Vì sao cây xanh trên phố Hà Nội dễ “ngã gục” khi mưa giông?
Vừa qua, trong trận mưa giông đầu mùa mưa bão, hàng trăm cây xanh ở Hà Nội đã bị “hạ gục”, gây những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Vì sao cây xanh ở Hà Nội dễ bị “quật ngã” như vậy?
Hình ảnh hàng loạt cây xanh trên đường phố Hà Nội bị “ngã gục” sau mỗi trận mưa giông không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Trong khi đó, những cây xanh cùng chủng loại, kích thước ở khu vực ngoại thành hay ở các vùng nông thôn lại vẫn “kiên cường” trước mưa giông. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến cây xanh ở Hà Nội dễ dàng bị “quật ngã”?
Để tìm hiểu vấn đề này, sáng nay (11/6), PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Đặng Văn Hà – Giảng viên bộ môn Lâm học Đô thị, Khoa Lâm học (Trường Đại học Lâm Nghiệp – Hà Nội).
Hệ rễ bị xâm hại nghiêm trọng
Theo Tiến sĩ Hà, do Hà Nội có lịch sử phát triển lâu đời, nhiều cây xanh đã được trồng từ thời Pháp thuộc, có kích thước lớn (hay còn gọi là cây cổ thụ), số lượng lên đến hàng nghìn cây như xà cừ, sấu, sao đen,… Đó thực sự là tài sản của Thủ đô. Tuy nhiên, những cây này đang bị đe dọa nghiêm trọng do vấn đề phát triển đô thị, công tác quy hoạch không đồng bộ giữa các đơn vị.
“Nhiều cây có tuổi đời rất cao, sau này do đô thị phát triển sau, đường sá, nhà cửa bắt đầu xây dựng đào bới xuống lòng đất, khi vướng rễ cây họ cắt bỏ. Rồi “anh” điện, “anh” nước mỗi lần làm mới hoặc tu sửa lại đào đất và khi gặp rễ cây lại cắt bỏ tiếp. Dẫn đến hệ rễ các cây bị xâm hại nguyên trọng, các rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Do đó, rễ nó cứ ăn luẩn quẩn trong diện tích đó, giống như cây đang trồng ở trong một cái chậu. Lẽ ra mỗi lần quy hoạch cần có sự giám sát của đơn vị quản lý cây xanh, nhưng tôi thấy hầu như không có chuyện này…” – Tiến sĩ Hà phân tích.
Tiến sĩ Đặng Văn Hà trao đổi với PV Dân trí
Chính sự xâm hại nghiêm trọng đến hệ rễ của cây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cây bị đổ khi gặp thời tiết xấu. Tiến sĩ Hà cho biết, bộ rễ của cây giống như cái móng của một ngôi nhà, khi cái móng đó bị xâm hại thì ngôi nhà rất dễ bị đổ khi có ngoại lực tác động, dù là nhỏ.
Khi mưa giông, cây xanh đường phố trở thành “hung thần” đứng bên đường
Video đang HOT
Ngoài ra, sự xâm hại hệ rễ, sự của phát triển đô thị cũng ảnh hưởng đến quy luật phát triển của cây. Tiến sĩ Hà phân tích thêm: “Khi rễ cây bên này bị chặt, tán cây nó sẽ phát triển sang bên kia. Nhà cửa xây dựng lên, ảnh hưởng đến nguồn ánh sáng của cây, nó sẽ phải vươn ra khu vực có ánh sáng. Chính vì thế cây phát triển theo xu thế nghiêng ra đường. Mà cây nghiêng cũng dẫn đến dễ đổ khi gặp mưa giông”.
Kỹ thuật trồng cây chưa đúng quy chuẩn?
Tiến sĩ Đặng Văn Hà cho rằng hiện nay đa số cây xanh mới trồng ở Thủ đô đều trồng chưa đúng quy chuẩn, chính điều này dẫn đến nhiều cây con cũng bị đổ khi gặp mưa giông: “Tôi quan sát trên nhiều tuyến phố, hốc họ đào để trồng cây rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 80cm đến 1m. Trong khi đó tiêu chuẩn phải từ 1,2 – 1,5m. Vì đất ở vỉa hè các đô thị rất chặt khi mình đào hốc bé như vậy, rễ nó còn non chưa thể ăn sâu vào lòng đất ngay được, nên nó chỉ ăn quanh quẩn quanh cái hốc bé đó. Do đó, khi gặp mưa giông cũng rất dễ bị đổ. Hơn nữa, tôi quan sát thấy, họ cứ lát hết vỉa hè rồi để chừa ra 1 cái hố để trồng cây. Theo tôi, cần trồng cây trước khi lát vỉa hè, vì lúc trồng nếu cây to còn phải đào rộng thêm hố, còn khi vỉa hè đã lát rồi mới trồng cây rất dễ dẫn đến hiện tượng trồng ẩu, trồng cho xong” – Tiến sĩ Hà nói.
