Vì sao các ngân hàng không còn ‘mặn mà’ với vàng miếng?
So với giai đoạn 2012-2013, hiện tại số ngân hàng còn kinh doanh vàng miếng đã giảm đáng kể. Một số nhà băng còn duy trì hoạt động này cũng không ghi nhận hiệu quả lợi nhuận.
Sau giai đoạn cắt giảm liên tiếp các địa điểm kinh doanh vàng miếng vì không hiệu quả, năm 2018 chính thức đánh dấu việc BIDV không còn ghi nhận doanh thu từ kim loại quý này.
Không chỉ BIDV, nhiều ngân hàng khác cũng đang dần phải từ bỏ, hoặc cắt giảm mảng kinh doanh này.
Hết thời ngân hàng kinh doanh vàng miếng
BIDV từng là một trong những ngân hàng thương mại lớn được cấp phép và bắt đầu kinh doanh vàng miếng từ năm 2013.
Tuy nhiên, khi lợi nhuận từ lĩnh vực này chưa đạt 1 tỷ đồng/năm, mảng kinh doanh vàng miếng của BIDV dần đối mặt với thua lỗ và liên tục phải thu hẹp hoạt động. Đại diện ngân hàng này từng cho biết việc cắt giảm địa điểm kinh doanh vàng miếng nhằm cân đối lại hoạt động kinh doanh.
Quý I năm nay, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của BIDV đạt tới 322 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Nhưng giống năm 2018, phần lớn trong số này không đến từ vàng mà là mảng kinh doanh ngoại tệ giao ngay.
Rất ít ngân hàng hiện nay còn “mặn mà” kinh doanh vàng miếng. Ảnh: Anh Tuấn.
Cũng nằm trong danh sách ngân hàng được phép kinh doanh vàng vào năm 2013, nhưng Techcombank đã sớm phải từ bỏ chỉ một năm sau đó vì không đạt hiệu quả.
Thống kê trong hệ thống ngân hàng hiện nay, chỉ còn khoảng 15 nhà băng duy trì hoạt động kinh doanh vàng miếng. Trong đó, hầu hết đều không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nhiều năm liên tiếp.
Trước năm 2017, Agribank là ngân hàng có thu nhập từ vàng miếng lớn nhất hệ thống, đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Nhưng đến năm 2018 vừa qua, lần đầu tiên nhà băng này phải cắt giảm mạnh mảng kinh doanh vàng. Thu nhập từ vàng miếng của Agribank lao dốc xuống chỉ đạt 500 triệu đồng, với lãi thuần chỉ hơn 400 triệu.
Con số này rất nhỏ so với chính thu nhập từ vàng của Agribank năm liền trước đó (2017) đạt gần 938 tỷ đồng.
Số ít ngân hàng còn “mặn mà” với vàng
Không chỉ Agribank, những ngân hàng từng rất kỳ vọng khi tham gia thị trường vàng miếng như ACB, MSB, HDBank, VPBank… cũng đang dần hạ thấp tỷ trọng hoạt động này.
Trong hệ thống, 3 ngân hàng còn tập trung kinh doanh vàng miếng là Vietinbank, Sacombank và Eximbank. Đây cũng là 3 nhà băng có doanh số mua, bán vàng miếng lớn nhất hệ thống hiện nay.
Video đang HOT
Trong năm gần nhất, Vietinbank đạt 458 tỷ đồng thu nhập từ vàng miếng, đây là số cao nhất trong hệ thống ngân hàng (năm 2018). Tuy nhiên, chi phí lớn khiến hiệu quả kinh doanh vàng tại đây chỉ đạt 1,8 tỷ đồng lãi thuần, tương đương tỷ suất lợi nhuận chỉ chưa tới 1%. Thậm chí, những năm trước đó kết quả này còn ghi nhận con số âm.
Trong quý I, Vietinbank ghi nhận 414 tỷ lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (gồm cả vàng), tăng 77% cùng kỳ. Nhưng phần lớn số lãi này lại không đến từ vàng mà đến từ bán ngoại tệ.
