thường”, còn có thêm kết quả hình dạng bình thường chỉ có 1-2%, mặc dù mật độ và các chỉ số khác như độ di động, tỉ lệ sống đều cao. Thế là, các cặp vợ chồng lại được khuyên: “phải điều trị thôi, nếu không thì không có con tự nhiên được”.
Tôi vẫn thường lấy ví dụ về chuyện hùn hạp để có con. Muốn có một đứa bé cần có 10 đồng, trong đó 5 đồng (50% vốn) của chồng và 5 đồng (50% vốn) của vợ. Nếu chồng yếu vốn (tinh trùng) yếu, chỉ góp được 1 đồng thôi, mà gặp vợ khỏe, mạnh vốn, góp được 9 đồng thì hai vợ chồng vẫn đẻ con sòn sòn. Trường hợp chồng chị, dù tinh dịch của anh ấy yếu, độ di động là 0% (nhưng trong số hằng chục triệu, hàng trăm triệu con tinh trùng mỗi lần xuất tinh, vẫn có, dù rất ít, những con khỏe, bơi mạnh, di động nhanh) thì xem như anh ấy chỉ có 1 đồng, nếu gặp người phụ nữ chỉ có 5 đồng thì hai người không có con được (với điều kiện anh ấy không chữa trị). Nhưng nếu anh ấy gặp người phụ nữ mạnh, góp 9 đồng, hay một người phụ nữ chỉ có 7 đồng, nhưng một ngày đẹp trời, vốn tăng lên 9 đồng, thì hai người vẫn có con với nhau tự nhiên được.
Khẳng định quan hệ cha-con, mẹ-con về mặt sinh học thì chỉ có xét nghiệm DNA mới có giá trị. Nhưng xét nghiệm này thường chỉ cần tới khi có vấn đề pháp lý, còn trong đại đa số trường hợp khác, chỉ cần hiểu vấn đề, tin nhau là đủ kết luận rồi.
Hy vọng rằng câu trả lời của tôi sẽ giúp anh chị giải tỏa được vấn đề tế nhị giữa hai người. Sau cùng, về chất lượng của thai thì chị cần đến bác sĩ sản khoa khám thai, để được thử máu, siêu âm thai… đánh giá chính xác hơn.
TS. BS. Nguyễn Thành Như
Theo VNE