Theo Tiến sĩ Hà, khi lấy cây mới đã bị cắt ngọn và những cành chính, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tán sau này của cây, rất dễ dẫn đến cành cây bị “bẻ gãy” khi gặp mưa giông, vì cành mới mọc ra không có được kết cấu vững chắc với thân cây.
Về kỹ thuật cắt tỉa cành cây, Tiến sĩ Hà cho biết cần bôi phủ 1 lớp nhựa composite tại vị trí vết cắt để tránh nước mưa, nấm mốc xâm nhập vào thân cây, làm cây bị mục ruỗng dẫn đến đổ khi gặp thời tiết xấu.
Theo Tiến sĩ Hà, khi cắt tỉa cành cây phải phủ 1 lớp nhựa composite để tránh nước mưa, nấm mốc xâm nhập thân cây, gây mục ruỗng cây
Về lâu dài, theo Tiến sĩ Hà, cần tính toán khoa học ngay từ khâu lựa chọn cây gì trồng trên tuyến phố nào cho phù hợp, lên kế hoạch chăm sóc, duy trì cây một cách hợp lý, hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc như vừa qua.
Theo Dantri
Tượng Phật 'lạ' xuất hiện trong chùa rõ ràng là chuyện bất thường
"Nếu là do sự trụ trì đặt làm thì điều đó quá rõ ràng. Trong nhiều trường hợp là do phật tử mang đến. Các vị trụ trì cần nói KHÔNG với những cái không phù hợp".
Pho tượng Đức phật Dược Sư làm bằng nhựa composite xuất hiện tại chùa Bà Đá dịp đầu năm 2014.
Liên quan đến 'bức tượng lạ' mới xuất hiện tại chùa Bà Đá Hà Nội cùng những hiện tượng phản cảm ở các chùa chiền và lễ hội hiện nay, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thành, Tốt nghiệp thạc sỹ quản trị văn hóa tại đại học Paris Dauphine (Paris 9), Cộng Hòa Pháp.
Bày tiểu tượng phật bà cùng thuỷ thủ mặt trăng!?
- Nhiều người sốc khi thấy ở ngôi chùa nghìn tuổi ở Hà Nội khởi lập từ thời Lý Thánh Tông xuất hiện một bức tượng rất mới chình ình trên 1 ban mới lập. Không phải là người có kiến thức rộng về tượng Phật cũng dễ nhận thấy bức tượng này không hề thuần Việt. Đáng tiếc là chuyện tượng Phật copy tứ tung, tượng mới xuất hiện nhan nhản ở các đền chùa hiện nay và người ta coi đó là đẹp. Anh thấy chuyện này có bất thường không?
- Rõ ràng đây là chuyện bất thường nhưng đã xảy ra ở quá nhiều nơi, từ nhiều năm nay nên không còn gì lạ nữa. Tôi thậm chí đã thấy trên một hòn giả sơn ở một ngôi chùa đông đúc nội thành Hà Nội, người ta bày tiểu tượng phật bà cùng thuỷ thủ mặt trăng. Đây thực sự là một chuyện buồn. Đáng lẽ với biết bao năm tu tập, thậm chí nhiều vị sư còn có trình độ đại học phật giáo, họ đã có thể can thiệp để chuyện này không thể xảy ra.
- Không chỉ có tượng Phật, nhiều đền chùa hiện nay xuất hiện tràn ngập sư tử đá Trung Quốc, người ta thờ, cúng mà không biết mình đang thờ, cúng những thứ ngoại lai, đi ngược đạo Phật tương tự như chuyện nhét tiền vào tay tượng Phật tại các chùa vẫn xuất hiện tràn lan vào mùa lễ hội. Những hiện tượng như vậy có phải xuất phát từ việc thiếu hiểu biết, thiếu văn hóa mà ra?
Rõ ràng là sự phát triển của kinh tế, xã hội trong những thập kỷ qua không đồng nghĩa với việc nâng cao một cách tự nhiên hiểu biết của người dân, phật tử và của các nhà tu tập. Tôi nghĩ đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng chính thức trên những kênh truyền thông lớn: ở bên ngoài, có tác động đến đông đảo phật tử, ở bên trong, tác động đến các vị chức sắc tôn giáo. Một bộ quy tắc chuẩn về trang trí, bài trí trong các nơi thờ cúng là điều cần thiết. Một tấm bảng ghi nội quy hành xử của khách thập phương trước cửa mỗi nơi thờ tự cũng là điều cần thiết. Tóm lại là cần có những nỗ lực truyền thông cụ thể, thiết thực và càng sớm càng tốt.