Tại Eximbank, ngân hàng này ghi nhận 79 tỷ đồng thu nhập từ vàng miếng năm 2018, giảm 23% so với năm trước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh vàng miếng tại đây hiệu quả hơn so với Vietinbank khi nhiều năm liền ghi nhận lợi nhuận dương. Cũng trong năm 2018, Eximbank thu về gần 17 tỷ đồng lãi thuần từ vàng miếng, con số không quá lớn nhưng khiến nhiều ngân hàng phải “thèm khát”.
Tuy nhiên, giống các ngân hàng khác, hoạt động kinh doanh vàng tại Eximbank cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Sau đà giảm hơn 20% vào giai đoạn 2017-2018, quý I năm nay, mảng kinh doanh ngoại hối (gồm cả vàng) của Eximbank đã giảm gần 2,5 lần, chỉ đạt 23 tỷ đồng lãi thuần.
Ngân hàng còn lại là Sacombank, năm 2018 ghi nhận 24 tỷ lãi thuần từ hoạt động này, con số tương đương những năm trước đó. Tuy nhiên, nếu xét về số thu nhập từ vàng miếng thì mảng kinh doanh này đã sụt giảm hơn 13% năm vừa qua.
Vì sao ngân hàng không còn “mặn mà” vàng miếng?
Từng được nhiều ngân hàng kỳ vọng khi tham gia kinh doanh vàng miếng năm 2013, nhưng cũng chính thời điểm đó chấm dứt tình trạng “sốt nóng” của thị trường vàng trong nước.
Trong giai đoạn 7 năm (2006-2012), giá vàng miếng trong nước đã tăng gần 4 lần từ 12,3 triệu/lượng lên hơn 46 triệu/lượng. Từ năm 2013 đến nay, giá vàng miếng chỉ đi ngang quanh ngưỡng 35-37 triệu/lượng.
Việc vàng miếng qua thời “sốt nóng” khiến không chỉ các ngân hàng mà chính những công ty kinh doanh vàng miếng lớn như SJC hay DOJI cũng rơi vào tình trạng lợi nhuận không hiệu quả.
Dù ghi nhận doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ mỗi năm, nhưng lợi nhuận mà SJC và DOJI thu về chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, với tỷ suất lợi nhuận chỉ 1-3%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng trên toàn hệ thống. Hiện nay, các ngân hàng chỉ được áp dụng cơ chế giữ hộ hoặc cho thuê két sắt với vàng khiến tổng lượng vàng gửi tại ngân hàng giảm mạnh.
Theo số liệu từ cơ quan này, tổng lượng vàng từng gửi tại ngân hàng năm 2012 vào khoảng 160 tấn, nhưng đến đầu năm 2018, số này chỉ còn lại gần 3 tấn gửi dưới dạng giữ hộ.
Rõ ràng không chỉ ngân hàng mà với người dân, vàng đã không còn là tài sản đầu tư giá trị như giai đoạn trước năm 2013.
Theo news.zing.vn
Cùng đi buôn vàng, vì đâu Doji với doanh thu gần 3 tỷ USD nhưng lãi chưa bằng 1/10 PNJ?
Dù doanh thu kém xa, nhưng trong năm 2018 PNJ ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 960 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận Doji (mẹ) chỉ là 80 tỷ đồng và SJC là 28 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam tiêu thụ hơn 50 tấn vàng trong năm 2018 và nằm trong số những quốc gia tiêu thụ vàng trên đầu người lớn trên thế giới.
Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh khi 70% thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn với hệ thống cửa hàng trải khắp cả nước như PNJ, Doji, SJC hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần.
Những năm qua, thị trường vàng Việt Nam tăng trưởng khá mạnh, đặc biệt phân khúc trang sức với khoảng 17 tấn tiêu thụ trong năm 2018. Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội đó, ngay cả những ông lớn như SJC, Doji.
Doanh thu PNJ kém xa Doji, SJC
PNJ lãi gấp gần 9 lần Doji và SJC cộng lại, dù doanh thu kém xa
Theo báo cáo tài chính năm 2018, SJC ghi nhận doanh thu 20.871 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước và chấm dứt chuỗi 3 năm tăng trưởng liên tiếp. Với doanh thu giảm sút, không bất ngờ khi lợi nhuận SJC trong năm qua giảm 65% xuống còn 28 tỷ đồng.