- Lịch sử Phật giáo Việt Nam có đến hơn 2000 năm với vô vàn bức tượng Phật đẹp, trong khi đó người ta lại đang chấp nhận thờ cúng những bức tượng mới ngoại lai, theo anh lỗi có phải do sư trụ trì thiếu hiểu biết hay còn yếu tố nào khác?
Nếu là do sự trụ trì đặt làm thì điều đó quá rõ ràng. Trong nhiều trường hợp là do phật tử mang đến. Điều cần thiết là các vị trụ trì cần được cung cấp các kiến thức cần thiết để nói KHÔNG với những cái không phù hợp.
Tượng La Hán chùa Bái Đính phải ôm tiền lẻ
Có ba việc phải làm
- Mỗi năm cứ đến dịp lễ hội, chuyện văn hóa lễ hội lại được nhắc đến nhiều với những hiện tượng phản cảm tại nhiều đền chùa như nhét tiền vào miệng sư tử đá, vào tay tượng Phật để 'hối lộ' thánh thần hay đốt vàng mã tràn lan, thậm chí bán cả thịt thú rừng ở nhiều nơi tôn nghiêm. Điều này có phải tất yếu của sự xuống cấp văn hóa cũng như ý thức?
Truyền thông sẽ là giải pháp cho hiện tượng này. Người dân cần được nghe kiến thức chuẩn từ phía các chức sắc tôn giáo và các nhà nghiên cứu văn hoá.
Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều buổi nói chuyện, chương trình, phóng sự đề cập đến những kiến thức chuẩn kiểu này như Tết năm nay trên truyền hình.
Điều này cần được nhân rộng trên nhiều cơ quan thông tấn uy tín khác cũng như từ chính các nhà tu hành và cần được ghi trên các bảng nội quy ở cửa mỗi công trình tôn giáo có liên quan. Văn hoá và ý thức của đám đông cần được kích thích điều chỉnh thông qua con đường tuyên truyền/giáo dục thông qua những người có uy tín và người có khả năng định hướng đám đông.
- Điều đáng nói là mỗi kỳ lễ hội, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng rất nhiều về những hiện tượng phản cảm tại nhiều đền chùa nhưng không mấy hiệu quả. Thêm nữa vai trò của các cơ quan quản lý văn hóa, quản lý lễ hội cũng không mấy phát huy. Còn nhớ năm ngoái, trong cuộc họp tồng kết quý I, Bộ Văn hóa đưa ra một con số 'giật mình' là đã phạt 2 triệu đồng sau quá trình kiểm tra 46 lễ hội tại 17 tỉnh thành cả nước trong mùa lễ hội 2013. Anh nghĩ gì về điều này?
Tôi vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông để giải quyết vấn đề này. Một phóng sự nêu đích danh vài nơi có vi phạm, đặt câu hỏi về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan công quyền nơi ấy, chắc chắn năm sau vi phạm ở nơi đó sẽ ít đi, chính quyền nơi ấy chắc chắn sẽ nỗ lực hơn. Song song với đó là các biện pháp tuyên truyền/giáo dục về những quy tắc ứng xử nơi thờ cúng, chỉ vài năm, mọi việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Vấn đề là cần có văn bản, hướng dẫn cụ thể, có tính khả thi để các nơi chiểu theo thi hành. Cần có sự tham gia của các chuyên gia văn hoá, lịch sử, tôn giáo để đảm bảo văn bản được thấu đáo, tránh những cách hành xử phản cảm như đuổi ông đồ ở Văn Miếu Hà Nội tết Giáp Ngọ vừa qua.
Ths. Nguyễn Đình Thành
- Từng theo học ngành quản trị văn hóa, anh có đề xuất biện pháp gì để giảm thiểu những hiện tượng phản cảm trong các lễ hội cũng như đền chùa hiện nay?
Tôi cho rằng có ba việc phải làm: 1. Tuyên truyền/giáo dục về các chân giá trị, cái đúng và cái sai. Các vị chức sắc ở tầm cao nhất cũng như các chuyên gia văn hoá cần tham gia vào việc này. Nếu được, cần sự tham gia của những người nổi tiếng là phật tử để hướng cộng đồng theo định hướng này. 2. Làm các biển hướng dẫn quy tắc ứng xử tại các nơi thờ cúng, địa điểm tâm linh. 3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lập bộ quy tắc, hướng dẫn cách bài trí/trang trí dành cho các chức sắc tôn giáo để chuẩn hoá việc này.
Theo Xahoi