Có kết quả tích cực hơn, trong năm 2018, Doji (công ty mẹ, chưa bao gồm các công ty thành viên) ghi nhận doanh thu 63.126 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước. Lợi nhuận ròng năm 2018 của Doji cũng ghi nhận những con số tích cực với mức tăng trưởng 2,2 lần lên 80 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, doanh thu PNJ năm 2018 tăng trưởng 33%, đạt 14.573 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm 2018 của PNJ cũng ghi nhận con số kỷ lục với 960 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước.
Nhưng lợi nhuận PNJ vượt trội so với đối thủ
Có thể thấy, mặc dù cùng kinh doanh vàng, doanh thu PNJ kém xa Doji và SJC, nhưng lợi nhuận lại gấp gần 9 lần hai doanh nghiệp này cộng lại. Điều gì dẫn đến sự chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận của các "đại gia" ngành vàng Việt Nam như vậy?
Sự khác biệt lớn từ cơ cấu sản phẩm
Trong lĩnh vực kinh doanh vàng, có 2 phân khúc lớn là vàng miếng và vàng trang sức. Mặc dù ngành kinh doanh vàng miếng có doanh thu rất lớn, tuy vậy lợi nhuận tạo ra là không đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận gộp của vàng miếng thường chỉ trong khoảng 0,1% - 0,5%. Với tỷ suất lợi nhuận 0,1% tương đương với việc bán ra 1 lượng vàng 35 triệu đồng, các doanh nghiệp chỉ có lãi khoảng 35.000 đồng. Để có được 1 tỷ đồng lãi thì doanh số phải đạt 2.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang dần dịch chuyển cơ cấu sang mảng vàng trang sức, kim cương, đây là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với vàng miếng.
PNJ là trường hợp tiêu biểu cải thiện kết quả kinh doanh nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Giai đoạn 2010 - 2011, vàng miếng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu PNJ (khoảng 80%) khiến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp chỉ đạt quanh ngưỡng 4%. Tuy nhiên, nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm sang vàng trang sức, biên lợi nhuận gộp của PNJ đã liên tục cải thiện và đến năm 2017 đã lên đến 17,4%. Trong năm 2018, biên lợi nhuận gộp PNJ tiếp tục được cải thiện lên trên 19%.
Trong khi đó, tốc độ dịch chuyển sang mảng trang sức của SJC và Doji có phần chậm chạp hơn PNJ và vàng miếng, vàng 24k vẫn đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu của các doanh nghiệp này. Do đó, biên biên lợi nhuận gộp của Doji và SJC vẫn khá thấp, duy trì dưới mức 1% trong nhiều năm qua.
Với biên lợi nhuận mỏng như vậy, không bất ngờ khi lợi nhuận ròng của SJC và Doji trong nhiều năm qua là khá thấp, chỉ vài chục tỷ đồng, bất chấp doanh thu lên tới "tỷ đô". Ngược lại, doanh thu PNJ dù chỉ bằng một phần nhỏ của Doji, SJC, nhưng lợi nhuận lại vượt xa đối thủ.
Cơ cấu sản phẩm khác biệt giúp biên lãi gộp PNJ vượt trội
Theo đánh giá của các CTCK, PNJ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới nhờ (1) Nhu cầu đối với trang sức có thương hiệu ngày càng gia tăng; (2) PNJ không có đối thủ lớn trong mảng bán lẻ trang sức có thương hiệu tại Việt Nam, (3) PNJ có thể mở rộng nhanh chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, (4) Các khoản đầu tư vào hệ thống quản lý ERP, phát triển dữ liệu lớn (big data) và bán hàng đa kênh (omni-channel) sẽ giúp cải thiện hiệu quả vận hành và (5) PNJ đang mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực giàu tiềm năng khác như đồng hồ.
Trên TTCK, cổ phiếu PNJ kết thúc phiên giao dịch 20/5 với mức giá 108.000 đồng/cp, cao nhất từ đầu năm tới nay. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường PNJ tương ứng hơn 18.000 tỷ đồng.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Ngân hàng lãi đậm, liệu có bền vững? Tiếp nối xu hướng của năm 2017 và 2018, nhiều ngân hàng tiếp tục báo lãi đậm trong quý 1 vừa qua, bất chấp nền kinh tế đang bắt đầu đối mặt với một số thách thức và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều ngành khác suy yếu. Liệu các con số lợi nhuận khủng của ngân hàng có...